Miêu tả vẻ đẹp của núi rừng quê hương em – Văn mẫu hay lớp 7
Xem nhanh nội dung Miêu tả vẻ đẹp của núi rừng quê hương em – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Hà Tây Đã là người Việt Nam, hẳn ai cũng đã từng nghe đến tên núi Tản Viên – ngọn núi thiêng gắn liền với truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh nổi tiếng trong kho tàng truyện ...
Xem nhanh nội dung
Miêu tả vẻ đẹp của núi rừng quê hương em – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Hà Tây
Đã là người Việt Nam, hẳn ai cũng đã từng nghe đến tên núi Tản Viên – ngọn núi thiêng gắn liền với truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh nổi tiếng trong kho tàng truyện cổ nước ta.
Núi Tản Viên hay còn gọi là núi Ba Vì thuộc tỉnh Hà Tây (nay đã nhập vào Hà Nội), giáp ranh với Hòa Bình. Từ thị xã Sơn Tây vào tới chân núi chưa tới hai mươi cây số. Vào những ngày mùa hạ, nắng đẹp, trời trong, dãy Ba Vì hiện lên với tất cả vẻ hùng vĩ, oai nghiêm và thơ mộng vốn có tự ngàn đời của nó.
Đứng trên đê sông Hồng lộng gió, phóng tầm mắt ra xa, ta sẽ thấy dãy núi xanh thẫm sừng sững in hình trên nền trời biếc. Đỉnh núi chia làm ba ngọn. Cao nhất là ngọn Ngọc Hoa ở giữa, hai bên là ngọn Ông, ngọn Bà. Sáng sớm, mây trắng vờn quanh, Ba Vì thấp thoáng sau làn sương mỏng, trông càng thêm huyền ảo.
Buổi trưa, nắng trung du xứ Đoài vàng như hổ phách. Không khí trong veo. Nắng phủ vàng rực triền núi, lấp lánh trên những tán cổ thụ của đại ngàn. Càng về chiều, màu núi càng tím sẫm lại, nổi bật trên nền ráng đỏ của hoàng hôn. Núi Ba Vì lúc ấy trông kì vĩ lạ lùng!
Trải dài ven chân núi là những dãy đồi chập chùng, nhấp nhô như sóng lượn. Màu vàng nâu của những trảng cỏ tranh xen lẫn màu xanh ngăn ngắt của đồng cỏ. Hàng ngàn con bòcủa nông trường đang thòn dong gặm cỏ trên những triền đồi. Màu tím hồng của hoa sim, hoa mua sáng lên dưới nắng.
Hồ Suối Hai như một tấm gương khổng lồ soi bóng trời mây, non nước. Gió thổi, mặt nước lao xao, bóng núi lung linh, chập chờn theo làn sóng. Đủ loại chim như mòng, két, le le… mải mê kiếm mồi. Thỉnh thoảng, chúng bay vút lên, chao lượn giữa không trung bàng bạc hơi sương.
Những năm gần đây, khu du lịch Đồng Mô, Ngải Sơn của Ba Vì đã trở thành một điểm đến đầy lí thú đối với du khách trong và ngoài nước. Du khách sẽ được thưởng thức vẻ đẹp muôn màu, muôn vẻ của thiên nhiên: những rừng cây âm u, dốc đá cheo leo, hiểm trở, những thác nước tung bọt trắng xóa, lấp lánh bảy sắc cầu vồng. Ao Vua nước trong văn vắt nhìn thấu đáy, những hang động ăn sâu vào lòng núi…hấp dẫn vô cùng! Hòa mình vào khung cảnh thơ mộng của núi rừng, bao nhiêu mệt mỏi sẽ tan biến hết, trong lòng ta lại dấy lên niềm vui và tình yêu cuộc sống.
Vẻ đẹp của ngọn núi Ba Vì quê em có thể sánh với vẻ đẹp của ngọn núi Phú Sĩ nước Nhật. Dáng núi Ba Vì đã in sâu vào lòng mỗi con người sinh ra và lớn lên trên xứ sở đầy truyền thuyết và cổ tích. Dẫu biết là huyền thoại nhưng em vẫn tin rằng, giờ đây trên đỉnh ngọn núi thiêng, vị thần tài ba, dũng cảm phi thường là Sơn Tinh vẫn sống hạnh phúc bên nàng Mị Nương xinh đẹp.
Em hãy viết một đoạn văn miêu tả cảnh đẹp của rừng núi quê em – Bài làm 2
Trên đất nước Việt Nam xinh đẹp của chúng ta mỗi tất đất, mỗi vùng miền đều là những địa danh vô cùng xinh đẹp, đó không phải vẻ đẹp của sự giàu có, trù phú về vật chất, mà nó đẹp bởi chính cái vẻ ngoài bình dị, đơn sơ, đẹp bởi chính tình người chan hòa, ấp áp của những con người sinh sống trên đó. Vì vậy mà đối với quê hương đất nước mình, mỗi người Việt Nam đều dành những tình cảm đặc biệt nhất, thiêng liêng ấm áp nhất mỗi khi nhắc đến, nhớ về. Và em cũng vậy, sinh ra trên mảnh đất quê hương Việt Nam, em luôn gắn bó, tự hào, nhưng điều khác biệt là nơi em sống không phải ở vùng trung du hay đồng bằng mà ở khu vực miền núi, nơi có địa hình hiểm trở nhưng lại được gắn kết bởi tình người.
Việt Nam là quốc gia có đến hai phần ba lãnh thổ là địa hình đồi núi, chủ yếu là đồi núi thấp. Với đặc trưng địa hình như vậy nên người Việt Nam không chỉ sống định cư ở đồng bằng mà còn một bộ phận rất lớn dân cư sống ở khu vực miền núi. Và gia đình em là một trong những gia đình sống nhiều đời trên địa hình của miền núi. So với các bạn ở khu vực đồng bằng, địa hình ở nơi em sinh sống có phần hiểm trở, khó khăn hơn, những điều kiện về vật chất, dịch vụ của cộng đồng đều có phần hạn chế hơn. Nhưng đổi lại quê hương mà em sinh sống là một mảnh đất vô cùng xinh đẹp, cảnh quan đồi núi tạo nên những cảnh sắc tự nhiên hùng vĩ nhưng không kém phần thi vị, mơ mộng.
Quê hương nơi em sinh sống, chính là Tam Đảo thuộc thành phố Vĩnh Phúc. Nhắc đến Tam Đảo hẳn ai cũng sẽ liên tưởng đến một địa danh du lịch vô cùng nổi tiếng, đó chính là núi Tam Đảo. Đây là một ngọn núi vô cùng xinh đẹp, cảnh sắc tự nhiên tuyệt đẹp vô cùng thích hợp cho hoạt động tham quan, du lịch và nghỉ dưỡng. Vì vậy mà hàng năm, Tam Đảo quê em thu hút về đây hàng trăm nghìn lượt khách du lịch từ các vùng miền khác đến, đặc biệt mà những năm gần đây còn có rất nhiều du khách nước ngoài đã đến đây du ngoạn, nghỉ dưỡng.
Em rất vui và tự hào về cảnh quan của quê hương mình, vì vậy mà mỗi khi có khác du lịch đến thì em thường dẫn họ đến những nơi có cảnh đẹp nhất ở tam Đảo, hướng dẫn đường đi để họ không bị lạc đường. Tam Đảo là một đỉnh núi có độ cao khoảng 900 mét so với mực nước biển. Không chỉ cảnh sắc tươi đẹp mà khi đến Tam Đảo, mọi người sẽ có thể trải nghiệm thời tiết bốn mùa trong một ngày. Nếu đến vào buổi sáng, mọi người có thể nhìn ngắm sương mù dày đặc, cảnh vật hư hư, thực thực như chìm vào cõi tiên cảnh. Lúc này nhiệt độ se lạnh bởi nhiệt độ xuống thấp còn từ mười tám đến hai mươi độ C.
Nhưng đến tầm trưa thì mây mù tan đi, nhiệt độ dần tan và bắt đầu có nắng ấm. Đây cũng là thời điểm mọi người có thể ngắm nhìn trọn vẹn nhất cảnh sắc thiên nhiên nơi ngọn núi Tam Đảo, lúc này, những tán cây, ngọn cỏ vẫn còn ướt sương nên cảnh vật vốn xinh đẹp lại thêm rực rỡ đến cực điểm. Khoảng thời gian chiều tà lại là lúc thời tiết lãng đãng gió heo may, tiết trời trong như vào thu, nhưng đến tối thì thời tiết lạnh giá như vào đông. Vì vậy mà mọi người có thể tận hưởng cảm giác bốn mùa cùng xuất hiện trong một ngày. Vì thời tiết có sự thay đổi nên khi đến du lịch mọi người nên mang theo áo ấm, vì rất có thể sương đêm ở đây có thể làm mọi người bị nhiễm cảm.
Nói về những cảnh quan, địa điểm tham quan đặc sắc ở ngọn Tam Đảo thì có thể kể đến đền Chúa Thượng Ngàn, đây là ngôi đền vô cùng linh thiêng, ẩn chứa trong đó là những câu chuyện, sự tích vô cùng ấn tượng, hấp dẫn. tiếp đó. Thác Bạc cũng là một địa điểm vô cùng lí tưởng, ở đây có một con suối nhỏ chảy từ độ cao năm mươi mét xuống mặt đất tạo ra âm thanh rào rào vang rội, cùng với tiếng của rừng, của lá cây xào xạc khiến cho âm thanh trở nên du dương như một bản nhạc giao hưởng. Ngoài ra, khi đến thăm Tảm Đảo có thể lên đỉnh Rùng Rình, nhà thờ Tam Đảo…Đó đều là những địa điểm vô cùng hấp dẫn, có thể thỏa mãn sự yêu thích khám phá của tất cả mọi người, dù là người khó tính nhất.
Tam Đảo cũng có rất nhiều những loại đặc sản ngon như: Ngọn su su, những ngọn su su non mập sẽ trở thành món ăn vô cùng mới lạ, độc đáo cho du khách, và nhiều người đến Tam Đảo cũng mua rất nhiều ngọn su su về làm quà cho những người thân của mình. Ngoài ngọn su su thì Tam Đảo còn có những loại hoa quả đặc sản khác, như Táo mèo, chuối rừng, mật ong, hạt chuối rừng và rất nhiều những loại dược liệu khác. Ở đây mọi người cũng có thể mua về những món quà lưu niệm vô cùng xinh xắn được làm thủ công, như móc treo điện thoại, vòng tay, vòng cổ…
Tam Đảo là một vùng tươi đẹp với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, thời tiết mát mẻ thích hợp cho du lịch, nghỉ mát. Đây sẽ là một địa điểm thú vị mà mọi người có thể đến cùng gia đình và người thân của mình.
Miêu tả vẻ đẹp của núi rừng quê hương em – Bài làm 3
Văn Chấn là quê hương thứ hai của em. Bố mẹ em bảo quê em ở tận miền biển Thái Bình. Em không hình dung được cụ thể vẻ đẹp của miền đồng bằng như thế nào, chứ quê mới của em nơi đây thật thơ mộng và hùng vĩ.
Đứng ở vị trí nào nhìn xung quanh cũng có thể thấy mình đang đứng giữa muôn trùng của núi. Ở một vị trí thích hợp nhìn ra xa, những rặng núi xanh mờ nhâp nhô nối tiếp nhau chạy dài không bao giờ dứt. Mặt trời buổi sáng vàng rực thường nhô lên ở đó. Dãy núi trước mặt xanh đậm hơn bởi những rừng cây cổ thụ cao to, bởi bạt ngàn tre nứa san sát chen nhau mọc lên. Những con đường mòn ngoằn ngoèo, dựng đứng vắt ngang sườn núi để lộ màu đỏ của đất. Thỉnh thoảng, ở một quả núi, những hôm trời trong, có thể nhìn thấy những thác nước đố xuống ầm ầm, tung bọt trắng xóa. Dưới chân núi, một đàn trâu hàng trăm con thung thăng gặm cỏ, tiếng mõ tre đeo trên cồ trâu khua giòn giã. Phía sườn núi trước mặt hiện ra những nương chè, nương ngô xanh ngắt. Đẹp nhất là những rừng chuối hoa nở đỏ tươi. Ánh nắng chiều xuống khu đồi trước mặt không đều nhau để lộ ra những vệt vàng sẫm của khu ruộng bậc thang trước mặt và những mảnh sáng tối đan xen nhau của khu rừng nứa. Những dải mây như khói bay là là trên đỉnh núi, khiến ta có cảm giác như núi cao đến tận trời.
Con đường vào bản gồ ghề lúc cắt ngang một mảng đồi như dải lụa, lúc chạy thẳng qua một con suối nước chảy trong vắt có thể nhìn thấy tận mắt. Nước suối chảy ào ào ngày đêm làm quay những con nước của mấy chiếc cối già gạo nhịp lên xuống đều đều, thùm thụp. Phía trước mặt, một cây cầu bắc ngang qua dòng suối chỉ bằng hai cây gỗ to và dài đặt cạnh nhau, có đoạn chỉ bằng một cây bắc qua tạo nên cảm giác vừa thơ mộng, vừa chênh vênh.
Bản làng nằm trong những thung lũng bằng phẳng hơn. Những ngôi nhà sàn rộng thênh thang có thể chứa hàng trăm người, là nơi ăn ở đời này qua đời nọ của người dân nơi đây, thường cách xa nhau cả một quả đồi. Ngày nay, xen giữa những ngôi nhà sàn là những xóm mới của đồng bào miền xuôi lên khai hoang, làm theo kiểu dưới xuôi. Lác đác đã có những ngôi nhà xây, lợp ngói đỏ khang trang.
Chiều xuống, từ những mái nhà khói lam tỏa ra quyện lẫn sương núi mờ ảo và ấm cúng. Từng đàn trâu khua mõ inh ỏi kéo về. Tiếng dê kêu be be, tiếng chó sủa, tiếng gà quang quác đuổi nhau, tiếng loa phóng thanh đặt ở giữa bản, tiếng cười nói, tạo nên một bản nhạc rừng vui tai. Thỉnh thoảng còn nghe thây tiếng hoẵng kêu đơn lẻ trong rừng sâu gợi nên vẻ hoang sơ của núi rừng. Từ mọi nhà tỏa mùi thơm nồng của cơm nếp xôi, của hương quả chín và mùi thức ăn nướng trên lửa, rán trong chảo, biểu hiện sự ấm cúng của một cuộc sống tự nhiên, mộc mạc nhưng đang dần thay đổi. Bóng áo chàm, áo nâu của những người đi làm nương về, của các cô gái đi cõng nước, của trẻ con chạy lăng xăng… khiến cuộc sống thật sôi động hồn nhiên, vẻ đẹp hùng vĩ, thơ mộng của vùng Văn Chấn quê em ngày nay đã khác xưa nhiều lắm. Dù sao em vẫn ao ước quê em có điện sáng đều khắp mọi vùng, mọi nhà để chúng em được nhận sự văn minh như ở miền xuôi, như em thường nghe kể trên đài phát thanh tiếng nói Việt Nam.
Thu Thủy (Tổng hợp)