Sự ra đời và hoạt động của ba tổ chức cách mạng
Sự ra đời và hoạt động của ba tổ chức cách mạng Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. ...
Sự ra đời và hoạt động của ba tổ chức cách mạng
Hội Việt Nam cách mạng thanh niên.
1.Hội Việt Nam cách mạng thanh niên
Sau khi đến Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc mở lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ. Phần lớn học viên là thanh niên, học sinh, trí thức Việt Nam yêu nước. Họ học làm cách mạng, học cách hoạt động bí mật. Phần lớn số học viên đó sau khi “học xong”, họ lại bí mật về nước truyền bá lí luận giải phòng dân tộc và tổ chức nhân dân”. Một số người được gửi sang họ tại trường Đại học Phương Đông ở Mátxcơva (Liên Xô) hoặc Trường Quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc).
Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn, giác ngộ một số thanh niên tích cực trong Tâm tâm xã, lập ra Cộng sản đoàn (2-1925).
Tháng 6-1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên nhằm tổ chức và lãnh đạo quần chúng đoàn kết, tranh đấu để đánh đổ đế quốc chủ nghiacs Pháp và tay sai để tự cứu lấy mình. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hôi là Tổng bộ, trong đó có Nguyễn Ái Quốc, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Trụ sở của Tổng bộ đặt tại Quảng Châu.
Báo Thanh niên của Hội do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, ra số đầu tiên ngày 21-6-1925.
Đầu năm 1927, tác phẩm Đường Kách mệnh, gồm những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc ở các lớp huấn luyện tại Quảng Châu, được xuất bản.
Báo thanh niên và tác phẩm Đường Kách mệnh đã trang bị lí luận cách mạng giải phóng dân tộc cho cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên để tuyên truyền đến giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân Việt Nam.
Hội đã xây dựng tổ chức, cơ sở của mình ở hầu khắp cả nước. Các kì bộ Trung Kì, Bắc Kì, Nam Kì của Hội lần lượt ra đời vào năm 1927. Năm 1928, Hội có 300 hội viên; đến năm 1929, có khoảng 1700 hội viên và còn xây dựng cơ sở trong Việt Kiều ở Xiêm (Thái Lan).
Hình 28. Bìa cuốn sách Đường Kách mệnh
Tại Quảng Châu, ngày 9-7-1925, Nguyễn Ái Quốc đã cùng một số nhà yêu nước Triều Tiên, Inđônêxia, v.v..lập ra Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông. Tôn chỉ của Hội là liên lạc với các dân tộc bị áp bức để cùng làm cách mạng, đánh đổ đế quốc.
Cuối năm 1928, thực hiện chủ trương “vô sản hóa”, nhiều cán bộ của Hôi Việt Nam Cách mạng thanh niên đi vào các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền, cùng sinh hoạt và lao động với công nhân để tuyên truyền vận động cách mạng, nâng cao ý thức chính trị cho giai cấp công nhân. Phong trào công nhân vì thế càng phát triển mạnh mẽ hơn và trở thành nòng cốt của phong trào dân tộc trong cả nước. Đấu tranh của công nhân đã nổ ra ở nhiều nơi.
Đó là các cuộc bãi công của công nhân mỏ than Mạo Khê, đồn điền Lộc Ninh, nhà máy cưa Bến Thủy, nhà máy xi măng Hải Phòng, nhà máy in Pooctay Sài Gòn, đồn điền cao su Cam Tiêm, hang dầu Nhà Bè, nhà máy tơ Nam Định v.v..
Năm 1929, bãi công của công nhân nổ ra ở nhà máy chai Hải Phòng, nhà máy sửa chữa xe lửa Trường Thi (Vinh), nhà máy Avia (Hà Nội), hãng buôn Sécne Sài Gòn, sở ươm cây Hà Nội, nhà máy điện Nam Định, hang xe hơi Đà Nẵng, xưởng nhuộm nhà máy dệt Nam Định, đồn điền cao su Phú Riềng (nay thuộc tỉnh Bình Phước), hang dầu Hải Phòng, các nhà in ở Chợ Lớn v.v..
Các cuộc bãi công đó không chỉ bó hẹp trong phạm vi một xưởng, một địa phương, một ngành mà đã bắt đầu có sự liên kết thành phong trào chung.
Cùng với việc bãi công của công nhân, các cuộc đấu tranh của nông dân, tiểu thương, tiểu chủ, học sinh cũng đã diễn ra ở một số nơi.
2.Tân Việt Cách mạng đảng
Ngày 14-7-1925, một số nhà tù chính trị ở Trung Kì như Lê Văn Huân, Nguyễn Đình Kiên v.v. cùng một nhóm sinh viên Trường Cao đẳng sư phạm Hà Nội lập ra Hội Phục Việt , sau đổi thành Hội Hưng Nam,…và đến ngày 14-7-1928, Hội tiến hành đại hội tại Huế, quyết định đổi thành Tân Việt Cách mạng đảng (Đảng Tân Việt).
Đảng tập hợp những trí thức và thanh niên tiểu tư sản yêu nước, địa bàn hoạt động chủ yếu ở Trung Kì, Đảng chủ trương lãnh đạo quần chúng ở trong nước và liên lạc với các dân tộc bị áp bức trên thế giới để đánh đổ đế quốc chủ nghĩa, nhằm thiết lập một xã hội bình đẳng và bác ái.
Đảng Tân Việt ra đời và hoạt động trong điều kiện Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên phát triển mạnh, nên tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc và đường lối của Hội có sức cuốn hút nhiều đảng viên trẻ, tiên tiến của Đảng Tân Việt.
Một số đảng viên tiên tiến đã sớm gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên. Số đảng viên tiên tiến còn lại tích cực chuẩn bị để tiến tới thành lập một chính dảng cách mạng theo tư tưởng Nguyễn Ái Quốc và học thuyết Mác- Lênin.
3. Việt Nam Quốc dân đảng
Từ cơ sở hạt nhân đầu tiên là Nam Đồng thư xã-một nhà xuất bản tiến bộ, ngày 25-12-1927, Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính…đã thành lập Việt Nam Quốc dân đảng. Đây là một chính đảng yêu nước, đấu tranh giành lại độc lập cho dân tộc. Lúc mới thành lập, chính đảng này chưa có chính cương rõ ràng, chỉ nêu chung chung là: trước làm dân tộc cách mạng, sau làm thế giới cách mạng.
Bản Chương trình hành động của Việt Nam Quốc dân đảng công bố năm 1929 đã nêu nguyên tắc tư tưởng:”Tự do-Bình đẳng-Bác ái”, Chương trình của Đảng chia thành bốn thời kì. Thời kì cuối cùng là bất hợp tác với Chính phủ Pháp và triều đình nhà Nguyễn; cổ động bãi công, đánh đuổi giặc Pháp, đánh đổ ngôi vua, thiết lập dân quyền.
Quốc dân đảng chủ trương tiến hành cách mạng bằng bạo lực., chú trọng lấy lực lượng binh lính người Việt trong quân đội Pháp giác ngộ làm lực lượng chủ lực. Tổ chức cơ sở của Quốc dân đảng trong quần chúng rất ít. Địa bàn hoạt động của Quốc dân đảng chỉ bó hẹp trong một số địa phương ở Bắc Kì, còn ở Trung Kì và Nam Kì không đáng kể.
Tháng 2-1929, Việt Nam Quốc dân đảng tổ chức vụ ám sát tên trùm mộ phu Badanh ở Hà Nội. Nhân sự kiện này, thực dân Pháp tiến hành một cuộc khủng bố dã man.
Bị động trước tình thế, những nhà lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam Quốc dân đảng quyết định dốc hết lực lượng nhằm thực hiện cuộc bạo động cuối cùng để “không thành công cũng thành nhân!”.
Đêm 9-2-1930, cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc dân đảng nổ ra ở Yên Bái. Cùng đêm đó, khởi nghĩa nổ ra ở Phú Thọ, Sơn Tây; sau đó là ở Hải Dương, Thái Bình v.v..; ở Hà Nội, cũng có đánh bom phối hợp.
Hình 29. Nguyễn Thái Học (1904-1930)
Cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc dân đảng thất bại nhanh chóng, song đã cổ vũ lòng yêu nước, chí căm thù của nhân dân Việt Nam đối với thực dân Pháp và tay sai. Hành động yêu nước, tấm gương hi sinh của các chiến sĩ Yên Bái là sự nối tiếp truyền thống yêu nước bất khuất của dân tộc Việt Nam.
Vai trò lịch sử vủa Việt Nam Quốc dân đảng với tư cách là một đảng cách mạng trong phong trào giải phóng dân tộc vừa mới xuất hiện đã chấm dứt cùng với sự thất bại của khởi nghĩa Yên Bái.