Suy nghĩ về chủ đề “Vượt lên số phận”
Suy nghĩ về chủ đề "Vượt lên số phận" – Bài làm 1 Trong ba vạn sáu nghìn ngày của cuộc đời chúng ta, không chỉ có những ngày trời quang mây tạnh mà một nửa là mây mù u ám, mưa dầm gió bấc. Đường đời mà chúng ta đi, có thể bằng phẳng thênh thang, có thể sông ngă núi trở, không thuyền ...
Suy nghĩ về chủ đề "Vượt lên số phận" – Bài làm 1 Trong ba vạn sáu nghìn ngày của cuộc đời chúng ta, không chỉ có những ngày trời quang mây tạnh mà một nửa là mây mù u ám, mưa dầm gió bấc. Đường đời mà chúng ta đi, có thể bằng phẳng thênh thang, có thể sông ngă núi trở, không thuyền không bến sang sông. Sự thực đó chúng ta không thể thay đổi, nhưng chúng ta có thể thay đổi lòng mình. Những lúc như thế chúng ta hãy tự ...
Suy nghĩ về chủ đề "Vượt lên số phận" – Bài làm 1
Trong ba vạn sáu nghìn ngày của cuộc đời chúng ta, không chỉ có những ngày trời quang mây tạnh mà một nửa là mây mù u ám, mưa dầm gió bấc. Đường đời mà chúng ta đi, có thể bằng phẳng thênh thang, có thể sông ngă núi trở, không thuyền không bến sang sông.
Sự thực đó chúng ta không thể thay đổi, nhưng chúng ta có thể thay đổi lòng mình. Những lúc như thế chúng ta hãy tự biến lòng mình thành chiếc thuyền qua sông. Có biết bao tấm gương vượt lên số phận khiến chúng ta không khỏi xúc động. Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký bị liệt hai tay từ khi lên bốn tuổi. Năm bảy tuổi, ông đã quyết tâm tập viết bằng hai chân, dù khó khăn đến mấy, ông cũng miệt mài tập viết ngày đêm, cuối cùng ông đã làm được mọi việc bằng đôi chân kì diệu của mình. Với đôi chân ấy, ông đã viết sách, làm thơ, dạy học,… Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký là đại diện cho sự phấn đấu phi thường và kì diệu, là tấm gương sáng cho các bạn trẻ hôm nay, nhất là những người khuyết tật noi theo”.
Khi sắp lên học tiến sĩ, Stephen William Hawking bị chứng bại liệt thần kinh không vận động nói năng được, ông mơ thấy mình bị xử tử, sau khi tỉnh giấc, bỗng nhiên ông ý thức được, nếu được xá tội, ông sẽ làm được rất nhiều điều có ý nghĩa. Từ đó ông như sống lại sau khi cứ ngỡ rằng tất cả tương lai của mình đã chết, ông kích hoạt lại đời mình, gấp lại con thuyền tư tưởng, bay thẳng vào vũ trụ huyền bí, thám hiểm hệ mặt trời, hố đen vũ trụ… Trong khổ nạn, sự thay đổi tư tưởng, suy nghĩ, quan niệm là phao cứu sinh sẽ cứu lại sự sống, đưa thuyền đời vào chốn bình yên.
Có thể bạn và tôi không gặp đại tai họa như họ, thế nhưng chắc gì chúng ta đã thực sự thoát khỏi cơn bão đi qua, chắc gì ngày mai bầu trời không còn mưa bão? Cuộc đời mấy ai học được chữ “ngờ”, đại nạn thường bất ngờ giáng xuống đầu khiến người ta tối tăm mặt mũi, mất hết tinh thần, khi đó chúng ta có lấy tơ sầu muôn màu cũng không kết thành dây cáp vượt sông, kết vạn mảnh lòng tan vỡ cũng khó ghép thành thuyền vượt sóng gió. Nỗi tuyệt vọng đứng trước đường cùng, ai sống trong cuộc đời này mà chẳng phải một vài lần đối diện?
Có người tự biết thay đổi lòng mình, thay đổi quan niệm, gấp bản năng sinh tồn thành thuyền vượt sóng thoát khỏi vực sâu biển cả, có người tự thay đổi lòng mình, lấy những ham muốn mới kết thành dây cáp, tự giúp mình vượt ải gian lao.
Suy nghĩ về chủ đề "Vượt lên số phận" – Bài làm 2
Ngày xưa, quan niệm về sự an bài của số phận khá phổ biến trong xã hội. Dân gian cho rằng số phận mỗi người đều do “thiên định”. Giàu sang hay nghèo đói, thành công hay thất bại… không phải do cá nhân quyết định. Thuyết “thiên mệnh” ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm của mọi người, cho nên trong Truyện Kiều, thi hào Nguyễn Du sau khi kể chuyện về cuộc đời đầy sóng gió của Thúy Kiều, cũng đã phải kết luận bằng những câu thơ chua xót và cam chịu:
Cho hay muôn sự tại trời!
Trời kia đã bắt làm người có nhân.
Bắt phong trần phải phong trần.
Cho thanh cao mới được phần thanh cao.
Tuy nhiên, bên cạnh quan điểm tiêu cực đó vẫn có những quan niệm tích cực, lành mạnh, phản ánh sức sống tiềm tàng của nhân dân lao động như: Đức năng thắng số, Có chí thì nên… Thực tế cho thấy không ít người bằng ý chí và nghị lực phi thường đã chiến thắng số phận bất hạnh, trở thành gương sáng phấn đấu cho mọi người học tập.
Vào thập kỉ 60, 70 của thế kỉ XX, Nguyễn Ngọc Kí đã trở thành cái tên nổi tiếng ở miền Bắc. Gương sáng Nguyễn Ngọc Kí được đưa vào sách giáo khoa để dạy đạo đức cho học sinh. Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, bản thân lại bị liệt cả hai tay sau một cơn sốt kéo dài từ lúc còn nhỏ tuổi, Nguyễn Ngọc Kí rơi vào hoàn cảnh thật đáng thương. Ngày ngày, thấy bạn bè cùng lứa tuổi tung tăng cắp sách tới trường, Kí thèm lắm. Thấy con ham học, năm Kí lên sáu tuổi, bố mẹ dẫn cậu đến trường. Cô giáo thương Kí lắm nhưng đành lắc đầu. Không được học ở trường, Kí tự học ở nhà. Niềm khao khát được biết chữ đã khiến Nguyễn Ngọc Kí nghĩ ra nhiều cách để tập viết. Thoạt đầu, cậu viết bằng miệng, nhưng không thành công. Một lần tình cờ nhìn thấy đàn gà bới đất bằng chân, Nguyễn Ngọc Kí lóe lên ý nghĩ là có thể dùng chân để viết. Sau đó, Nguyễn Ngọc Kí đã kiên trì tập viết bằng chân.
Cô giáo đến thăm, mang cho Kí vài viên phấn. Thấy Kí quyết tâm, cô vui lòng nhận Kí vào lớp. Từ đó, manh chiếu gắn liền với đời học sinh của Kí. Kết quả, Nguyễn Ngọc Kí không những viết thành thạo mà còn viết rất đẹp và trở thành học sinh giỏi trong nhiều năm liền, hai lần được Bác Hồ tặng huy hiệu. Hết cấp 1, cấp 2, cấp 3, năm 1966, Nguyễn Ngọc Kí được tuyển thẳng vào khoa Văn trường Đại học Tổng hợp. Tốt nghiệp, Nguyễn Ngọc Kí về làng làm giáo viên với nhiều sáng tạo đặc biệt. Không thể dùng phấn để viết bảng nên thầy Kí chuẩn bị nhiều câu hỏi, câu đố xung quanh ý nghĩa bài giảng; viết những ý chính và đặc điểm nổi bật của tác phẩm vào tấm bìa lớn rồi dùng chân kéo sợi dây buộc vào ròng rọc để giới thiệu bài giảng. Năm 1983, thầy đoạt giải nhất cuộc thi giáo viên giỏi Văn của tỉnh Nam Định. Từ năm 1993 đến nay, thầy tham gia giảng dạy tại Trường bồi dưỡng Giáo dục quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh.
Lúc còn ít tuổi, Nguyễn Ngọc Kí hai lần vinh dự được Bác Hồ tặng thưởng Huy hiệu của Người và gần đây, thầy đã được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú vì những đóng góp đáng kể cho ngành Giáo dục.
Rõ ràng, từ một cậu bé bất hạnh, Nguyễn Ngọc Kí đã không ngừng phấn đấu vươn lên để trở thành người hữu ích. Học tập gương sáng của Nguyễn Ngọc Kí, Hoa Xuân Tứ cụt cả hai tay, đã buộc bút vào vai viết chữ.
Đỗ Trọng Khơi bị bại liệt nhưng vẫn quyết tâm trở thành nhà thơ. Anh Trần Văn Thước sau khi bị tai nạn lao động, liệt toàn thân vẫn không ngừng tự học để trở thành nhà văn…
Trong những năm gần đây, nhiều tấm gương vượt lên số phận đã được giới thiệu rộng rãi trên báo chí, trên truyền hình khiến nhiều người xúc động và khâm phục. Anh Trường Sơn, nạn nhân của chất độc màu da cam có thân hình dị dạng, chỉ cao không đầy một mét vẫn trở thành sinh viên của hai trường cao đẳng và đại học. Bạn Trần Thị Thương, một nạn nhân chất độc màu da cam có chiều cao 50cm, ngày ngày phải nhờ mẹ hoặc bạn bế đi học, vậy mà vẫn học rất giỏi và nung nấu ước mơ trở thành một chuyên gia vi tính. Chị Hướng Dương bị tai nạn giao thông, phải cưa cụt cả hai chân nhưng không gục ngã trước số phận rủi ro mà vẫn sống rất lạc quan, đem niềm vui đến cho những trẻ em khiếm thị bằng thư viện sách nói do chị sáng lập ra. Chị Trịnh Tiểu Hương từ một đứa trẻ bụi đời không biết cha mẹ là ai, suốt tuổi thơ và tuổi thiếu nữ phải sống lay lắt nơi gầm cầu, hè phố, trôi dạt từ Nam ra Bắc, từ Bắc vào Nam, hết lên rừng lại xuống biển để kiếm sống qua ngày… Thấm thía nỗi khổ của trẻ em mồ côi, giờ đây, với trái tim đầy tình nhân ái, chị đã đem hết tâm nguyện của mình mở một cơ sở nuôi dạy hàng trăm trẻ em lang thang cơ nhỡ. Bằng tình thương và trách nhiệm của một người mẹ, chị lo cho các em được ăn mặc đầy đủ, được học chữ, học nghề. Các em yêu quý và kính trọng gọi chị là “mẹ Hương”. Chị coi đó là phần thưởng, là nguồn hạnh phúc lớn lao của đời mình. Mái ấm tình thương của chị giờ đây đã trở nên nổi tiếng, được nhiều tổ chức từ thiện trong và ngoài nước quan tâm giúp đỡ.
Xung quanh chúng ta còn rất nhiều, rất nhiều những tấm gương như thế. Chúng ta có thể học được những bài học thiết thực và bổ ích về ý chí, nghị lực, về khát vọng vươn lên mãnh liệt để chiến thắng số phận nghiệt ngã, chiến thắng hoàn cảnh khó khăn, khẳng định giá trị của bản thân trong xã hội. Đồng thời, những gương phấn đấu kiên cường, bền bỉ nhắc nhở chúng ta hãy suy ngẫm, soi chiếu lại mình và tự đặt ra câu hỏi: Mình đã sống ra sao? Đã làm gì có ích cho gia đình, cho mọi người? Những gương sáng ấy chứng minh hùng hồn cho câu nói nổi tiếng của nhà văn, nhà giáo Nguyễn Bá Học: Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi, e sông.