Đoàn kết, thương yêu nhau vốn là một truyền thống quý báu của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Em hiểu về điều này như thế nào qua tục ngữ, ca dao?
Hướng dẫn Nếu tục ngữ là kho tàng của trí tuệ dân gian thì ca dao là nơi người dân lao động xưa gửi gắm tâm tư, tình cảm. Lí trí và cảm xúc, trí tuệ và tình cảm, gặp gỡ trong mỗi con người tạo nên bản sắc, diện mạo của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Trong tục ngữ, ca ...
Hướng dẫn
Nếu tục ngữ là kho tàng của trí tuệ dân gian thì ca dao là nơi người dân lao động xưa gửi gắm tâm tư, tình cảm. Lí trí và cảm xúc, trí tuệ và tình cảm, gặp gỡ trong mỗi con người tạo nên bản sắc, diện mạo của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Trong tục ngữ, ca dao ta tìm thấy rất nhiều điều. Từ lao động sản xuất, đấu tranh chống thiên tai đến tình yêu và niềm tự hào với quê hương, đất nước. Nội dung nào cũng sâu sắc, giàu ý nghĩa mà vẫn ý nhị. Một trong những nội dung đó là tinh thần đoàn kết và thương yêu nhau tha thiết.
Đến nay trong kho tàng phong phú của tục ngữ, ca dao chúng ta còn giữ lại được những câu thật hay nói về tinh thần đoàn kết dân tộc và lòng nhân ái của nhân dân ta. Chúng ta coi đó là di sản quý mà bao thế hệ đã giữ gìn, trân trọng là phần tinh hoa nhất của tính cách và truyền thống dân tộc.
Tại sao tinh thần đoàn kết, thương yêu nhau lại là một nội dung đặc sắc của tục ngữ, ca dao? Tại sao nhân dân ta lại dành những lời lẽ hay nhất để nói lên tư tưởng, tình cảm này?
Có lẽ bởi vì nhân dân ta luôn luôn phải đấu tranh với thiên nhiên, với giai cấp thống trị và với ngoại xâm để tồn tại, để duy trì nòi giống và xây dựng đất nước.
Vốn là một dân tộc sinh sống về nghề nông bởi thế đã phải đấu tranh vô cùng gian khổ với thiên nhiên khắc nghiệt. Trong cuộc đấu tranh lâu dài ấy, bằng bàn tay và khối óc, người dân lao động nước ta đã tạo ra của cải vật chất để nuôi sống mình. Từ mấy ngàn năm trước khi tổ tiên ta bắt đầu xây dựng nước trên đất tổ Phong Châu, phá rừng lấn biển, chiếm lĩnh một dải châu thổ sông Hồng suốt mười tám đời vua Hùng, rồi phát triển xuống phía Nam, tạo nên giang sơn gấm vóc tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, ngoảnh mặt ra biển Đông bao la thì bên cạnh cuộc đấu tranh gay gắt với thiên nhiên để sinh tồn và phát triển, tổ tiên ta đã tốn bao xương máu chống giặc ngoại xâm để giữ gìn độc lập, chủ quyền cũng như phải đấu tranh quyết liệt chống giai cấp thống trị bóc lột. Chính tinh thần đấu tranh với thiên nhiên và giai cấp thống trị, tinh thần chiến đấu chống ngoại xâm để bảo vệ cuộc sống của mình đã rèn luyện cho nhân dân lao động nước ta ý chí kiên cường dũng cảm, làm cho họ có thêm sức mạnh để vươn lên một cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Họ tìm được nguồn sức mạnh vô địch ở sự gắn bó keo sơn của cộng đồng, ở tinh thần đoàn kết thương yêu nhau giữa người với người.
Có thể nói: Tinh thần đoàn kết thương yêu nhau được biểu hiện trong tục ngữ, ca dao vừa là sự tổng kết kinh nghiệm sống vừa thể hiện Lí tưởng sống của nhân dân. Đó vừa là ý thức dân tộc, vừa là tình cảm dân tộc. Đó là phần tinh hoa nhất của những tư tưởng, tình cảm cao đẹp của dân tộc ta. Phần tinh hoa đó đã được đúc kết vào những hình thức ngôn ngữ đẹp nhất, vừa giản dị dễ nhớ lại vừa mang ý nghĩa sâu sắc và rất bền vững.
Gia đình là một đơn vị sản xuất và cũng là một đơn vị sinh hoạt xã hội. Tinh thần đoàn kết, lòng yêu thương nhau bắt đầu từ gia đình, dòng họ bởi vì chim có tổ, người có tông, ai ai cũng phải gắn bó với một gia đình nhỏ bé của mình trước hết rồi mới biết gắn bó với khối cộng đồng rộng lớn. Tục ngữ, ca dao xưa đã phản ánh những mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình: cha mẹ và con cái, vợ chồng, anh chị em, họ hàng gần xa. Riêng về khía cạnh này có thể nói tục ngữ, ca dao là một thứ xã hội sử phản ánh lí, đạo đức, phong tục, tập quán của nhân dân ta.
Trong gia đình, điều đầu tiên mỗi con người phải nhớ tới, hướng tới là cha mẹ. Nhân dân ta đã đề cao điều đó qua những hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Đây là những câu ca dao hết sức quen thuộc. Mượn hình ảnh núi Thái Sơn cao ngất trời và nước trong nguồn không bao giờ vơi cạn người xưa đã nói về công lao của những bậc sinh thành, nuôi dưỡng ta. Cũng là để nhắc nhở đạo làm con phải kính yêu cha mẹ. Đó là thước đo lòng hiếu thảo cũng chính là thước đo phẩm chất và đạo đức làm người ta cũng bắt gặp rất nhiều những câu ca dao tục ngữ khác nói về tình thương yêu, lòng kính trọng với ông bà, cha mẹ, chỗ dựa tinh thần của các thế hệ trong một gia đình như:
Bé thì nhờ mẹ nhờ cha
Lớn lên nhờ vợ, lúc già nhờ con
Hay:
Ơn cha nặng lắm ai ơi
Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang
Và những lời nhắc nhở thấm đẫm yêu thương:
Cá chẳng ăn muối cá ươn
Con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư
Dù nói bằng cách nào thì đích đến cuối cùng của những câu tục ngữ, ca dao ấy cũng là nhắn nhủ con người về tình yêu gia đình, tình yêu cha mẹ. Bởi đấy là điểm xuất phát đầu tiên của một tình cảm nhân bản trong con người. Thử hỏi, ta không yêu mẹ cha ta, những người sẵn sàng cho ta những gì mình có, kể cả sinh mạng thì ta còn có thể yêu người khác được chăng? Nhớ ơn và kính yêu, chăm sóc cha mẹ là đạo lí, tình cảm là nét đẹp vĩnh hằng trong tâm hồn và truyền thống dân tộc Việt Nam.
Bên cạnh tình yêu thương, kính trọng cha mẹ, tình cảm vợ chồng cũng là một nét đẹp trong đời sống người Việt Nam. Yêu thương, đoàn kết, chung sức, chung lòng đó là tiêu chí để đánh giá một gia đình hạnh phúc. Các cụ ta thường lấy câu "thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn" để nhắc nhở về "đoàn kết" trong gia đình và trên hết, quý nhất với mỗi người là một gia đình đầm ấm:
Thà rằng ăn bát cơm rau
Còn hơn cá thịt nói nhau nặng lời
Thuở xưa, cuộc sống còn lắm gian nan, được bữa cơm trắng, cơm no đã là quý lắm. Cơm cá thịt lại càng quý hơn. Không ít lần trong tục ngữ, ca dao ta
thấy người ta thèm biết bao một bát "cơm trắng với giò". Vậy mà, người xưa đã đánh đổi bát cơm cá thịt lấy những lời nói nhẹ nhàng, êm ái. Và lời nói nhẹ nhàng ấy là gì nếu chẳng phải là biểu hiện của tình yêu thương. Rồi cùng chung nhau sướng khổ, chia ngọt, sẻ bùi:
Đôi ta là nghĩa tao khang
Xuống khe bắt ốc, lên ngàn hái rau
Hay là lời nhắc nhở về chữ thuỷ chung trong đạo vợ chồng:
Xấu xa cũng thể chồng ta
Dù cho tốt đẹp cũng ra chồng người
Rồi cảnh làm ăn trên đồng ruộng thanh bình:
Ai ai cũng vợ cũng chồng
Chồng cày, vợ cấy trong lòng vui thay
Bức tranh lao động chan chứa niềm vui và hạnh phúc. Nỗ lực cho lúa khoai xanh tốt, họ còn được hưởng trọn niềm vui của hạnh phúc lứa đôi. Câu ca dao ‘ phơi phới niềm vui, niềm tin yêu vào cuộc sống. Ta như vui lấy niềm vui của những con người lao động và yêu gia đình ấy.
Một khía cạnh khác của tình cảm gia đình là tình cảm anh em ruột thịt.
Tình đoàn kết thương yêu nhau giữa anh chị em trong gia đình cũng được nêu lên như những lời nhắc nhở chân tình và tha thiết. Gia đình chỉ có thể yên vui, êm ấm khi anh chị em đối xử với nhau trong tình yêu thương đùm bọc.!’Chị ngã em nâng, máu chảy ruột mềm" là thế. Anh em trong một gia đình khi bé chung sống với nhau thì yêu thương nhau đã đành. Đến khi trưởng thành, gia đình lớn được phân chia thành nhiều gia đình nhỏ, anh em vẫn phải giữ mãi tình cảm tốt đẹp, dù hoàn cảnh sống sướng khổ khác nhau, anh em vẫn phải quan tâm săn sóc giúp đỡ lẫn nhau:
Anh em như thể chân tay,
Rách lành đùm bọc, khó khăn đỡ đần.
Người ta cũng có những lời cảnh tỉnh đối với những anh em bất hòa:
Khôn ngoan đá đáp người ngoài,
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.
Có điều rất đáng lưu ý là trong số những câu tục ngữ, ca dao hay nhất về tinh thần đoàn kết thương yêu nhau, những câu nói về tình yêu anh em ruột thịt cũng có thể được hiểu như những lời khuyên dạy, những lời nhắn nhủ, những lời ngợi ca tình đồng loại, nghĩa đồng bào. Phải chăng nhân dân ta đã có quan niệm rất đúng rằng: mọi người đều là anh em?
Nhân dân lao động Việt Nam đã phải chịu cực khổ để làm nên bát cơm, manh áo. Cuộc sống rất nặng nề, vất vả của họ trong lao động để chiến thắng mọi trở lực của thiên nhiên, trong đấu tranh để chống lại mọi bất công xã hội để khiến cho họ có ý thức rất rõ rệt về việc họ cần phải nương tựa vào nhau, nương tựa lẫn nhau. Khi tắt lửa tối đèn họ sống bên nhau, khi khó khăn họ nhường cơm xẻ áo như những anh em ruột thịt thì biết lấy lá lành đùm lá rách. Có thể nói tổ tiên ta đã sớm có ý thức tập thể, ý thức cộng đồng. Từ tình yêu thương trong gia đình, người dân lao động mở rộng thành tình yêu làng xóm. Bao giờ họ cũng mong muốn có một cuộc sống bình đẳng, yên vui, êm ấm. Họ cảm thấy không thể chịu đựng được một cuộc sống lẻ loi, đơn chiếc, một cuộc sống tách rời khỏi cộng đồng: "Ăn một mình đau tức, làm một mình cực thân". Họ nghĩ rằng:
Thà ăn bắp họp đông vui
Còn hơn giàu có mồ côi một mình.
Với niềm cảm thông giai cấp sâu sắc, từ mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa người với người trong đời sống hàng ngày, khi chặt củi, khi chài cá, khi gặt lúa, khi quay tơ, khi hội hè người dân lao động đã đúc kết được thành những câu tục ngữ rất đặc sắc về tinh thần đoàn kết thương yêu. Những câu như “Thương người như thể thương thân, “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ, ngựa chạy có bầy, chim bay có bạn v.v. Rõ ràng là những ý niệm đã được thể nghiệm và được xác nhận là chân lý có nội dung súc tích.
Khi ý thức con người phát triển, tình cảm của con người trở nên phong phú thì tục ngữ, ca dao nói về tinh thần đoàn kết thương yêu nhau cũng được mở rộng phong phú thêm lên. Có nhiều câu tục ngữ, ca dao ẩn ý sâu xa như những lời khuyên vừa kín đáo vừa chân thành:
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
Khi biên cương bờ cõi được xác lập rõ ràng, trước tai họa ngoại xâm, mọi người dân Việt Nam phải cùng chung gánh chịu những tai họa và đau khổ. Nếu không biết nương tựa vào nhau khi khốn khổ, đùm bọc vào nhau khi hoạn nạn thì làm sao có thể duy trì được cuộc sống.
Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng.
Câu ca dao dựng những hình ảnh thật trang trọng, diễn cả một tình cảm thật thiêng liêng. Ý thức về quốc gia, về dân tộc đã thực sự hình thành.
Cũng cần phải nói về một nét rất đặc biệt là: trong những câu nói, lời ca về tinh thần đoàn kết thương yêu nhau, chúng ta rất khó phân biệt câu nào là tục ngữ, câu nào là ca dao. Phải chăng lí trí và tình cảm đã hòa nhập ở đây để mà vừa đúc kết kinh nghiệm sống, để mà vừa biểu dương ca ngợi một lẽ sống:
Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.
Đoàn kết sẽ làm nên sức mạnh vô địch!
Là sự gạn lọc của trí tuệ, là sự rung cảm của tâm linh, tục ngữ, ca dao đã phản ánh những đặc điểm sinh hoạt xã hội và gia đình, sinh hoạt vật chất và tinh thần của nhân dân ta thời xưa. Tinh thần đoàn kết thương yêu nhau là nét nổi bật nhất trong đời sống nhân dân, đã trở thành một nội dung đặc sắc nhất trong tục ngữ và ca dao. Nội dung đó được đúc kết vào những hình thức ngôn ngữ rất trau chuốt nhưng lại dễ nhớ, dễ ăn sâu vào kí ức của mọi người. Đó là những câu vào loại hay nhất trong kho tàng tục ngữ, ca dao. Chúng ta có thể tìm ở đó những lời khuyên nhủ đầy tinh thần nao dung để tạo cho bản thân mình một đời sống tấm hồn phong phú, đặc sắc và tế nhị.
Thu Trang