Suy nghĩ về đức tính kiên trì
Suy nghĩ về đức tính kiên trì – Bài làm 1 Hai nghìn năm trăm năm trước đây, Khổng Tử đã dạy rằng: “Dù bạn có tiến chậm như thế nào đi nữa cũng chẳng có vấn đề gì, miễn là bạn không dừng lại”. Sự kiên trì sẽ đem lại cho bạn nhiều người bạn tốt. Hay như Tổng thống Mĩ Abe Lincoln, ...
Suy nghĩ về đức tính kiên trì – Bài làm 1 Hai nghìn năm trăm năm trước đây, Khổng Tử đã dạy rằng: “Dù bạn có tiến chậm như thế nào đi nữa cũng chẳng có vấn đề gì, miễn là bạn không dừng lại”. Sự kiên trì sẽ đem lại cho bạn nhiều người bạn tốt. Hay như Tổng thống Mĩ Abe Lincoln, trước khi trở thành Tổng thống, ông này đã gặp thất bại trong hai công việc kinh doanh và trong sáu cuộc bầu cử. Walt Disney cũng đã từng bị ...
– Bài làm 1
Hai nghìn năm trăm năm trước đây, Khổng Tử đã dạy rằng: “Dù bạn có tiến chậm như thế nào đi nữa cũng chẳng có vấn đề gì, miễn là bạn không dừng lại”. Sự kiên trì sẽ đem lại cho bạn nhiều người bạn tốt. Hay như Tổng thống Mĩ Abe Lincoln, trước khi trở thành Tổng thống, ông này đã gặp thất bại trong hai công việc kinh doanh và trong sáu cuộc bầu cử.
Walt Disney cũng đã từng bị hàng nghìn ngân hàng từ chối cho vay tiền khi ông cố gắng hết sức để đầu tư xây dựng công viên Disneyland. Mary Kay Ash – một nữ tỉ phú cũng đã chỉ bán được số mĩ phẩm với giá trị chưa tới 2 đôla tại buổi trình diễn đầu tiên của bà. Còn Bill McGowan đã chống lại sự độc quyền của hãng AT&T trong suốt mười năm trước khi ông gây dựng nên thành công của nhãn hiệu MCI. Diễn viên người Mĩ Sylvester Stallone đã từng bị người ta từ chối rất nhiều lần khi ông đang gắng sức để giới thiệu bộ phim kinh điển Rocky của mình.
Bạn hãy bắt đầu ngay từ hôm nay, hãy sống một cách tích cực – một cuộc sống mà bạn làm chủ. Ngay khi bạn đã đặt ra mục tiêu cho mình và bắt đầu thực hiện chúng cũng có nghĩa là bạn đã bước chân vào con đường mà bạn lựa chọn và cuộc hành trình mới chỉ bắt đầu. Thành công hay không cũng ở cuộc hành trình này. Người ta vẫn thường nói rằng thay đổi bản thân mình vừa là điều dễ nhất vừa là điều khó nhất trên đời này. Chỉ có bạn mới có thể thay đổi mình và bạn chỉ có thể thay đổi được bản thân mình mà thôi. Bạn phải có lòng dũng cảm để có thể trung thực với bản thân. Điều gì sẽ khiến cho bạn trở nên tốt nhất?
Francis De Sales – một vị thánh của người Pháp đã dạy con người ta rằng: “Đừng nên ao ước trở thành bất cứ ai khác ngoài con người thật của bạn và hãy luôn cố gắng là con người ấy một cách thật hoàn hảo”. Trên đời này sẽ chẳng có hai người nào mà mục tiêu và những kế hoạch trong cuộc sống của họ lại hoàn toàn giống nhau. Một người có thể rất khỏe mạnh nhưng trong lao động thì lại lười biếng. Một người nào đó lại có thể là một người giỏi kiếm tiền nhưng lại là một nhà đầu tư kém cỏi. Cũng có người là một người tuyệt vời nhất trong sự nhìn nhận của xã hội nhưng trong gia đình anh ta thì lại không phải như vậy. Bạn hãy nhìn vào những phân loại dưới đây và xác định xem những mục tiêu và kế hoạch nào phù hợp với bạn và hướng đi của cuộc hành trình cuộc đời mà bạn đã lựa chọn.
Nhà văn, nhà tâm lí học người Mĩ Mihaly Csikszenthihalyi đã khuyên chúng ta về tầm quan trọng của việc viết ra những mục tiêu và tạo nên một niềm tin riêng cho mình: “Những người có một cuộc sống thật mãn nguyện, những người mà cả cuộc sống quá khứ lẫn tương lai của họ đều tốt đẹp cả, nói tóm lại là những người mà chúng ta gọi là hạnh phúc thì nhìn chung đều là những người luôn sống tuân thủ những quy tắc do chính họ đề ra”.
– Bài làm 2
Sự thành công của rất nhiều người trong xã hội không phải tự nhiên mà có được, cũng không phải do vận may mà là nhờ vào sự nỗ lực, lòng kiên trì. Sống có mục đích, có ước mơ nhưng không kiên trì thực hiện nó thì cuối cùng chúng ta vẫn quay về con số 0. Trong cuộc sống, đối với mỗi người, lòng kiên trì là cần thiết và phải được rèn giũa hằng ngày.
Kiên trì là thái độ sống, làm theo, theo đuổi mục đích mà mình đã đề ra. Đó chính là sự nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ, dù có gian nan thử thách nhưng vẫn nhất quyết làm đến cùng. Lòng kiên trì đối với mỗi người là nhân tố để thành công, để đạt được mục đích mà mình đặt ra.
Lòng kiên trì là một đức tính tốt, cần được phát huy, có ý nghĩa lớn quyết định đến cuộc đời của mỗi con người. Khi chúng ta vạch ra kế hoạch và quyết tâm theo đuổi nó đến cùng, đó là lòng kiên trì, và chắc chắn chúng ta sẽ đạt được một kết quả như mong đợi. Có một người bạn có đam mê văn chương, bạn ấy viết rất nhiều, nhưng gia đình lại phản đối và buộc bạn phải lựa chọn con đường đi khác. Bạn vẫn kiên trì với ước mơ đó, theo đuổi nó và bây giờ bạn là một nhà văn trẻ có tên tuổi. Nhờ vào sự kiên trì, quyết tâm theo đuổi đam mê nên bạn đã thành công. Đây chính là bài học mà nhiều người cần phải học hỏi và rèn luyện.
Lòng kiên trì không phải rèn luyện trong ngày 1, ngày 2 mà là cả một quá trình. Mỗi ngày, chúng ta có thể rèn luyện đức tính đó bằng nhiều cách. Bạn kiên nhẫn làm hết bài tập mà cô giáo giao, đó là một biểu hiện của lòng kiên nhẫn. Đã hơn 12h đêm nhưng bài toán giải mãi vẫn chưa ra, đừng vội tắt đèn đi ngủ, bạn hãy kiên nhẫn ngồi thêm chút nữa, biết đâu bạn sẽ tìm ra được đáp án.
Sự thành công của nhiều người hiện nay có được là do năng lực, bản lĩnh, nhưng yếu tố góp phần không nhỏ chính là sự nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ. Để đạt được một thứ gì đó, có thể chúng ta phải đánh đổi nhiều thứ, hi sinh nhiều thứ. Đó là cái giá, nhưng bản thân mình hài lòng với việc đó, cũng không uổng phí.
Cha ông ta có câu “Có công mài sắt, có ngày nên kim” cũng chính là răn dạy chúng ta cần phải kiên trì, chịu khó, nhẫn nại trong công việc thì mới có thể gặt hái được thành công. Muốn ăn trái ngọt, hoa thơm thì cần phải có những quãng đường đánh đổi, hi sinh.
Tuy nhiên, lòng kiên trì hiểu theo nghĩa tích cực không có nghĩa là cố chấp đến cùng. Cố chấp cũng là kiên nhẫn, nhưng cố chấp vì điều không nên thì thật không đáng. Bởi vậy, lòng kiên trì nên dùng đúng lúc, đúng chỗ thì cuộc đời của mỗi người mới có thể hạnh phúc và thành công được.
Bên cạnh những người có đức tính kiên trì thì vẫn còn tồn tại không ít người thiếu kiên nhẫn, cả thèm chóng chán, nhanh gục ngã. Thành công đến không dễ dàng, nếu từ bỏ mọi thứ một cách nhanh chóng thì chúng ta sẽ không nhận lại được điều gì.
Đối với tuổi trẻ thì thường hay nhanh chán, nhanh bỏ cuộc. Cần phải rèn luyện đức tính này để sau này mỗi người có thể tự lập và đứng vững trên đôi chân của mình.
Lòng kiên trì thực sự rất quan trọng đối với nhiều người. Chúng ta cần phải có kế hoạch để rèn luyện nó từng ngày. Chắc chắn rằng mục đích mà mình vạch ra khi có lòng kiên nhẫn sẽ nhanh chóng đi đến đích.
– Bài làm 3
Ông cha ta có câu nói “Có công mài sắt, có ngày nên kim” không chỉ nói về đức tính siêng năng, chăm chỉ của con người, mà còn nói đến lòng kiên nhẫn, bản lĩnh vượt lên chính mình để chiến thắng tất cả. Lòng kiên nhẫn là một đức tính tốt đẹp của con người, cần được rèn luyện, phát huy và trau dồi thường xuyên. Có như vậy thì mỗi con người cần phải cố gắng và nỗ lực không ngừng để hoàn thiện bản thân mình, giúp ích cho xã hội.
Để hiểu được nguồn gốc cốt lõi của đức tính kiên nhẫn thì chúng ta cần phải hiểu được kiên nhẫn là gì trong mỗi con người. Nghĩa của từ “kiên nhẫn” thể hiện ngay trong từ “nhẫn” có nghĩa là nhẫn nại, không bỏ cuộc, không chùn bước khi chưa làm được việc, chưa hoàn thành mục đích mà mình đặt ra. Kiên nhẫn là cả một quá trình cố gắng phấn đấu không ngừng nghỉ, bằng mọi giá để tìm ra được con đường đi cho chính bản thân mình. Kiên nhẫn là một đức tính tốt, đáng trân trọng và đáng ngưỡng mộ tự hào.
Mọi việc diễn ra trong cuộc sống hằng ngày hay mọi kết quả đạt được không phải dễ dàng gì, cũng không có việc “trời ban”, vận may hay tự nhiên mà có. Tất cả chỉ là sự ngụy biện cho hành động bằng lời nói. Cái gì cũng có giá của nó, thành quả mà bạn đạt được hôm nay không phải ngày một ngày hai mà là cả quá trình bạn đánh đổi rất nhiều thứ, kể cả những thứ đáng giá nhất.
Trong xã hội hiện nay, lòng kiên nhẫn sẽ giúp bạn có thể tự khẳng định được bản thân mình, tự xây dựng cho mình địa vị vững chắc. Tất cả đều do bản thân mình quyết định, và suy nghĩ sẽ quyết định hành động. Bởi vậy suy nghĩ tích cực thì bạn sẽ có hướng đi đúng đắn.
Đối với mỗi người, lòng kiên nhẫn chính là cách bạn tự rèn luyện bản thân, có thể chống chọi, khống chế và vượt qua được nhiều cám dỗ, tự làm chủ bản thân cũng như không ngừng cố gắng vươn tới những điều tốt đẹp nhất.
LÒng kiên nhẫn là một phẩm chất cao đẹp, có ý nghĩa lớn đối với mỗi con người. Nó không những giúp cho bạn đạt được thành công, hoàn thành tốt nhiệm vụ cũng như không ngừng hoàn thiện bản thân mà nó còn giúp cho cách nhìn nhận của bạn về cuộc sống này theo chiều hướng tích cực hơn.
Bạn có biết người nông dân trồng lúa như thế nào không? Đó là cả một quá trình cố gắng, kiên trì ở từng giai đoạn để cây lúa đơm bông kết quả. Người nông dân một nắng hai sương từ giai đoạn ươm giống, đi cấy mạ non, chăm sóc lúa ở từng giai đoạn, chống chọi với thời tiết và sâu bệnh hại. Họ đã cố gắng, kiên trì làm tất cả vì sự sinh sôi, nảy nở và thành quả thu hoạch được những hạt lúa tròn, chắc mẩm. Chính lòng kiên nhẫn đã giúp cho họ có được thành quả đó.
Môi chúng ta, để thực hiện được những ước mơ của mình, có nhiều người đi hết một đời cũng không tìm ra được ước mơ, có nhiều người tìm ra rồi nhưng họ bỏ đó, vì họ lười, nhanh bỏ cuộc, không chịu cống hiến và không chịu cố gắng. Thất bại là chuyện trước sau gì cũng sẽ tới. Chỉ vì bạn không sống hết mình cho đam mê, vì bạn đã nhanh bỏ cuộc khi đường đua vẫn còn dài, Vậy thì bạn thất bại là chuyện đương nhiên, bạn hãy nhìn về phía trước, hãy không ngừng học hỏi và cố gắng để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Tuy nhiên lòng kiên nhẫn cần đi liền với sự hiểu biết và tìm ra hướng đi đúng, nếu không hậu quả sẽ ngược lại “chăm chỉ mà ngu dốt sẽ thành phá hoại”, nếu kiên nhẫn vì những điều không đáng thì bạn sẽ đổi lấy hậu quả xấu.
Đối lập với lòng kiên nhẫn là những người thiếu lòng tin vào bản tin, nhanh bỏ cuộc, nhanh chùn bước. Cuộc sống của những người ấy luôn bình lặng, nhưng là sự bình lặng một cách chán chường. Vì họ không có ý chí phấn đấu, không kiên nhẫn nên họ sẽ đánh mất rất nhiều thứ.
Mỗi học sinh chúng ta hiện nay đang ngồi trên ghế nhà trường thì cần rèn luyện lòng kiên nhẫn để có thể trở thành người học trò chăm ngoan học giỏi, người con có hiếu.
Lòng kiên nhẫn là đức tính cần phải rèn luyện hằng ngày để bạn có thể hoàn thiện bản thân và vươn tới những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống. Hãy kiên nhẫn với những điều xứng đáng.
– Bài làm 4
“Có chí thì nên”: một bài học giáo dục cho con trẻ rất hay của người xưa, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ hiện nay. Đôi khi chính chúng ta phải nhìn nhận rằng số người thiếu sự quyết tâm, ý chí phấn đấu cầu tiến ngày càng nhiều trong xã hội. Dường như chính bản thân họ, đúng hơn là sự tự giác, tự thân vận động đã bị mất đi trong cái tiện nghi đầy đủ. Vì lẽ đó mà học lại sống một cách an nhàn, thiếu sự nỗ lực, ý chí cầu tiến. Và sẽ tai hại hơn khi chính họ chưa được rèn luyện, được dạy cách thích ứng với mọi tình huống bất ngờ xảy đến.
Mặc khác còn có những người lại bi quan, không có sự kiên trì, quyết tâm, thấy việc nặng nhọc trước mắt là đùn đẩy, có suy nghĩ là sẽ không làm được, từ bỏ tất cả mọi thứ. Những con người ấy chỉ nhìn sự việc qua một khía cạnh, một khía cạnh bó hẹp trong cái khuôn khổ mà họ từ tạo ra. Một cái vỏ bọc của sự bi quan. Họ chỉ thấy cái xấu, cái bất lợi trước mắt nhưng lại quên đi lợi ích lâu dài.
Bên cạnh đó lại có những người mới vừa gặp thử thách đầu tiên là lại tự bỏ cuộc. Chuyện này đã quá quen thuộc. Việc từ bỏ nhanh chóng ấy là do người đó thiếu sự tự tin, cầu tiến, họ sợ thất bại, họ không dám nhìn nhận sự thật dù có thể là phủ phàng. Và cũng đôi khi có nhiều người đã nổ lực hết sức mình để vượt qua thử thách nhưng lại không đạt được kết quả mong muốn. Điều đó lại càng dẫn đến việc người ấy sẽ bị áp lực đè nặng, để rồi nản chí, dừng cuộc đua nửa chừng trong khi bản thân học chỉ mới đi một phần ba chặng đường.
Thật ra chẳng có gì mới lạ cả. Con người từ cổ chí kim vẫn chạy đường trường trên cái lối mòn, ngặt nghèo này. Bù lại-và cũng chính từ đó mà ra? Xã hội loài người vẫn luôn trọng vọng những ai đạt được mục đích của mình, và mục đích càng cao lại càng thêm vinh dự.
Cái chính yếu và được đề cao vẫn lài cái quyết tâm, chừng nào còn bền gan trên đường; cho dù đã thất thểu, hay chỉ còn thoi thóp thì tệ lắm cũng vẫn được người đời khen tặng là có chí hướng, có nghị lực. Vì vậy, chúng ta cứ cố gắng hết sức của mình, hãy sử dụn chính khả năng, con người thật của ta thì dù có thất bại đi chăng nữa, chúng ta cũng vui long. Điều đó đâu đáng để ta buồn, có thật bại mới có thành công, có nghị lực mới đạt được kết quả.
Văn hóa con người vẫn chỉ quảng bá và đề cao sự kiên cường. Chúng ta đều được dạy từ lúc nằm nôi là một khi đã quyết định hướng đi và mục tiêu thì nhất định phải vững lòng theo đuổi đến cùng. Phải theo đuổi cho đến khi thắng lợi vẻ vang hay thất bại hào hùng, nhưng chúng ta tuyệt không được dạy cách rút lui kịp thời, cách bỏ cuộc đúng lúc. Sa lầy trong cuộc chiến, bám trụ một cách bền gan, chôn vùi thêm bao sinh mạng cũng mặc kệ.
Nhưng để lập trường bị lung lạc hay mất niềm tin là tệ hại, xét lại mục tiêu hay đường hướng đạt ra-cho dù trên cơ sở nào cũng vậy thì quả phạm vào tối kị. Điều này nghe chừng như chỉ là một sự ràng buộc về văn hóa hay xã hội, song thực sự lại có vẻ được đóng khuôn sẵn trong tâm trí, tư duy con người. Theo đó, chính những con người có khả năng lí luận sâu sắc lại là những người ít sẵn sang tự chuyển đổi cách nhìn.
Trái lại, họ là thành phần bám víu mạnh mẽ nhất vào đường hướng đã từng lựa chọn. Lẽ nào, con người ta lại tâm niệm cuộc sống chỉ là những quảng đường việt dã nối tiếp và đã lên thì không thể dừng hay quay lại. Nói thẳng ra là chính chúng ta cần phải biết lượng sức mình, đừng lấy cái tính bền chí của mình mà lại làm dụng nó vì mục đích thiếu thiết thực.
Nếu nói một vận động viên chỉ cần tính bền bỉ, kiên cường là có thể chinh phục đường đua 42km thì quả là một sai lầm. Họ hiểu rằng chỉ một yếu tố “ý chí” thì không thể giúp họ hoàn thành chặng đường nếu thiếu “sức lực”. Chúng ta cũng như học nhưng thay vào đó là “cơ hội”. Chính chúng ta tạo nên cơ hội và cần phải khôn ngoan trong việc tận dụng nó. Đừng ngồi đó mà há miệng chờ sung, một việc ngu xuẩn, phung phí thời giờ. Và khi biết cách tạo ra cơ hội cho bản thân mình thì ắc hẳn người ấy sẽ có được lợi thế.
Việc để có được ý chí bền bỉ cần phải dựa vào chính chúng ta. Nó dễ có, nhưng cũng dễ mất nếu như không biết gìn giữ và di dưỡng nó hằng ngày. Đừng cố tạo ra áp lực cho ta, điều đó sẽ gây ra việc phản tác dụng trong việc hình thành tính “kiên trì”. Mối quan hệ giữa “chí” và “cơ hội” là sự liên kết chặt chẽ mà một người muốn thành công có.
Suy nghĩ về đức tính kiên nhẫn – Bài làm 5
Kiên nhẫn là sẵn lòng làm việc để đạt được kết quả như mong muốn. Điều tốt đẹp, tích cực và sự thật không thể có được ngay tức thì hay tự động mà có, chúng đòi hỏi phải có thời gian và phải trải qua quá trình tiến triển theo từng giai đoạn.
Có những lúc chúng ta phái hành động, nhưng cũng có những thời điểm ta chúng ta cần phải biết chờ đợi. Sự thành công chỉ đến khi chúng ta có những quyết định hợp lý, đúng lúc. Con người thường cứ cố buộc sự việc phải xảy ra. Đôi khi sự ép buộc này có hiệu quả, nhưng sau đó, trong chúng ta không có cảm giác đã hoàn thành một cách đúng nghĩa. Nếu sự thành công được gặt hái qua một cuộc chiến hay một vụ xung đột thì chiến thắng ấy cũng chỉ là một sự trống rỗng.
Những thành quả tốt đẹp nhất không chỉ phụ thuộc vào bản thân chúng ta hay công sức của riêng ta mà còn đến từ việc học cách chấp nhận thực tại hoàn cảnh và những người trong mối quan hệ của chúng ta. Hãy để cho chính họ và những tình huống diễn ra một cách tự nhiên. Chắc chắn rằng mỗi việc chúng ta làm đều có một mục đích rõ ràng, tuy nhiên, chúng ta cũng không nên bám quá chặt vào mục đích, tìm cách đạt được nó bằng mọi cách. Chính sự đeo bám đó sẽ khiến kết quả công việc của chúng ta bị hạn chế. Khao khát đạt được thành quả sẽ tước đoạt sự trong sáng khỏi những hành động của chúng ta. Lúc đó, những gì chúng ta làm đều phụ thuộc vào sự toan tính.
Bạn có biết công việc của người làm vườn diễn ra như thế nào không đầu tiên là chọn đất, chọn giống theo mùa vụ thích hợp. Sau đó sẽ là việc cày xới và gieo hạt, rồi tưới nước. Tiếp theo, anh ta phải đảm bảo luôn có đủ nước cho khu vườn, ngăn ngừa côn trùng tấn công. Nhưng vẫn chưa đủ, khu vườn của anh ta tươi tốt hay lụi tàn còn phụ thuộc rất nhiều vào việc thiên nhiên có ban tặng điều kiện sống thích hợp cho nó hay không. Anh ta hợp tác và giúp đỡ khu vườn nhưng không thể can thiệp được vào các quy luật của tự nhiên: bão tuyết, giông tố, ngập úng, nắng hạn… Khu vườn đẹp là sản phẩm của sự hợp tác giữa anh ta và thiên nhiên. Anh ta cần biết đặt mình vào những quy luật của thiên nhiên hiểu được rằng khi nào thì nên xen vào và khi nào thi phải chờ đợi.
Thành công thật sự luôn dựa trên sự cộng tác tích cực. Người cộng tác không chỉ nhìn thấy vai trò của mình mà còn nhìn thấy vai trò của người khác. Và bản thân chúng ta cũng không quên trách nhiệm của riêng mình trước những đóng góp của người khác. Chúng ta không được quên quy luật quân bình.
Người làm vườn phải hiểu quy luật quân bình, nếu không, anh ta sẽ hoặc làm việc quá nhiều hoặc lại làm quá ít, và vụ mùa sẽ không thu hoạch được như mong đợi. Người làm vườn phải tôn trọng thời gian, phải có lòng kiên nhẫn chờ đến đúng mùa mới gieo trồng, bởi nêu gieo hạt giống không đúng thời điểm hay không đúng mảnh đất phù hợp, thì có chăm chút bao nhiêu đi nữa cũng bằng không. Tuy thế chỉ riêng sự kiên nhẫn thôi chưa đủ. Kiên nhẫn mà thiếu hiểu biết, chúng ta sẽ đánh mất đi những cơ hội tốt đẹp. Mọi hành động chỉ cho kết quả tốt đẹp khi chúng ta biết thực hiện đúng lúc và đúng cách.
Không hành động không có nghĩa là kiên nhẫn. Không hành động có thể đồng nghĩa với sự thờ ơ, hờ hững. Một khi châm chước trước thái độ thờ ơ„ hờ hững thì trong nội lực chúng ta không còn chỗ cho khát vọng nỗ lực, phân đấu hay tự cam kết với chính mình.
Chúng ta nên gieo những hạt giống hành động đúng đắn và tưới chúng bằng tinh thần trách nhiệm và sự chăm chút. Đừng bao giờ gò ép hành vi hay tìm cách đi ngược lại quy luật tự nhiên, vì như thế, những tham vọng, những ham muốn ích kỷ sẽ phá hủy vụ mùa. Không thể có được thành công – đúng nghĩa hạnh phúc và mãn nguyện – nếu như luôn có một sự can thiệp và thao túng của tham vọng và những suy nghĩ không trong sáng. Chúng ta phải làm việc bằng sự tôn trọng đối với những quy luật tự nhiên và điều tốt đẹp vốn có sẽ hiện ra từ bản chất sự việc.