Phân tích khổ thơ sau đây trong bài thơ “Tràng giang” của Huy Cận: Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu, Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều. Nắng xuống, trời lên sâu chót vót; Sông dài, trời rộng, bên cô liêu.
Phân tích khổ thơ sau đây trong bài thơ "Tràng giang" của Huy Cận: Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu, Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều. Nắng xuống, trời lên sâu chót vót; Sông dài, trời rộng, bên cô liêu. ...
Phân tích khổ thơ sau đây trong bài thơ "Tràng giang" của Huy Cận:
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bên cô liêu.
I. MỞ BÀI
Tràng giangđược in trong tập Lửa thiêng (1940) là bài thơ thuộc loại nổi tiếng nhất của Huy Cận đồng thời cũng là kiệt tác của thơ Việt Nam hiện đại. Trong bài thơ, tác giả đã thể hiện tâm trạng cô đơn của mình trước cuộc đời, trước vũ trụ bằng bút pháp nghệ thuật vừa cổ điển vừa hiện đại. Khổ thơ bình giảng là khổ thơ thứ hai của bài thơ.
So với các khổ thơ khác, ở đây, nỗi buồn có những sắc điệu riêng và đối tượng miêu tả cụ thể cũng có những nét khác biệt:
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiểu.
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.
II. THÂN BÀI
1. Hai câu đầu
— Hai câu thơ chứa đựng những nét chấm phá về các bãi cồn trên dòng sông. Không gian hầu như vắng lặng, cảnh vật nhuốm vẻ đìu hiu, tàn tạ, thể hiện tâm trạng của nhân vật trữ tình: buồn sầu, cô đơn, khát khao được nghe những tiếng vọng thân thiết của cuộc đời.
– Các từ láy lơ thơ và đìu hiu được dùng rất đắt, vừa có giá trị tạo hình, vừa giàu khả năng biểu đạt tâm trạng. Riêng từ đìu hiu gợi nhớ đến một câu thơ trong Chinh phụ ngâm (Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò). Trong câu thơ thứ hai, sự xuất hiện của tiếng làng xa vãn chợ chiều chỉ làm cảnh buồn hơn, bởi đây là "âm thanh" vọng lên từ tâm tưởng, từ niềm khao khát của nhà thơ.
2. Hai câu sau
— Hai câu thơ mở rộng không gian miêu tả ra nhiều chiều với hình ảnh của nắng xuống, trời lên, sông dài, bến vắng. Theo hướng mở rộng đó của không gian, nỗi sầu của nhân vật trữ tình như cũng được tỏa lan ra đến vô cùng…
– Hình thức đối của cổ thi được sử dụng khá linh hoạt trong hai câu thơ, tạo nên sự hài hòa về hình ảnh và nhịp điệu. Cùng với việc vẽ ra những chuyển động ngược hướng (nắng xuống, trời lên) ở câu ba, tác giả đãdùng dấu phẩy ngắt câu thơ thứ tư thành ba phần, biểu thị ba hình ảnh độc lập: sông dài, trời rộng, bến cô liêu. Nhờ lối diễn tả này, tính chất phân li của cuộc đời được tô đậm thêm. Cách kết hợp từ trong câu ba cũng thật độc đáo. Khi viết sâu chót vót, tác giả không chỉ muốn diễn tả độ cao của bầu trời mà còn muốn biểu hiện cảm giác chới với, rợn ngợp của con người khi đối diện với cái hun hút, thăm thẳm của vũ trụ (rất có thể từ sâu chợt đến trong liên tưởng thơ của tác giả khi ông nhìn thấy ánh phản chiếu vời vợi của bầu trời xuống mặt nước).
III. KẾT BÀI
Tóm lại, không âm thanh của cuộc sống, không sự vật của con người, không biểu tượng của gia đình, quê hương… không có gì cả! Một thi nhân mất nước chưa tìm được hướng đi cho mình, lại mẫn cảm trước thiên nhiên và cuộc đời, làm sao lại không có nỗi buồn như thế được? Người đọc ngày hôm nay hiểu nỗi lòng Huy Cận, trân trọng "nỗi buồn thế hệ” của ông, vì đằng sau nỗi buồn ấy là một tâm sự yêu nước thầm kín, một tâm tình người yêu quê, nhớ nhà thăm thẳm.