Tả đàn chim bồ câu – Văn mẫu hay lớp 6
Xem nhanh nội dung Em hãy quan sát và miêu tả đàn chim bồ câu nhà em nuôi (hoặc em biết) – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Hà Giang Từ ngày về hưu, ông nội em mới có điểu kiện để thực hiện thú nuôi chim bồ câu mà ông ấp ủ từ lâu. Suốt một tuần liền, ông tự tay đóng ...
Xem nhanh nội dung
Em hãy quan sát và miêu tả đàn chim bồ câu nhà em nuôi (hoặc em biết) – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Hà Giang
Từ ngày về hưu, ông nội em mới có điểu kiện để thực hiện thú nuôi chim bồ câu mà ông ấp ủ từ lâu. Suốt một tuần liền, ông tự tay đóng chuồng. Hai chiếc chuồng chim bằng gỗ sơn xanh có bốn ngăn, cửa chuồng khoét thành hình tròn, sơn viền màu trắng trông rất hấp dẫn được đặt trên cọc gỗ giữa vườn, dưới gốc cây bưởi lớn. Ông em bảo chim bồ câu rất thích ở trong những chiếc chuồng đẹp đẽ, thoáng mát và cao ráo.
Hôm đi mua chim, ông em chọn được hai cặp bồ câu Nhật, lông trắng muốt, đuôi xoè rộng như đuôi công, trông rất dễ thương. Ngày ngày, ông tự tay chăm sóc, nuôi dưỡng chúng.
Thấm thoắt đã hơn một năm. Từ hai cặp chim ban đầu, bầy chim giờ đã hơn chục con, thành một gia đình đông đúc. Mỗi sáng ông em rải thóc, rải đậu trên mặt sân, đàn chim sà xuống, tranh nhau mổ. Có những con rất dạn dĩ, mổ đậu xanh từ trong tay ông. ông trìu mến vuốt ve chúng và nói với em rằng ông rất thích nghe tiếng chim gù buổi sáng, bởi âm thanh ấy làm cho tâm hồn thanh thản. Đàn chim ăn no, vỗ cánh nối đuôi nhau bay vút lên. ông em nhìn theo, nở một nụ cười mãn nguyện. Trên sân lúc này chỉ còn mấy chị bồ câu đang nuôi con nhỏ, vẫn cặm cụi nhặt nhạnh từng hạt thóc, hạt đậu còn vương vãi.
Trên ngăn chuồng bên trái có cặp chim non mới nở được hai tuần. Trông chúng mới ngộ nghĩnh làm sao! Chiếc mỏ màu hồng nhạt to quá cỡ lúc nào cũng há ra như chờ đợi. Tiếng kêu chim chíp yếu ớt. Đôi chân nhỏ xíu lẩy bẩy đỡ tấm thân trụi lủi, thưa thớt mấy đám lông măng. Đôi mắt chúng tròn xoe, ngơ ngác nhìn ngó xung quanh, lấy làm lạ lắm. ôi! Đói bụng quá rồi! Sao mẹ đi kiếm mồi mãi vẫn chưa về nhỉ? Sốt ruột, hai chú ra trước cửa chuồng ngóng đợi.
Ô! Mẹ về rồi kìa! Chim non khẽ kêu lên sung sướng. Chim mẹ chao nghiêng đôi cánh rộng, nhẹ nhàng đáp xuống bên con.
Chim con cuống quýt đòi ăn. Chim mẹ mớm mồi từng chút, từng chút vào cái mỏ háu đói. Mặc cho chim con thúc giục, chim mẹ chẳng vội vàng. Xong xuôi, nó âu yếm vuốt ve con. Chim bố nãy giờ đứng ở đầu chuồng cất tiếng gù gù, vẻ hài lòng lắm.
Chim bồ câu xinh đẹp và duyên dáng được coi là biểu tượng cho cuộc sống hoà bình trên trái đất. Em yêu quý chim bồ câu và càng yêu quý cuộc sống thanh bình của đất nước.
Tả đàn chim bồ câu nhà em nuôi – Bài làm 2
Bồ câu – cánh chim của hòa bình. Bà nội tôi đã nói với tôi như thế nhiều lần, mỗi khi thấy một hai chú chim xà xuống sân nhà. Bà nội tôi đã mất, nhưng ba mẹ vẫn tiếp tục nuôi chim bồ câu như để tưởng nhớ đến bà, và lưu giữ những kỷ niệm của bà.
Đàn chim nhà tôi dễ có đến hàng trăm con, năm nào ba cũng làm thêm cho chúng những ô chuồng mới, nhưng dường như không đủ. Chim bồ câu sinh rất nhanh, mỗi lần sinh là hai quả trứng, sau đó chim mái ấp để nở ra những chú chim non. Chim bố và chim mẹ sẽ thay nhau chăm chỉ kiếm mồi về nuôi những chú chim con cho đến ngày chúng đủ lông, đủ cánh có thể tự bay đi. Đàn chim nhà tôi tự kiếm ăn là chính, ba mẹ tôi cũng cho chúng ăn phụ thêm mỗi ngày đặc biệt là những ngày mưa gió, giông tố chim không thể tự kiếm ăn. Những đôi chim non thường có hai con nhưng đôi khi may mắn cũng không đến với những ông bố bà mẹ, bởi một trong hai đứa con xấu mệnh nên bỏ đi sớm. Thường những chú chim đơn độc ấy sau khi đủ lông đủ cánh, ba mẹ tôi sẽ tách riêng ra. Ba nói: “Nếu không tách ra chim sẽ rất buồn, vì nó luôn chỉ có một mình”.
Tôi quan sát đàn chim đi kiếm ăn. Bà nội tôi nói lúc nào cũng đúng, chim bồ câu chung thủy thật – chúng sống theo cặp, kiếm ăn cũng kiếm ăn theo cặp. Cho dù một đàn rất chim nhưng chẳng bao giờ chúng nhầm lẫn bởi chúng cũng có tiếng nói và tình yêu riêng. Tiếng nói trầm buồn của bà như hướng về tình yêu của bà giành cho ông. Ông đi bộ đội rồi hy sinh khi bà mới hai sáu tuổi, bố tôi thì chập chững biết gọi bi bô. Đấy là bố kể chứ ngày đó tôi còn ở một nơi rất xa chưa làm cháu của bà. Và chim bồ câu cũng về sống với bà từ đó. Bà giành dụm những đồng tiền tiết kiệm để mua một đôi chim bồ câu về nuôi từ khi ông đi bộ đội với hy vọng hòa bình lập lại và ông quay trở về. Nhưng thật buồn khi đàn chim mỗi ngày một đông lên nhưng ông không về.
Đàn chim đông đúc nhưng chưa khi nào tôi thấy chúng đánh nhau, loài chim này sống rất tình cảm và đoàn kết. Cứ quan sát đôi mắt của chúng sẽ thấy. Đôi mắt nâu biếc, tròn to, ươn ướt. Người ta vẫn thường ví những đôi mắt đẹp tình cảm với mắt chim bồ câu mà. Đàn chim đông đúc nhưng âm thanh phát ra chỉ là những tiếng gù gù thật dễ chịu.
Tôi vẫn thầm nhủ, tôi sẽ chăm sóc đàn chim thật tốt, khi lớn lên sẽ thay ba làm thật nhiều ngôi nhà mới cho đàn chim, để bà nội và ông nội trên thiên đường được vui.
Tả con chim bồ câu, một vật nuôi hiền lành đáng yêu – Bài làm 3
Ở nông thôn miền Bắc, nhiều gia đình nuôi chim bồ câu để giết thịt, để bán chim non. Ông bà ngoại em ở Gia Lâm cũng nuôi chim bồ câu đông đến hàng chục con. Mỗi chiều, khi bà rắc ngô, rắc tấm cho gà, đàn bồ câu cũng lăn xả vào cướp mồi nhanh đáo để. Bị gà mổ, chúng né tránh tài tình.
Có lúc, em thấy từng cạp bồ câu đi lại trên nóc nhà, hoặc nhởn nhơ cần mẫn nhặt mồi trên sân; con trống và con mái sóng đôi dạo bước. Con mái yểu điệu, duyên dáng, xòe đuôi, nghiêng cánh như lắng nghe, như chờ đợi. Con trống lúc đi lúc dừng, cái đầu lúc lắc, gật lên gật xuống, xòe đôi cánh màu lam như chở che âu yếm người bạn đời thương mến. Có lúc chúng chúc đầu vào nhau mà gù, cặp chân hồng như nhún nhảy. Tiếng gù của bồ câu đầm ấm, càng nghe càng thấy vui. Bồ câu có cặp mỏ xinh xắn, nửa trên trắng tinh nửa dưới màu mận chín. Cặp mắt viền một vành lông xám, lúc nào cũng mở to, dịu dàng. Cánh bồ câu điểm trắng óng a, óng ánh, lúc bay xòe ra như chữ V. Chúng bay theo đàn, con trước con sau, hoặc bay thành hình cánh cung trên bầu trời cao. Lúc bình minh hoặc sau cơn mưa trời hửng, bồ câu bay rợp trời.
Có nhìn bồ câu mới thấy sự êm đềm của thôn trang. Có lúc em nghĩ, nếu không có tiếng gà gáy, tiếng chim hót, tiếng nghé ọ, tiếng bò câu gù… thì cái nhã thú phong lưu nơ chốn quê sẽ giảm đi nhiều lắm.
Em hãy tả con chim bồ câu với tất cả vẻ đáng yêu từ hình dáng bên ngoài đến tính nết và hoạt động của nó – Bài làm 4
Trong tất cả các con vật gia đình em nuôi, em thích nhất là con chim bồ câu mái do chú em tặng nhân dịp sinh nhật lần thứ mười của em.
Vì nó con chim mái nên nó nhỏ hơn con chim trống một chút. Toàn thân nó được khoác bộ long xám phan xanh lục. Đầu nó thật xinh xắn. Chiếc mỏ nâu ngắn ngủn nhô ra trông thật dễ thương mỗi khi nó rỉa long hoặc dụi dụi vào cánh. Đôi mắt nó tròn, to và đên láy, nguyên cả tròng viền quanh mắt là một vòng tròn nhỏ đỏ au. Lông cổ mịn màng, màu đậm hơn hai cánh một chút, nối với thân dài nhưng lại thon thon trông giống như cái bắp chuối nhỏ. Ức và vai của con chim nó tròn, đầy đặn. Hai cánh khum khum như hai vỏ trấu khổng lồ úp dài theo thân. Những chiếc long vũ cứng và dài giúp cho bồ câu bay xa. Đuôi xòe ra như chiếc quạt nhỏ làm bồ câu thêm duyên dáng. Đôi chân nó thấp, bé loắt choắt nhưng nhảy rất lẹ.
Suốt ngày bồ câu quanh quẩn bay là sà ở vường, ở sân để kiếm ăn. Khi thì luẩn quẩn trong sân, khi thì kêu rân rân trên mái nhà. Tiếng “gù gù” của bồ câu nghe trầm ấm rất dễ thương.
Thỉnh thoảng chị mái cũng theo tiếng chim trống đi kiểm ăn và dạo chơi xa nhà trong đôi ba tiếng. Thế nhưng nó rất nhớ đường về nhà và chưa bao giờ đi lạc. Chim bồ câu mái này rất hiền lành, tính ưa sạch, ở nhà đẹp. Vì thế mẹ em vẫn hay mua thêm đậi xanh hoặc hạt kê để bồi dưỡng cho bồ câu. Ba thuể đóng một cái chuồng được trang trí nhiều màu sắc rất sang sủa cho bồ câu ở.
Đến nay con chim mái đã sinh được hai quả trứng và đang ấp. Bồ câu mau đẻ lắm. Chẳng mấy chốc sẽ có một đàn bồ câu xinh xắn tô điểm cho nhà em thêm đẹp. Ai cũng bảo thịt chim bồ câu vừa ngon, vừa bổ, nhưng với em, em cứ thích để nuôi chúng hoài.
Nuôi chim bồ câu không tốn công nhiều mà lại sạch sẽ. Đó là một loài chim hiền hậu, luôn sống hòa thuận với nhau. Vì vậy loài người đã chọn bồ câu là biểu tượng cho ước nguyện hòa bình.
Thu Thủy (Tổng hợp)