Theo anh (chị), làm thế nào để tạo ra một môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp?
– Dàn ý 1. Mở bài . Giới thiệu: hãy vì một mái trường xanh, sạch, đẹp. 2. Thân bài a. Định nghĩa về môi trường xanh sạch đẹp? – Môi trường là gì? – Thế nào là một mái trường xanh, sạch, ...
– Dàn ý
1. Mở bài
. Giới thiệu: hãy vì một mái trường xanh, sạch, đẹp.
2. Thân bài
a. Định nghĩa về môi trường xanh sạch đẹp?
– Môi trường là gì?
– Thế nào là một mái trường xanh, sạch, đẹp?
b. Vì sao chúng ta phải tạo một mái trường xanh, sạch, đẹp?
– Trường là nơi giáo dục …
– Môi trường đang kêu cứu.
. Phê phán những học sinh kém ý thức bảo vệ môi trường học đường …
c. Học sinh chúng ta sẽ làm gì để tạo nên một mái trường xanh, sạch, đẹp?
3. Kết bài
– Đánh giá chung: mái trường xanh, sạch, đẹp.
– Bài làm 1
“Mùa xuân là Tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”.
Bác Hồ đã viết hai câu thơ này trong bài “Năm mới hãy nhiệt liệt tổ chức Tết trồng cây” vào năm 1965. Điều này chứng tỏ dù Bác phải lo trăm công nghìn việc nhưng Người vẫn quan tâm đến môi trường. Vì thế, học sinh chúng ta phải làm thế nào để môi trường sống ngày càng xanh, sạch, đẹp?
Thế nào là môi trường? Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất nhân tạo, có quan hệ mật thiết với nhau bao quanh con người, có ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và thiên nhiên. Như vậy, với con người, môi trường sống không chỉ là nơi để con người tồn tại, sinh trưởng và phát triển mà còn là “khung cảnh của cuộc sống, của lao động và sự vui chơi giải trí của con người”. Thế nào là xanh, sạch, đẹp? “Xanh” ở đây là màu xanh tươi mát của những hàng cây được trồng trong khuôn viên trường. Chính những hàng cây ấy là nơi đã tạo nên bóng mát cho mỗi người học sinh chúng ta được vui chơi và học tập cùng bạn bè. “Sạch” nghĩa là một môi trường trong lành không có sự xuất hiện của rác bẩn hay bị ô nhiễm do những tác động xung quanh. “Đẹp” chính là vẻ đẹp hình thức của cả bên ngoài và bên trong. “Xanh – sạch – đẹp” là ba yếu tố đi cùng nhau và hỗ trợ cho nhau giúp môi trường học đường của chúng ta trở thành một môi trường thân thiện để học tập và vui chơi.
“Không có hành khách nào trên con tàu vũ trụ mang tên Trái Đất. Tất cả chúng ta đều ở trong phi hành đoàn”.
Vì sao chúng ta phải tạo ra một mái trường xanh, sạch, đẹp?
vì trường học là nơi giáo dục, dạy bảo học sinh ngoài việc có kiến thức chuyên môn còn phải có những đức tính tốt, những phẩm chất cao quý mà một trong số đó chính là tinh thần yêu mến thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Việc giữ gìn môi trường “xanh – sạch – đẹp” trong môi trường học đường hiện nay là hết sức cần thiết. Mọi người nên rèn luyện một ý thức giữ gìn nơi mình đang học tập sao cho thật xanh, sạch và đẹp. Chính việc làm này sẽ giúp mỗi người tự hình thành cho bản thân một nhân cách tốt. Hiện nay, môi trường sống của chúng ta đang “kêu cứu” trước những hoạt động thái quá, nhận thức hạn hẹp, nông cạn của con người. Ngay từ năm 1972, một Hội nghị quốc tế về môi trường được tổ chức tại Stockholm (Thụy Điển) đã ra lời kêu gọi: “Hỡi con người! Hãy cứu lấy trái đất – cái nôi của chúng ta”.
“Tôi sẽ cảm thấy lạc quan hơn về tương lại của con người nếu chúng ta ít dành thời gian hơn cho việc chứng tỏ mình có thể đánh lừa tự nhiên, thay vào đó là tận hưởng những gì bà mẹ thiên nhiên ban tặng và ngưỡng mộ sự vĩ đại của Người”.
(Elwynbrooks Whyte)
Chúng ta cần phê phán hai loại người: đầu tiên là những học sinh ý thức còn kém hay còn quá vô ý thức trước việc giữ gìn môi trường học đường “xanh – sạch – đẹp”. Tiếp theo là những học sinh ích kỉ khi nghĩ môi tường học đường là của chúng, mình chỉ cần giữ nơi mình đang sống sạch đẹp là được. Đó là ý nghĩ hết sức sai lầm, thể hiện sự hạn hẹp trong suy nghĩ. Những học sinh phá hoại cây cối, vật dụng của nhà trường cũng là một hiện tượng rất đang chê trách. Vào những lớp học của các trường cấp hai, cấp ba hiện nay rất khó để ta thấy được những chiếc bàn sạch đẹp mà thay vào đó là những hình vẽ nguệch ngoạc và lấm lem cùng những dòng chữ được tô nhiều màu sắc.
“Trái đất có thể đáp ứng mọi nhu cầu của con người nhưng không thể đáp ứng được lòng tham của mỗi người”.
(Mahatma Gandhi)
Học sinh chúng ta sẽ làm gì để tạo nên một mái trường xanh, sạch đẹp?
Muốn cho mái trường “xanh”, học sinh phải trồng và bảo vệ cây cối vì cây cối chính là một cái máy lọc không khí khổng lồ. Cây cối hút khí cacbonic và thải ra khí oxy rất cần thiết cho quá trình hô hấp của con người. Ngoài ra, cây cối còn là một tài nguyên vô cùng quý báu cung cấp nguyên liệu cho nhân loại tồn tại từ ngàn xưa đến nay. Cây bút chì chúng ta sử dụng hằng ngày, đôi đũa, cái bàn, cái ghế,… Tất cả đều được làm từ gỗ, từ cây cối. Cây cối tô điểm, làm cho mái trường thêm “đẹp”. Trong Di chúc, Bác Hồ cũng không quên nhắc nhở nhân dân ta phải tiếp tục trồng cây:
“Nếu có kế hoạch trồng cây trên đồi, ai đến thăm thì trồng một cây làm kỉ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho công nghiệp”
Muốn cho mái trường “sạch”, nghĩa là một môi trường trong lành, không có sự xuất hiện của rác bẩn hay bị ô nhiễm do những tác động xung quanh, học sinh phải làm theo Năm điều Bác Hồ dạy: “Giữ gìn vệ sinh thật tốt” bằng việc không xả rác bừa bãi mà bỏ đúng vào thùng rác, lau chùi bảng, bàn ghế, sàn nhà cho sạch sẽ… Trong trường, học sinh các cấp phải được giáo dục về ý thức bảo vệ môi trường thông qua các hình thức như tham dự các kì thi tìm hiểu môi trường, tham gia đội tình nguyện bảo vệ môi trường… để có được những hiểu biết cơ bản, từ đó tự giác góp phần tạo ra môi trường sống xanh – sạch – đẹp.
Chúng ta đã rất may mắn khi được mẹ thiên nhiên ban tặng cho những điều tuyệt vời nhất: đó là những cảnh đẹp thiên nhiên, những ngọn đồi thông xanh mướt, những dòng sông êm đềm. Nếu không biết trân trọng, giữ gìn những ưu ái đó thì chúng ta sẽ mất tất cả. Trường, lớp cũng như mái nhà thứ hai của mỗi người học sinh thời cắp sách tới trường. Vậy bạn, tôi và chúng ta hãy cùng chung tay giữ gìn chính môi trường mà chúng ta đang học tập được “xanh – sạch – đẹp”.
“Chúng ta xử tệ với Trái Đất bởi chúng ta coi nó là một tài sản thuộc về mình. Khi nào chúng ta coi mình thuộc về Trái Đất, chúng ta có thể sẽ bắt đầu cư xử lại với tình yêu và sự kính trọng”.
(Aldo Leopold)
– Bài làm 2
Hiện nay, vấn đề môi trường sống đang thu hút sự quan tâm của toàn nhân loại. Trái đất là ngôi nhà chung của chúng ta đang bị ô nhiễm trầm trọng vì những hoạt động khai thác, sản xuất với quy mô lớn của thời kì hiện đại hóa, công nghiệp hóa, thời kì của xã hội tiêu thụ và dân số tăng nhanh vượt khỏi tầm kiểm soát, ô nhiễm môi trường và những tác hại của nó đối với cuộc sống con người ngày càng nặng nề hơn. Do đó việc bảo vệ môi trường xanh – sạch – đẹp là nhiệm vụ của tất cả mọi người trên thế giới.
Ai cũng biết rằng môi trường có một ý nghĩa to lớn và vô cùng quan trọng đối với con người. Con người không thể tồn tại khi tách rời môi trường. Tất cả những gì con người có được đều lấy từ môi trường: không khí để thở, thức ăn, nước uống, đất đai canh tác, đất đai để xây dựng nhà ở, nhà máy, công xưởng, bệnh viện, trường học… và nguyên vật liệu để sản xuất ra các phương tiện làm việc, học tập. Từ những điều tưởng như bình thường, nhỏ nhặt nhất cho đến những của cải quý giá nhất, tất cả đều do thiên nhiên ban tặng cho chúng ta. Ngay cả những sản phẩm mà chúng ta gọi là “nhân tạo”, thực chất cũng có nguồn gốc từ thiên nhiên. Môi trường là điều kiện sinh tồn và phát triển của xã hội loài người. Con người là một phần trong quần thể sinh vật của thế giới tự nhiên.
Môi trường quen thuộc và gần gũi với chúng ta như những người bạn thân thiết trong cuộc đời. Thế nhưng vì lợi ích trước mắt, con người đã đối xử tàn tệ với môi trường, thậm chí cố tình hủy hoại môi trường mà không biết rằng làm như vậy là tự hủy hoại cuộc sống của chính mình.
Tình trạng ô nhiễm môi trường đang xảy ra trên đất nước Việt Nam và ở khắp nơi trên thế giới. Môi trường ngày càng xấu đi: đất đai bị ô nhiễm trở thành đất chết; nước ở các dòng sông bị nhiễm độc trở thành nguồn phát sinh bệnh tật; núi rừng bị tàn phá trơ trụi, hiện tượng bão lũ xảy ra bất thường, không khí đầy chất độc và nhiệt độ Trái đất đang nóng dần lên.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường. Trước tiên, do trình độ hiểu biết của con người còn thấp.Vì ích kỉ tư lợi dẫn đến không có ý thức bảo vệ môi trường, thậm chí cố tình hủy hoại môi trường. Tiếp đến là sự khai thác thiên nhiên quá mức, lối sống tiêu thụ thiếu trách nhiệm với môi trường và cộng đồng, xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa thiếu đồng bộ. Chẳng hạn như việc xây dựng nhà máy mà không xây dựng khu xử lí chất thải, khí thải; thiếu quan tâm đến sự cân bằng, thân thiện với môi trường để đảm bảo sự phát triển lâu dài, bền vững…
Các hành động gây ô nhiễm môi trường là muôn hình muôn vẻ và nhiều mức độ, từ nhẹ đến nặng, thậm chí nghiêm trọng, ở nước ta, nạn chặt phá rừng vô tội vạ do thói quen đốt rừng làm nương, mở rộng đất canh tác có từ lâu đời của đồng bào miền núi. Quyền lợi của cá nhân hoặc lợi nhuận của những doanh nghiệp khai thác lâm sản là rất lớn dẫn đến hiện tượng phá rừng, lở núi, lũ quét, lũ lụt… gây hậu quả thảm khốc.
Ở nông thôn, hiện nay nông dân sử dụng hóa chất rất tùy tiện. Hóa chất độc hại ngấm vào lòng đất làm ô nhiễm nguồn nước. Ngư dân nhiều nơi đánh bắt thủy hải sản bằng thuốc nổ, bằng lưới vét làm cạn kiệt nguồn lợi lâu dài. Ở các thành phố lớn, ô tô, xe máy xả khói bụi, gây tiếng ồn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dân.