Sự tích hõm xương quai xanh
(Sự tích dân gian Thái) Ngày xửa ngày xưa, chỗ đúp bá (xương quai xanh) của con người phẳng lì, không thành hõm sâu vào như bây giờ. Thế rồi bỗng một năm xảy ra tai hoạ, lúa nương lúa ruộng đều bị lũ chuột và sâu bọ phá hoại hết, khiến cho muôn dân rơi vào thảm cảnh, nhà nào cũng ...
(Sự tích dân gian Thái)
Ngày xửa ngày xưa, chỗ đúp bá (xương quai xanh) của con người phẳng lì, không thành hõm sâu vào như bây giờ.
Thế rồi bỗng một năm xảy ra tai hoạ, lúa nương lúa ruộng đều bị lũ chuột và sâu bọ phá hoại hết, khiến cho muôn dân rơi vào thảm cảnh, nhà nào cũng đói kém, cơ thể người nào cũng xanh xao gầy gò đến mức chỗ xương quai xanh bị hóp sâu vào thành hõm. Không còn cách nào khác, họ đành phải đi đào củ nâu, củ mài, hái rau dại, hoa quả trên rừng về để ăn trừ bữa.
Ở bản nọ, có một bà goá cũng đi vào rừng để đào củ mài. Nhưng củ mài thì nằm tít ở dưới sâu trong lòng đất, trong khi bà goá thì đã già yếu, vả lại còn gầy gò đến mức, cho nên bà không còn đủ sức để đào củ mài nữa.
Không đào được củ mài, bà goá đành phải cố gắng gượng tiếp tục đi tìm thứ quả gì có thể ăn được để mang về cho các con. Bà lang thang đi tìm rất lâu ở trong rừng thì gặp được một cok mák ngá (cây vả), quả chín đỏ mọng treo lúc lỉu trên cành. Song buồn thay, quả vả lại mọc ở tít tận trên cao, bà không tài nào mà trèo lên hái được.
Tủi thân quá, bà ngồi bệt xuống đất mà khóc tức tưởi. Khóc cho đến khi mệt nhoài thì bà nằm thiếp đi luôn ở dưới gốc cây.
Lại kể về vua Then sống ở trên mường bun, nghe thấy có tiếng khóc thảm thiết, tức tưởi từ dưới trần gian vọng lên thì bèn vén mây ngó nhìn xuống xem đang có chuyện gì xảy ra.
Chứng kiến cảnh tội nghiệp của bà goá, thương tình, nên vua Then liền bảo gió hãy thổi rung cho vả rơi. Thế là gió thổi rung mạnh, giúp cho hai quả vả chín rơi đúng vào hai bên hõm xương quai xanh của bà.
Bà goá tỉnh dậy, vừa mệt vừa đói, vừa lo cho các con nên vội vàng trở về, mà không để ý đến hai quả vả chín đang nằm trong hai cái hõm xương quai xanh của mình. Bà về tới nhà, đàn con nhìn thấy hai vả chín ở trên vai mẹ, mới cùng nhau reo ầm lên, và lấy ra rồi đem chia nhau ăn trong cơn đói bụng.
Dân bản biết chuyện, cho rằng đây là việc kỳ lạ, nên từ đấy mới truyền bảo nhau, từ nay hãy gọi chỗ hõm xương quai xanh của con người là hõm quả vả.