06/05/2018, 08:59

Viết thư trao đổi kinh nghiệm học môn Ngữ Văn – Văn mẫu hay lớp 6

Xem nhanh nội dung Hãy viết thư trao đổi với bạn về kinh nghiệm học môn Ngữ văn của mình – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn Thành phố Hồ Chí Minh Thành phố Hồ Chí Minh ngày 1 tháng 3 năm 2017. Thúy Nga thân ...

Xem nhanh nội dung

Hãy viết thư trao đổi với bạn về kinh nghiệm học môn Ngữ văn của mình – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn Thành phố Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh ngày 1 tháng 3 năm 2017.

Thúy Nga thân mến!

Tạm biệt các bạn và những ngày sinh hoạt sôi nổi ở trại hè Cháu ngoan Bác Hồ của thành phố, mình trở lại với gia đình, với mái trường quen thuộc. Thời gian ở trại hè trôi qua nhanh quá nên mình chưa có dịp trò chuyện với Nga về việc học hành. Từ nay trở đi, chúng mình sẽ thường xuyên trao đổi kinh nghiệm học tập qua những trang thư, Nga nhé!

Năm ngoái, mình đạt kết quả cao trong kì thi học sinh giỏi Văn lớp 5 cấp thành phố là nhờ công lao dạy dỗ của cô Thanh Hà. Tất nhiên là mình cũng đã cố gắng hết sức trong kì thi ấy. Mình nhớ có lần Nga hỏi mình kinh nghiệm học Văn sao cho đạt kết quả cao. Thú thật, mình cũng chẳng có kinh nghiệm hay bí quyết gì đâu mà chỉ có vài điều nho nhỏ muôn trao đổi với bạn.

Trước hết, mình làm đúng theo những điều cô giáo dạy. Ở lớp, mình chăm chú nghe cô giảng. Cô Hà giảng bài hay lắm! Cô thường đặt ra những câu hỏi gợi mở để cuốn hút chúng mình cùng cô tiếp cận và tìm hiểu tác phẩm. Cô phân tích kĩ từng chi tiết giúp cho học sinh hiểu sâu hơn về cái hay cái đẹp của bài văn, bài thơ. Cô hướng dẫn làm nhiều bài tập từ dễ đến khó. Nhờ vậy mà kĩ năng viết của chúng mình được nâng cao, từ chỗ biết dùng từ ngữ chính xác, biết đặt câu đúng ngữ pháp dần dần đến chỗ biết cách diễn đạt trong sáng và biểu cảm.

Muốn học Văn giỏi phải say mê đọc sách Nga ạ! Từ nhỏ, mình đã ham đọc sách. Cứ có thời gian rảnh rỗi là mình đọc. Khi đọc những bài văn tả người, tả cảnh đẹp thiên nhiên hay cảnh sinh hoạt hằng ngày… thấy đoạn nào đặc sắc là mình chép vào một quyển sổ gọi là Sổ tay văn học, lâu lâu lại giở ra xem, học tập cách viết của tác giả.

Rồi mình tự chọn đề tài và luyện viết. Viết xong, mình nhờ ba mẹ hoặc cô giáo xem và góp ý cho. Cứ thế cho đến khi bài văn được tạm coi là hoàn chỉnh. Kể ra cũng mất khá nhiều thời gian nhưng luyện viết như thế rất có ích bởi nó giúp mình nâng cao trình độ quan sát, cảm nhận thực tế và kĩ năng làm bài. Theo mình, điều này hết sức cần thiết cho những ai yêu thích và muôn học giỏi môn Ngữ văn, Nga ạ!

Ngoài ra còn phải kể đến năng khiếu bẩm sinh, nhưng mình nghĩ rằng năng khiếu chỉ là một phần nhỏ thôi, còn phân lớn là sự học hỏi, rèn luyện không ngừng. Nga có đồng ý với mình không?

Nga thân mến!

Mình biết Nga say mê học Toán, thậm chí còn mơ sẽ trở thành một nhà Toán học trong tương lai nữa. Điều đó rất đáng quý, mình ủng hộ bạn. Nhưng ai cấm một nhà Toán học vừa có tư duy chính xác, vừa có tâm hồn phong phú nhạy cảm của một nghệ sĩ?! Sẽ thú vị biết bao khi đọc một bài thơ, một truyện ngắn… ta hiểu được cái hay, cái đẹp của nó và rút ra từ tác phẩm những bài học bổ ích cho mình ? Có người nói rằng sách là túi khôn của nhân loại. Sách mở ra trước mắt chúng ta một chần trời mới, một thế giới mới với bao điều kì thú. Hiểu được con người và cuộc sống xung quanh ta, đó là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao, phải không bạn?

Có thể nói lịch sử phát triển của Văn học cũng lâu đời như lịch sử phát triển của Toán học vậy. Từ xa xưa, con người đã biết sử dụng Văn học như một phương tiện để lưu truyền kinh nghiệm và phản ánh đời sống xã hội. Dân tộc nào trên thế giới cũng coi văn học là sản phẩm tinh thần của dân tộc mình.

Thông qua văn học, chúng ta nhận thức được nhiều điều bổ ích về con người và cuộc sống trong quá khứ cũng như hiện tại. Đọc ca dao, tục ngữ hay thần thoại, cổ tích, chúng ta hình dung được tổ tiên ta sinh sống ra sao trong suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước. Những mơ ước, khát vọng chinh phục thiên nhiên; những bài học về đạo lí và kinh nghiệm sống được gửi gắm qua các loại hình văn học từ lúc còn truyền miệng đến khi có chữ viết… cứ thấm dần vào máu thịt, qua năm tháng, tạo nên đời sống tinh thần phong phú cho mỗi con người.

Văn học hướng con người tới Chân, Thiện, Mĩ của cuộc đời, vì vậy, nó là món ăn tinh thần không thể thiếu. Nó giúp con người hoàn thiện nhân cách để trở nên hữu ích hơn đối với gia đình và xã hội. Ngoài ra, văn học còn là một phương tiện giải trí lành mạnh và bổ ích. Cho dù hiện nay có rất nhiều hình thức giải trí như trò chơi điện tử, sách điện tử… nhưng vẫn không thể thay thế được việc đọc sách, thú đọc sách đã có từ xa xưa.

Tác dụng của văn học lớn lao như thế nên việc học Văn là rất cần thiết.

Chúng ta học Văn tức là học tiếng nói dân tộc, tiếng mẹ đẻ thân yêu. Bạn cứ thử nghĩ xem, sẽ như thế nào khi một người Việt lại không rành tiếng Việt? Điều đó sẽ gây trở ngại lớn trong học tập cũng như trong giao tiếp hàng ngày. Việc học Văn sẽ giúp chúng ta có được kĩ năng sử dụng thành thạo ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết. Hai kĩ năng này liên quan chặt chẽ và là cơ sở để cho chúng ta học tốt các môn khác. Có thể nói không có một lĩnh vực khoa học nào không cần đến ngôn ngữ làm phương tiện, dù dưới hình thức này hay hình thức khác, dù ít hay nhiều.

Môn Ngữ văn gồm Văn, Tiếng Việt và Làm văn. Bên cạnh việc học tốt Văn, Tiếng Việt, chúng ta còn phải học làm văn, tức là học cách xây dựng các loại văn bản thường sử dụng trong cuộc sống hằng ngày. Một bức thư, một lá đơn, một bản báo cáo, một câu chuyện… muốn viết cho đúng, cho hay đều phải học Nga ạ! Học và thực hành. Học ở trên lớp, học thêm ở nhà và thường xuyên đọc sách để nâng cao hiểu biết. Đó là những điều nên làm trong quá trình học Văn.

Văn chương phản ánh cái hay, cái đẹp, cái tinh túy của cuộc sống. Bởi vậy cuộc sống thiếu văn chương thì sẽ trở nên tầm thường, tẻ nhạt và con người thiếu văn chương thì tâm hồn sẽ đơn điệu, khô cằn. Công việc căng thẳng gây mệt mỏi cho thể xác, văn chương giải tỏa sự mệt mỏi ấy và đem lại niềm vui, niềm tin cho con người. Trong thời đại khoa học kĩ thuật phát triển với tốc độ chóng mặt như hiện nay, văn chương lại càng cần thiết như khí trời và ánh sáng vậy.

Việc học Ngữ văn cần thiết như vậy đấy, Nga không nên xem nhẹ nó. Mình mong bạn sẽ dần dần yêu thích và học tốt môn Ngữ văn như môn Toán. Khi bạn học đã giỏi, bạn sẽ thấy những điều mình trao đổi với bạn hôm nay là đúng. Con người phát triển toàn diện chính là mẫu người lí tưởng của xã hội hiện đại. Mình với bạn sẽ cùng nhau phấn đấu nhé!

Thôi, thư đã dài, cuộc trao đổi của chúng mình tạm dừng ở đây, hẹn đến dịp nghỉ hè gặp nhau, ta sẽ trao đổi tiếp. Chúc bạn khỏe, vui, đạt được nhiều thành tích trong học tập và phấn đấu!

Mong sớm nhận được tin bạn!

Hãy viết thư trao đổi với bạn về kinh nghiệm học môn Ngữ văn – Bài làm 2

Hà Nội ngày 15 tháng 5 năm 2016

Bạn Lan thân mến!

Đã bao lâu rồi chúng mình chưa gặp nhau rồi nhỉ? Đã lâu rồi mình không được ngủ cùng nhau để cùng thâu suốt đêm với những bộ phim Hàn Quốc sướt mướt, Đã lâu rồi chúng ta không được nằm cạnh nhau trên bãi cỏ xanh để ngắm mặt trời mọc? Đã bao lâu rồi tớ cũng không nhớ nữa?

Đã lâu lắm rồi tớ không có thời gian để tâm sự với bạn rồi. Khi mọi người đã chìm sâu vào giấc ngủ tớ ngồi học bài và nhớ bạn rất nhiều. Nên tớ bèn biên thư cho bạn.

Không biết thời gian này bạn thế nào rồi? bạn có khỏe không? học tập có tốt không? Còn về phần của tớ thì mọi thứ đều ổn bạn ạ. Tớ vẫn đi học đều chỉ tội là thời gian này sắp cuối kì rồi tớ phải tập trung vào học và ôn nhiều hơn thôi bạn ạ. Hầu như thời gian trên lớp và ở nhà đều kín lịch bạn ạ, tớ chỉ rảnh mỗi lúc ăn với lúc đi tắm thôi.

Thời gian này bạn học môn ngữ văn có tiến bộ hơn chưa? Cũng sắp cuối học kì rồi bạn ạ nên bạn phải tập trung cao hơn cố gắng ôn tập kĩ vào. Người ta thường nói: “Văn ôn võ luyện” mà bạn. Bạn nên sắp xếp lịch học cho tất cả các môn học và dành nhiều thời gian hơn cho môn ngữ văn.

Tớ sẽ chia sẻ một chút kinh nghiệm của tớ để bạn học tốt môn ngữ văn hơn. Trước khi đến lớp thì bạn nên xem thời khóa biểu để biết trước mình sẽ học bài nào? và chuẩn bị bài trước khi đến lớp. Bạn nên đọc bài mới từ 1 đến 2 lần và trả lời tất cả các câu hỏi trong sách giáo khoa ra vở nháp. Đến lớp bạn nên chú ý nghe cô giảng bài chỗ nào bạn không hiểu và có ý kiến thắc mắc lên cô luôn. Về nhà bạn nên học bài cũ và đọc lại vở ghi chép của mình nữa. Cố gắng chia vở viết thành 2 bảng, một bên ghi các ý chính mà cô giáo ghi lên bảng còn bên kia ghi lại tất cả những gì mà cô giáo nói thêm cô nói nâng cao thêm.

Bạn phải ghi chép đầy đủ các ý chính để viết văn sẽ lấy các ý chính đó rồi triển khai nó. Bạn muốn viết tốt, viết hay một bài văn trước tiên bạn phải hiểu được nó sau đó cảm nhận được nó. Có như vậy bài văn của bạn sẽ đặt được điểm tối đa.

Khi viết một bài văn nào đó bạn có thể thăm khảo các bài văn mẫu nhưng cấm bạn chép lại nguyên xi bài văn mẫu đó. Bạn phải đi đọc lại nhiều lần để nhớ lại các ý chính và có thể triển khai và bài viết của mình. Bạn phải biết biến văn của người khác thành văn của mình.

Bạn phải đọc nhiều sách tham khảo nữa để lúc bạn có thêm nhiều dẫn chứng hơn.

Bạn nên chọn các câu văn được gọi là hay để có thể áp dụng được tất cả các đề được. Những câu văn hay những câu phát biểu của chính nhà văn để làm điểm nhấn cho bài viết của bạn.

Trong bài văn của bạn, bạn nên cho kết hợp các phương pháp để bài văn sinh động hấp dẫn hơn.

Ví dụ như một bài phân tích không nên đơn thuần chỉ phân tích không mà bạn nên cho vào trong bài cả đoạn chứng minh, giải thích, bình luận… có như vậy bài văn bạn mới có thể đầy đủ ý và hay được. Mà người đọc sẽ thấy bạn là một con người có hiểu biết và biết vận dụng, sáng tạo.

Trên đây là một chút kinh nghiệm nhỏ của tớ chia sẻ với bạn. Hi vọng càng ngày bạn càng học tập tốt hơn và đặt được kết quả cao nhất trong cuộc thi sắp tới này.

Đêm đã về khuya, tiết trời lạnh hơn, ông mặt trăng cũng đã đi ngủ rồi. Các vì sao sắng đã bị che lấp bởi lớp mây dày đặc, mọi thứ đã chìm trong giấc ngủ say nồng. Tớ cũng đi ngủ đây hẹn thư sau chúng mình tâm sự nhiều hơn.

Rất mong nhận được sự hồi âm của bạn thân!

Tái bút: Cô bạn thân!

Thu Thủy (Tổng hợp)

0