Sự thật về cách di chuyển của loài nhện trên mạng nhện
Loài nhện có một mánh khóe đặc biệt giúp chúng di chuyển dễ dàng trên những sợi tơ dính như keo trên mạng nhện của chúng. Mạng nhện là một cái bẫy bắt mồi vô cùng hữu ích của loài nhện, bất kỳ một con côn trùng hay sâu bướm nào lỡ rơi vào cái bẫy này, ngay lập tức chúng sẽ bị dính chặt mà ...
Loài nhện có một mánh khóe đặc biệt giúp chúng di chuyển dễ dàng trên những sợi tơ dính như keo trên mạng nhện của chúng.
Mạng nhện là một cái bẫy bắt mồi vô cùng hữu ích của loài nhện, bất kỳ một con côn trùng hay sâu bướm nào lỡ rơi vào cái bẫy này, ngay lập tức chúng sẽ bị dính chặt mà không thể nào thoát ra được. Tuy nhiên bản thân con nhện đó lại có thời gian tiếp xúc với mạng nhện nhiều nhất, nhưng chúng lại không hề bị dính bởi cái bẫy của mình.
Thực tế mạng nhện được tạo thành bởi hai loại tơ. Một loại tơ dày và không dính có tác dụng như bộ khung của một chiếc mạng nhện. Một loại tơ mỏng hơn với các giọt chất lỏng dính như keo được sử dụng để bắt mồi. Các con nhện hiểu rất rõ về cái bẫy của mình, cũng khả năng phân biệt các loại tơ mà chúng có thể di chuyển trên những sợi tơ không dính. Tuy nhiên không phải lúc nào chúng cũng có thể tránh những sợi tơ dính, đặc biệt là lúc bắt con mồi đã rơi vào bẫy. Vậy điều gì giúp chúng không bị dính vào những sợi tơ của mình?
Trong một thời gian dài, người ta nghĩ rằng nhện không bị dính vào mạng của mình vì chân của chúng được bọc một loại dầu đặc biệt, tiết ra từ bên trong cơ thể. Một số thử nghiệm của các nhà khoa học khi rửa sạch chân của những con nhện, thì kết quả là chúng có thể bị dính vào chính những sợi tơ của mình. Tuy nhiên đôi khi chúng vẫn có thể di chuyển được bình thường. Điều này cho thấy ngoài lớp dầu đặc biệt ở chân, còn có những lý do khác khiến loài nhện có thể dễ dàng di chuyển trên các mạng nhện mà không bị dính.
Trong một nghiên cứu gần đây của tiến sĩ Tiến sĩ William Eberhard và Daniel Briceño (hai nhà sinh vật học người Costa Rica), bằng cách quay phim lại với kính hiển vi cách di chuyển của loài nhện trên mạng nhện, hai nhà khoa học đã phát hiện ra cách thức mà loài nhện sử dụng để không bị dính khi di chuyển trên các sợi tơ của chính mình.
Trong thử nghiệm của mình, hai nhà khoa học đã quan sát cách chúng di chuyển trên mạng nhện bằng kính hiển vi. Họ thấy rằng những con nhện di chuyển một cách rất cẩn thận trên những sợi tơ có chất kết dính. Chúng có cách đặc biệt giúp làm giảm tiếp xúc giữa chân với các giọt chất dính trên các sợi tơ, họ gọi đó là cách tiếp cận bằng móng vuốt thứ 3.
Khi di chuyển trên mạng nhện, chúng sẽ sử dụng móng vuốt thứ 3 của mình để bắt lấy sợi tơ và ấn nó vào phần lông tơ phía bên trong trên chân của chúng. Chính những sợi lông tơ mềm này có khả năng chống dính rất tốt với các sợi tơ, một phần vì chúng rất nhỏ khiến cho diện tích tiếp xúc với chất kết dính là rất ít, bên cạnh đó chính các sợi lông tơ này được bao phủ bởi một chất dầu chống dính đặc biệt.
Các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm hiểu được chất chống dính đặc biệt này đến từ đầu, tuy nhiên thông qua hành động của những con nhện họ phán đoán rằng chất này được tiết ra từ miệng của các con nhện. Khi Briceño và Eberhard rửa chân cho những con nhện và quan sát, họ thấy chúng giống như là liếm những cái chân của chính mình để có thể di chuyển trên mạng nhện. Các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu thành phần của loại chất chống dính đặc biệt này, để áp dụng vào các loại bề mặt chống dính, chống bụi của con người.
Như vậy, nếu một con nhện vì lý do nào đó mà bị dính một phần khác của cơ thể, mà không phải những sợi lông tơ trên chân chúng, sẽ rất khó để chúng có thể thoát ra được. Có những con nhện sau khi rơi vào mạng nhện của một con nhện khác đã lại trở thành con mồi ngon.
Tuy nhiên có một loài nhện đặc biệt chuyên đi săn những con nhện khác trên chính cái bẫy của chúng, đó là nhện Portia. Loài nhện đặc biệt này sẽ nhảy thẳng vào một chiếc bẫy của con nhện khác, sau đó nó giả vờ rung động chiếc mạng giống như tín hiệu con mồi mắc bẫy. Sau khi lừa được con nhện “chủ nhà” ra, Portia sẽ kết liễu nó bằng nọc độc của mình và có một bữa ăn ngon lành. Tuy nhiên chúng có thể thay đổi chiến thuật và tẩu thoát một cách nhanh chóng khi không may gặp những loài nhện to lớn hơn và hung dữ hơn.
Trên thực tế, tơ nhện là một vật liệu có độ bền và chịu lực rất tốt, vì thế nhiều loài nhện có thể bắt được cả những con chim nhỏ hoặc dơi đang bay bằng mạng nhện của mình. Loài nhện đen Darwin ở vùng Madagascar có khả năng tạo ra những mạng nhện khổng lồ với chiều dài lên tới 24m. Tuy nhiên nếu nói về mạng lưới lớn nhất của loài nhện phải kể đến xã hội loài nhện nanh dài Guatemalan. Tháng 8/2007, người ta đã phát hiện một đàn nhện lớn nhất từng thấy tại công viên hoang dã thuộc tiểu bang Đông Texas. Những con nhện này đã tạo nên một mạng lưới các mạng nhện liền nhau, kéo dài tới 180m và phủ kín cả các cành cây.