Tăng học phí: Nhìn từ đại học mà chưa nhìn từ xã hội
LTS . “Học phí tăng đến … choáng”- là chủ đề nóng nhất tuần qua liên quan trực tiếp đến sinh viên (SV). Trong đó, mức cao nhất của khung học phí mới theo “Đề án điều chỉnh học phí” của Bộ GD-ĐT so với khung học ...
LTS . “Học phí tăng đến … choáng”- là chủ đề nóng nhất tuần qua liên quan trực tiếp đến sinh viên (SV). Trong đó, mức cao nhất của khung học phí mới theo “Đề án điều chỉnh học phí” của Bộ GD-ĐT so với khung học phí cũ tăng lên đến 5 lần. Sinh Viên Việt Nam đã có cuộc trao đổi với GS Phạm Phụ, Đại học Bách khoa Tp. HCM.
- Thưa GS, chắc GS đã có đọc bản “Đề án hiệu chỉnh học phí”?
- Thưa GS, chắc GS đã có đọc bản “Đề án hiệu chỉnh học phí”?
+ Tôi chưa được đọc. Nhưng thiết nghĩ, đây là một mảng quan trọng trong “chính sách cung cấp tài chính cho GDĐH”, một vấn đề quá khó, quá phức tạp, không có khái niệm lời giải đúng theo nghĩa thông thường, và lại khá nhạy cảm nữa, nên tôi tin là thế nào cũng sẽ có những trao đổi rộng rãi để có sự đồng thuận, có tranh luận ở Quốc hội… trước khi có quyết định cuối cùng. Báo “Người lao động”, 25/10/2005 có nói “lẳng lặng lập đề án trình Chính phủ, chẳng cần lấy ý kiến của bất kỳ ai…”. Tôi cho là cách làm này không hợp lý.
- Tuy vậy, đã có khá nhiều ý kiến, kể cả của đại biểu Quốc hội cho rằng, trong hoàn cảnh của ta nếu tăng học phí, “nhiều SV nghèo sẽ bỏ học”, ý kiến của GS?
+ VN đã tham gia AFTA, đang chuẩn bị vào WTO. Nghĩa là, một thị trường dịch vụ cung cấp GDĐH và một thị trường lao động cấp cao sẽ sớm thực sự hình thành ở VN, nghĩa là GDĐH trong bối cảnh mới không cón là một công việc khá “buồn tẻ và dễ chịu” giữa Nhà nước và ĐH mà sẽ là “cuộc chơi” có đến 3 người “Nhà nước, ĐH và thị trường”. Do đó, không thể nói chuyện theo kiểu “ta với ta”. Từ đó, tôi đồng tình với quan điểm là: cần phải xem bài toán tài chính ĐH trên quan điểm “tiến tới đạt trình độ khu vực”, và theo hướng “Nhà nước ưu tiên ngân sách cho GD phổ cập”.
Tuy nhiên, GDĐH là loại dịch vụ vừa đem lại lợi ích trực tiếp cho người học vừa đem lại lợi ích cho phát triển kinh tế - xã hội, cho cộng đồng nên nguồn tài chính nói chung cho GDĐH gần như trên khắp thế giới đều bao gồm đến 4 phần: 1. Từ ngân sách Nhà nước (NSNN). 2. Đóng góp của chính SV. 3. Đóng góp của gia đình SV. 4. Đóng góp của cộng đồng. Vì vậy, không nên chỉ xem xét riêng vấn đề học phí và cũng không nên đặt vấn đề “tính đúng tính đủ” để SV gánh chịu toàn bộ. Để tăng thêm nguồn lực, phải xem xét tổng thể “chính sách cung cấp tài chính cho GDĐH” bao gồm cả 3 vấn đề: a) Tổng nguồn tài chính cho GDĐH đã tương đối đủ mức cần thiết tối thiểu hay chưa? b) Tỷ lệ hay cơ cấu giữa 4 nguồn trên như thế nào? (giới chuyên môn gọi là “chia sẻ chi phí – cost sharing”) và c) Phương thức thực thi cách cung cấp của mỗi nguồn, sao cho chính sách đó có thể có ảnh hưởng tốt nhất đến cả 3 chủ đề cơ bản của GDĐH hiện đại là: “Chất lượng, công bằng xã hội (CBXH) và hiệu quả”. Việc cắt khúc “điều chỉnh học phí” để xem xét riêng và chưa xét việc SV nghèo có thể bỏ học, mới chỉ là cách nhìn từ phía ĐH mà chưa phải là cách nhìn tổng thể của xã hội.
- Nhưng trước hết tăng học phí có đảm bảo cho việc tăng chất lượng, thưa GS?
+ Đây là câu hỏi rất có lý của công chúng. Chính vì hiện nay có những lãng phí lớn ở tầm vĩ mô mà báo chí đã nêu rất nhiều, cơ cấu chi tiêu ở các cơ sở GDĐH cũng chưa hợp lý, chi phí gián tiếp quá lớn, v.v…, trong khi chất lượng đào tạo lại còn rất hạn chế nên câu hỏi này vẫn luôn được đặt ra khi nói đến việc tăng học phí. Nhưng chất lượng dịch vụ ở GDĐH là một vấn đề phức tạp và có một phạm vi biến thiên rất rộng, một vấn đề khác. Vì vậy chỉ có thể nói, tăng nguồn thu cho GDĐH mới là điều kiện cần chứ chưa là điều kiện đủ để có “chất lượng của khu vực”. Và cũng vì vậy, việc sử dụng có hiệu quả nguồn lực, việc nâng cao trách nhiệm xã hội mà cụ thể ở đây là trách nhiệm giải trình tình hình chất lượng và tài chính cho xã hội, cũng phải đặt ra song song với việc tăng học phí. Đáng tiếc, do xuất phái từ một nền GDĐH bao cấp nên đến nay khái niệm hiệu quả kinh tế - tài chính, khái niệm trách nhiệm xã hội… còn rất mờ nhạt trong quản lý GDĐH.
- Vậy cần tăng nguồn lực cho đến mức nào để gọi là đủ “diều kiện cần”, thưa GS?
+ Do sự phức tạp trong thu chi ở GDĐH nên người ta lại thường sử dụng chỉ số “Chi phí đơn vị” (CPĐV – Unit cost), nghĩa là mức chi phí trung bình cho 1 SV trong 1 năm học, để biểu thị điều kiện cần. Nếu theo cách ước tính thô của Ngân hàng thế giới, tùy thuộc vào trình độ phát triển của từng nước, mức CPĐV ở VN hiện nay nên vào khoảng 12 – 14 triệu Đ/ SV. Con số này lớn khoảng 2 lần mức CPĐV thực tế hiện nay. (Nhưng nói như vậy không có nghĩa là phải có ngay nguồn lực đó. Và cũng xin lưu ý, chỉ số này biểu thị mức độ hiệu quả của GDĐH).
- Nghĩa là cần tăng CPĐV lên đến 2 lần, làm sao có thể thực hiện được, thưa GS?
+ Tôi nói vấn đề rất khó là vì vậy. Phải xem xét cả 4 nguồn nói trên. Trước hết là nguồn từ NSNN. Dù tổng NSNN dành cho GDĐH có thể tăng lên nhưng với tốc độ tăng SV hàng năm 10% thì tỷ lệ nguồn từ NSNN dành cho CPĐV khó có thể tăng lên được. Hơn nữa, nếu theo quan điểm “ưu tiên NSNN cho GD phổ cập”, nghĩa là giống như mô hình Nhật Bản (J-model) đã được lan tỏa sang nhiều nước ở Đông Nam Á, chỉ chi cho GDĐH từ NSNN khoảng 2,3% như ở Hàn Quốc chứ không còn là xấp xỉ 4% như ở nước ta hiện nay, càng khó có khả năng tăng tỷ lệ đóng góp từ nguồn này. Ở đây chỉ có thể kỳ vọng vào việc nâng cao hiệu quả tài chính GDĐH và vận dụng chính sàch dùng quỹ đất công cho các ĐH ngoài công lập. Vì vậy phải xét khả năng tăng ở phần học phí, nghĩa là đóng góp của SV (nguồn thứ 2), của gia đình SV (nguồn thứ 3) và đóng góp của cộng đồng (nguồn thứ 4). Phần đóng góp của cộng đồng, trong đó có đóng góp của chính trường ĐH mà người SV học, ở nhiều nước có tỷ lệ khá lớn, ở Mỹ đến trên 30% ở ĐH công lập và trên 40% ở ĐH tư thục (1995). Nước ta chưa có truyền thống này. Nhưng cần lưu ý đến phần đóng góp của chính trường ĐH nhờ vào các hoạt động cung cấp dịch vụ tư vấn và các hoạt động kinh doanh khác của nhà trường. Trung Quốc năm 1997, đóng góp dành cho CPĐV của các trường ĐH bình quân là 17%, có trường đến 50%, trong khi con số này ở VN hiện nay chỉ mới khoảng 1 – 2%.
- Như vậy, để tăng được nguồn thứ 4 là trách nhiệm của các trường ĐH, người sử dụng SV tốt nghiệp và cả hội cựu SV v.v…
+ Đúng vậy. Cần phải có cả cái nhìn từ phía xã hội.
Việc sử dụng có hiệu quả nguồn lực, việc nâng cao trách nhiệm xã hội mà cụ thể ở đây là trách nhiệm giải trình tình hình chất lượng và tài chính cho xã hội, cũng phải đặt ra song song với việc tăng học phí. Đáng tiếc, đến nay khái niệm hiệu quả kinh tế - tài chính, khái niệm trách nhiệm xã hội … còn rất mời nhạt trong quản lý giáo dục đại học.
- Thưa GS, có phải vì vậy mà “điều chỉnh” nhưng khung học phí lại tăng đến … “choáng” như báo chí đã nêu? Và, chắc là nhiều SV nghèo sẽ phải bỏ học.
+ Xin được trả lời theo từng vấn đề. Thứ nhất, không nên dùng từ “điều chỉnh” trong trường hợp này, dễ gây ra phản cảm. Thứ hai, chưa được biết lộ trình cũng như cách vận dụng nhưng dù sao đưa ra con số “điều chỉnh” có thể đến 5 lần cũng làm cho xã hội bị “sốc”. Thứ ba, đưa ra một khung học phí quá rộng là chưa phù hợp với tình hình thực tế ở VN, xét theo cả CPĐV thực tế cũng như cách thực thi, làm sao để nói ở trường ĐH này là 200.000 Đ/ tháng, ở trường ĐH khác là 700.000 Đ/ tháng? Chất lượng ở GDĐH là một khái niệm rất “mờ”, “khách hàng” SV khó mà nhận biết. GDĐH ở VN lại còn độc quyền, cung mới chỉ khoảng 25 – 30% của cầu, Nhà nước vẫn còn khống chế trần học phí. Coi chừng lại sinh ra cơ chế “xin – cho” về mức học phí được phép thu. Thứ tư, phần đóng góp của học phí trong CPĐV hiện nay đã khá cao so với nhiều nước, đến trên 40% ở ĐH công lập. Tuy vậy, chưa thấy ước tính tỷ lệ này nếu áp dụng chính sách học phí mới. Thứ năm, nếu vẫn thực hiện cách trả học phí trước khi bước vào học như hiện nay thì nhiều SV sẽ bỏ học. Tôi nghĩ như vậy.
- Thưa GS, đã có ước tính nói rằng, mất CBXH trong GDĐH đã cao hơn 2 lần mất CBXH trong kinh tế. Nay nếu nhiều SV nghèo sẽ bỏ học thì tình hình sẽ như thế nào?
+ Đấy là con số ước tính, còn con số thống kê chính thức thì chưa thấy. Lâu nay có lẽ chưa xem xét phần chi phí ăn ở của SV trong thiết kế chính sách tài chính GDĐH nên mới xảy ra tình trạng như vậy. Một em SV nghèo ở Bình Thuận vào TP. HCM học thì đâu chỉ phải trả 2 triệu đồng/ năm cho học phí mà còn ít ra là tốn 7 – 8 triệu đồng/ năm cho ăn ở và đi lại. Nay lại trả học phí thêm 4 – 5 triệu đồng nữa thì đương nhiên là tình hình sẽ xấu hơn. Chưa biết chính sách học bổng mới sẽ giải quyết được vấn đề này đến đâu.
- Vậy thì theo GS, đâu là con đường để giải quyết đồng thời chủ đề chất lượng và CBXH như GS đã nói?
+ Cụ thể ở đây là, làm sao tăng học phí mà SV nghèo không phải bỏ học? Câu hỏi quá khó. Chính vì vậy mà ở các nước người ta nghiên cứu công phu lắm và tranh luận với nhau nhiều lắm. Nhưng tôi thấy hình như có một con đường chung trong cải cách chính sách cung cấp tài chính cho GDĐH ở Anh, Nam Mỹ, Thái Lan … trong những năm vừa qua như sau.
Nhà nước lập ra một “Quỹ cho vay đặc biệt” cho SV vay để trả học phí và cả ăn ở với mức lãi suất thực bằng không. Sau khi tốt nghiệp, nếu còn chưa xin được việc làm hoặc lương còn thấp hơn một ngưỡng nào đó thì chưa phải trả. Nếu mức lương cao hơn ngưỡng thì trích một phần (ở Anh là 9%) của phần trên ngưỡng để trả dần. Sau một thời gian nào đó (ở Anh là 25 năm) mà chưa trả hết thì được xoá nợ. Như vậy là Nhà nước đã “tài trợ” phần lãi suất và gánh chịu toàn bộ những rủi ro trong tương lai cho SV như bị lương thấp, không có việc làm… và cả rủi ro do một số SV bị “mất địa chỉ”, không trả nợ. Nhà nước lấy một phần NSNN cấp cho GDĐH để trợ cấp và gánh chịu những rủi ro đó. Chính sách này có nghĩa, SV vẫn phải gánh chịu học phí tương đối cao và chi phí ăn ở nhưng không phải ở hiện tại mà ở tương lai (trả nợ dần) khi mà họ đã có mức thu nhập tương đối cao. Đương nhiên Nhà nước vẫn có chính sách học bổng và tài trợ cho SV nghèo. Chính sách này còn có ý nghĩa, nâng cao trách nhiệm của người SV đối với chính mình chứ không còn chỉ “dựa dẫm” vào gia đình.
Ở Mỹ từ năm 1975 đến 1995, khoản vay nợ của SV đã tăng từ khoảng 20 tỷ USD lên đến gần 80 tỷ USD. Ở Thái Lan, năm 2003, dự toán ngân sách của quỹ cho SV vay là vào khoảng 350 triệu USD trong khi năm 2002 phân bổ NSNN cho GDĐH cũng chỉ vào khoảng 800 triệu USD.
- Xin được hỏi GS câu cuối cùng, điều gì là cần lưu ý nhất trong việc xây dựng chính sách học phí?
+ Cần có thông báo để công chúng rõ hơn những khó khăn của Nhà nước cũng như bản chất của chính sách. Tôi xin lấy một ví dụ, trong một cuộc khảo sát ở Mỹ năm 2003 có câu hỏi: “Ai nên gánh trách nhiệm chính trả chi phí để học ĐH?” 70% dân Mỹ trả lời: SV và gia đình SV, 11% trả lời: Chính phủ bang, 17% trả lời: Chính phủ liên bang. Nếu khảo sát câu hỏi này ở VN, kết quả có thể sẽ khác, có thể một người dân nghèo ở vùng sâu vùng xa không có con học ĐH vẫn muốn Nhà nước trả là chính. Nhưng nếu có báo cáo với họ là, CPĐV là 10 triệu đồng/ SV, học phí là 2 triệu đồng/ SV, Nhà nước đang tài trợ 8 triệu đồng/ SV, kể cả SV con em nhà giàu. Nếu học phí là 5 triệu đồng/ SV, Nhà nước chỉ tài trợ 5 triệu đồng/ SV và do vậy NSNN còn có thêm 3 triệu đồng/ SV có thể dùng để mở mạng lưới y tế miễn phí hay cải thiện nguồn nước sạch cho nông thôn. Khi đó người dân này có thể sẽ thay đổi ý kiến
- Xin cám ơn GS.
KIỀU HẢI thực hiện