28/02/2018, 16:02

Tàu hàng sống sót trước bão tố trên biển như thế nào?

Nếu không thể né tránh cơn bão, tàu hàng lớn cần tránh đến quá gần bờ để không bị sóng hất lên đất liền và đánh tan. Theo Popular Mechanics, bão là mối đe dọa lớn nhất đối với tàu thuyền hoạt động trên biển . Một cơn bão lớn có thể đánh tan những con tàu lớn nhất và chắc chắn nhất, kể cả tàu ...

Nếu không thể né tránh cơn bão, tàu hàng lớn cần tránh đến quá gần bờ để không bị sóng hất lên đất liền và đánh tan.

Theo Popular Mechanics, bão là mối đe dọa lớn nhất đối với tàu thuyền hoạt động trên biển. Một cơn bão lớn có thể đánh tan những con tàu lớn nhất và chắc chắn nhất, kể cả tàu thuyền đã được neo trong cảng.

Theo các chuyên gia về an toàn hàng hải, để sống sót trước bão tố trên biển, điều đầu tiên các thuyền trưởng cần nắm là thông tin thời tiết chính xác và kịp thời.


Tàu hàng di chuyển trong bão biển. (Video: Sea Lad).

Ngày nay, các thuyền trưởng có thể nhận bản đồ thời tiết, ảnh vệ tinh và các thông tin liên quan qua email. Một số tàu có hệ thống máy tính để lập hải trình dựa vào dự báo thời tiết.

Thông tin thời tiết tốt giúp tàu thuyền tránh xa các cơn bão. Với vận tốc 14 hải lý trên giờ, tương đương 25km/h, một con tàu hiện đại có thể vượt trước bão. Tàu càng chậm di chuyển, càng có ít lựa chọn để ứng phó.

Khi thấy một cơn bão đến gần, thuyền trưởng cần chọn nơi có các mỏm đá hay núi cao bao quanh để trú ẩn thay vì chọn ngay cảng biển gần nhất. Tại điểm trú bão, mỏ neo được hạ với dây xích để chùng để không bị sóng giật đứt. Động cơ tàu có thể được đảo chiều để áp lực được dồn vào mỏ neo.

Trên thực tế, việc chọn sai cảng để neo tàu có thể gây nguy hiểm do sóng làm tàu va vào cầu cảng. Trong một số trường hợp, cảng vụ có thể yêu cầu tàu rời đi trước khi bão đến. "Một số cảng nguy hiểm đến mức có những tàu chọn cách ra biển, cho rằng ở biển an toàn hơn ở trong cảng", cựu thuyền trưởng Max Hardberger nói.

Tuy nhiên, những công cụ hiện đại nhất cũng không thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ tàu gặp bão. Hải trình chặt chẽ với chi phí nhiên liệu mỗi ngày có thể lên đến hàng chục nghìn USD không cho phép thuyền trưởng lái tàu tránh mọi cơn bão. Phần lớn những tàu hàng hiện đại được thiết kế để có thể vượt qua hầu hết các loại thời tiết xấu trên biển để tuân theo hải trình.

Tàu hàng trống là tàu gặp nguy hiểm nhất khi gặp bão do không có khối lượng của hàng hóa giúp ổn định thân tàu. Nước dằn ở đáy tàu giúp ổn định khi di chuyển không phải là giải pháp hoàn hảo cho mọi trường hợp. "Nước dằn có thể khiến tàu đang nghiêng 30 độ ở phía này bỗng nhiên quay sang nghiêng 30 độ ở phía kia chỉ sau 3,5 giây", Hardberger chia sẻ.

Khi buộc phải đối diện với bão, thủy thủ sẽ cố lái tàu đến khu vực có sóng thấp nhất và gió yếu nhất.
Khi buộc phải đối diện với bão, thủy thủ sẽ cố lái tàu đến khu vực có sóng thấp nhất và gió yếu nhất.

Những cú đập liên hồi của sóng vào thân tàu là mối đe dọa lớn nhất với thủy thủ. Nếu sóng đủ lớn và đập liên tục trong thời gian dài, một con tàu hiện đại được làm từ thép cứng cũng có thể bị đánh vỡ.

Theo Hardberger, khi buộc phải đối diện với bão, thủy thủ sẽ cố lái tàu đến khu vực có sóng thấp nhất và gió yếu nhất. Ở bán cầu bắc, phía bên trái hướng di chuyển của bão là nơi an toàn hơn, trong khi ở bán cầu nam, bên phải cơn bão là nơi tàu thuyền có thể hướng tới để đảm bảo an toàn.

Khi không thể né tránh được cơn bão, tàu cần giữ chuyển động tiến lên thay vì để bị sóng và gió đẩy đi. Người lái giữ mũi tàu hướng vào các con sóng để tàu không bị sóng đánh lật từ hai mạn.

Để sống sót qua cơn bão, tàu cần tránh xa tất cả các vật thể có thể gây va chạm làm chìm tàu như bờ biển hay rặng đá ngầm. Các tàu hàng chọn cách ở ngoài bờ biển nếu buộc phải đối mặt với một cơn bão lớn, bởi những con sóng và gió cực mạnh có thể hất những con tàu lớn neo đậu gần bờ lên bãi cát.

Một con tàu tốt kết hợp thủy thủ đoàn được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm đi biển cùng yếu tố may mắn có thể chiến thắng một cơn bão biển, Hardberger nhấn mạnh.

0