Đọc thêm: Vận nước (Quốc tộ)
Hướng dẫn 1. Nghệ thuật so sánh: “Vận nước như dây mây leo quấn quýt” chính là dùng hình tượng tự nhiên để khẳng định vận nước đang thịnh vượng, phát triển bền chặt và lâu dài. Hai câu thơ đầu: Vận nước như mây quấn, Trời Nam mở thái bình. Khiến người đọc nhớ ...
Hướng dẫn
1. Nghệ thuật so sánh: “Vận nước như dây mây leo quấn quýt” chính là dùng hình tượng tự nhiên để khẳng định vận nước đang thịnh vượng, phát triển bền chặt và lâu dài. Hai câu thơ đầu:
Vận nước như mây quấn,
Trời Nam mở thái bình.
Khiến người đọc nhớ đến hoàn cảnh đất nước thời Tiền Lê lúc bấy giờ cũng như vai trò, vị trí của tác giả đối với triều đại này.
2. Được biết, sau một thời gian dài loạn lạc, nhiễu nhương vì nội chiến (loạn thập nhị sứ quân và sự thống nhất đất nước thời Đinh Tiên Hoàng) tiếp đó là cuộc chiến tranh xâm lược của nhà Tông thời Lê Đại Hành; đất nước đang đi vào thời kì ổn định dần. Lúc bấy giờ, nhà vua Lê Đại Hành (980-1005) có hoài bão xây dựng một vương triều phong kiến vững mạnh, một đất nước tự chủ, hùng mạnh. Trong khí thế đi lên của dân tộc, một vận hội mới đã mở ra.
Tác giả bài thơ Vận nước là Đỗ Pháp Thuận (915-990) chưa rõ quê quán. Ông là nhà sư học rộng, có tài văn chương, từng cố vấn cho triều đình soạn định nhiều sách lược quan trọng cả về nội trị lẫn ngoại giao.
Bài thơ trên đây là lời nhà sư đáp lại câu hỏi của vua Lê Đại Hành. Sử sách còn ghi rằng: Vua Lê Đại Hành thường hỏi Đỗ Pháp Thuận về vận nước ngắn dài? Với câu hỏi lớn ấy của nhà vua, nhà sư đã đáp lại bằng bài thơ này, ngắn gọn mà sâu sắc.
Hai câu đầu không chỉ khẳng định vận may của đất nước mà còn bộc lộ niềm tin của tác giả vào vận nước đang hưng thịnh. Hai câu thơ biểu hiện một tâm trạng phơi phới niềm tin tự hào và lạc quan của nhà thơ sau chiến thắng giặc Tông xâm lược, đất nước bước vào thời thái bình.
3. Hai câu thơ còn lại vẫn với lời thơ, hình tượng thơ giản dị, mà trang nhã và đầy khí chất:
Vô vi trên điện các
Chốn chốn dứt đao binh
Vô vi là không làm gì trái tự nhiên là sống thuận theo tự nhiên không bị ràng buộc trong những khuôn phép ứng xử do con người đặt ra. Theo quan niệm Phật giáo, vô vi còn là từ bi, bác ái, vị tha…Ở đây nhà sư muốn mách bảo với nhà vua là muốn hướng tới một nền thái bình muôn thuở cho dân cho nước thì người sống nơi điện các – là nhà vua – hãy thuận theo lẽ tự nhiên của trời đất mà trị nước thì nơi nơi sẽ sống cảnh thanh bình không còn nạn đao binh, chinh chiến.
4. Hai câu thơ cuối này phản ánh truyền thống yêu chuộng hòa bình của dân tộc.
Đây là bài thơ xuất hiện trước tiên của văn học dân tộc, một trong những tác phẩm văn học xưa nhất ngày nay còn giữ lại được.
Nếu Nam quốc sơn hà được coi như một tuyên ngôn độc lập của nước Đại Việt thì Quốc tộ là một tuyên ngôn hòa bình của đầu kỉ nguyên tự chủ.
Mai Thu