Sự thật trong suốt 400 năm qua: "tra tấn không hề hiệu quả"
Khủng bố là có thật. Phù thủy thì không. Nhưng dù là trên thực tế hay trong tưởng tượng, tra tấn không hề hiệu quả. Theo tường thuật của nhà văn, nhà báo Daniel P. Mannix, khi những cuộc săn lùng phù thuỷ đang bùng nổ khắp châu Âu hồi thế kỷ 17, vị Công tước xứ Brunswick tại Đức đã mời hai ...
Khủng bố là có thật. Phù thủy thì không. Nhưng dù là trên thực tế hay trong tưởng tượng, tra tấn không hề hiệu quả.
Theo tường thuật của nhà văn, nhà báo Daniel P. Mannix, khi những cuộc săn lùng phù thuỷ đang bùng nổ khắp châu Âu hồi thế kỷ 17, vị Công tước xứ Brunswick tại Đức đã mời hai linh mục dòng Tên (Jesuit) tới giám sát Tòa án dị giáo sử dụng biện pháp tra tấn để thẩm cung những người bị buộc tội là phù thuỷ. "Các quan tòa đang làm nhiệm vụ của mình. Họ chỉ bắt giam những người bị tố giác trong lời thú tội của những phù thủy khác", các linh mục cho hay.
Vị Công tước thấy nghi ngờ. Ông nghi phạm nhân sẽ nói bất cứ điều gì để chấm dứt sự đau đớn; do vậy, ông mời các linh mục dòng Tên tham gia buổi thẩm cung tại nhà ngục địa phương để chứng kiến cảnh một người phụ nữ bị kéo căng trên giá treo. "Nào, mụ đàn bà, ngươi đã nhận mình là phù thủy", ông ta bắt đầu tra khảo. "Ta nghi ngờ hai tên này cũng là phù thủy. Ngươi nói xem có đúng không? Quay một vòng cho ta, Đao phủ". Hai linh mục không tin vào những gì mình đang nghe thấy. "Không, không!", người đàn bà rên rỉ. "Ngài nói đúng. Tôi thường nhìn thấy chúng ở Sabbat. Chúng có thể biến thành dê, chó sói và các loài động vật khác nữa… và còn làm cho một vài mụ phù thủy có con. Một mụ thậm chí đã có đến 8 đứa con với chúng. Bọn trẻ có đầu giống cóc và chân thì giống nhện". Quay về phía những linh mục đang tỏ ra sửng sốt, Công tước hỏi: "Ta có cần tra tấn đến khi các ngài chịu thú tội không?".
Việc tra tấn khiến nhiều bị cáo khai man thông tin, dẫn đến tình trạng thông tin tình báo sai.
Một trong hai linh mục dòng Tên này là Friedrich Spee. Ông phản đối hình thức tra tấn tâm lý đầy đau đớn này bằng cách xuất bản một cuốn sách vào năm 1631. Có tựa đề Cautio Criminalis, cuốn sách đã góp phần giúp chấm dứt cơn ác mộng về phù thủy và chứng minh tại sao tra tấn thẩm cung không phải là một biện pháp hiệu quả. Đó là lý do tại sao, bên cạnh những yếu tố vô nhân đạo, biện pháp này lại bị cấm tại tất cả các quốc gia phương Tây, kể cả Mỹ – đất nước ban hành luật cấm "những hình phạt tàn nhẫn và bất thường" trong Sửa đổi Hiến pháp lần thứ 8.
Vậy còn trấn nước (waterboarding) thì sao? Đó là một biện pháp "thẩm vấn mở rộng", chứ không phải tra tấn, điều này có đúng không? Khi nhà báo Christopher Hitchens trải qua trấn nước vì những bài viết trên trang Vanity Fair, ông đã được cảnh báo trước (trong một tài liệu mà ông ký tên) rằng ông có thể "nhận lấy những tổn thương (về tâm lý, tình cảm và thể chất) nghiêm trọng, vĩnh viễn, thậm chí là cái chết do những thương tích ảnh hưởng đến hệ thần kinh và hô hấp". Mặc dù Hitchens là một kẻ tán thành chủ nghĩa khủng bố, ông vẫn phải kết luận: "Nếu trấn nước không được tính là tra tấn, thì chẳng có gì được gọi là tra tấn cả".
Thế nhưng, sẽ thế nào khi một quả bom được hẹn giờ để nổ tung một thành phố lớn và chỉ tên khủng bố mới biết nó được đặt ở đâu – vậy tra tấn tên khủng bố để lấy cung là không nhân đạo sao? Một người chịu đau đớn hay thậm chí cái chết để cứu hàng triệu người là chính đáng, không phải vậy sao? Đây được gọi là thuyết tra tấn của Jack Bauer. Trong loạt phim truyền hình nổi tiếng của Mỹ "24", nhân vật của Kiefer Sutherland là một điệp viên chống khủng bố quả cảm, triết lý "mục đích biện minh cho phương tiện" khiến anh trở thành một Tomás de Torquemada thời hiện đại. Trong hầu hết các tình huống, nhân vật Bauer (và các khán giả) biết có một tên khủng bố đang nắm giữ những thông tin chính xác về địa điểm và thời gian vụ tấn công sắp xảy ra. Bằng cách sử dụng những biện pháp tra tấn gây đau đớn, anh ta đã lấy được thông tin tình báo đúng lúc để tránh được hiểm họa. Nhưng đó chỉ là câu chuyện viễn tưởng kiểu Hollywood mà thôi. Trên thực tế, người bị bắt có thể là hoặc không phải là khủng bố, có hoặc không có thông tin chính xác về vụ tấn công khủng bố và có hoặc không khai ra những thông tin hữu ích, đặc biệt là khi để tránh bị tra tấn.
Ngược lại, một nghiên cứu năm 2014 trên tạp chí Applied Cognitive Psychology với tựa đề "Những câu hỏi Ai, Cái gì và Vì sao liên quan đến lĩnh vực Thu thập thông tin tình báo qua con người" đã khảo sát 152 thẩm vấn viên và đưa ra kết luận "mối quan hệ và các phương pháp xây dựng mối quan hệ được sử dụng thường xuyên nhất, được coi là có hiệu quả nhất bất kể bối cảnh và kết quả dự kiến, đặc biệt là so với các phương pháp đối chất". Một nghiên cứu khác năm 2014 với tiêu đề "Thẩm vấn bị cáo trí thức" được thực hiện trên 64 học viên và tù nhân. Nghiên cứu phát hiện thấy "những bị cáo này có chiều hướng tiết lộ những thông tin giá trị và... sớm hơn khi bị thẩm vấn bằng phương pháp xây dựng mối quan hệ".
Cuối cùng, một bản báo cáo toàn diện năm 2014 của Ủy ban Đặc biệt về Tình báo của Thượng viện Hoa Kỳ đã phân tích hàng triệu tài liệu nội bộ của CIA liên quan đến tra tấn khủng bố kết luận "việc sử dụng các phương pháp thẩm vấn nâng cao của CIA không hiệu quả trong thu thập thông tin tình báo hay có được sự hợp tác từ phía các bị cáo". Báo cáo cũng cho biết thêm "nhiều bị cáo CIA đã khai man thông tin, dẫn đến tình trạng thông tin tình báo bị sai".