15/06/2018, 09:05

Tăng cường sự tự tin giúp nâng cao kỹ năng nói cho sinh viên

(ĐHVH HN) - Đối với sinh viên Việt Nam, việc trình bày bằng tiếng Anh một cách lưu loát trước đám đông không dễ dàng như nói bằng tiếng Việt. Việc học nói một ngôn ngữ mới quả là một quá trình khá khó khăn, thậm chí sinh viên còn cảm thấy sợ khi phải sử dụng ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ để ...



 (ĐHVH HN) - Đối với sinh viên Việt Nam, việc trình bày bằng tiếng Anh một cách lưu loát trước đám đông không dễ dàng như nói bằng tiếng Việt. Việc học nói một ngôn ngữ mới quả là một quá trình khá khó khăn, thậm chí sinh viên còn cảm thấy sợ khi phải sử dụng ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ để giao tiếp trong và ngoài lớp học. Họ lo sợ và thiếu tự tin khi phải sử dụng các từ và âm hoàn toàn khác với tiếng Việt. Yếu tố tâm lý này là một trong những rào cản rất lớn để có thể thành thạo trong giao tiếp. Sinh viên thường không sẵn sàng và không thích nói tiếng Anh mặc dù được giáo viên khích lệ. Phần lớn sinh viên cảm thấy xấu hổ và sợ nói sai. Họ cảm thấy thật tồi tệ nếu mắc lỗi trong khi nói. Chính vì điều này, trong giảng dạy ngoại ngữ, người dạy phải hiểu rõ được tâm lý lo sợ của người học để có thể tìm ra biện pháp làm tăng sự tự tin, giúp họ vượt qua những trở ngại trong khi học kỹ năng nói. Nhận thức được tầm quan trọng của yếu tố tâm lý này đối với sự tiến bộ trong kỹ năng nói, tác giả đã đề xuất một số biện pháp tăng cường sự tự tin cho sinh viên để giúp họ nói tiếng Anh một cách tự nhiên và trôi  chảy.
  1. Định nghĩa về kỹ năng nói
Theo Thorbury (2011), nói là một phần của cuộc sống hàng ngày mà chúng ta coi đó là điều hiển nhiên phải có. Hay nói cách khác, nói là một trong những hoạt động tất yếu của cuộc sống hàng ngày. Ngoài ra, Brown (2011) cho rằng, nói là sản phẩm của sự rút gọn sáng tạo trong các chuỗi ngôn ngữ; người nói tự lựa chọn từ vựng, cấu trúc, và diễn ngôn.
Nunan (2003) thì có quan điểm như sau:  nói chính là kỹ năng sản sinh bằng miệng diễn ra trong cuộc sống thực tế. Nói bao gồm việc sản sinh ra  lời nói một cách có hệ thống và có ý nghĩa để truyền đạt thông tin.
Theo quan điểm của William Levett (1989), trong bốn kỹ năng được coi là sản phẩm cơ bản của việc xây dựng ngôn ngữ, nói là kỹ năng phức tạp và chỉ con người mới có.
Ur (1991) định nghĩa: nói là quá trình gửi và nhận thông điệp thông qua việc sử dụng cách diễn đạt bằng miệng. Nói là kỹ năng sản sinh bằng lời; bao gồm việc tạo ra  lời nói có hệ thống để truyền đạt ý nghĩa. Tuy nhiên, việc sử dụng các ký hiệu phi ngôn từ như cử chỉ cũng được coi là một phần của hoạt động nói.
Cameron (2001) cho rằng nói là việc sử dụng ngôn ngữ một cách chủ động để diễn đạt ý nghĩa vì thế người khác có thể hiểu chúng.
Tóm lại, nói là một hoạt động quan trọng của con người và thông qua nó con người có thể hiểu và diễn đạt ý nghĩa để tương tác với người khác. Mặt khác, nói là một kỹ năng thường được mọi người đánh giá ngay từ lần tiếp xúc đầu tiên và dễ gây ấn tượng với người khác.
  1. Thực trạng dạy kỹ năng nói
Trước đây, việc giảng dạy kỹ năng nói chủ yếu thông qua việc cho sinh viên nhắc lại các từ và câu hoặc học thuộc các đoạn hội thoại cho sẵn. Tuy nhiên, ngày nay việc giảng dạy kỹ năng nói đã có những thay đổi. Giáo viên dạy nói theo đường hướng giao tiếp thông qua tổ chức các hoạt động tương tác giữa các sinh viên để thực hành các tình huống giao tiếp trong cuộc sống thực tế. Thornbury (2005) cho rằng các bài tập thực hành nói nên gắn liền với việc sử dụng ngôn ngữ đời thực. Điều này có nghĩa là giáo viên cần tạo ra môi trường mà ở đó sinh viên được thực hành các tình huống giao tiếp thực tế, giúp họ có thể tự diễn đạt một cách trôi chảy và hiệu quả bằng ngôn ngữ đích.
  1. Tầm quan trọng của kỹ năng nói
Trong lĩnh vực lý luận dạy học, những người thành thạo kỹ năng nói được coi là người nắm vững các kỹ năng khác của ngôn ngữ. Nói chung, nói giúp cho con người có thể truyền đạt được suy nghĩ và ý kiến của mình. Điều này đã được Ur (2002) đánh giá như sau: Trong bốn kỹ năng, theo trực giác, nói dường như là kỹ năng quan trọng nhất; một người biết một ngôn ngữ nào đó thì được hiểu là người nói được ngôn ngữ đó. Điều này có nghĩa là  kỹ năng nói bao gồm hết tất cả những hiểu biết khác.
Trong giảng dạy, giáo viên luôn mong muốn sinh viên của mình có thể sử dụng tiếng Anh một cách phù hợp và chính xác để có thể thu hút người nghe- những người cho họ cơ hội để truyền tải thông điệp. Theo Baker and Westrup (2003), một sinh viên có khả năng nói tiếng Anh tốt thì có nhiều cơ hội hơn để học nâng cao, có được việc làm và được thăng tiến. Như vậy, kỹ năng nói là vô cùng quan trọng không chỉ trong phạm vi lớp học mà còn ở bên ngoài lớp học nơi mà hầu hết các  công ty và tổ chức luôn cần tìm những người thông thạo ngoại ngữ và có khả năng nói tốt.
  1. Các khía cạnh của kỹ năng nói
Hai tiêu chí chính dùng để đánh giá năng lực ngoại ngữ đó là : Độ lưu loát và độ chính xác. Cả hai khía cạnh này đều là mục tiêu quan trọng của quá trình học ngôn ngữ. Đây là lý do tại sao sinh viên cần có cơ hội để có thể nâng cao và phát triển hai tiêu chí này.
  • Độ lưu loát (fluency)
Trong giảng dạy kỹ năng nói, giáo viên đều đặt ra mục tiêu chung cần đạt được đó là khả năng nói trôi chảy, đây là đặc điểm quan trọng khi trình bày. Độ lưu loát là khả năng biết kết hợp từ, câu và ý tưởng với nhau một cách hiệu quả theo cách phù hợp. Hedge Tricia (2000) nói rằng sự lưu loát là khả năng biết kết hợp các đơn vị lời nói với nhau một cách dễ dàng mà không hề có biểu hiện căng thẳng, ngắt quãng hay do dự quá mức trong lời nói.
Khả năng nói lưu loát có thể đạt được khi sinh viên có thể tự trình bày ý kiến của mình  một cách rành mạch và có lý lẽ để người nghe có thể hiểu được mà không cảm thấy do dự hay mất hứng thú.
Trong khi học kỹ năng nói, đa số sinh viên đều nghĩ rằng nói lưu loát là cần phải nói nhanh và không nghỉ. Tuy nhiên, Thornbury (2005) có quan điểm: tốc độ nói là một yếu tố quan trọng để đánh giá khả năng lưu loát nhưng người nói cũng cần ngắt nghỉ một vài chỗ để hít thở và để cho người nghe có thời gian nắm bắt được nội dung trình bày.
  • Độ chính xác
Người học thường chú ý nhiều đến độ lưu loát mà không quan tâm đến độ chính xác của ngôn ngữ. Chính vì thế, giáo viên thường chú trọng hơn vào độ chính xác trong giảng dạy kỹ năng nói. Tính chính xác có vai trò rất quan trọng trong giao tiếp. Bởi vì, nếu nói không chính xác, thì người nghe không hiểu được ý của người nói và trở nên mất hứng thú ngay lập tức. Để có thể sử dụng ngôn ngữ một cách chính xác và hoàn chỉnh trong giao tiếp thì sinh viên phải chú ý học cấu trúc ngữ pháp, từ vựng và phát âm trong suốt quá trình học ngoại ngữ.
  1. Các nguyên tắc trong giảng dạy kỹ năng nói
Sau đây là một số các nguyên tắc giúp cải thiện khả năng nói cho sinh viên:
  •  Lựa chọn các chủ đề thú vị
Giáo viên có thể lựa chọn các chủ đề liên quan đến các tình huống trong cuộc sống thực tế của sinh viên hay những vấn đề mà họ thực sự thích thú để khiến cho họ luôn sẵn sàng tham gia một cách vui vẻ vào các hoạt động giao tiếp.
  • Đánh giá kiến thức hiện có của sinh viên
Sinh viên đến lớp cùng với kiến thức nền tảng chung chung, những khả năng riêng biệt và các quan điểm sẽ ảnh hưởng đến việc họ tham gia vào các hoạt động học, tiếp nhận và tổ chức các thông tin mới trên lớp như thế nào. Nếu như giáo viên không quan tâm đến những kiến thức có sẵn và quan điểm của sinh viên thì những hiểu biết mà họ phát triển trong quá trình học có thể sẽ khác xa với mong đợi của giáo viên. Bởi thế, người dạy phải đánh giá được mức độ hiểu biết của người học. Điều này có thể thực hiện được thông qua việc yêu cầu sinh viên nói ra những điều họ biết về chủ đề thảo luận trên lớp. Sau đó giáo viên viết câu trả lời của họ lên bảng. Giáo viên cũng có thể đánh giá thông qua việc sử dụng bài kiểm tra trước, công cụ đồ họa tư duy (chẳng hạn: concept map, story map,...), portfolios hay  auditions.
  • Tạo động lực để sinh viên thực hành nói
Giáo viên phải đảm bảo rằng tất cả sinh viên đều tham gia vào hoạt động nói và sẵn sàng trả lời các câu hỏi. Bởi vì những ai thiếu tự tin về khả năng tương tác của mình thì thường chỉ nghe một cách im lặng trong khi người khác nói chuyện. Vì vậy, giáo viên cần phải tạo ra cơ hội cho những sinh viên rụt rè có thể trình bày ý kiến của mình bằng tiếng Anh và cố gắng động viên từng sinh viên tham gia vào các hoạt động diễn thuyết trên lớp. Có như vậy mới giúp cho sinh viên vượt qua được cảm giác sợ hãi và rụt rè.  
  • Gọi cá nhân trả lời
Để có thể đảm bảo tất cả sinh viên đang lắng nghe và đang làm theo hướng dẫn và để tăng cường sự tham gia của sinh viên trong suốt buổi học, giáo viên nên gọi những sinh viên mà mình cho rằng có thể trả lời được câu hỏi. Tuy nhiên, giáo viên cần gọi tên trước rồi mới đặt câu hỏi trực tiếp thật đơn giản và rõ ràng để họ có thể hiểu dễ dàng (Ví dụ: Jenifer, could you comment on the last point?) 
  • Sự tự tin của sinh viên
Sự tự tin là một trong những yếu tố quan trọng góp phần dẫn đến thành công của người học. Nhiều sinh viên có thói quen khi nghĩ rằng nếu mình trả lời, chắc chắn giáo viên sẽ bị giáo viên nhận xét mình trả lời sai. Khi sinh viên trả lời sai, giáo viên nên quay lại câu hỏi và giải thích cặn kẽ để giúp sinh viên có thể trả lời đúng. Bằng cách tạo được niềm tin cho người học cũng chính là đang tạo được yếu tố quan trọng nhất dẫn đến thành công trong học tập đó là động lực hay chính là sự hứng thú đối với việc học tập.
  • Động viên, khích lệ sinh viên tham gia học tập
Giáo viên nên sử dụng những lời nhận xét tích cực đối với sự tiến bộ của sinh viên để khích lệ họ như: Phần trình bày của em rất tuyệt vời;  Em làm rất tốt; Cô/ Thầy đánh giá cao cố gắng của em,v.v.
Khi nhận được những lời động viên của giáo viên, chắc chắn các em sẽ hào hứng hơn, tự tin hơn và sẽ sẵn sàng hoàn thành tất cả các bài tập được giao.
  1. Tầm quan trọng của sự tự tin
Sự tự tin đóng vai trò quan trọng không chỉ trong học kỹ năng nói mà còn ở nhiều khía cạnh của cuộc sống con người. Yếu tố này quan trọng hơn cả kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm mà con người thu nhận được.
  • Tự tin quan trọng như năng lực
Ví dụ, trong một buổi phỏng vấn xin việc, bạn có sẵn nhiều kinh nghiệm cũng như khả năng đáp ứng yêu cầu của công việc nhưng bạn còn phải thuyết phục nhà tuyển dụng để họ tin tưởng là bạn có thể làm được công việc đó tốt. Nếu ngôn ngữ cơ thể của bạn cho họ thấy điều ngược lại, chẳng hạn: bạn giao tiếp không nhìn vào mắt người đối diện mà lại nhìn xuống đất hay bạn có những cử chỉ không lịch sự thì bạn ít có khả năng xin được việc.
  • Tự tin tạo ra sự tin tưởng
Nếu như ai đó không tin vào bản thân mình thì không thể khiến người khác tin tưởng họ. Ngoài ra, nếu họ nghĩ mình không thể làm việc gì thành công thì sẽ chẳng có ai coi trọng họ. Điều này có nghĩa mọi người chỉ tin tưởng và có niềm tin đối với những người có niềm tin vào năng lực, khả năng của bản thân.
  • Tự tin khiến con người có nhu cầu giao tiếp
Những ai không tự tin thường gặp khó khăn trong việc giao tiếp với mọi người ở nơi làm việc, ở các sự kiện tập thể hay tại trường học. Nếu bạn thiếu tự tin, bạn sẽ gặp trở ngại khi trình bày trước đám đông. Bạn cũng rất khó tạo ra sự tin tưởng đối với đồng nghiệp. Điều này khiến bạn không muốn gặp gỡ với những người mới và cả những người quan trọng với bạn. Nếu bạn thiếu tự tin bạn cũng khó lòng nói lời từ chối đối với người khác.
  • Tự tin khiến con người biết điều họ muốn trong cuộc sống
Con người xứng đáng được hưởng hạnh phúc và nhận được những điều họ mong muốn trong cuộc sống cho dù họ có thành công hay không. Tuy nhiên, nếu họ không tin tưởng vào bản thân có thể đạt được thành công thì những lời nói hay suy nghĩ tiêu cực của họ sẽ khiến họ trở nên thêm thất bại.
  • Tự tin ảnh hưởng đến cách con người hưởng thụ cuộc sống
Thiếu niềm tin vào bản thân sẽ làm nảy sinh các vấn đề  khác liên quan đến sức khỏe và tinh thần như hình ảnh cơ thể kém sức sống, rối loạn ăn uống, căng thẳng, lo lắng, thậm chí trầm cảm. Ngoài ra, nó còn khiến cho con người trở nên thù hận người khác và có những hành vi xấu như bắt nạt hay cô lập ai đó,v.v.
  • Tự tin giúp con người thoải mái trong giao tiếp
Mọi người có thể kết bạn và nói chuyện với những người tự tin dù họ ở cách xa nhau về khoảng cách địa lý. Tuy nhiên nếu bạn sợ và không dám giao tiếp thì chẳng ai có cơ hội được nói chuyện với bạn.
Tóm lại, tự tin là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của người học trong quá trình học ngoại ngữ nói chung và kỹ năng nói nói riêng. Những sinh viên thành công thường là người có mức độ tin tưởng rất cao vào bản thân. Dr. Abdallah and Dr. Ahmed (2015) đưa ra kết luận về ảnh hưởng của sự tự tin đối với việc học tiếng Anh đó là có mối quan hệ mật thiết giữa sự tự tin và thành công trong học tiếng Anh, đặc biệt thành công trong giao tiếp và kết quả học tập cao.  Kakepoto (2012) cho rằng sự tự tin là yếu tố cần thiết đảm bảo sự thành công trong thuyết trình. Nó là động lực để người nói có thể truyền đạt ý kiến của mình đến người nghe một cách hiệu quả. Chính vì vai trò quan trọng của yếu tố tự tin trong học ngoại ngữ mà người dạy cần phải chú ý nhiều hơn để phát triển tính tự tin cho người học.
  1. Các bước xây dựng và phát triển sự tự tin cho sinh viên
Scrivener(2012) đã đưa ra một số biện pháp hiệu quả xây dựng và tăng cường tính tự tin cho sinh viên như sau:
  • Gọi nhiều sinh viên trình bày
Giáo viên nên đối xử công bằng với tất cả sinh viên trên lớp. Khi đặt câu hỏi, giáo viên không nên chỉ hướng vào một số sinh viên nhất định, mà phải bao quát cả lớp, yêu cầu  càng nhiều em đưa ra ý kiến càng tốt. Ngoài ra, giáo viên nên đưa ra lời nhận xét, đánh giá theo hướng tích cực, động viên và khuyến khích sinh viên ngay cả khi họ trả lời sai.
  • Đặt câu hỏi và yêu cầu trả lời đồng loạt
Đây là cách hiệu quả giúp tất cả sinh viên có cơ hội được tham gia.
  • Đặt câu hỏi mở đối với sinh viên giỏi và câu hỏi đóng đối với sinh viên kém
Giáo viên nên hỏi theo nhiều cách phù hợp với trình độ sinh viên. Đối với sinh viên học tốt, giáo viên nên đặt câu hỏi mở, đó là loại câu hỏi yêu cầu sinh viên phải giải thích và đưa ra quan điểm của mình. Đối với những sinh viên kém hơn thì giáo viên nên sử dụng câu hỏi đóng, loại câu hỏi đòi hỏi người trả lời giải thích ít hơn.
Nói chung, bằng cách đưa ra câu hỏi phù hợp với trình độ của người học, giáo viên có thể  phát triển được tính tự tin cho người học, khiến họ mạnh dạn và hứng thú hơn đối với các hoạt động thực hành giao tiếp trên lớp.
  • Yêu cầu từng cá nhân sinh viên lần lượt trả lời
Đây là cách hiệu quả có thể rèn tính tự tin cho sinh viên khi giáo viên đặt câu hỏi và yêu cầu từng cá nhân trả lời.
  • Hướng dẫn sinh viên
Giáo viên nên tổ chức thảo luận ngắn và đưa ra một vài hướng dẫn cho sinh viên trong suốt giờ học bằng cách hỏi họ về những vướng mắc hay cảm giác của sinh viên trong khi thực hành nói. Giáo viên nên cố gắng động viên, khuyến khích họ hoàn thành bài nói của mình.
  •  Trò chuyện với sinh viên sau giờ học
Giáo viên nên dành một khoảng thời gian để nói chuyện với sinh viên của mình sau giờ học. Đây là cách giúp cho giáo viên hiểu sinh viên của mình hơn và cũng khiến cho mối quan hệ của giáo viên và học sinh gần gũi hơn. Vì thế, họ sẽ trở nên tự tin và thoải mái  hơn trong lớp học khi biết được cô hoặc thầy của mình luôn động viên, khuyến khích và gần gũi với họ.

Kết luận

Tự tin là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến sự tiến bộ của người học trong quá trình học ngoại ngữ nói chung và kỹ năng nói nói riêng. Vì thế, cả người học và người dạy cần phải chú ý đến tầm quan trọng của yếu tố này để có thể đạt được tiến bộ trong giao tiếp. Về phía người học, họ cần phải thực hành nói hàng ngày để nâng cao trình độ của mình và khiến họ trở nên tự tin và mạnh dạn hơn trong giao tiếp. Về phía người dạy, giáo viên cần phải tạo cho học sinh môi trường học tập vui vẻ, thoải mái; đối xử với sinh viên một cách công bằng; luôn khuyến khích, động viên, hướng dẫn nhiệt tình trong suốt giờ học; thiết kế các bài tập nói và giao cho sinh viên chuẩn bị hàng ngày; xây dựng môi trường học tự chủ cho sinh viên. Tác giả hy vọng bài viết này sẽ là gợi ý hữu ích cho giáo viên trong việc nâng cao tính tự tin cho sinh viên giúp họ nâng cao kỹ năng nói cho bản thân.
 
--
Tác giả: Th.S Mai Lan Anh (Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Quốc tế)
--
0