23/05/2018, 18:24

Thế nào gọi là kiềm hóa rơm lúa và cách kiềm hóa?

Kiềm hóa rơm lúa Đối với gia súc nhai lại, rơm lúa là nguồn thức ăn quan trọng. Tuy nhiên, rơm khô có giá trị dinh dưỡng thấp, tỷ lệ tiêu hóa thấp và kém hấp dẫn do chất xơ trong rơm khó tiêu, mặt khác, rơm chứa ít tinh bột dễ hòa tan, ít đạm và khoáng chất. Vì vậy, để tăng khả ...

Kiềm hóa rơm lúa

Đối với gia súc nhai lại, rơm lúa là nguồn thức ăn quan trọng. Tuy nhiên, rơm khô có giá trị dinh dưỡng thấp, tỷ lệ tiêu hóa thấp và kém hấp dẫn do chất xơ trong rơm khó tiêu, mặt khác, rơm chứa ít tinh bột dễ hòa tan, ít đạm và khoáng chất. Vì vậy, để tăng khả năng tiêu thụ, tăng tỷ lệ tiêu hóa rơm và cung cấp thêm các chất dinh dưỡng cho loài nhai lại, nên tiến hành kiềm hóa với nước vôi, trước khi cho gia súc ăn.

 

Cách làm: dùng nước vôi pha loãng với tỷ lệ 1% (1 kg vôi sống hoặc 3 kg vôi tôi hòa trong 100 lít nước) tưới lên rơm khô sau khi đã băm thái nhỏ thành mẩu 6 - 10 cm và rải đều trên mặt sàn sạch, cứng và phẳng. Tỷ lệ nước vôi / rơm khô = 6/1 (cứ 6 lít nước vôi tưới cho 1 kg rơm khô). Chú ý đảo trộn đều và để một ngày đêm cho ráo hết nước vôi rồi mới cho gia súc nhai lại ăn.

 

Cũng có thể cho rơm lúa đã cắt ngắn vào bể xi măng, đổ nước vôi pha loãng và theo tỷ lệ như trên vào bể để kiềm hoá. Đảo trộn đều trong vòng 2 - 3 ngày, mỗi ngày 2 - 3 lần. Sau đó vớt rơm lên giá nghiêng, dội cho bớt nước vôi và để cho ráo nước, trước khi cho gia súc ăn ngay hoặc phơi khô cho ăn dần.

 

Xử lý rơm với nước vôi làm tăng tỷ lệ tiêu hóa của rơm lên 7 - 8% và mỗi ngày, mỗi con trâu bò có thể ăn được khoảng 10 kg.

 

Nếu lúc đầu gia súc nhai lại chưa quen, nên cho ăn lẫn với rơm vẩy nước, sau đó tăng dần lượng rơm tưới nước vôi. Để giảm bớt mùi nồng của vôi và để gia súc nhai lại thích ăn hơn, nếu có điều kiện thì trước khi cho gia súc ăn nên trộn rơm với rỉ mật đường và urê (3 kg rơm đã kiềm hóa + 0,5 kg rỉ mật + 20 g urê)

0