02/05/2018, 10:08

Tập làm văn lớp 4: Luyện tập xây dựng kết bài trong bài văn miêu tả cây cối

Giải bài tập SGK Tiếng Việt 4 tập 2 Tập làm văn: Luyện tập xây dựng kết bài trong bài văn miêu tả cây cối là lời giải phần Tập làm văn SGK Tiếng Việt 4 tập 2 trang 82 có đáp án chi tiết cho các em học sinh ...

Tập làm văn: Luyện tập xây dựng kết bài trong bài văn miêu tả cây cối

là lời giải phần Tập làm văn SGK Tiếng Việt 4 tập 2 trang 82 có đáp án chi tiết cho các em học sinh tham khảo, luyện tập cách viết kết bài trong bài văn miêu tả cây cối, hoàn thiện bài văn tả cây cối.

Hướng dẫn giải phần Tập đọc SGK tập 2 trang 82

Câu 1 (trang 82 sgk Tiếng Việt 4): Có thể dùng các câu đã cho đề kết bài được không? Vì sao?

Trả lời:

Đọc hai đoạn kết bài đã cho, em thấy:

- Cả hai đoạn đều có thể sử dụng để kết bài cho hai bài văn.

- Vì cả hai đều kết bài theo kiểu mở rộng.

+ Kết bài thứ nhất bộc lộ tình cảm của tác giả đốì với loài cây đã tả.

+ Kết bài thứ hai vừa nêu lợi ích của cây vừa thể hiện tình cảm của người viết đốì với cây đã tả.

Câu 2. (trang 82 sgk Tiếng Việt 4) Quan sát một cây mà em yêu thích và cho biết:

a) Cây đó là cây gì?

- Đó là cây vú sữa trước cửa nhà em.

b) Cây đó có ích lợi gì?

- Cây vú sữa, vừa cho bóng mát vừa cho quả ngon.

c) Em yêu thích, gắn bó với cây như thế nào? Em có cảm nghĩ gì về cây?

- Trưa nắng, em thường đem một chiếc võng ra nằm dưới bóng cây vú sữa để đọc sách hoặc nghỉ trưa nên em vô cùng yêu mến cây vú sữa này. Khi ăn những quả vú sữa chín thơm ngon, em luôn nhớ ơn ông nội em là người đã trồng cây này từ khi em còn chưa ra đời.

Câu 3. (trang 82 sgk Tiếng Việt 4) Dựa vào các câu trả lời trên, hãy viết một kết bài mở rộng cho bài văn.

Đoạn văn tham khảo:

- Cây vú sữa trước cửa nhà em vừa cho bóng mát vừa cho nhiều quả ngon. Các buổi trưa nắng, em thường treo võng dưới bóng cây để nằm đọc sách hoặc nghỉ ngơi. Khi ăn những trái vú sữa ngon ngọt, em thường nghĩ tới công ơn của ông nội em - người đã trồng cây này từ khi em còn chưa cất tiếng khóc chào đời. Em sẽ chăm sóc cây vú sữa để nó mãi mãi gắn bó với em, đem đến cho em những hương vị ngọt ngào.

- Tả cây hoa hướng dương: Với mình, hoa hướng dương luôn là biểu tượng đẹp của một khát vọng vươn tới ánh sáng chân lí và niềm tin của cuộc đời như chính tên gọi của loài hoa. Mình yêu hoa có lẽ từ chính ý nghĩa của tên gọi ấy: Hoa hướng dương.

- Tả cây bàng: Rồi đây, đến ngày xa mái trường thân yêu, em sẽ mang theo nhiều kỉ niệm của thời thơ ấu bên gốc bàng thân thuộc giữa sân trường này như một hồi ức đẹp.

- Tả bông cúc trắng: Bông cúc trắng không gợi nhớ mùa thu như cúc vàng, mùa xuân như hoa đào, vạn thọ. Nó là một loài hoa tứ quý luôn trang điểm cho đời thêm đẹp, thêm tươi. Có thể từ đặc điểm có tính riêng biệt này mà làm cho em yêu loài hoa này nhất.

Câu 4 (trang 82 sgk Tiếng Việt 4): Viết một đoạn kết bài theo kiểu mở rộng cho các đề tài: Cây tre ở làng quê; Cây tràm ở quê em; Cây đa cổ thụ ở đầu làng.

Trả lời:

Những đoạn văn kết bài theo kiểu mở rộng:

a) Tả cây tre: Tre đi vào cuộc sông của con người quê tôi. Đó là người bạn tâm tình của nhiều thế hệ. Người làng tôi, ai đi xa cũng nhớ về cây tre, nhớ về lũy tre làng xanh mát yêu thương, nơi ghi lại không biết bao nhiêu kỉ niệm đẹp của một thời thơ ấu.

b) Tả cây tràm: Em thích cây tràm lắm! Tràm cho chúng em bóng mát để vui chơi trong những giờ giải lao. Tràm tô điểm cho ngôi trường thêm duyên dáng. Tràm cung cấp thứ gỗ quý cho mọi người. Và sau nữa, giữa trưa hè êm ả nằm dưới gốc tràm mà ngắm hoa rơi thì thật là tuyệt.

c) Tả cây đa cổ thụ ở đầu làng: Dưới gốc đa này, người làng đưa tiễn nhau đi bịn rịn, lưu luyến... Và cũng dưới gốc đa này, người làng thường dừng chân nghỉ lại sau những buổi làm đồng mệt nhọc, vất vả. Cây đa như một biểu tượng quê hương là bến đậu của bao nỗi nhớ tình thương của những người con xa quê cha đất tổ.

>> Bài tiếp theo: 

Ngoài ra các bạn luyện giải bài tậpđược VnDoc sưu tầm, chọn lọc. Đồng thời các dạng, các môn theo Thông tư 22 mới nhất được cập nhật. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo đề thi, bài tập mới nhất.

0