Tả cây đa làng em – Văn mẫu hay lớp 7
Xem nhanh nội dung Tả cây đa làng em – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Phú Yên Đầu làng em có một cây đa có lẽ đã vài trăm tuổi. Thân cây lớn lắm! Rễ đa ngoằn ngoèo như những con trăn khổng lồ uốn khúc. Xung quanh gốc chính là hàng chục gốc phụ khiến cho cây thêm ...
Xem nhanh nội dung
Tả cây đa làng em – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Phú Yên
Đầu làng em có một cây đa có lẽ đã vài trăm tuổi. Thân cây lớn lắm! Rễ đa ngoằn ngoèo như những con trăn khổng lồ uốn khúc. Xung quanh gốc chính là hàng chục gốc phụ khiến cho cây thêm bề thế và vững chãi. Cách xa hàng cây số đã nhìn thấy bóng đa cao vượt khỏi lũy tre làng, sừng sững in trên nền trời xanh biếc.
Bóng đa che mát một khoảng đất rộng. Chim chóc làm tổ trên cành, suốt ngày ríu rít. Đang đi trên đường nắng chang chang, khách ghé vào quán tranh nghỉ chân, uống một bát nước chè xanh hãm đặc, tận hưởng cơn gió nồm nam lồng lộng thổi, quả là không có gì sung sướng bằng, bao nhiêu mỏi mệt đều tan biến hết.
Tuổi thơ chúng em cũng tìm được ở cây đa nhiều điều kì thú. Lá đa to, dày và xanh bóng đem cuộn tròn lại, xé hai bên mép lá làm sừng, buộc một mẩu dây chuối khô vào cuống rồi luồn vào trong, khe khẽ kéo… Thế là đã có một "con trâu lá đa", cặp sừng cong cong, cái đầu gục gặc như sẵn sàng nghênh chiên. Nào là trâu bố, trâu mẹ, nghé tơ… nằm quây quần bên nhau, nhìn mới thích làm sao!
Những chiếc búp đa khô quăn queo màu nâu rơi trên mặt cỏ nhặt về có thể làm kèn. Kèn búp đa ngậm vào miệng rồi phồng má thổi, nó kêu "toe" lên một tiếng, kèm theo chuỗi cười trong trẻo vang xa.
Chiều hè, chúng em thường túm năm tụm bảy dưới gốc đa để thi thả diều. Bờ con mương chạy ngang cánh đồng làng là nơi thả diều lí tưởng. Những cánh diều chấp chới bay cao; tiếng sáo diều vi vu ngân nga giữa không trung bát ngát.
Ông em kể rằng cây đa đã chứng kiến bao sự kiện buồn vui của làng. Lá cờ đỏ sao vàng đầu tiên phấp phới bay trên ngọn đa. Cuộc mít tinh đầu tiên của dân làng thành lập chính quyền cách mạng cũng diễn ra dưới gốc đa. Trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mĩ, những cuộc tiễn đưa thanh niên lên đường nhập ngũ cũng được tổ chức ở đây… Rồi chuyện làm ăn hàng ngày, chuyện đổi mới không ngừng của làng của nước, bà con trao đổi với nhau dưới bóng mát cây đa. Cây đa cổ thụ quả đúng là nhân chứng lịch sử của làng.
Em hãy tả cây đa làng em. – Bài làm 2
Ở cổng làng em có một cây đa rất to không biết có từ bao giờ. Nó là cây cổ thụ lâu đời nhất làng em cây cao to, tỏa bóng mát rợp cả một góc.
Người dân làng em bảo đó là cây đa chở che, bảo vệ cho làng em. Cây đa đứng sừng sững giống như người khổng lồ hiên ngang chiễm chệ ngay ven đường. Thân cây rất to, phải 5, 6 người ôm mới xuể. Vỏ của thân cây xù xì chứ không trợn mịn và bằng phẳng, vì thỉnh thoảng còn nhô lên một số u mà người ta liên tưởng đến những chú ve con trưa hè bám trên thân cây dạo khúc nhạc ngày hè.
Ấn tượng nhất là bộ rễ giống như một đàn trăn bò lổm nhổm trên mặt đất. Đây cũng là nơi ngồi hóng gió nghỉ ngơi, nơi tránh nắng của người dân quê em. Rễ đa to và dài bò trên đất tạo thành nhiều hình thù khác nhau nhìn rất đẹp. Rễ cây bám rất sâu dưới lòng đất mẹ, vì thế nhiều trận bão đi qua nhưng vẫn đứng hiên ngang tỏa bóng mát cho quê hương.
Những tán lá to và xòe ra khắp nơi với vô vàn nhánh nhỏ chi chít em không đếm được. Trên những cành cây là những chiếc lá to và dày, có một số chiếc lá như cái quạt nhỏ của bà em làm cho em quạt, thậm chí bà còn lấy những lá to nhất gập thành một chiếc mũ xinh xinh để em đội. Lá nào lá nấy chắc nịch và rất khó rụng khi có gió nhẹ thổi qua. Khi những chiếc lá già được thay bằng những lá mới thì chúng lại theo gió rơi xuống, em vẫn thường nhặt lá đa đem về nhà viết thơ lên đó hoặc để ngồi đánh chuyền ngay dưới gốc đa. Cây đa đồ sộ này đã trở thành biểu tượng của làng em, nó vừa là vệ sỹ cho làng, vừa giữ gìn truyến thống lâu năm của làng quê xưa, của làng que Việt Nam nói chung.
Mọi người đi làm ăn xa khi trở về làng cũng ghé vào dưới gốc đa nghỉ ngơi, ai cũng trầm ngâm như tìm lại những kỉ ức tuổi thơ đẹp một thời dưới cây đa này.
Tả cây đa ở làng em – Bài làm 3
Đầu làng em có một cây đa đã một hơn một trăm năm tuổi. Rễ cây nổi lên mặt đất. Thân cây cao khoảng sáu bảy mét. Gốc cây to nhiều người ôm không xuể, vỏ cây sần sùi, màu nâu, từ thân cây đâm ra nhiều nhánh rườm rà xanh biếc, cành cây phủ đầy lá xanh, mọc chĩa ra các phía. Tán lá đa xòe rộng như một cái ô che mát cả một góc làng em. Lá đa có hình bầu dục, xanh um như lá bàng. Mỗi khi mùa xuân đến, những chùm lá xanh từ những cành nhô lên xinh xắn, một làn gió nhẹ nhàng thổi qua làm những tán lá đa rung rinh như những cánh bướm. Dưới gốc cây, các bạn học sinh đang vui đùa, có nhóm chơi nhảy dây, đá cầu, có nhóm đang trò chuyện vui vẻ.
Cây đa ở làng em đã chứng kiến nhiều biến đổi của thời gian và không gian, nó cũng là hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam. Nó gợi cho những người đi xa nhớ về quê hương của mình, nơi mình đã sinh ra và lớn lên, nơi đã để lại cho mình biết bao kỉ niệm của một thời thơ ấu.
Tả cây đa ở làng em – Bài làm 4
Ở cạnh sân đình của làng em có một cây đa sừng sững không biết có từ bao giờ. Em chỉ biết rằng nó rất cao to và tỏa bóng mát rợp cả một góc sân. Người dân làng em vẫn bảo đó là cây chở che cho làng em.
Cây đa sừng sững như một người khổng lồ đang hiên ngang chễm chệ ngay giữa đường. Cây đa nằm sát mặt đường, bên dưới là cái giếng làng và sân đình. Mọi người vẫn bảo cây đa giếng nước và sân đình thường đi liền với nhau.
Thân của cây đa rất to, phải 5, 6 người ôm mới xuể được. Vỏ của thân cây xù xì chứ không trợn mịn và bằng phẳng, vì thỉnh thoảng còn nhô lên một số u mà người ta liên tưởng đến những ung nhọt mọc trên thân cây.
Ấn tượng nhất là bộ rễ như một đàn trăn bò lổm nhổm trên mặt đất. Đây được xem là nơi ngồi hóng gió của người dân quê em. Rễ đa to và tài bò trên đất tưởng chừng như sắp bật ra. Nhưng mà nó lại bám rất sâu, nhiều trận bão đi qua nhưng vẫn không quật ngã được loại cây kiên cố như thế nào.
Những tán lá to và xòe ra khắp nơi với vô vàn nhánh nhỏ chi chít em không đếm được. Trên những cành cây đó là những chiếc lá to và dày, có một số chiếc lá như cái quạt mo của bà em vẫn quạt. Lá nào lá nấy chắc nịch và rất khó có thể rơi rụng khi gió thổi qua. Trừ khi gió quá mạnh thì những chiếc lá mới theo gió rơi xuống. Bọn em vẫn thường nhặt lá đa đem về nhà viết thơ lên đó hoặc để ngồi đánh chuyền ngay dưới gốc đa luôn.
Cây đa đồ sộ này đã trở thành biểu tượng của làng em, có nó làng em trông đẹp hơn và văn minh hơn. Mọi người vẫn bảo làng nào cũng nên có cây đa để bảo vệ cho làng và giữ gìn truyến thống làng lâu năm.
Mọi người ai đi đâu làm ăn xa cũng thường xuyên ghé về thăm quê và không ngớt khen cây đa càng ngày càng đồ sộ hơn. Nhiều người đã có những kỉ ức tuổi thơ đẹp dưới cây đa, bên cạnh giếng nước và sân đình này.
Thu Thủy (Tổng hợp)