28/05/2017, 15:16

Suy nghĩ về câu nói: Tình yêu là phương thức nhiệm màu cho tất cả chúng ta, cho cả người trao tặng lẫn người đón nhận nó của Karl Menninger

Karl Menninger đề tựa trong cuốn sách “Chicken soup for the soul” rằng: “Tình yêu là phương thức nhiệm màu cho tất cả chúng ta, cho cả người trao tặng lẫn người đón nhận nó”. Anh (chị) có suy nghĩ gì về câu nói trên? Karl Menninger đề tựa trong cuốn sách Chicken soup for the ...

Karl Menninger đề tựa trong cuốn sách “Chicken soup for the soul” rằng: “Tình yêu là phương thức nhiệm màu cho tất cả chúng ta, cho cả người trao tặng lẫn người đón nhận nó”. Anh (chị) có suy nghĩ gì về câu nói trên? Karl Menninger đề tựa trong cuốn sách Chicken soup for the soul rằng: “Tình yêu là phương thức nhiệm màu cho tất cả chúng ta, cho cả người trao tặng lẫn người đón nhận nó”. Karl ...

Karl Menninger đề tựa trong cuốn sách “Chicken soup for the soul” rằng: “Tình yêu là phương thức nhiệm màu cho tất cả chúng ta, cho cả người trao tặng lẫn người đón nhận nó”. Anh (chị) có suy nghĩ gì về câu nói trên?

Karl Menninger đề tựa trong cuốn sách Chicken soup for the soul rằng: “Tình yêu là phương thức nhiệm màu cho tất cả chúng ta, cho cả người trao tặng lẫn người đón nhận nó”. Karl Menninger đã viết về tình yêu như một thứ tình cảm mà con người ta đáng phải tôn thờ và trân trọng nhất. Tình yêu luôn hiện hữu xung quanh chúng ta, bất kể chúng ta là ai, chúng ta đang ở nơi nào, cả lúc vui, lúc buồn, lúc gian nan hay bất hạnh. Bản năng tình yêu giúp vạn vật biến chuyển và hồi sinh. Chia sẻ tình yêu, niềm tin, sự đồng cảm trong gia đình và cộng đồng là nhân tố quyết định hình thành nên nhân cách và lối sống của mỗi con người.

Tình yêu hay nói rộng ra là tình thương, sự quan tâm, chia sẻ đồng cảm lẫn nhau giữa con người với con người có thể mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc và những lợi ích cho cả người trao lẫn người đón nhận nó. Chính bởi vì tình yêu là thứ tình cảm thiêng liêng không mua được bằng tiền, bằng những cám dỗ hay vật chất tầm thường, thế nên không bao giờ có khái niệm người bán đi và kẻ mua được, mà chỉ có những người cao thượng biết trao tặng tình yêu và những người xứng đáng được đón nhận nó. Tình yêu, tình thương là một phương thức nhiệm màu và kì diệu nhất. Một thứ tình cảm không đại diện cho bất cứ một vật chất cụ thể nào, một tình cảm mơ hồ và trừu tượng mà người ta trao đổi lẫn nhau. Nó xóa tan mọi danh phận, biên giới và khoảng cách. Nó làm con người gần nhau hơn trong sự đồng cảm về tâm hồn và thấu hiểu một cách chân thành. Cũng không quá khi hiểu rằng, nó xuất phát từ trái tim đến trái tim. Khi tình yêu, tình thương được trao tặng và đón nhận một cách chân thành, không vì lợi ích cá nhân hay những toan tính mục đích riêng thì nó lại là một nền tảng vững chắc cho một xã hội công bằng, văn minh và bác ái.

Có một câu chuyện cổ tích mà đối với nhiều người Việt Nam đã không còn mấy xa lạ. Câu chuyện về trí khôn của anh nông dân lừa trói hổ ở gốc cây để về nhà lấy trí khôn của mình cho hổ xem, và cuối cùng anh nông dân chất rơm đốt hổ, vừa đốt vừa quát “Trí khôn của ta đây”. Trâu thích chí cười lăn, va vào đá rụng hết mất hàm trên. Hổ chạy thoát về rừng, về sau trên lưng luôn có vằn đen. Nội dung câu chuyện cổ tích từ xa xưa là thế. Nếu như đây là câu chuyện ca ngợi trí khôn của con người hơn các loài vật khác, và là sự lí giải mang đậm tính dân gian về đặc điểm cơ thể của loài trâu và hổ, thì thực sự là một câu chuyện hay. Nhưng nếu không đúng như vậy, thì đây quả thực là một câu chuyện rất khó hiểu với những con người yêu chuộng tình yêu, tình thương, sự bác ái. Vì sao con hổ lại bị đối xử như vậy? Nó chỉ muốn biết một sự thật về cái gọi là trí khôn mà nó không hiểu và chưa biết tới. Nó tò mò, nhưng biết đâu lại là niềm trắc ẩn trước một con trâu đang bị con người cày ải. Vì sao anh nông dân lại đốt một con hổ muốn học hỏi và ham hiểu biết? Vì sao anh nông dân lại lừa một con hổ, một con hổ ngốc nghếch đến ngây thơ? Vì sao dùng đến bạo lực để trả lời cho một câu hỏi rất đỗi hòa bình? Một hành động hết sức bạo tàn của con người với môi trường thiên nhiên hoang dã. Vì sao con trâu lại cười khoái trí trước cảnh đau khổ của con hổ? Một nụ cười vô cảm đến vô tri trước nỗi thống khổ của đồng loại. Ta tự hỏi tình yêu, tình thương đứng đâu trước những bạo tàn và vô cảm? Đó có phải là con trâu và người nông dân vốn khoan hòa, tự ái, nhân hậu ngàn đời của nông thôn Việt Nam hay không? Đó còn là tình yêu, tình thương, sự quan tâm, sẻ chia bác ái trong truyền thống cao đẹp của dân tộc mà chúng ta hằng ca ngợi? Và cuối cùng liệu đó có phải là trí khôn hay là sự lừa gạt? Một câu chuyện cổ tích với vốn hiểu biết đơn giản của người xưa để lí giải vì sao con hổ lại có vằn trên lưng. Còn ngày nay, câu chuyện cổ lại được đưa ra để giáo dục về tình yêu thương, nhân ái. Một câu chuyện đã rất là cũ, nhưng để lại một bài học không bao giờ cũ, bài học về tình yêu với môi trường và đồng loại. Vì thế ở bất cứ nơi đâu và trong bất kì hoàn cảnh nào, không có gì có thể thay thế được tình yêu và sự đồng cảm sẻ chia trong cuộc sống. Nếu như một ai không biết đặt nặng những giá trị tình cảm đó lên trên hết, thì con người ấy không còn sống trọn vẹn với phần “người” nhân bản của mình và khiến cho xã hội này chất chứa thêm một thứ tệ nạn đáng sợ khác, tệ nạn của sự vô cảm, vô tri.

Tình yêu mang lại một sức mạnh kì diệu và nhiệm màu, nó là loại thảo dược mọc ở tất cả nơi đâu có dấu chân người, một cây nấm linh chi quý giá và bổ dưỡng cho tất cả mọi căn bệnh nan y. Tình yêu dễ nhìn thấy như loài thảo dược nhưng tìm đúng ra nó khó như tìm loài nhân sâm. Tình yêu của đồng loại có đủ sức để cứu vớt một tâm hồn tội lỗi và kéo tâm hồn ấy hướng thiện, hướng về lương tâm. Tình yêu cũng không thể nằm ngoài định luật bảo toàn năng lượng của ngành vật lí học. Nó được ví von như một dạng năng lượng không bao giờ biến mất, tình yêu cũng chỉ truyền từ nơi này sang nơi khác, chuyển từ dạng này sang dạng khác mà thôi. Những người trao tặng và đón nhận tình yêu cũng đang làm một sứ mệnh chuyển giao năng lượng như thế. Người trao tặng tình yêu và ban phát tình thương nhận về mình niềm vui, niềm hạnh phúc khi được cảm thông, thấu hiểu, giúp đỡ những người khó khăn hơn mình, đó có thể không phải sự giúp đỡ về vật chất mà là những giá trị tinh thần, điều còn đáng quý hơn gấp bội. Con người đón nhận tình yêu, họ cùng có chung một niềm hạnh phúc, niềm vui như thế khi nhận được sự cảm thông, thấu hiểu, giúp đỡ từ người khác. Người trao tặng biết mình sống có ích khi trái tim và đôi vai vẫn hướng về đồng loại, người đón nhận càng tin vào bản chất tốt đẹp của cuộc sống khi tình cảm gắn bó đồng loại sẽ cứu vớt và nâng đỡ những mảnh đời gặp nhiều bất hạnh. Một câu chuyện xúc động kể lại cuộc đời của người đàn ông có cái tên Mark, câu chuyện được sưu tầm trong cuốn sách Hạt giống tâm hồn của Martin Luther King sẽ là một bài thánh ca cho sự hiện hữu của tình yêu thương luôn tràn ngập; Trong một đêm mưa tầm tã, Mark đã quyết định chấm dứt cuộc đời mình. Mark không có vợ, chưa từng tìm thấy niềm vui bên cạnh gia đình, làm một công việc bất đắc chí và dường như không còn ai quan tâm xem Mark còn sống hay đã chết. Mark đi dọc theo những con phố, thẫn thờ đến nỗi không để ý tới một cậu bé đang cầm tờ hai đôla đứng bên một hàng truyện. Cậu bé ngay cả sau này Mark cũng không biết tên nhìn thấy ông ướt sũng và khuôn mặt buồn rầu đang thất thần đi tới giữa ngã tư. Cậu bé bối rối nhìn Mark một chặp rồi từ bỏ ý định mua truyện để thay vào đó dùng một đôla mua một cây viết. Cậu bé chạy lại bên ông già Mark khốn khổ và đặt vào lòng bàn tay ông một đôla còn lại của mình và ôm Mark một cái thật nhanh. Cậu bé bỏ đi mà không biết rằng cuộc đời Mark đã thay đổi sau cái ôm và một tờ đôla đó. Thật khó tin chúng ta lại thay đổi được cuộc đời của cả một con người đã sống trong sự cô đơn gần suốt hai mươi năm qua. Trên tờ một đôla ấy là dòng chữ nguệch ngoạc của cậu bé kì lạ: “còn có ai đó yêu thương ông mà”. Martin Luther King đã nói đúng, mỗi người đều có thể trở lên vĩ đại, chỉ cần có trái tim chan chứa lòng khoan dung, và tâm hồn luôn tràn ngập một tình yêu thương. Cậu bé với trái tim bằng vàng là một ánh cầu vồng phản chiếu bản năng yêu thương có sẵn của con người. Bản năng ấy cứu vớt một cuộc đời, đưa những người trao tặng tình yêu đến một thế giới của những tâm hồn đẹp, và cũng mở ra cho những con người đón nhận tình yêu một thế giới không còn sự cô đơn lạc lõng.

Câu nói của Karl Menninger là một quan niệm đẹp đẽ về lẽ cho – nhận trong tình yêu, tình thương, sự quan tâm và sẻ chia. Quan niệm đẹp đẽ ấy là thước đo chuẩn mực cho nhân cách và đạo đức của con người. Những con người thiếu nhân cách và mất đạo đức như đám con cháu nhà cụ cố tổ và hai đứa con gái của lão Gôriô đều thiếu trong mình những tình yêu và tình thương đẹp đẽ như thế. Đám tang cụ cố tổ trong đoạn tríchHạnh phúc một tang gia (Số đỏ – Vũ Trọng Phụng) và đám tang lão Gôriô (Lão Gôriô – Ban-zắc) trong lúc “nghĩa tử là nghĩa tận” đều không có một chút yêu thương nào từ những người thân trong gia đình, những người đáng lẽ phải đau buồn nhất cho sự ra đi vĩnh viễn của ông cha mình. Hai đám tang, hai nền văn học, hai số phận, hai thực trạng xã hội kia gặp nhau ở cùng thái độ lên án và phỉ báng cả một lối sống “rởm đời”, nơi “đồng tiền tác oai tác quái”, nơi con người ta cũng vì thế mà tự đánh mất đi tình thương và bản chất tốt đẹp của mình. Lớn lao hơn một chút, quan niệm đẹp đẽ của Karl Menninger không chỉ dừng lại ở tình yêu thương giữa con người với nhau, mà nó còn là tình yêu với quê hương, với đất nước, với nòi giống mình. Có một chú nhóc sinh ra tại làng quê nghèo, nơi củ khoai, củ sắn nuôi cậu lớn lên, ăn học và trưởng thành. Từng chứng kiến bao cô bác chết vì ngộ độc sắn, vì những củ sắn đắng, nên cậu nhóc tự hứa với lòng mình sau này học hành giỏi giang sẽ nghiên cứu những củ sắn không còn đắng, không còn độc tố. Đã có bao cậu nhóc và ở bao quê nhà như vậy. Rồi khi họ lớn khôn, họ trưởng thành, khi có có danh vọng, giàu sang, đôi khi họ cũng về quê nhà nhưng không còn nhớ tới củ sắn đắng, đôi khi họ đọc báo cũng biết nơi này nơi kia có người chết vì ăn sắn, nhưng họ cũng quên lời hứa tự năm xưa.

Nơi đánh mất tình yêu, đó là một địa ngục. Nơi chất chứa tình yêu, một thiên đường đã mở ra trước mắt. Nếu cuộc sống với những hạnh phúc và khổ đau làm nên hai bến bờ, hãy nối hai bến bờ đó lại bằng tình yêu thương, để hạnh phúc kia xóa tan mọi đau khổ và khiềm khích. Khi con người là hiện thân cho lòng nhân ái của Thượng đế, thì tình yêu sẽ là hệ quả của lòng nhân ái ấy. Yêu thương, sẻ chia, đồng cảm và quan tâm lẫn nhau là cách nhanh nhất và tốt nhất để cuộc sống con người có thêm niềm tin và hi vọng, để cuộc sống có thêm những tâm hồn không bao giờ gục ngã.

0