Thảm họa "ăn thịt người" trên con tàu đắm Mignonette
Một vụ án có 1-0-2 diễn ra vào năm 1884 đã trở thành mối tranh cãi của cả nhân loại: “ Khi đứng trước cái chết bạn có sẵn sàng giết một người để cứu sống mình và những người còn lại?” Bi kịch được dự báo trước Chiếc tàu Mignonette được chế tạo ra vào năm 1867. Vào thời điểm ...
Một vụ án có 1-0-2 diễn ra vào năm 1884 đã trở thành mối tranh cãi của cả nhân loại: “Khi đứng trước cái chết bạn có sẵn sàng giết một người để cứu sống mình và những người còn lại?”
Bi kịch được dự báo trước
Chiếc tàu Mignonette được chế tạo ra vào năm 1867. Vào thời điểm này, nó là một trong những chiếc du thuyền dành riêng cho gia đình với chiều dài lên tới 16m cùng nhiều tiện ích cho người sử dụng.
Năm 1883, trong chuyến công tác của mình, một thương nhân người Úc - Henry đã quyết định bỏ ra một số tiền khổng lồ để mua Mignoette. Nhưng ngặt một nỗi Sydney, nơi Henry sống lại cách nước Anh gần 15 ngàn dặm (khoảng 24.000km). Chính vì vậy, chẳng một ai dám vận chuyển con tàu nhỏ bé này tới nước Úc xa xôi.
Hình vẽ con tàu Mignonette
Tưởng chừng đơn hàng của Henry sẽ bị hủy nhưng đúng vào thời điểm cuối, có một đoàn thủy thủ đứng ra nhận trách nhiệm vận chuyển con tàu. Đoàn thủy thủ bao gồm 4 người: Tom Dudley giữ chức vụ thuyền trưởng, thuyền phó - Edwin Stephens, thủy thủ Edmund Brooks và một cậu nhóc 17 tuổi Richard Parker là thuyền viên học việc.
Nhiều bạn bè, người thân đã can ngăn Richard trước chuyến đi dài ngày này, nhưng cậu nhóc đều bỏ ngoài tai và cho rằng, điều này sẽ đem đến cho cậu những trải nghiệm thú vị.
Chuyến tàu định mệnh
Con tàu Mignonette ra khơi, bắt đầu chuyến hành trình của mình vào ngày 19/5/1884. Lúc đầu, chuyến đi vô cùng "thuận buồm xuôi gió". Nhưng vào ngày 5/7/1884, khi còn cách mũi đất khoảng 208km, con thuyền rơi vào một vùng thời tiết xấu. Một cơn sóng to ập tới bất ngờ khiến tàu Mignonette chao đảo, một mảng tàu lớn đã bị cuốn trôi.
Nhận thấy con tàu sẽ chẳng mấy chốc sẽ chìm, ngay lập tức, thuyền trưởng Dudley ra lệnh cho ba người còn lại di chuyển lên con thuyền cứu hộ dài 4m và mang một phần thức ăn theo. Bốn người thả trôi số phận của mình trên chiếc thuyền cứu sinh không có nước ngọt và rất ít thức ăn. Thứ nhiều nhất có chăng chỉ là hai thùng nhỏ củ cải ướp muối.
Giữa biển khơi bao la có vô vàn mối nguy hiểm vẫn đang ngày đêm rình rập họ. Đêm đầu tiên, cả bốn người không thể ngủ được vì có một con cá mập liên tục tấn công vào thành thuyền cứu sinh. Cả bốn người phải rất vất vả để đánh đuổi con cá dữ tợn đi xa.
Để tiết kiệm hai thùng nhỏ củ cải, các thành viên trong tàu phải kiếm thêm thức ăn từ biển khơi. Họ may mắn bắt được một con rùa nhỏ và ăn sống nó, thậm chí, họ dùng cả máu của con rùa để chống lại cơn khát vì nếu uống nước biển nhiều sẽ càng gây mất nước cho cơ thể, dẫn đến tử vong. Thế nhưng, cậu nhóc Richard không dám uống máu con rùa mà lại sử dụng rất nhiều nước biển để giải khát.
Khó có thể chịu thêm được nữa, mọi người khui thùng củ cải để ăn và 8 ngày sau, họ chẳng còn gì để bỏ bụng. Ngày 13/7/1884, cả bốn người không còn thức ăn, không nước uống và phải dùng chính nước tiểu của mình để cầm cự.
Vài hôm sau, ngày 20/7, cậu bé Parker bỗng lên cơn sốt, nằm vật vã dưới cuối thuyền cứu hộ. Chính vì không nghe lời những thuyền viên khác, cậu đã bị kiệt sức do uống quá nhiều nước biển.
Ngày 23/7, khi lâm vào hoàn cảnh cực kỳ éo le, thuyền trưởng Dudley đã đưa ra một đề nghị, cả bốn người nên bốc thăm chọn ra một người hy sinh để tất cả được sống.
Qua đó, người trúng thăm sẽ bị giết và lấy máu cùng thịt để giúp ba người còn lại cầm cự chờ thuyền cứu hộ tới. Thuyền viên Brooks từ chối, ông sợ hãi và lên án gay gắt ý kiến man rợ của Dudley.
Tối hôm đó, Dudley lại thì thầm với thuyền phó Stephens về chủ đề kia, ông cho rằng, tốt hơn là nên giết chết Richard Parker. Cậu nhóc nay đã quá yếu, giết chết cậu ta là một sự giải thoát chứ không phải là tội ác, quan trọng hơn cả ba người còn lại đều có gia đình trong khi Richard chỉ là một cậu nhóc còn lông bông.
Stephens đồng ý và sáng hôm sau, cả hai ra tay giết chết Richard bằng một con dao nhíp. Họ nhanh chóng cắt động mạch của Richard và không bao lâu, cậu đã trút hơi thở cuối cùng. Brooks khi thấy cảnh tượng trên không hề ra tay can ngăn mà chỉ ngồi nép một bên theo dõi.
Stephens, Dudley và cả Brooks sử dụng thi thể của Richard để tồn tại, cả bốn ngày sau, họ ăn thịt, uống máu cậu bé tội nghiệp để sống. Năm ngày sau cái chết của Parker, một con tàu Đức đã xuất hiện và đưa cả ba trở về lại nước Anh.
Phiên tòa tranh cãi
Vừa đặt chân lên bờ, cả ba người liền đối mặt với sự chỉ trích nặng nề từ chính quyền Anh. Stephens và Dudley bị cáo buộc tội giết người man rợ, Brooks được tuyên bố vô tội và đứng ra làm chứng chống lại hai thuyền viên kia.
Thẩm phán của vụ án đã phán quyết mức án tử hình cho Dudley và Stephens
Điều đáng chú ý là Dudley và Stephens không hề chối cãi về những việc mình làm, cả hai đều tự nhận việc giết và ăn thịt Richard là một tội ác đáng ghê rợn. Chính vì vậy, phần lớn dư luận khá cảm thông trước hành động của Stephens, Dudley và cho rằng, họ xứng đáng được hưởng mức án khoan hồng chứ không phải là tử hình như công tố viên đề xuất.
Trong phiên xét xử cuối cùng, bất chấp sự đồng tình giảm án của người dân cùng sự thành thật của hai bị cáo, thẩm phán tuyên bố: “Một người không thể lấy dục vọng, những cám dỗ của bản thân để biện minh cho hành vi tội ác của mình được. Và chúng ta cũng không thể cho phép sự từ bi đối với bọn tội phạm bởi nó sẽ làm suy yếu đi tính đúng đắn của pháp luật”.
Cuối cùng, Stephens và Dudley nhận mức án cao nhất là tử hình, họ cũng không được Nữ hoàng Anh thời bấy giờ ra lệnh giảm án. Luật sư của cả hai dù rất cố gắng nhưng cũng đành bất lực, ông cho rằng, hoàn cảnh của hai thuyền viên là bất khả kháng và đặt ra một câu hỏi: “Nếu chúng ta ở trong trường hợp ấy liệu có hành động như Stephens và Dudley không?”.
Câu hỏi này nhanh chóng trở thành một chủ đề tranh cãi lớn cho nhiều người làm luật trên thế giới. Và tới nay, nó là một bài học thảo luận quen thuộc của các sinh viên trường luật trên toàn cầu.