Sự nảy sinh chủ nghĩa tư bản ở Tây Âu
Sự nảy sinh chủ nghĩa tư bản ở Tây Âu Sau các cuộc phát kiến địa lí, kinh tế ở châu Âu phát triển nhanh. ...
Sự nảy sinh chủ nghĩa tư bản ở Tây Âu
Sau các cuộc phát kiến địa lí, kinh tế ở châu Âu phát triển nhanh.
Sau các cuộc phát kiến địa lí, kinh tế ở châu Âu phát triển nhanh. Tầng lớp quý tộc, thương nhân Tây Âu ra sức cướp bóc của cải, tài nguyên của các nước ở châu Mĩ, châu Phi và châu Á. Giai cấp tư sản tích luỹ được số vốn ban đầu bằng sự cướp bóc thực dân. Đồng thời, họ còn dùng bạo lực để cướp đoạt ruộng đất của nông dân.
Ở Anh diễn ra phong trào “rào đất cướp ruộng", biến ruộng đất thành đồng cỏ nuôi cừu. Hàng vạn gia đình nông dân mất đất, đi lang thang, buộc phải làm thuê trong các xí nghiệp của giai cấp tư sản. Ngay thành thị, thợ thủ công cũng bị tước đoạt tư liệu sản xuất, trở thành người đi làm thuê.
Đến đầu thế kỉ XVI, ở Tây Âu bắt đầu xuất hiện hình thức kinh doanh tư bản chủ nghĩa.
Công trường thủ công thay thế các phường hội. Quy mô cùa các công xưởng thủ công lên tới hơn 100 người. Nhờ áp dụng kĩ thuật mới vào quy trình sản xuất, năng suất lao động tăng, sản phẩm nhiều hơn, giá cả hạ. Chủ xưởng tiến hành bóc lột những người lao động làm thuê, quan hệ giữa họ là quan hệ của chủ với thợ. Quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa đã được hình thành trong các công trường thủ công.
Nhiều nơi ở nông thôn, sản xuất nhỏ của nông dân dần dần bị xoá bỏ và được thay thế bằng hình thức đồn điền hay trang trại. Người lao động biến thành công nhân nông nghiệp theo chế độ làm công ăn lương. Chủ ruộng đất trở thành tư sản nông thôn hay quý tộc mới.
Trong ngành thương nghiệp cũng xuất hiện các công ti thương mại thay cho các thương hội trung đại.
Từ những thay đổi nói trên, xã hội Tây Âu đã biến đổi, các giai cấp mới được hình thành. Những chủ xưởng, chủ ngân hàng, chủ đồn điền hợp thành giai cấp tư sản. Những người làm thuê, bị bóc lột trở thành giai cấp vô sản.