Suy nghĩ về văn hóa cảm ơn
Suy nghĩ về văn hóa cảm ơn – Bài làm 1 Truyền thống mang đậm nét văn hóa và đặc điểm tâm lí của người phương Đông, văn hóa cảm ơn được người Việt chú trọng thể hiện bằng những hành động cụ thể. Văn hóa cảm ơn xưa… Trở về với thời Hùng Vương dựng nước, những câu chuyện truyền miệng ...
Suy nghĩ về văn hóa cảm ơn – Bài làm 1 Truyền thống mang đậm nét văn hóa và đặc điểm tâm lí của người phương Đông, văn hóa cảm ơn được người Việt chú trọng thể hiện bằng những hành động cụ thể. Văn hóa cảm ơn xưa… Trở về với thời Hùng Vương dựng nước, những câu chuyện truyền miệng trong dân gian vẫn nhắc rành rọt đến chàng Lang Liêu với “bài toán” hóc búa vua ra: “Ơn tổ tiên ông bà là trọng. Nay đến ...
– Bài làm 1
Truyền thống mang đậm nét văn hóa và đặc điểm tâm lí của người phương Đông, văn hóa cảm ơn được người Việt chú trọng thể hiện bằng những hành động cụ thể.
Văn hóa cảm ơn xưa…
Trở về với thời Hùng Vương dựng nước, những câu chuyện truyền miệng trong dân gian vẫn nhắc rành rọt đến chàng Lang Liêu với “bài toán” hóc búa vua ra: “Ơn tổ tiên ông bà là trọng. Nay đến gần ngày Tết, các con ai nấy phải tự tìm kiếm hoặc làm ra những món ăn đặc biệt nhất để dâng cúng tổ tiên. Món ai dâng lạ nhất, ngon nhất, ta sẽ truyền ngôi cho…”.
Trong khi các hoàng tử khác tìm kiếm đủ sơn hào hải vị từ khắp nơi mang về thì trong cung, lại có một chàng hoàng tử mồ côi mẹ, chính là Lang Liêu nghĩ đến việc chọn gạo nếp thật ngon, tự tay mình làm nên những chiếc bánh kì lạ, có một không hai để dâng cúng tổ tiên. Vua hỏi sao con làm bánh này thì Lang Liêu thưa: “Bánh này tượng trưng cho công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ đối với con cái. Bánh dày hình tròn tượng trưng cho trời. Bánh chưng hình vuông tượng trưng cho đất. Bởi công cha mẹ lớn tựa trời đất nên con tự tay làm bánh ấy như báo đáp công ơn sinh thành”.
Món bánh ấy trở thành món bánh không thể thiếu trong mỗi năm tết đến xuân về và câu chuyện của Lang Liêu chính là bài học đầu đời cho mỗi đứa trẻ ngay từ thuở nằm nôi về lòng biết ơn, về việc hết lòng báo đáp ơn cha mẹ, tổ tiên bằng những việc làm trong khả năng của mình và do sức mình.
Thực tế, lòng biết ơn được người Việt trân trọng đến mức nó luôn được xếp hàng đầu, như nền tảng đầu tiên của lẽ công bằng và những gì tốt đẹp nhất ở đời, xem việc biết ơn, trả ơn như đạo làm người căn bản. Điều này được thể hiện đậm nét trong những nghi lễ, tập tục mang đậm tính lịch sử và văn hóa, được lưu truyền nhiều đời nay…
Và văn hóa cảm ơn ngày nay.
Trải qua nhiều thời kì lịch sử, văn hóa cảm ơn vẫn được duy trì và tiếp nối. Từ trong gia đình, chúng ta vẫn giữ truyền thống tổ chức lễ mừng thọ ông bà, cha mẹ. Chúng ta cũng có nhiều ngày lễ, ngày kỉ niệm để nhắc nhở và cũng là dịp để mỗi người thực hiện những việc làm thiết thực để bày tỏ lòng biết ơn của mình với thầy cô giáo-người đã truyền đạt kiến thức (ngày Nhà giáo Việt Nam 20/ 11), với những người thầy thuốc đã cứu chữa bệnh cho mình (ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2) và mở rộng ra là với những người đã hi sinh máu thịt để chúng ta có cuộc sống như ngày nay (ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7)…
Những bài học về lòng biết ơn như “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “uống nước nhớ nguồn” cùng với các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” vẫn được truyền đạt trong những trang sách, những kiến thức dạy cho con trẻ. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy rằng nhịp sống công nghiệp hóa ngày nay dường như khiến người ta tất bật hơn, ngại nói cảm ơn với nhau, ngại bày tỏ lòng trân trọng, biết ơn với những người đã làm điều gì đó cho mình. Đối với trẻ em, nếu chỉ được giáo dục thuần túy trên lí thuyết mà thiếu cơ hội, thiếu những hướng dẫn để biết thực hiện những việc làm vừa sức mình, bằng sức mình để bày tỏ lòng biết ơn một cách chân thành thì e rằng văn hóa cảm ơn khó có thể ăn sâu thành giá trị cuộc sống đích thực, giúp hình thành nên nhân cách tốt, thành nền tảng căn bản về đạo làm người cho trẻ em.
Đã đến lúc cha mẹ phải dành thời gian cho trẻ, hướng dẫn con tự tay mình làm một tấm thiệp tặng cô nhân ngày 20/11, rồi tết đến biết tự tay trồng một chậu hoa, gói một món quà thật đẹp biếu ông bà. Những hành động tuy nhỏ như vậy nhưng có giá trị rất lớn để giáo dục cho trẻ về lòng biết ơn. Từ đó, chúng ta mới có thể hi vọng rằng đứa trẻ lớn lên, dù là thế hệ nào thì vẫn giữ được truyền thống văn hóa dân tộc, vẫn sống có trước có sau, có tình có nghĩa như đạo làm người mà từ xưa đến nay người Việt ta vẫn lưu giữ.
– Bài làm 2
Từ lâu, văn hóa ứng xử đã trở thành chuẩn mực trong việc đánh giá nhân cách con người. Cảm ơn là một trong các biểu hiện của ứng xử có văn hóa, là hành vi văn minh, lịch sự trong quan hệ xã hội. Trong ứng xử giữa cộng đồng, khi lời cảm ơn được trình bày một cách chân thành, một mặt phản ánh phẩm chất văn hóa của cá nhân, một mặt giúp mọi người dễ cư xử với nhau hơn. Trong nhiều trường hợp, lời cảm ơn không chỉ đem niềm vui tới người nhận, chúng còn trực tiếp giải tỏa khúc mắc, gỡ rối các quan hệ, và con người cũng vì thế mà sống vị tha hơn.
Trước đây, trong quan hệ xã hội mọi người cảm ơn nhau là chuyện rất bình thường. Khi ai đó làm điều gì tốt với bạn hoặc giúp bạn một điều gì đó bạn nói lời cảm ơn. Có thể hiểu “cảm ơn” là lời bày tỏ thái độ biết ơn, cảm kích trước lời nói, hành động hay sự giúp đỡ của một ai đó. Người nhận được lời cảm ơn của bạn sẽ cảm thấy vô cùng hài lòng bởi vì họ nghĩ rằng bạn đã hiểu được tấm lòng và sự chân thành mà họ dành cho bạn. Thế nhưng, ngày nay dường như văn hóa “cảm ơn” đã bị dần dần lãng quên. Có thể do mọi người phải chạy theo dòng chảy của cuộc sống, sống gấp hơn, vội vàng hơn và dễ dàng cho qua những thứ mà họ nghĩ là vụn vặt, không cần thiết trong đó có từ “cảm ơn”. Đôi khi nhận được sự giúp đỡ họ chỉ gật đầu ý rằng đã nhận được hoặc đã hiểu, có khi họ không nói gì biểu hiện một điều tất nhiên mà bạn phải làm cho họ. Điều này biểu hiện rất rõ ở các mối quan hệ trên dưới: bố mẹ – con cái, sếp – nhân viên,..Có thể họ nghĩ nếu nói cảm ơn bạn thì sẽ hạ thấp vị trí của họ hay ảnh hưởng đến điều gì đó bởi nó quá tầm thường. Đã bao giờ bạn tự hỏi “khi bạn làm điều gì để giúp đỡ ai đó, bạn mong nhận được điều gì từ đó”, phải chăng là một món quà, hoặc họ sẽ trả công bằng tiền bạc, tôi chắc chắn là những thứ đó sẽ được nghĩ đến sau hai từ “cảm ơn”. Vậy thì tại sao bạn không nói cảm ơn những người đã giúp đỡ bạn dù là một việc nhỏ nhoi đi chăng nữa, bởi đó là tấm lòng của họ. Quan trọng hơn, nói “cảm ơn” đồng nghĩa với việc bạn đã ý thức rất rõ về bản thân mình, biết tôn trọng người khác và tôn trọng chính mình, dám dũng cảm nhận ra lỗi lầm của mình, biết quý trọng sự giúp đỡ của người khác. Nói tóm lại, biết nói lời cảm ơn và xin lỗi là biểu hiện của một lối sống có văn hóa và giàu ý thức tự trọng. Bạn đã từng nói cảm ơn bố mẹ vì bố mẹ đã sinh ra bạn trên cuộc đời này chưa? Bạn đã từng nói cảm ơn bà lão ăn mày vì nhờ có bà mà chiếc ví của bạn đã không bị mất khi bạn vô tình để quên ngoài quán nước?.
Trong cuộc sống, để nói “cảm ơn” hoàn toàn không phải là một việc quá khó khăn. Thế nhưng những từ ngữ rất đỗi gần gũi và bình dị ấy đã dần dần trở nên xa lạ với mỗi người chúng ta. Sẽ hạnh phúc biết bao khi được nghe lời cảm ơn từ một cậu bé bị vấp ngã vừa được bạn dìu đứng dậy, sẽ được an ủi biết bao khi được nghe câu cảm ơn từ một cụ già mà bạn chỉ cần mua cho họ một thanh kẹo cao su, nhưng thật đáng buồn là chẳng có một lời nào được gửi đến bạn cả. Một lời cảm ơn, dù chỉ là một hình thức xã giao thông thường cũng trở nên quá khó để nói ra
Tóm lại, nói lời “cảm ơn” là một nét đẹp trong văn hóa ứng xử của con người, là một hành động cần thiết trong những mối quan hệ giao tiếp hằng ngày. Nhưng phải nhớ rằng, lời nói luôn phải thống nhất với hành động cụ thể, phải xuất phát từ tận đáy lòng chân thành, tránh lối nói sáo rỗng, khẩu hiệu. Mỗi người chúng ta càng không nên dè sẻn lời cảm ơn mà ngược lại, hãy nói “cảm ơn” khi cần thiết. Nếu chúng ta biết cảm ơn những người xung quanh thì những mối quan hệ đó sẽ tốt hơn rất nhiều.
– Bài làm 3
Khi đất nước ngày càng phát triển thì văn hóa của con người cùng cần được trau dồi và nâng cao hơn nữa. Nét đẹp văn hóa là nét đẹp tinh thần, là thước đo nhân cách của một con người. Và văn hóa cảm ơn chính là một trong những nét đẹp cần phát huy và gìn giữ ở một con người.
Cảm ơn chính là một cách thể hiện tình cảm, lối ứng xử lịch sự, lễ phép, biết tôn trọng đến những người xung quanh mình. Văn hóa cảm ơn chính là nét đẹp vốn có của một con người, tuy nhiên nó lại được xây dựng từ những hành vi của chính bản thân mình. Mặc dù nó chỉ là những hành vi nhỏ nhặt nhưng lại có thể đánh giá được nhân phẩm của một con người.
Văn hóa cảm ơn hiện nay thực ra không khó tìm, ngược lại nó tràn lan và rất phổ biến; chúng ta có thể nghe và bắt gặp ở bất kỳ đâu lời nói cảm ơn. Trong cuộc sống khi chúng ta nhận được sự giúp đỡ từ ai đó thì thường chúng ta sẽ nói “cảm ơn” họ vì đã giúp mình. Đây là một biểu hiện rất phổ biến của nét đẹp văn hóa này.
Nét đẹp của lối sống ngày diễn ra thường xuyên biểu hiện ở lời nói, cử chỉ, hành động và nằm ngay trong chính tình cảm của mỗi người. Cảm ơn thực ra chỉ là một cách hành xử biết điều, lễ phép, lịch sự. Nét đẹp này không phô trương ra bên ngoài nhưng lại khiến người xung quanh yêu quý mình. Hằng ngày chúng ta gặp gỡ bao nhiêu chuyện, tiếp xúc bao nhiêu chuyện. Lời cảm ơn khi được bạn bè giúp đỡ, cảm ơn khi đi lạc đường được một người lạ chỉ giúp, cảm ơn vì hôm nay xe thủng xăm và có người đèo mình về. Chỉ là một lời nói đơn giản và rất dễ dàng thể hiện. Hoặc đơn giản hơn là nói lời cảm ơn ba mẹ vì đã nuôi dạy mình lớn khôn, có thể tự lập được. Nhưng dường như lời nói cảm ơn với ba mẹ lại khó khăn vì bạn nghĩ nó sáo rỗng, không thật. Đây là lời cảm ơn chân thành nhất mà ba mẹ vẫn mong một lần con cái sẽ nói với mình.
Văn hóa cảm ơn sẽ khiến cho những trái tim kéo gần lại với nhau hơn. Nó cùng phần nào hình thành tính cách và thói quen cho một người trong việc ứng xử.
Tuy nhiên có lẽ hiện nay do cuộc sống quá vôi vàng, gấp gáp, nhiều người dường như đã dần quên mất nét đẹp văn hóa cảm hơn. Họ sống vội, nghĩ vội, và đương nhiên lời cảm ơn ai đó cũng không kịp nói. Đây là một hiện thực đáng buồn, nhất là ở giới trẻ. Khi được mọi người giúp đỡ, nhưng lại quên mất đi lời nói cảm ơn. Có nhiều lần bạn hơi thất vọng và hụt hẫng khi vừa giúp một bạn tìm đường nhưng không được nhận lại một lời cảm ơn. Không phải bạn quan trọng, mong chờ quá nhiều đến lời nó. Chỉ là bạn thấy con người ta hình như đã quên mất đi phải nói cảm ơn người khác, quên mất nét đẹp văn hóa này.
Thực ra lời nói cảm ơn không quan trọng, chỉ là chúng ta đang dần đánh mất đi nét đẹp văn hóa mà cha ông ta đã gìn giữ từ ngàn đời nay.
Để có thể gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa này thì mỗi người chúng ta cần phải thường xuyên trau dồi bản thân mình, rèn luyện cách ứng xử với những người xung quanh một cách đúng mực nhất. Để văn hóa cảm ơn trở thành nét đẹp văn hóa đáng được trân trọng.
– Bài làm 4
Có nhiều thứ tạo nên một con người hoàn thiện, văn minh, lịch sự. Một trong những số đó chính là văn hóa ứng xử mà trước hết là văn hóa cảm ơn. Ngày nay, mặc dù cuộc sống còn bộn bề lo toan và ngày càng phát triển với tốc độ nhanh chóng thì việc giữ gìn nét đẹp văn hóa cảm ơn cần được chú trọng hơn nữa. Đó mới là hành động của những con người hiện đại đang sống ở thế kỷ 21.
Trước khi đi về văn hóa cảm ơn hiện nay thì chúng ta nên quay về quá khứ với văn hóa cảm ơn của người xưa. Chắc hẳn mỗi người trong chúng ta đây không ai không thể biết đến câu chuyện bánh chưng bánh dày. Câu chuyện kể về hoàng tử Lang Liêu dâng lên vua cha trong ngày giỗ tổ chiếc bánh hình tròn màu trắng và chiếc bánh hình vuông màu xanh, trong khi các hoàng tử khác dâng sơn hào hải vị. Vì thấy lạ nên vua cha đã hỏi Lang Liêu sao con làm bánh này, thì Lang Liêu thưa: “Bánh này tượng trưng cho công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ đối với con cái. Bánh dày hình tròn, tượng trưng cho trời. Bánh chưng hình vuông, tượng trưng cho đất. Bởi công ơn cha mẹ lớn tựa trời đất, nên con tự tay làm bánh ấy như báo đáp ơn nghĩa sinh thành của cha mẹ ông bà tổ tiên. Và về sau món bánh ấy không thể thiếu trong mâm Tết của người Việt, nó dạy cho những đứa trẻ từ khi mới sinh ra lòng biết ơn vô hạn đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ mình và phải báo đáp họ bằng tấm lòng chân thành và niềm cảm ơn sâu sắc.
Người Việt xưa luôn coi trọng lòng biết ơn và coi nó như một chuẩn mực của đạo đức và phẩm giá con người. Điều này thể hiện đậm nét qua những lễ hội nhớ ơn các vị tướng, vị anh hùng, những vị tổ tiên của chúng ta và các phong tục tập quán.
Vậy văn hóa cảm ơn nay cũng được thể hiện qua việc chúng ta cũng có những ngày lễ, ngày kỉ niệm để nhắc nhở và cũng là dịp để mỗi người thực hiện những việc làm thiết thực để bày tỏ lòng cảm ơn của mình đối với thầy cô giáo đã truyền đạt tri thức ( ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11), với những bác sĩ đã chữa chạy, cứu sống mình ( ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2) và mở rộng ra là với những người đã hi sinh máu thịt của mình để chúng ta có cuộc sống ngày hôm nay ( ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7), hay là tổ chức những ngày mừng thọ ông bà, những ngày sinh nhật, kỉ niệm của cha mẹ, ….
Hoặc chỉ đơn giản là lời cảm ơn mọi người hàng ngày, ở mọi lúc mọi nơi. Cuộc sống còn ẩn chứa nhiều điều bất trắc mà chúng ta không thể nào biết trước được, có đôi lúc chúng ta không thể vượt qua khó khăn một mình mà cần có sự giúp đỡ của những người xung quanh. Một lời cảm ơn tuy không thể đền đáp hết được công lao của họ nhưng nó cũng thể hiện phần nào lòng biết ơn của bạn đối với họ. Có thể có nhiều người cho rằng lời cảm ơn là vô cùng sáo rỗng, chẳng có ý nghĩa gì, chỉ là những lời nói đầu môi, nhưng sẽ không như vậy nếu bạn nói lời cảm ơn bố mẹ người đã sinh thành và nuôi dưỡng mình, hay người chồng cảm ơn vợ vì đã luôn ở bên cạnh mình mỗi lúc khó khăn, mệt mỏi, cảm ơn bạn đã động viên mình khi mình là một cô bé từ tỉnh lẻ lên thành phố xa lạ, không người thân thích để học tập…. Cảm ơn là một câu nói vô cùng thần kỳ nó giúp con người ta vui vẻ và thấy cuộc đời thật đẹp làm cho những người đã nhận được lời cảm ơn càng muốn làm nhiều việc tốt hơn nữa để nhận thêm được nhiều lời cảm ơn.
Như đã đề cập ở trên thì “Văn hóa Cảm ơn” không phải là xa lạ với người Việt ta, ông cha ta có câu “Lời nói chẳng mất tiền mua – Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Ăn cây nào rào cây ấy”… Tuy rằng những câu nói này có hàm ý khuyên con người sống có trước, có sau, phải tri ân người đã giúp đỡ, đóng góp cho mình về việc gì đó. Nhưng có lẽ người Việt Nam ta thì hay trọng việc lớn mà quên đi những việc nhỏ nhặt, cũng có câu “ không có việc nhỏ sao có việc lớn”, điều đó nhắc nhở chúng ta “ chớ nói rằng việc nhỏ, việc nhỏ nhưng tác dụng không hề nhỏ!”. Đó chính là văn hóa cảm ơn, văn hóa cảm ơn giúp mọi người xích lại gần nhau hơn, tạo nên sự đoàn kết giữa người với người. Tuy đó chỉ là một lời cảm ơn nhỏ nhưng nó cũng đủ để chúng ta đánh giá phẩm chất của một con người cùng với những thứ khác. Cản ơn là biểu hiện của một người ứng xử có văn hóa. Một người biết nói lời cảm ơn chính là biểu hiện của một nếp sống văn minh, lịch thiệp. “ Chim khôn kêu tiếng rảng rang – Người khôn ăn nói dịu dàng dễ nghe”.
Tuy nhiên có lẽ hiện nay do cuộc sống quá vội vàng, gấp gáp, cuộc sống của những công nghệ thông tin, nhiều người dường như đã dần quên mất nét đẹp văn hóa cảm ơn. Họ sống vội, nghĩ vội và đương nhiên lời cảm ơn ai đó cũng không kịp nói. Lời cảm ơn ngày càng giảm trong giao tiếp hàng ngày. Đây là một hiện thực đáng buồn của xã hội, nhất là ở giới trẻ ngày nay. Khi được người khác giúp đỡ, họ lại quên mất đi lời nói cảm ơn, họ coi đây như là điều đương nhiên và việc cảm ơn cũng chẳng có ý nghĩa gì, nó là thứ sáo rỗng, có những thứ khác tốt hơn nhiều như tiền chẳng hạn, nếu bạn được người khác giúp thì bạn chỉ cần đưa tiền cho họ là được. Với nhận thức như thế, nên ngày nay, nhiều bạn trẻ đã không còn sử dụng lời nói cảm ơn nữa. Nó dần đi vào quá khứ – và các bạn lấy lý do rằng thời đại phát triển rồi mà. Dần dần cứ như thế chúng ta đang từ từ đánh mất đi nét đẹp văn hóa mà ông cha ta đã giữ gìn ngàn đời nay. Sao các bạn không thử đặt câu hỏi ở các nước phát triển như Nhật, Mỹ, hay các nước châu Âu họ không phát triển nhanh hơn mình sao nhưng họ lại rất coi trọng văn hóa cảm ơn. Đơn cử như ở Nhật, từ “cảm ơn” được sử dụng vô cùng phổ biến và dường như nó đã trở thành thói quen trong giao tiếp của mỗi người. Ví dụ như, khi chúng ta đi ăn ở một nhà hàng của Nhật thì khi đi vào họ sẽ nói “ Hoan nghênh quý khách” và khi chúng ta ra về họ sẽ nói “ Cảm ơn quý khách”. Nói tóm lại thì trong văn hóa giao tiếp của người Nhật không thể thiếu được câu “Cảm ơn”. Hay các nước phương Tây như Mỹ, Anh,… họ cũng rất coi trọng văn hóa cảm ơn, mỗi khi mình nhận được sự giúp đỡ của người khác thì điều trước tiên là phải cảm ơn. Như vậy, trong mọi nền văn hóa, không chỉ Nhật Bản hay các nước châu Âu người ta đều coi trọng câu “Cảm ơn” như một yêu cầu cơ bản trong mối quan hệ giao tiếp giữa người với người. Từ “Cảm ơn” là biểu hiện của phép lịch sự, thể hiện một con người có lối sống văn minh, biết quan tâm, yêu thương, sẽ chia đúng cách. Nói cách khác, việc người Nhật nói “ Cảm ơn” không phải là điều gì kì lạ hay quá đỗi khác thường mà nó vô cùng bình thường, chỉ có những người không nói cảm ơn mới là khác thường. Vì vậy, với những người không biết tôn trọng hai tiếng cảm ơn,không biết nói hai tiếng cảm ơn thì chúng ta cũng cần có sự góp ý, phê phán đúng cách với hành động chỉ biết nhận lại mà không biết cho đi của họ. Khi được người khác giúp đỡ thì họ lại dửng dưng, coi như không có chuyện gì xảy ra, khiến cho người giúp cũng thấy khó chịu. Đó là biểu hiện của một con người sống ích kỉ, thiếu văn minh. Lâu dần sẽ không còn ai muốn giúp đỡ họ nữa.
Vì vậy, để có thể gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa này thì mỗi chúng ta cần phải thường xuyên trau dồi bản thân mình rèn luyện cách ứng xử với những người xung quanh một cách đúng mực nhất. Để văn hóa cảm ơn trở thành nét đẹp văn hóa đáng được trân quý, để nó luôn sống mãi trong cuộc sống của chúng ta và không chỉ chúng ta mà cả thế hệ mai sau nữa. Ông cha ta có câu “ Lời nói chẳng mất tiền mua – Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Câu nói của cha ông luôn nhắc nhở chúng ta cách đối nhân xử thế. Mỗi người trong chúng ta chỉ cần biết kiềm chế bớt cái tôi của chính mình, biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để suy nghĩ thì cuộc sống này, cuộc đời này sẽ tươi đẹp và rạng rỡ hơn rất nhiều. Hãy nói lời Cảm ơn” đúng lúc!
– Bài làm 5
Trên đường đời sẽ có những lúc bạn gặp những khó khăn không thể tự mình giải quyết được. Lúc này đây gia đình, bạn thân, thậm chí cả nhũng người bạn chưa từng biết đến lại sẵn sàng đưa tay giúp đỡ. Một lời cám ơn tuy không thể đền đáp hết những công ơn họ dành cho bạn, nhưng ít nhất nó cũng bày tỏ lòng biết ơn của bạn đối với họ.
Cám ơn là một nét văn hóa đẹp trong xã hội hiện nay. Người có văn hóa cám ơn là người sống có tình có nghĩa, có trước có sau. Ông cha ta khi xưa cũng có câu:
“ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”
Cảm ơn chính là một cách bày tỏ sự cảm kích với sự giúp đỡ của một người nào đó dành cho mình. Người được nhận lời cảm ơn cũng cảm thấy dễ chịu và thoải mái hơn vì thấy việc mình đã làm trở nên ý nghĩa với người kia, dù đó chỉ là những việc rất nhỏ nhặt trong cuộc sống như dắt cụ già qua đường, nhường ghế ngồi trên xe bus, … Nhờ thế, bạn sẽ dễ dàng gây được hiện cảm cho người giúp đỡ, và sau nay khi gặp khó khăn, họ hoàn toàn sẵn lòng giơ cách tay ra để hỗ trợ bạn. Cảm ơn là biểu hiện của một người ứng xử có văn hóa. Một người biết nói lời cảm ơn chính là biểu hiện của một nếp sống văn minh, lịch thiệp:
“Lời nói chả mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”
Tuy nhiên, ta cũng cần phê phán gay gắt những người chỉ biết nhận lại mà không biêt cho đi. Khi được người khác giúp đỡ thì họ lại dửng dưng, coi như không có chuyện gì xảy ra, khiến cho người giúp cũng thấy khó chịu. Đó là biểu hiện của một con người sống ích kỉ, vô văn hóa. Họ sẽ bị mọi người xa lánh, quay lưng ngay cả khi gặp phải những khó khăn trong cuộc sống.
Cảm ơn là một văn hóa đẹp của người dân Việt Nam. Vì vậy, việc rèn luyện, tạo dựng cho bản thân văn hóa cảm ơn là một điều vô cùng cần thiết. Nó không chỉ để duy trì và phát huy truyền thống văn hóa, mà còn giúp cho chúng ta có một cuộc sống hòa đồng với xã hội.