Tả cây nhãn – Văn mẫu lớp 7
Tả cây nhãn – Văn mẫu lớp 7 Tả cây nhãn – Bài số 1 Ở quê tôi, nhãn mọc trong vườn, trước sân, sau nhà và ngay dọc hai bên con lộ. Mùa xuân đến mưa bay lất phất, muôn vật như tỉnh giấc, và cây nhãn cũng vậy, nó đang hân hoan trút bỏ những tàn lá cuối đông theo làn gió nhẹ. Nhãn say ...
Tả cây nhãn – Văn mẫu lớp 7
Tả cây nhãn – Bài số 1
Ở quê tôi, nhãn mọc trong vườn, trước sân, sau nhà và ngay dọc hai bên con lộ. Mùa xuân đến mưa bay lất phất, muôn vật như tỉnh giấc, và cây nhãn cũng vậy, nó đang hân hoan trút bỏ những tàn lá cuối đông theo làn gió nhẹ. Nhãn say sưa uống những hạt mưa xuân, xòe ra những chồi, những lá xanh non mịn màng. Và khi đã uống no những giọt mưa thì nhãn bắt đầu đơm hoa. Từng chùm hoa tranh nhau tỏa hương thơm nức, dụ đến hàng đàn ong vờn qua vờn lại.
Tôi yêu quê hương với những hàng nhãn xanh mướt.
Ở quê tôi, nhãn mọc trong vườn, trước sân, sau nhà và ngay dọc hai bên con lộ. Mùa xuân đến mưa bay lất phất, muôn vật như tỉnh giấc, và cây nhãn cũng vậy, nó đang hân hoan trút bỏ những tàn lá cuối đông theo làn gió nhẹ. Nhãn say sưa uống những hạt mưa xuân, xòe ra những chồi, những lá xanh non mịn màng. Và khi đã uống no những giọt mưa thì nhãn bắt đầu đơm hoa. Từng chùm hoa tranh nhau tỏa hương thơm nức, dụ đến hàng đàn ong vờn qua vờn lại.
Ngày qua đi, tuần qua đi, hoa nhãn rụng đầy quanh gốc, nhưng trên tán lá lại chi chít những quả nhãn non. Thoạt đầu quả nhãn và cùi chưa phân chia, chỉ một màu trắng. Về sau chia ra hạt, ra cùi và hạt nhãn dần dần đen lại. Vào giữa mùa hè thì quả nhãn chín, từng chùm quả mọng nước, ngọt lịm. Lũ trẻ chúng tôi háo hức tận hưởng vị ngọt của nhãn. Bạn hãy đến đây và thưởng thức đi. Nhưng khi bạn tận hưởng hương vị thơm ngon của quả nhãn thì bạn chớ có quên rằng chính cây nhãn mới là nguồn cung cấp hương vị đó. Cây nhãn cần mẫn, âm thầm làm việc để cống hiến tinh túy của bản thân cho đời. Quả nhãn dùng làm thuốc, hạt có thể chế cồn. Cây nhãn không đòi hỏi đất đai màu mỡ, nước tưới đầy đủ, nó vẫn có thể nay mầm, xanh tươi.
Cây nhãn ơi, tôi rất yêu quý nhãn, yêu quý cái cốt cách của nhãn. Một sức sống mạnh mẽ, một tinh thần vô tư.
Tả cây nhãn – Bài số 2
Không biết cây nhãn có từ bao giờ. Chỉ biết rằng khi tôi sinh ra thì rặng nhãn đã xanh rì trước cổng, đầu thôn. Và không biết từ bao giờ, hình ảnh cây nhãn, tên gọi cây nhãn đã trở thành tình yêu trong tôi.
Đi khắp quê hương tôi không nơi nào thiếu vắng bóng cây nhãn. Màu xanh của nhãn bao trùm khắp nẻo đường quê. Cây nhãn đã gắn bó với người dân quê tôi từ bao đời nay. Những buổi trưa hè nắng như đổ lửa, nhãn tỏa bóng mát cho người dân đi làm đồng về. Chẳng hiểu sao tôi cứ nghĩ, cây nhãn mang dáng dấp của người dân quê tôi. Và tôi rất thích cái cảm giác khi sờ tay vào cái lớp vỏ sần sùi, nâu nâu, gợn gợn của cây nhãn. Cảm giác ấy giống như sờ vào bàn tay chai sạn của bà, của mẹ. Cũng như người dân quê tôi, từ bao đời nay, nhãn cần mẫn chắt chiu những hạt phù sa mặn mòi từ trong lòng đất, để đơm hoa, kết quả đem lại nguồn thu nhập cho quê hương còn nghèo nàn và đầy gian khó.
Cây nhãn đã gắn bó với tôi suốt những năm tháng tuổi thơ. Mỗi lần tôi đến trường, cây nhãn xòe bóng rợp đường tôi đi. Mùa xuân, hoa nhãn nở khắp trời, tung cái màu vàng ươm mỡ màng phủ kín cả làng quê. Và cứ ngày nào cũng vậy trên đường đi học về, tôi lại đứng lặng dưới rặng nhãn, ngửa mặt lên, nhắm mắt lại, hít những hơi thật sâu để hương thơm của nhãn tràn cả vào lồng ngực. Một mùi thơm dịu mát khó tả. Tôi gọi đó là mùi của quê hương.
Rồi khi nắng bắt đầu vàng vọt trên mỗi lùm cây, khi những tiếng sấm ầm ù báo hiệu những cơn mưa đầu hạ là lúc nhãn dồn những ngọt ngào từ rễ, từ thân, từ trên quả. Hạt bắt đầu chuyển sang màu đen bóng, cùi dày mọng lên để vỏ dần căng ra, mịn hơn. Để rồi đến tháng sáu, tháng bảy, đặt quả nhãn lên môi, dùng răng cắn nhẹ, vỏ nứt ra và một dòng nước ngọt ngào thấm dần lên miệng, vào tim, lan ra từng đường gân, thớ thịt. Một vị ngọt thơm, đậm đà rất riêng như chứa cả vị mặn mòi của phù sa từ sâu trong lòng đất quê hương.
Mỗi khi đi xa, nhớ về quê hương mình, hình ảnh đầu tiên toàn về trong tâm trí tôi bao giờ cũng là cây nhãn. Và dù đi đến đâu, thấy bóng cây nhãn là tôi thấy bóng dáng quê hương mình ở đó.
Tả cây nhãn – Bài số 3
Giữa xuân, mưa bụi bay lất phất. Cữ này, hoa nhãn vẫn bé tí xíu kết thành chùm hoa trắng ngà như chiếc mâm xôi xinh xắn trên nền lá xanh thẫm. Hương nhãn man mát, dịu ngọt lan toả trong không gian thanh bình, yên ả. Suốt dải đất màu mỡ của đất Hồng Châu xưa, trên những con đường liên xã, liên thôn từ Văn Giang xuống Đông Tảo, Dạ Trạch, Khoái Châu, Kim Động, Phố Hiến nhãn được trồng hai bên đường, toả tán tròn như những chiếc ô xanh mát. Những năm gần đây, người dân quê tôi đã làm quen với những vườn quất cảnh, cam Canh, bưởi chiết cành nhưng nhà ai cũng giữ lại vài ba cây nhãn. Trong tâm thức của họ, nhãn là loài cây không thể thiếu trong vườn nhà, để làm quà cho con cháu và cho những người xa quê.
Vườn nhà vẫn thoáng rộng như xưa. Để chân trần, tôi chạy hít căng lồng ngực hương vườn. "Cụ" nhãn của tôi ở bờ ao đã bị đổ sau trận lụt. Hàng nhãn chiết mới được 3 tuổi đang vươn cành xanh tốt, bao quanh khu vườn.
Ngày tôi còn bé, ngoại dành hẳn cho tôi một cây nhãn lồng. Buổi trưa, cơm nước cho ngoại xong, tôi thường trèo lên trạc ba, nằm ngắm những mảnh trời xanh qua kẽ lá hoặc ngắt một cành lá kết thành những con chim đang bay. Cũng có khi nhớ bố mẹ quá, tôi cũng thì thầm nói chuyện với cây nhãn.
Tuổi thơ của tôi đầy ắp kỷ niệm đẹp đẽ, tươi sáng, chính là bắt đầu từ khu vườn nhà tràn ngập hương hoa, cây trái. Và cây nhãn lồng được tôi coi là "bạn thân" để thả hồn vui buồn thơ ngây. Mùa nhãn chín, bao giờ ngoại cũng phần riêng cho tôi những chùm nhãn ngon ngọt nhất. Từng quả nhãn lồng, cùi dầy trắng ngà, mọng nước, ngọt ngào như tấm lòng đầy tình thương yêu của ngoại dành cho đứa cháu cưng. Ra khỏi vườn nhà là chợ nhãn họp ở đầu làng. Chợ Đông Cảo, vốn nổi tiếng vì giống gà Đông Cảo chân lùn, ngọt thịt, mùa nhãn càng thêm tấp nập. Nhãn được bó cẩn thận thành từng bó quả, rồi cũng lại được cẩn thận xếp vào sọt. Nhãn là của "hàng hoa", phải "nâng như nâng trứng". Để giữ cho chùm nhãn trông ngon mắt, không bị rụng quả, người dân quê phải dậy từ tờ mờ đất, kĩu kịt gánh nhãn ra bến sông cho xuống ca nô, ngược lên Hà Nội, rồi lại từ bến phà Đen hoặc Chương Dương gánh vào phố cho các bà các cô sành ăn thưởng thức món ngon quê tôi. Nhưng những năm Mỹ đánh phá miền Bắc, người dân sợ đi ca nô, "nó" thả bom nên phương tiện chuyên chở nhãn tiện lợi, an toàn nhất là đôi chân. (Thời ấy, nhà ai có được chiếc xe đạp là "oách" lắm rồi). Tôi đi học về, thường giúp chị tôi xếp nhãn vào sọt để 2-3 giờ chiều, chị tôi gánh ra Hà Nội kịp bán lúc sớm mai. Vừa gánh nặng, vừa phải đi bộ 25km dưới cái nắng thiêu đốt), đem hương nhãn đến cho muôn người, mồ hôi đổ xuống xiết bao công lênh khó nhọc. Tôi biết yêu thương quê hương bắt đầu từ đôi vai áo nâu bạc màu của ngoạ tôi, của chị tôi trong những năm bom Mỹ dội.
Tuổi thơ, bước chân chưa đi xa, nhưng "hồn" chân quê được giáo dưỡng từ lời ông bà, từ hương quê – hương nhãn máu thịt. Và đến hôm nay, quê tôi vẫn giữ gìn, vun xới cho nhãn lồng thêm sai quả. Cây nhãn lồng cổ thụ ở Phố Hiến 400 tuổi đã trở thành "bảo tàng sống" của giống nhãn lồng mà từ thời Lê Quý Đôn, ông đã ghi chép vào sách "Phủ biên tạp lục", nhưng "chút chít" của nó có mặt trên khắp xứ Hồng Châu màu mỡ. Từ bao đời nay, mạch sống của đất đai con người vẫn ngầm chảy không ngưng nghỉ như thể để tạo nên sắc thái riêng của quê hương, xứ sở cho chúng ta một "cõi nhớ" không thể quên nơi chốn sinh thành.
Nhìn những chú ong mật cần mẫn lấy phấn hoa nhãn để làm nên mật ong vàng dịu, trong veo, thơm hương nhãn, càng thêm thương người dân quê tôi cũng hệt như đàn ong mật kia, một nắng hai sương làm đẹp cho đời từ cây nhãn. Quả nhãn lồng thơm ngon, long nhãn, mật ong nhãn – những vị thuốc bổ được ưa chuộng, đều là những đặc sản của vùng đất sa bồi vốn được mở mang từ thuở Vua Hùng thứ 18.
Nàng công chúa Tiên Dung mến cảnh, yêu người, kết duyên cùng chàng Chử Đồng Tử nghèo khổ giúp dân khai hoang, lập ấp, cấy trồng. Nhưng đất Hồng Châu ngày xửa, ngày xưa bạt ngàn lau sậy, lăn, lác, vịt giời, le le… nàng Tiên Dung chưa được thưởng thức hương vị thơm mát của nhãn lồng. Phải trải đời đời, lớp lớp con cháu suốt hơn mười thế kỷ mồ hôi đổ xuống cánh đồng, cây nhãn mới bén rễ và chung thuỷ với đất, với người. Và cũng chỉ có đất ấy, nước ấy mới cho hương nhãn lồng thơm ngon như thế… sang vùng đất khác, hương nhãn đã kém đi rồi.
Trong nắng gió xuân hây hẩy, trong tiếng trống hội làng tế lễ Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân (Tiên Dung công chúa và Tây Sa công chúa), tôi bỗng nhớ câu ca tình tứ:
Cô kia cắt cỏ ven sông
Có muốn ăn nhãn thì lồng sang đây…
Ven sông, cờ hội rợp đồng bãi. Hàng nhãn lồng cổ thụ đang sai hoa, kết trái.
Vũ Hường tổng hợp
Từ khóa tìm kiếm
- viết văn biểu cảm về cây nhãn
- tả cây nhãn lớp 7
- cảm nghĩ về cây nhãn
- cảm nghĩ của em về cây nhãn
- biểu cảm về cây nhãn
- văn biểu cảm về cây nhãn