Phản ứng sau khi chia tay dưới góc nhìn khoa học
Cùng xem cách cơ thể chúng ta phản ứng lại khi gặp thất bại trong tình yêu... Đối với rất nhiều người, tình yêu luôn là một thứ gì đó thật là đặc biệt và tuyệt diệu... nhưng đó là khi nó chưa kết thúc. Tình yêu càng lâu bền thì đến khi tan vỡ, chúng ta càng thấy mọi thứ tồi tệ, đến nỗi nghĩ ...
Cùng xem cách cơ thể chúng ta phản ứng lại khi gặp thất bại trong tình yêu...
Đối với rất nhiều người, tình yêu luôn là một thứ gì đó thật là đặc biệt và tuyệt diệu... nhưng đó là khi nó chưa kết thúc. Tình yêu càng lâu bền thì đến khi tan vỡ, chúng ta càng thấy mọi thứ tồi tệ, đến nỗi nghĩ rằng cả đời này sẽ không yêu thêm một ai nữa.
Có vẻ như đó chỉ là cảm giác đơn thuần và khó giải thích được. Tuy nhiên, ngày nay, các nhà khoa học đã tìm ra câu trả lời cho những điều đó.
1. Sợ bị từ chối
Từ thời tiền sử, một trong những điều mà con người sợ nhất đó là bị từ chối tình cảm. Vào thời điểm bấy giờ, bị chối bỏ trong tình yêu tương đương với một bản án tử hình.
Điều này được thể hiện rõ nhất ở hình phạt như "trục xuất" ra khỏi bộ lạc, người bị phán quyết ngay lập tức bị đuổi khỏi nơi đang sinh sống, phải tự lo liệu cuộc sống riêng và kết cục thường đến là cái chết.
Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, hầu hết mọi người đã có cái nhìn, phản xạ tốt hơn mỗi khi bị từ chối tình cảm. Một khảo sát được thực hiện nhằm tìm ra sự liên hệ giữa việc bị từ chối với các phản ứng vật lý, thần kinh… ở con người.
Người tham gia sẽ được đưa đến trước mặt một số người không quen biết và dự đoán xem họ có chấp nhận lời đề nghị hay thích mình hay không. Kết quả chỉ ra rằng, người họ nghĩ sẽ chấp nhận thì lại từ chối một cách bất ngờ.
Lúc này, cơ thể họ đều xuất hiện một phản ứng chung, đó là nhịp tim bất ngờ chậm lại. Những người này đều phải mất một khoảng thời gian để làm quen và xử lý việc “bị từ chối” đó.
Những ảnh hưởng trên đều do hệ thống thần kinh đối giao cảm (hệ thống thần kinh quản lý những ảnh hưởng liên quan đến những cảm xúc không vui) gây ra. Khi bị từ chối, hệ thống thần kinh này sẽ bị kích thích và tự điều chỉnh hoạt động các bộ phận khác nhau trong cơ thể như tim, phổi, nội tạng, bộ phận sinh dục… Đó là lý do mà khi bị từ chối, người ta thường thấy chóng mặt (do tim không thể bơm được máu), khó thở và mất cảm hứng tình dục…
Cách duy nhất để giải quyết được tình trạng này là phải ngăn sự hoạt động của hệ thần kinh đối giao cảm. Điều này có nghĩa, bạn phải làm cách nào “quên” đi việc mình bị từ chối hoặc làm cho việc bị từ chối trở nên quen thuộc.
2. "Nghiện yêu" và kiếm tìm lợi ích từ người yêu
Khi yêu ai thì hình ảnh của người đó sẽ xuất hiện, đồng hành trong mỗi suy nghĩ, việc làm của bạn, đặc biệt khi “nửa kia” giúp bạn giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, tặng bạn một món quà hay làm điều gì đó cho bạn. Và khi tất cả những thứ này biến mất, bạn sẽ cảm thấy hụt hẫng cảm giác như có một sự mất mát lớn, mất mát “thật sự”.
Ví dụ, nếu "người ấy" từng giúp bạn rửa chén, bát thì khi chia tay, một trong những việc bạn không thể làm được ngay chính là rửa bát. Bởi mỗi khi nhìn thấy chúng, bạn lại hồi tưởng đến ngày tháng tươi đẹp đã qua.
Trường ĐH Stony Brook (Mỹ) đã đưa ra một nghiên cứu khá thú vị về bộ não của người đang yêu và bộ não của kẻ nghiện thuốc. Bằng phương pháp quét não fMRI, các nhà khoa học đã tìm thấy điểm tương quan giữa hai bộ não này.
Kết quả này khá giống với lý thuyết của Fisher năm 2004 cho rằng, tình yêu cũng giống như thuốc phiện. Khi bị cuốn hút bởi một ai đó, não bạn tiết ra hoá chất dopamine, tạo ra phản ứng cũng giống như khi bạn dùng cocaine hay amphetamine.
Khi đó, phần não xử lý tình cảm bùng nổ làm cho tim đập nhanh gấp 3 lần bình thường, dồn máu lên má và cơ quan sinh dục, đồng thời tạo ra cảm giác bồn chồn ở trong lòng. Bởi vậy, những cảm xúc khi bị thất tình sẽ rất khó kiểm soát, dễ dẫn đến hành động mang tính bộc phát như giết người, tự tử, hay trầm cảm nặng... khi bị từ chối trong tình yêu.
3. Luôn nhớ về quá khứ
Có một sự thật không ai phủ nhận rằng, chúng ta luôn luôn hướng về tương lai nhưng không bao giờ quên đi quá khứ. Đây là một nguồn tài nguyên vô cùng to lớn, giúp ta cải thiện và nhìn nhận được điểm yếu. Tuy nhiên, đây cũng là một tảng đá đè bẹp mọi hi vọng với những người lỡ bước trong tình yêu.
Các nhà khoa học Mỹ đã tìm ra thủ phạm cho điều này, đó chính là - chất "keo hóa học" giúp thúc đẩy cảm xúc tình yêu, gắn kết xã hội và hạnh phúc.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới đã chỉ ra, hormone này cũng khiến con người nhớ nhiều hơn đến những kỉ niệm buồn trong quá khứ. Bên cạnh đó, chúng còn làm tăng tính nhạy cảm, sự sợ hãi và lo lắng với các sự kiện trong tương lai.
Oxytocin là một loại hormone được tiết ra ở vùng dưới đồi, dự trữ ở thùy sau của tuyến yên. Khi vùng dưới đồi gửi một tín hiệu thần kinh đến tuyến yên thì oxytocin sẽ được giải phóng.
Lúc này, oxytocin sẽ tác động mạnh mẽ đến những cảm xúc của chúng ta, khiến bạn dễ hồi tưởng đến kỉ niệm buồn, thói quen trong quá khứ. Từ đó, khiến bạn có sự so sánh giữa những vấn đề, hành động của người cũ với tình yêu mới.
Điều này sẽ càng ngăn cản bạn tiến tới việc đi tìm một tình yêu mới. Chính bởi vậy, các nhà khoa học khuyên rằng, thay vì cố gắng nối mọi thứ với quá khứ thì hãy tìm cách "thay thế" và lãng quên nó. Chỉ có như vậy, tình yêu mới sẽ trở nên đẹp và suôn sẻ hơn nhiều.