03/06/2017, 22:36
Tâm trạng của nhân vật Liên Trong "Hai đứa trẻ" và diễn biến tâm trạng trong cảnh đợi tàu
Thạch Lam là nhà văn luôn hướng tới hiện thực tâm hồn của những con người bình thường,cơ cực nhưng rất đỗi thanh cao.Văn ông là một áng văn xuôi đậm chất thơ có sự hòa quyện của hai yếu tố hiện thực và lãng mạn và "Hai đứa trẻ" là một tác phẩm như thế. Truyện đã thể hiện được tâm trạng ...
Thạch Lam là nhà văn luôn hướng tới hiện thực tâm hồn của những con người bình thường,cơ cực nhưng rất đỗi thanh cao.Văn ông là một áng văn xuôi đậm chất thơ có sự hòa quyện của hai yếu tố hiện thực và lãng mạn và "Hai đứa trẻ" là một tác phẩm như thế. Truyện đã thể hiện được tâm trạng của Liên và diễn biến tâm trạng trong cảnh đời tàu.
Cuộc sống của chị em Liên gắn liền với nơi phố huyện tàn tạ, tăm tối.Trước kia, Liên đã từng có những tháng ngày sống ở Hà Nội sáng rực, vui vẻ và huyên náo. Nhưng rồi do bố mất việc nên hai chị em Liên và mẹ cùng gia đình chuyển về kiếm sống nơi phố huyện nghèo. Nơi đây, mọi người dân phải vất vả vật lộn kiếm sống suốt ngày mà vẫn cơ cực, nghèo túng. Có thể nói con người nơi phố huyện là những cuộc đời tăm tối, không có hi vọng. Nơi đó có mẹ con chị Tí " ngày đi mò cua bắt tép, tối đến chị mới dọn cái hàng nước này". Chị chả kiếm được bao nhiêu nhưng chiều nào chị cũng dọn hàng từ chập tối đến nửa đêm. Trong sự đời chờ có điều gì bẽ bàng, tủi hổ. Nhưng vẫn chưa bặng gia đình bác Xẩm.Họ ngồi trên manh chiếu với cái thau sắt để trước mặt,rồi không khách không tiền. Mệt mỏi họ lăn ra đất và như lẫn vào trong đất. Họ chưa chết mà đã gần đất biết bao. Và bác Siêu với gánh hàng phở cũng ế ẩm, khốn khó. Đối với chị em Liên, quả bác Siêu là một thức quà xa sỉ, nhiều tiền, hai chị em không bao giờ mua được. Mà hai chị em Liên lại là những người khá khẩn nhất nơi đây mà cũng không thể nào mua nổi. Điều đó chỉ rõ nguy cơ gánh hàng bác Siêu phải đóng cửa vì hàng không bán được. Hình ảnh bà cụ Thi điên ám ảnh nhất trong bức tranh sinh hoạt nơi phố huyện. Bà xuất hiện từ bong tối ngửa cổ uống sạch cả cút rồi trả tiền lảo đảo bước đi vào trong bóng tối với tiếng cười khanh khách. Đây chính là hình ảnh của con người của những số phận bi kịch bị "bóng tối cuộc đời" chà đạp. Nơi phố huyện ấy bóng tối bao trùm dày đặc những cuộc sống nhỏ nhoi từ hàng phở của bác Siêu, ngọn đèn ở gánh hàng nước chị Tí càng làm tăng thêm sự dày đặc của bóng tối. Chút ánh sáng nhỏ nhoi ấy là những biểu tượng về những kiếp sống leo lắt, cơ cực giữa đêm tối mênh mông của xã hội cũ.
Cuộc sống nơi đây diễn ra trong một khung cảnh đơn điệu, tẻ nhạt. Sáng dậy mở cửa bán hàng, chiều tối lại lo kiếm tiền thu hàng. Những món hàng của chị em Liên là những món hàng nhỏ nhoi không thay đổi: mấy bao diêm, mấy cuộn chỉ, mấy bánh xà phòng. Đêm xuống, chị em Liên ngồi trải chiếc võng tre xuống để trông hàng. "Chiếc vọng nan lún xuống và kêu cót két" là một chi tiết có ý biểu đạt lớn.Cuộc sống của những đứa trẻ mới lớn lên sao mà đã sớm già nua, tàn tạ đến vậy.Mở đầu tác phẩm đã hiện rõ hình ảnh Liên ngồi yên lặng, đôi mắt ngập tràn bóng tối và thấy lòng buồn man mác. Đêm xuống nhìn những con người âm thầm cơ cực trong bóng đêm dày đặc nỗi buồn của Liên càng nặng trĩu. Cuộc sống của chị em Liên thật buồn thảm và đơn điệu.
Nhưng trước cuộc sống tăm tối ấy chị em Liên vẫn luôn khao khát một cuộc sống tốt đẹp hơn,trong sáng hơn. Liên sống cùng bóng tối song không cam chịu sống mãi trong đó. Liên luôn khao khát hướng về ánh sáng, dõi theo ánh sáng ở mọi phía mọi nơi. Cô đã hướng tới ánh sáng từ những vụn sáng vọt qua. Đến những ánh sao lấp lánh trên nền trời. Rồi Liên lại liên tưởng đến ánh sáng trong quá khứ. Đến Hà Nội với "một vùng sáng rực và lấp lánh". Hướng tới ánh sáng khắp mọi nơi như vậy tức là chị em Liên muốn thoát khỏi thời gian đang ngưng đọng, lụi tàn. Và Liên đã tìm thấy một cuộc sống khác tươi sáng hơn trong hình ảnh đoàn tàu nơi phố huyện. Vì vậy, đêm chị em Liên cố thao thức đời chờ chuyến tàu chạy qua.
Tâm trạng đợi tàu của chị em Liên được Thạch Lam diễn tả với thái độ nâng niu, trân trọng. Đó là một nỗi đợi chờ đến khắc khoải, cho dù buồn ngủ díu cả mắt, Liên vẫn cố chống lại để không bỏ lỡ chuyến tàu chạy, để được ngắm nhìn đoàn tàu. Sự đợi chờ này của chị em Liên cứ tựa như cùng đợi giao thừa cho năm mới. Ngay cả khi An không thức nổi được nữa vẫn phải cố dặn chị đánh thức dậy. Chuyến tàu đêm đã trở thành nỗi nhớ ngày và được chị em Liên đón nhận trong tâm trạng trân trọng, thiêng liêng. Khi tàu sắp đến chỉ nghe thấy tiếng còi từ xa vọng lại Liên đã đánh thức em đứng dậy để nhìn cho rõ. Vậy là cả một ngày dài đợi chờ trong buồn chán, giờ đây mới là giây phút họ được sống thực sự. Khi tàu đến tiếng còi rít lên và tàu rầm rộ kéo đến, khiến cho tâm hồn hai đứa trẻ như bị hút sâu vào toa tàu đến sáng trưng. Ánh sáng của toa tàu như chiếu sáng cuộc đời của chị em Liên trong phút chốc. Rồi đoàn tàu đi vào trong đêm tối, chị em Liên vẫn dõi theo mãi đến tận khi đoàn tàu đi khuất thì họ mới ngủ. Con tàu chính là con thoi sáng rực lấp lánh những kỉ niệm từ quá khứ trở về hiện tại và khơi dậy một tương lai trong mắt người nhìn.
Thể hiện tâm trạng đợi tàu của "Hai đứa trẻ", Thạch Lam với sự thức tỉnh ý thức cá nhân sâu sắc muốn bày tỏ lòng xót thương vô hạn với những kiếp người nhỏ bé vô danh không bao giờ biết đến ánh sáng và hạnh phúc. Trong xã hội cũ có biết bao người phải sống cuộc sống tẻ nhạt, vô nghĩa đến trong mơ cũng không biết mơ một chuyến tàu đêm đi qua cuộc đời mình.
Qua tâm trạng đợi tàu của "Hai đứa trẻ", nhà văn muốn lay tỉnh những tâm hồn đang lụi tàn ngọn lửa của lòng khao khát và gửi tới chúng ta một bức thông điệp: "Xin đừng để tắt ngọn lửa của lòng khao khát". Vì con người không còn khao khát đợi chờ gì nữa thì cũng có nghĩa cuộc đời đã hết.Và tất cả đều trở nên vô nghĩa. Phải biết ước mơ thì cuộc đời mới được chắp cánh bay cao.Đó chính là ý nghĩa tư tưởng của thiên truyện này.