Thế nào là tiết kiệm? Tiết kiệm có ý nghĩa gì?
Hướng dẫn Thực hành tiết kiệm, chống tham ô lãng phí 1) Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, không phải là "xem đồng tiền bằng cái trống", gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu; tiết kiệm không phải là ép bộ đội, cán bộ và nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc. Trái ...
Hướng dẫn
Thực hành tiết kiệm, chống tham ô lãng phí
1) Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, không phải là "xem đồng tiền bằng cái trống", gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu; tiết kiệm không phải là ép bộ đội, cán bộ và nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc. Trái lại, tiết kiệm cốt để giữ vào việc tăng gia sản xuất, mà tăng gia sản xuất là để nâng cao mức sống của bộ đội, cán bộ và nhân dân. Nói theo khoa học thì tiết kiệm là tích cực chứ không phải là tiêu cực.
2) Trong 80 năm nước ta bị đế quốc Pháp rồi đến đế quốc Nhật vơ vét hết, vì vậy mà kinh tế của nước ta nghèo nàn, lạc hậu. Nay chúng ta cần phải có một nền kinh tế khá để kháng chiến và kiến quốc. Muốn xây dựng nền kinh tế thì phải có tiền của để làm vốn. Muốn có vốn thì các nước tư bản dùng ba cách: vay mượn nước ngoài, ăn cướp của các thuộc địa, bóc lột nông dân, công nhân. Những cách đó chúng ta đều không thể làm được.
Chúng ta chỉ có cách là, một mặt tăng gia sản xuất, một mặt tiết kiệm để tích trữ thêm vốn cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế của ta.
3) Chúng ta phải tiết kiệm thì giờ. Thí dụ việc gì trước kia làm 2 ngày, nay vì tổ chức sắp xếp khéo, năng suất cao, ta có thể làm trong một ngày là xong.
Chúng ta phải tiết kiệm sức lao động. Thí dụ: việc gì trước kia phải dùng 10 người, nay ta phải tổ chức sắp xếp cho khéo, phải nâng cao năng suất của mọi người, nhờ vậy chỉ dùng 5 người cũng làm được.
Chúng ta phải tiết kiệm tiền của. Việc gì trước kia phải dùng nhiều người, nhiều thì giờ, phải tốn 2 vạn đồng. Nay vì tiết kiệm được sức người và thời giờ, nguyên liệu cho nên chỉ tốn một vạn đồng là đủ.
Nói tóm lại: Chúng ta phải tìm cách sắp xếp tổ chức cho hợp để một người có thể làm việc như hai người, một ngày có thể làm việc của hai ngày, một đồng có thể dùng bằng hai đồng.
4) Tất cả mọi người đều phải tiết kiệm. Trước nhất là các cơ quan, các đơn vị bộ đội, các xí nghiệp. Có người nói: bộ đội chỉ lo thi đua đánh giặc, lập công, bộ đội không phải là cơ quan sản xuất thì tiết kiệm thế nào?
Trong quân đội có Quân nhu, Quân giới, Vận tải… là những cơ quan cần phải tiết kiệm. Thí dụ: trước kia đổ đồng mỗi chiến sĩ bắn 60 viên đạn mới hạ được một tên địch, nay vì luyện tập siêng năng, bắn khá, tính đổ đồng mỗi chiến sĩ chỉ bắn 10 viên đạn thì hạ một tên địch. Thế là chiến sĩ tiết kiệm được 80% đạn, do đó mà quân đội tiết kiệm được nguyên liệu và nhân công đúc đạn để chế tạo những vũ khí khác. Trước kia Cục vận tải phải chở 100 xe đạn, nay chỉ cần chở 20 xe, tiết kiệm được xe cộ và dầu mỡ, xe chạy ít thì đường sẽ phải chữa ít. Thế là tiết kiệm được dân công…
Trong các chiến dịch thu được nhiều chiến lợi phẩm (thuốc đạn, lương thực, súng ống), bộ đội biết quý trọng nó, tiết kiệm nó để dùng nó mà đánh lại giặc như thế cũng là tăng gia sản xuất.
Có người nói: các cơ quan, thí dụ cơ quan tư pháp, ngoài việc tăng gia để tự túc thì có gì mà tiết kiệm?
Cơ quan nào cũng cần và cũng có thể tiết kiệm được. Một thí dụ: Cơ quan nào cũng dùng phong bì, nếu mỗi cơ quan đều tiết kiệm, chiếc phong bì dùng hai, ba lần thì mỗi năm Chính phủ có thể tiết kiệm được hàng chục tấn giấy. Nếu cán bộ tư pháp nâng cao năng suất làm việc mau chóng thì sẽ giúp cho những đồng bào có việc đến tư pháp tiết kiệm được ngày giờ để tăng gia sản xuất…
Hồ Chí Minh.
(Trích bài Thực hành tiết kiệm và chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu – 1962).
Thu Trang