24/05/2018, 10:37

Tên gọi Quảng trường Ba Đình?

Quảng trường Ba Đình Ba Đình là nơi xảy ra một trong các cuộc khởi nghĩa của phong trào Cần Vương cuối thế kỷ 19 của nhân dân ta chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp. Cuộc khởi nghĩa này diễn ra vào năm 1886-1887 tại Ba Đình, Nga Sơn, Thanh Hóa. Hưởng ứng Hịch Cần Vương, Đinh Công ...

Quảng trường Ba Đình

Ba Đình là nơi xảy ra một trong các cuộc khởi nghĩa của phong trào Cần Vương cuối thế kỷ 19 của nhân dân ta chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp. Cuộc khởi nghĩa này diễn ra vào năm 1886-1887 tại Ba Đình, Nga Sơn, Thanh Hóa. Hưởng ứng Hịch Cần Vương, Đinh Công Tráng đã cùng các đồng chí của mình đã chọn Ba Đình làm căn cứ kháng chiến lâu dài. Căn cứ Ba Đình cách huyện lỵ Nga Sơn 4km, tây bắc giáp huyện Hà Trung, được xây dựng trên địa bàn ba làng Thượng Thọ, Mậu Thịnh và Mỹ Khê.

Vào mùa mưa, căn cứ này trông như một hòn đảo nổi giữa cánh đồng nước mênh mông, tách biệt với các làng khác. Căn cứ này gọi là Ba Đình vì mỗi làng có một cái đình, từ làng này có thể nhìn thấy đình của hai làng kia. Có thể nói căn cứ Ba Đình có vị trí tiêu biểu nhất, là một chiến tuyến phòng ngự quy mô nhất thời kỳ Cần Vương cuối thế kỷ 19. Chính người Pháp đã phải thừa nhận “1886-1887, cuộc công hãm Ba Đình là quan trọng nhất, cuộc chiến đấu này thu hút nhiều quân lực nhất và làm cho các cấp chỉ huy lo ngại nhiều nhất". Theo các nhà nghiên cứu lịch sử thì địa điểm là quảng trường Ba Đình hiện nay do cụ Trần Văn Lai đặt tên và sau này chính quyền cách mạng giữ nguyên cùng với hàng loạt tên đường phố khác do cụ Lai sửa lại từ các tên tiếng Pháp.

Cụ Trần Văn Lai sinh ra trong một gia đình làm nghề khảm trai có tiếng đất kinh kỳ nhưng cụ lại theo học ngành y và trở thành một bác sĩ có tên tuổi. Luôn mang trong mình tư tưởng chống Pháp, nên dù là một bác sĩ tài năng ở nhà thương Phủ Doãn (nay là bệnh viện Việt Đức), người thanh niên Trần Văn Lai từng bị Pháp giam giữ tại nhà tù Sơn La và nhà tù Hỏa Lò với những người như Hoàng Công Khanh, Phạm Khắc Hòe. Đầu năm 1945, khi Nhật đảo chính Pháp, bác sĩ Trần Văn Lai được mời ra giữ chức Đốc lý Hà Nội (tương đương với chức thị trưởng). Nhận nhiệm kỳ từ 20/7 và kết thúc khi Cách mạng tháng 8 bùng nổ, cụ Lai là thị trưởng đầu tiên và duy nhất của thành phố Hà Nội.

Nhưng trong một tháng cầm quyền ngắn ngủi đó, Trần Văn Lai đã làm được một công việc vĩ đại là “thay máu” cho hầu hết các địa danh ở Hà Nội. Suốt thời gian kháng chiến toàn quốc, mặc dù không di tản về vùng kháng chiến, nhưng cụ Lai kiên quyết từ chối mọi lời mời ra cộng tác của chính quyền thực dân Pháp, tỏ rõ quan điểm một lòng ủng hộ chính phủ Hồ Chí Minh. Con trai cụ là Trần Mạnh Chu cũng được cụ cho theo cách mạng về vùng kháng chiến. Thực dân Pháp rất căm ghét cụ, gọi cụ là “trí thức trùm chăn”. Thời điểm đầu năm 1954, khi ta mở chiến dịch Điện Biên Phủ, thành ủy Hà Nội đã chủ trương vận động trí thức tiêu biểu ký tên vào bản kiến nghị đòi hòa bình, nhằm tạo làn sóng đấu tranh công khai, gây áp lực trên mặt trận ngoại giao.

Cụ Trần Văn Lai chính là người góp ý về nội dung bản kiến nghị và là người đầu tiên đặt bút ký tên. Tên cụ được đặt hàng đầu trong danh sách các nhân sĩ, trí thức kiến nghị, thể hiện uy tín và ảnh hưởng của cụ trong giới trí thức. Với uy tín, nỗ lực cá nhân và công lao với cách mạng, cụ Trần Văn Lai là một trong bốn nhân sĩ Hà Nội được Bác Hồ tặng chiếc radio sau năm 1954. Khi được mời ra giúp đỡ chính phủ cách mạng, cụ nói: “Tôi trùm chăn với Tây, không trùm chăn với cộng sản”. Cụ được cử làm Thứ trưởng Bộ Thương binh Xã hội (cụ Vũ Đình Tụng là Bộ trưởng), rồi làm Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Thành phố Hà Nội.

0