25/05/2018, 09:50

Sức biến đổi của thang giá trị đạo đức trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Giá trị là cái gì làm cho một vật trở nên có ích lợi, có ý nghĩa, là đáng quý về mặt nào đó. Có giá trị cá nhân và giá trị xã hội. Từ quan niệm trên, có thể hiểu giá trị đạo đức là những cái được con người lựa chọn và đánh giá, là những cái ...

Giá trị là cái gì làm cho một vật trở nên có ích lợi, có ý nghĩa, là đáng quý về mặt nào đó. Có giá trị cá nhân và giá trị xã hội. Từ quan niệm trên, có thể hiểu giá trị đạo đức là những cái được con người lựa chọn và đánh giá, là những cái có ý nghĩa tích cực với đời sống xã hội và phù hợp với dư luận xã hội.

Một tổ hợp giá trị đạo đức hay một hệ thống giá trị đạo đức được xếp theo một thứ tự ưu tiên nhất định được gọi là thang giá trị đạo đức. Ví dụ, khi nói về giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc ta, giáo sư Trần Văn Giàu nhấn mạnh bảng nội dung sau: “yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người, vì nghĩa”. Đó là thang giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc được xếp theo thứ tự nhất định.

Thang giá trị đạo đức được hình thành và phát triển phụ thuộc vào điều kiện lịch sử xã hội nhất định, và từ thang giá trị đạo đức, chủ thể đạo đức (dân tộc, nhóm, cá thể) có thể vận dụng nó để tạo lập một hoạt động, hành vi hay đánh giá một hiện tượng xã hội, một cử chỉ hành vi…được gọi là thước đo giá trị.

Đạo đức không sinh ra từ đạo đức mà là sản phẩm của những điều kiện lịch sử cụ thể. Các giá trị đạo đức là kết quả của các mối quan hệ giữa người với người trong những hoàn cảnh lịch sử nhất định.

Nghiên cứu thang giá trị đạo đức truyền thống Việt Nam có thể nêu lên một số nhận xét sau:

Trong thang giá trị đạo đức truyền thống, lòng yêu nước được xem là cốt lõi, cơ bản, phổ biến và cao nhất. Tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng, lao động cần cù thông minh sáng tạo, thương người vì nghĩa, lối sống tình nghĩa thủy chung là những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Nghị quyết 09 của Bộ chính trị về một số định hướng lớn trong công tác tư tưởng hiện nay chỉ rõ: “Những giá trị văn hóa truyền thống vững bền của dân tộc Việt Nam là lòng yêu nước nồng nàn, ý thức cộng đồng sâu sắc, đạo lý thương người như thể thương thân”, đức tính cần cù, vượt khó, sáng tạo trong lao động. Đó là thang giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Cũng cần phải thấy rằng, bên cạnh những mặt ưu điểm, trong thang giá trị đạo đức Việt Nam cổ truyền cũng bộc lộ nhiều hạn chế của một nền văn hóa đạo đức được xây dựng trên cơ sở xã hội nông nghiệp và luôn luôn phải tiến hành chiến tranh chống ngoại xâm. Nó chủ yếu đề cao phẩm chất chiến đấu “chống giặc cứu nước” mà ít nhiều xem nhẹ những phẩm chất lao động, xây dựng làm giàu cho đất nước. Các giá trị đạo đức được đề cao là các giá trị cộng đồng, còn các giá trị cá nhân còn mờ nhạt.

Hiện nay nước ta đang thực hiện quá trình đổi mới toàn diện đất nước. Từ đổi mới kinh tế, đến đổi mới chính trị, đổi mới văn hóa xã hội, đổi mới quan hệ quốc tế. Do đó, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đang có sự chuyển đổi sâu sắc và tác động đến đời sống tinh thần, trong đó các nhân tố tác động chủ yếu đến đạo đức là:

- Nước ta chuyển từ cơ chế kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta đang từng bước làm thay đổi các điều kiện kinh tế theo các hướng:

+ Chuyển từ nền kinh tế nông nghiệp hiện vật sang kinh tế hàng hóa, trao đổi lao động cho nhau qua thước đo giá trị là tiền.

+ Chuyển từ kinh tế khép kín sang nền kinh tế mở, gắn với phân công lao động trong nước và quốc tế, chuyển từ nền kinh tế trên phạm vi hộ gia đình, làng xóm, ít tính cạnh tranh sang kinh tế hàng hóa cạnh tranh quyết liệt trên phạm vi trong nước và thế giới. Tác động của môi trường kinh tế vào giá trị đạo đức truyền thống, đặc biệt lối sống là rất đáng kể. Chuyển sang cơ chế kinh tế mới, sự phân hóa xã hội là không tránh khỏi. Cạnh tranh tạo ra sáng kiến và nâng cao năng suất lao động, đồng thời cũng làm cho sự rủi ro ngày càng cao, sự phân hóa thu nhập có chiều hướng gia tăng.

Do tác động của lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền, “có cầu sẽ cung”, trong xã hội xuất hiện những tệ nạn xã hội mới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến những chuẩn mực giá trị đạo đức truyền thống. Đó là những điều kiện khách quan không thể tránh khỏi đang tác động trực tiếp vào những giá trị đạo đức truyền thống, nhất là vào tính cộng đồng, tình làng, nghĩa xóm.

- Nước ta đang mở cửa giao lưu với thế giới, tham gia vào quá trình hợp tác phân công lao động quốc tế trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, tuy có nhiều thời cơ thuận lợi, nhưng cũng rất nhiều khó khăn thử thách tác động đến nền tảng đạo đức dân tộc. Những tư tưởng tư sản như chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa tự do mới, chủ nghĩa đa nguyên chính trị và các thứ văn hóa phẩm đồi trụy cũng xâm nhập vào nước ta. Mặt khác, lợi dụng ta mở cửa nền kinh tế, các thế lực phản động quốc tế đang thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, tập trung vào lĩnh vực tư tưởng văn hóa, đạo đức, nhằm xóa bỏ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Sự biến động mạnh mẽ của các điều kiện kinh tế - xã hội, tất yếu không thể không có sự chuyển đổi thang giá trị đạo đức. Vấn đề là chuyển đổi theo hướng nào, tiến bộ hay thoái hóa, thăng hoa hay sa đọa. Phải chăng kinh tế phát triển thì trình độ đạo đức xã hội tự nhiên sẽ được nâng cao ? Phải chăng quan niệm hiệu quả kinh tế đồng nghĩa với chủ nghĩa sùng bái đồng tiền ? Thực tế ở Việt Nam gần hai mươi năm đổi mới cho thấy, thang giá trị đạo đức xã hội đang thay đổi cực kỳ nhanh chóng, phức tạp, có cả tích cực và tiêu cực, thậm chí có cả đảo lộn, sự biến động diễn ra nhiều chiều chưa ổn định.

Trong điều kiện mới, các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc đang có những chuyển biến phức tạp, có đấu tranh giữa cái tiến bộ và cái lạc hậu, giữa thiện và ác, giữa lối sống lành mạnh, trung thực, thủy chung với lối sống thực dụng, dối trá, ích kỷ, ăn bám, chạy theo đồng tiền. Đạo đức mới vừa phải đấu tranh với các hệ thống đạo đức khác, vừa phải đấu ttranh để tự đổi mới, tự khẳng định mình trong điều kiện mới, trên cơ sở kế thừa đổi mới cho thích ứng với tình hình mới. Trong quá trình kế thừa và đổi mới, những giá trị đạo đức nổi lên mấy xu hướng sau:

- Các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc được khẳng định và phát triển trong điều kiện mới, chẳng hạn như: lòng yêu nước, lòng nhân ái, ý thức đoàn kết cộng đồng, lòng vị tha, tính trung thực…đều có sự biến đổi.

- Tư tưởng yêu nước là giá trị đạo đức hàng đầu xuyên suốt quá trình lịch sử dân tộc Việt Nam từ khi dựng nước tới nay. Ngày nay, yêu nước là yêu nhân dân, yêu chủ nghĩa xã hội, không chỉ yêu nhân dân nước mình mà còn quý trọng yêu mến nhân dân nước khác.Yêu nước phải gắn với ý chí tự lực tự cường, sáng tạo trong lao động, học tập và nghiên cứu, khai thác mọi tiềm năng đất nước, bảo vệ độc lập dân tộc, quyền bình đẳng dân tộc, chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, từng bước nâng cao đời sống ấm no hạnh phúc của nhân dân, vươn lên ngang tầm thời dại mới.

Lòng nhân ái là một truyền thống quý báu của dân tộc, cội nguồn của đạo đức cần phải phát huy mạnh mẽ hơn. Ngày nay, những vấn đề ngăn chặn cái ác, khuyến khích cái thiện, đoàn kết thương yêu con người, quý trọng của công, quan tâm đến nỗi bất hạnh của con người, chống chiến tranh, chống ma túy, nạn mại dâm, bệnh AIDS, chống nạn đói và mù chữ…là những vấn đề nhân đạo cấp bách.

Các giá trị đạo đức vốn hình thành trong cách mạng dân tộc dân chủ được giữ gìn, trân trọng và bổ sung nội dung mới:

+ Chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến tranh nay chuyển sang hòa bình, chủ nghĩa anh hùng cách mạng lại được phát huy trong công cuộc đổi mới xây dựng đất nước. Từ ý chí không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ chuyển sang ý chí không chịu nghèo đói, lạc hậu và lệ thuộc. Giá trị tự do trước đây được hiểu là quyền tự do của toàn dân tộc, nay mang thêm nhiều ý nghĩa về quyền tự do cá nhân, tự do hành nghề, tự do mưu cầu hạnh phúc. Những giá trị đạo đức mới được bổ sung góp phần làm nên sự phát triển đời sống tinh thần của xã hội ta hôm nay và những giá trị đó đang tạo một động lực thúc đẩy sự nghiệp đổi mới đất nước. Trong quá trình đổi mới và định hướng thang giá trị đạo đức cần chống hai khuynh hướng cực đoan:

Một là, chống thái độ bảo thủ, đề cao quá mức truyền thống mà coi nhẹ hoặc phủ nhận đổi mới.

Hai là, chống thái độ hư vô, đi vào kinh tế thị trường hiện đại hóa đất nước mà xa rời những giá trị đạo đức truyền thống, làm mất đi bản sắc dân tộc, đánh mất bản thân mình. Những hiện tượng yêu nước, lòng nhân ái, tính cộng đồng, ý chí kiên cường, bất khuất, siêng năng, tận tụy, liêm khiết, thủy chung, cần cù đã trở thành lối sống bền vững trong lịch sử dân tộc giờ đây phải được tăng cường đổi mới và hoàn thiện cả về nội dung, phương hướng.

0