23/05/2018, 18:30

Tại sao gọi là bánh dinh dưỡng? Lợi ích và kỹ thuật chế biến?

Bánh dinh dưỡng Bánh dinh dưỡng là một dạng chế biến các phụ phẩm công - nông nghiệp rẻ tiền. Thành phần chủ yếu của bánh dinh dưỡng gồm: rỉ mật (cung cấp năng lượng), urê (cung cấp đạm) và các khoáng chất. Ngoài ra, để làm bánh dinh dưỡng cần sử dụng thêm các chất độn, các chất ...

Bánh dinh dưỡng

Bánh dinh dưỡng là một dạng chế biến các phụ phẩm công - nông nghiệp rẻ tiền. Thành phần chủ yếu của bánh dinh dưỡng gồm: rỉ mật (cung cấp năng lượng), urê (cung cấp đạm) và các khoáng chất. Ngoài ra, để làm bánh dinh dưỡng cần sử dụng thêm các chất độn, các chất kết dính tạo thuận lợi cho việc ép thành bánh và làm cho bánh xốp. Đó là đá vôi, xi măng, vỏ lạc xay nhỏ, bột bã mía, rơm nghiền...

 

Sử dụng bánh dinh dưỡng trong chăn nuôi loài nhai lại có nhiều lợi ích: tận dụng được các nguyên liệu thức ăn rẻ tiền, kém ngon miệng và mất cân đối về mặt dinh dưỡng tạo thành một hỗn hợp ngon miệng, cân đối dinh dưỡng và hoàn toàn có thể thay thế một phần thức ăn tinh hỗn hợp (chính vì vậy một số người còn gọi là bánh đa dinh dưỡng). Bánh dinh dưỡng cung cấp cho hệ sinh vật dạ cỏ các chất bột đường và đạm phi protein, làm cho quá trình tổng hợp đạm vi sinh vật đạt hiệu quả cao.

 

Yêu cầu của bánh dinh dưỡng:

            - Bảo đảm các thành phần cần thiết, cung cấp các chất dinh dưỡng cho gia súc nhai lại.

 

            - Có độ cứng thích hợp, không bị vỡ khi vận chuyển.

 

            - Gia súc nhai lại thích ăn.

 

            Có nhiều công thức làm bánh dinh dưỡng. Sau đây là ba công thức được nhiều người áp dụng (tính cho 100 kg):

 

* Công thức 1:

 

            - Rỉ mật                                  : 52 kg

            - Urê                                       :  3 kg

            - Hỗn hợp khoáng                  : 1 kg

            - Muối ăn                                : 2 kg

            - Vôi bột                                 : 2 kg

            - Bột bã mía                           : 20 kg

            - Bột dây lạc                           : 20 kg

 

* Công thức 2:

 

            - Rỉ mật                                  : 40 - 50 kg

            - Urê                                       : 10 kg

            - Cám gạo                               : 5 kg

            - Vôi bột                                 : 5 kg

            - Muối ăn                                : 5 kg

            - Xi măng                               : 5 kg

            - Bột vỏ lạc                            : 20 - 30 kg

           

 

* Công thức 3:

 

            - Rỉ mật                                  : 40 kg

            - Urê                                       : 4 kg

            - Cám gạo                               : 10 kg

            - Bột sắn                                 : 10 kg

            - Hỗn hợp khoáng                  : 1 kg

            - Muối ăn                                : 5 kg

            - Bột dây, vỏ lạc                     : 30 kg

 

Trong trường hợp không có bột dây, vỏ lạc, bột bã mía khô có thể thay thế bằng bã sắn khô hoặc dây khoai lang băm nhỏ và phơi khô.

 

Các dụng cụ cần thiết để làm bánh dinh dưỡng bao gồm: máy ép khuôn với khuôn ép tùy theo khối lượng tảng bánh cần tạo ra (tảng bánh thường là 2 - 5 kg), thùng trộn nguyên liệu, dụng cụ trộn...

 

Cách tiến hành theo các bước như sau: trước hết trộn urê và muối vào rỉ mật, tạo thành hỗn hợp 1. Lưu ý khấy kỹ để urê và muối tan hết trong rỉ mật. Mùa đông nên đun nóng rỉ mật để cho dễ tan. Trộn riêng các chất độn và các chất kết dính thành hỗn hợp 2. Sau đó đổ hai hỗn hợp vào với nhau. Khuấy đảo nhanh tay và liên tục trong khoảng 15 - 20 phút để các thành phần được trộn đều. Lưu ý đến độ ẩm của hỗn hợp: nếu dùng tay nắm lại, khi mở bàn tay ra hỗn hợp không bị rã rời, tạo được hình trong lòng bàn tay là được. Cho hỗn hợp vào khuôn và ép thành bánh. Tháo khuôn ra và để cho bánh tự khô.

 

Cách bảo quản và sử dụng:

 

Bánh dinh dưỡng chế biến như trên có thể bảo quản, dự trữ trong 4 - 5 tháng. Nếu bao gói trong giấy xi măng hoặc nilông thì có thể bảo quản được lâu hơn, thậm chí tới 1 năm. Cách cho trâu bò ăn là để bánh dinh dưỡng nơi sạch sẽ trong chuồng và gia súc ăn tự do theo kiểu "gặm nhấm" dần. Không bóp vụn, cũng như không hòa vào nước.

           

Không sử dụng bánh dinh dưỡng cho bê nghé dưới 6 tháng tuổi vì dạ cỏ của chúng chưa phát triển hoàn chỉnh và chưa tiêu hóa được urê.

0