24/02/2018, 18:35

Sử thi Đăm Săn là bài ca về khát vọng sống, về người anh hùng và phụ nữ của dân tộc Ê-đê.

Sử thi Đăm Săn có giá trị tư tưởng – thẩm mĩ trong hình thức cổ điển, phản ánh trực tiếp những khát vọng hào hùng của lịch sử buổi đầu hình thành các bộ tộc ở Tây Nguyên. Bởi lẽ, từ cảm hứng cội nguồn đến đề tài và tư tưởng tình cảm thẩm mĩ cũng như toàn bộ cái ...

Sử thi Đăm Săn có giá trị tư tưởng – thẩm mĩ trong hình thức cổ điển, phản ánh trực tiếp những khát vọng hào hùng của lịch sử buổi đầu hình thành các bộ tộc ở Tây Nguyên. Bởi lẽ, từ cảm hứng cội nguồn đến đề tài và tư tưởng tình cảm thẩm mĩ cũng như toàn bộ cái hiện thực thẩm mĩ được phản ánh của nó đều nằm trong hệ thống sử thi anh hùng Tây Nguyên. Ở đó hiện ra trọn vẹn chân dung tâm hồn của người Ê-đê thời cổ đại, khi họ bắt đầu nảy ra những ý tưởng muốn vươn tới những đỉnh cao nhận thức mới về cái thế giới mà họ đang khát khao khám phá. Đương nhiên, chiều sâu và đỉnh cao của ý tưởng ấy trong sử thi Đăm Săn mới chỉ được giới hạn trong khuôn khổ của thời đại sử thi anh hùng. Khi phân tích hàng loạt sự kiện, biến cố xung quanh các hoạt động mở đường chinh phục thiên nhiên và các cuộc chiến tranh giành lại vợ (thực chất là bảo vệ thị tộc), giữ đất đai và mở rộng lãnh thổ của người anh hùng Đăm Săn đã được tái hiện một cách thẩm mỹ, người nghe sẽ cảm thấy cái nội dung chỉ đạo này. Đỉnh cao của nó chính là sự kiện Đăm Săn đi bắt Nữ thần Mặt trời, một sự kiện bi tráng, tính cao cả và hào hùng cũng được biểu hiện ở mức độ tuyệt đối. Tuy nhiên, nét đặc sắc riêng của Sử thi Đăm Săn còn là ở sự phản ánh sinh động vấn đề phong tục, tập quán, cảnh vật, con người Tây Nguyên trong sinh hoạt đời thường của thời kì mẫu hệ. Có điều, vấn đề này chỉ có ý nghĩa như là một cái nền văn hóa.

Đăm Săn vừa là anh hùng văn hóa, vừa là anh hùng trận mạc. Đăm Săn phi thường quả cảm và luôn luôn chiến thắng ở cõi người với những lí do hiển nhiên. Đăm Săn tài giỏi và nhạy cảm trước số phận cả bộ tộc trong lao động rừng núi.

Đăm Săn vừa chấp nhận cuộc hôn nhân và bảo vệ Hơ Nhị, Hơ Bhị như là một hành động củng cố cộng đồng, vừa luôn luôn không bằng lòng với thực tại cuộc sống như là ý thức mãnh liệt đòi giải phóng. Nếu cho rằng Đăm Săn liên tục chống lại phong tục nối dây hoặc hoàn toàn phục tùng đều có phần không thỏa đáng. Trên thực tế, hành động phi thường và ý muốn lớn của Đăm Săn có thể giãn nở tự nhiên nhưng tất cả đều thống nhất theo một mục đích vì lợi ích của bộ tộc. Đăm Săn là sự kết tinh toàn vẹn tính cách anh hùng sử thi Ê-đê.

Sử thi Đăm Săn có sáu nhân vật phụ nữ thì có hai cặp đôi Hơ Nhị, Hơ Bhịvà Hơ Li, Hơ Âng. Họ hiện ra trong vẻ đẹp nữ tính toàn vẹn, và đều là những người tha thiết với nghĩa vụ cao cả bảo vệ phong tục cộng đồng. Trong quan hệ với người anh hùng Đăm Săn, họ giữ chức năng vừa kìm hãm vừa thúc đẩy trong một trật tự không dời đổi. Hai người còn lại là Hơ Bia và Nữ thần Mặt trời, mỗi người một vẻ và đều là hiện thân khát vọng tình yêu và lí tưởng cuồng nhiệt của Đăm Săn. Từ những nhân vật này tỏa ra cái chất thơ của một đời thường không phải chỉ có chiến tranh và chém giết.

Sử thi Đăm Săn có kết cấu đầu cuối tương ứng nhưng thực ra lại không là chặt chẽ. Bởi vì dường như mỗi chiến cộng của người anh hùng đều được kể lại như một tích truyện tương đối tự do. Trên thực tế, sự mở rộng cấu trúc tác phẩm theo chiều hướng gia tăng phẩm chất anh hùng trận mạc của Đăm Săn là hoàn toàn phù hợp kết cấu sử thi anh hùng.

Vấn đề xây dựng tính cách Đăm Săn và ý nghĩa nghệ thuật tỏa ra từ các nhân vật phụ nữ khiến cho tác phẩm vừa có nét loại hình chung của sử thi thế giới, vừa chứa đựng bản sắc riêng của sử thi Việt Nam.

Tương tự như thế, nếu thủ pháp sử dụng ngôn ngữ trùng điệp đầy ấn tượng trong Sử thi Đăm Săn là nét loại hình chung thì hệ thống từ ngữ giàu hình ảnh nhuần thấm màu sắc Tây Nguyên cũng là một giá trị đặc thù.

Ba phần tư thế kỉ trôi qua từ khi Sử thi Đăm Săn được sưu tập lần đầu tiên, tác phẩm đã có giá trị như một phát hiện nghệ thuật kì thú. Người ta đã hết sức ngạc nhiên trước vẻ đẹp của nó và coi tác phẩm này là một sử thi sánh ngang với sử thi Iliat trong di sản văn hóa nhân loại.

0