Tạ người cho hoa trà

Tương truyền khi Lê Hoan là tuần phủ Hưng Yên đứng ra tổ chức cuộc thi thơ vịnh “Kiều” ở Tao đàn Hưng Yên năm 1905, hắn có mời Nguyễn Khuyến vào ban chấm thi. Khi ấy, khách văn chương ở các tỉnh gửi bài về rất nhiều; riêng Chu Mạnh Trinh gửi hai chục bài đến dự thi và đoạt giải nhất. ...

Tương truyền khi Lê Hoan là tuần phủ Hưng Yên đứng ra tổ chức cuộc thi thơ vịnh “Kiều” ở Tao đàn Hưng Yên năm 1905, hắn có mời Nguyễn Khuyến vào ban chấm thi.

Khi ấy, khách văn chương ở các tỉnh gửi bài về rất nhiều; riêng Chu Mạnh Trinh gửi hai chục bài đến dự thi và đoạt giải nhất. Nguyễn Khuyến chấm thơ Chu Mạnh Trinh cho là khá; nhưng đọc đến hai câu trong bài vịnh Sở Khanh:

Làng nho người cũng coi ra vẻ,
Bợm xỏ ai ngờ mắc phải tay!

Nguyễn Khuyến tỏ vẻ không bằng lòng, phê ngay vào bên cạnh rằng:

Rằng hay thì thực là hay,
Đem “nho” đối “xỏ” lão này không ưa.

Chẳng mấy chốc, chuyện ấy lọt ra ngoài rồi lan khắp trong làng nho, ai nghe cũng lấy đó làm một giai thoại để giễu họ Chu.

Chu Mạnh Trinh từ đấy giận Nguyễn Khuyến. Khi làm án sát Hưng Yên, nhân ngày Tết, Chu cho người mang đến biếu Nguyễn Khuyến một chậu hoa trà với dụng ý cũng khá thâm: Nguyễn Khuyến lúc ấy đã bị lòa cả hai mắt, mà họ Chu lại tặng hoa chỉ có sắc, không có hương, như thế là có ý xỏ lá. Hiểu thâm ý của Chu, Nguyễn Khuyến bèn làm bài thơ mỉa như sau gửi lại cho Chu Mạnh Trinh:

Tết đến người cho một chậu trà
Đương say còn biết cóc đâu hoa!
Da mồi tóc bạc, ta già nhỉ,
Áo tía đai vàng, bác đó a?
Mưa nhỏ những kinh phường xỏ lá (1)
Gió to luống sợ lúc rơi già! (2)
Lâu nay ta chỉ xem bằng mũi,
Đếch thấy hơi thơm, một tiếng khà! (3)

Chu Mạnh Trinh đọc xong thơ vừa thẹn vừa ân hận.

Người ta nói đùa rằng một phần chính vì bài thơ này, nhất là hai câu 3, 4 mà Chu Mạnh Trinh đã phải xin từ chức án sát, không làm quan nữa. Cố nhiên lý do không phải là như vậy.

—————–

(1) Xỏ lá: còn có nghĩa là nguy hại; do câu thơ chữ Hán “Tầm thường vì vũ kinh xuyên diệp” (Những hạt mưa nhỏ dần dà cũng có thể xuyên thủng lá).
(2) Rơi già: rơi rụng quả, gẫy mầm; do câu thơ chữ Hán “Tiêu sắt thời phong khủng lạc già” (Gió mùa khô, mạnh, làm cho quả rụng, mầm rơi).
(3) Khà: tiếng cười khà: mắt lòa không thấy sắc đẹp nên phải ngửi, ngửi cũng “đếch thấy hơi thơm” nên đành phải cười khà.

0