Sự cần thiết phải tăng cường thu hút và đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA để phát triển nền kinh tế Việt Nam
Hỗ trợ theo chương trình Hình thức này thường tập trung giải quyết các vấn đề xã hội như y tế, giáo dục và các vấn đề xã hội khác... Các chương trình thường được phía nhà tài trợ chủ động đề xuất. Đối với lĩnh ...
Hỗ trợ theo chương trình
Hình thức này thường tập trung giải quyết các vấn đề xã hội như y tế, giáo dục và các vấn đề xã hội khác... Các chương trình thường được phía nhà tài trợ chủ động đề xuất.
Đối với lĩnh vực y tế, một số chương trình chủ yếu của hình thức này là chương trình bảo vệ sức khoẻ sinh sản, chương trình tiêm chủng cho trẻ sơ sinh, chương trình kế hoạch hoá gia đình, chương trình thanh toán một số bệnh xã hội, xây mới và cải tạo hệ thống trạm xá, chương trình phẫu thuật nụ cười, chương trình cấp thuốc miễn phí cho một số vùng sâu, vùng xa... Các chương trình hỗ trợ cho ngành y tế thường mang tính nhân đạo cao và rất được sự quan tâm của các tổ chức quốc tế.
Đối với lĩnh vực giáo dục, một số hình thức chủ yếu là xây mới và cải tạo trường học cho một số tỉnh gặp khó khăn, chương trình cấp học bổng cho sinh viên đại học, chương trình đào tạo đại học và sau đại học...
Ngoài ra hình thức này còn bao gồm nhiều chương trình khác như chương trình xoá đói giảm nghèo, chương trình cấp cây và con giống cho bà con nông dân, chương trình nước sạch nông thôn...
Đối với Việt Nam, hình thức ODA hỗ trợ theo chương trình khá quan trọng, nó đảm bảo cho chúng ta một sự phát triển hài hoà, bền vững. Tuy vậy khối lượng ODA thời gian qua dành cho hình thức này chưa nhiều, mới chỉ giải quyết được một số vấn đề cấp bách nhất. Do đó, trong thời gian tới chúng ta phải tăng cường thu hút ODA hỗ trợ cho các chương trình.
Hỗ trợ theo dự án
Hình thức này khá phổ biến ở Việt Nam thời gian qua. Hỗ trợ theo dự án thường được thực hiện bằng nguồn vốn vay ưu đãi và hỗn hợp. Các dự án thường phải đáp ứng được một số yêu cầu từ phía các nhà tài trợ. Hình thức này thường phổ biến ở lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật như giao thông, thủy lợi, năng lượng; cơ sở hạ tầng xã hội và lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp.
Khối lượng ODA dành cho hỗ trợ dự án là rất lớn, chiếm phần lớn lượng vốn mà các nhà tài trợ cam kết dành cho Việt Nam kể từ năm 1993 đến nay. Đây là hình thức rất quan trọng bởi vì nó góp phần tạo đựng cơ sở vật chất thúc đẩy nền kinh tế nước ta phát triển.
Hỗ trợ cán cân thanh toán
Chi ngân sách của nước ta thời gian qua thường lớn hơn thu hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm. Bội chi ngân sách cũng là tình trạng chung của các nước đang phát triển. Các nhà tài trợ đã sử dụng hình thức hỗ trợ cán cân thanh toán như một công cụ để giữ vững sự ổn định của thị trường tài chính quốc tế và giúp đỡ một phần chính phủ các nước đang phát triển giảm nhẹ gánh nặng bội chi ngân sách. Hình thức này chưa phát triển ở Việt Nam và chủ yếu được thực hiện bằng các khoản vay ưu đãi nhỏ.
Hỗ trợ kỹ thuật
Đây là một hình thức ODA quan trọng, đặc biệt là đối với những nước có trình độ kỹ thuật lạc hậu như Việt Nam. Hình thức này được thực hiện dưới dạng các chương trình hợp tác kỹ thuật như: chương trình cử chuyên gia, chương trình đào tạo cán bộ kỹ thuật, chương trình cung cấp trang thiết bị... Thời gian qua, các chương trình này đã đóng góp một phần quan trọng vào việc nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ kỹ thuật và đẩy nhanh quá trình chuyển giao công nghệ ở Việt Nam.
Đi lên từ một nền kinh tế nông nghiệp, đất nước ta còn nghèo nàn và lạc hậu, hiện nay chúng ta chưa có đủ các tiền đề cần thiết cho một sự phát triển bền vững.
Để phát triển nền kinh tế với tốc độ nhanh trong khi nền kinh tế nhỏ bé đang thiếu vốn nghiêm trọng và tiết kiệm trong nước còn quá thấp thì cần phải bổ sung vốn đầu tư bằng khối lượng lớn nguồn vốn nước ngoài. Huy động vốn nước ngoài rất cần thiết để đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển nền kinh tế để hoà nhập với kinh tế thế giới, trong đó tranh thủ vốn ODA là một chủ trương lớn của nước ta từ giai đoạn mở cửa.
Các công trình thuộc lĩnh vực cơ sở hạ tầng của nước ta hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng, không thể duy trì phát triển kinh tế lâu dài. Hệ thống giao thông đường bộ chắp vá. Để nâng cấp, cải tạo hệ thống giao thông quốc gia xuyên suốt từ nay đến năm 2005, mỗi năm chúng ta cần hàng chục ngàn tỷ đồng, đó là chưa kể đến hệ thống giao thông nội tỉnh. Hệ thống giao thông đường thủy được xây dựng từ nhiều năm nay lại không được quan tâm bảo dưỡng hàng năm nên không thể đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hoá. Muốn phục vụ tốt cho xuất khẩu thì trước mắt phải nâng cấp một số cảng quan trọng như cảng Sài Gòn, cảng Hải Phòng, cảng Đà Nẵng; phải xây mới và nâng cấp các cầu cảng và hệ thống kho bãi của các cảng này. Hệ thống sân bay cũng cần được cải tạo hàng năm cho phù hợp với nhu cầu. Hệ thống thông tin liên lạc đã phát triển rất nhanh thời gian qua cần tiếp tục phát huy và có một số đổi mới cho thích hợp hơn. Mỗi ngành này cũng cần đầu tư hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các vấn đề cũ còn tồn tại và các vấn đề xã hội mới nảy sinh cũng đòi hỏi phải có nguồn lực để giải quyết. Một xã hội không thể phát triển bền vững nếu trẻ em không được đi học, người già và người tàn tật không được chăm sóc, bệnh dịch không được thanh toán... Do đó phát triển con người là chiến lược của Đảng ta trong công cuộc phát triển kinh tế. Để giải quyết những vấn đề đó mỗi năm chính phủ phải chi hàng chục ngàn tỷ đồng.
Hiện nay các khoản thu của ngân sách không đủ đáp ứng các nhu cầu trên. Thuế là nguồn thu chủ yếu nhưng mỗi năm vẫn bị thất thu một số lượng lớn. Năm 1999 tổng thu ngân sách của Nhà nước khoảng trên 70.000 tỷ đồng trong khi tổng các khoản chi xấp xỉ 90.000 tỷ đồng. Như vậy chúng ta phải bù đắp bội chi ngân sách khoảng 20.000 tỷ đồng. Do đó, việc thu hút nguồn lực bên ngoài sẽ giúp chính phủ trong việc giảm bội chi ngân sách.
Kể từ năm 1987, các công ty nước ngoài được phép chính thức hoạt động tại Việt Nam. Khối lượng vốn của các công ty này đã giúp đỡ rất nhiều cho chính phủ trong việc khắc phục tình trạng thiếu vốn. Chính nhờ quyết định mở cửa này, nền kinh tế Việt Nam đã có bước tăng trưởng vượt bậc trong hơn 10 năm qua, quan hệ sản xuất tỏ ra phù hợp hơn, lực lượng lao động được giải phóng, nến kinh tế trong nước phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, về cơ bản nền kinh tế đã thoát khỏi cuộc khủng hoảng kéo dài hàng chục năm qua. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có vai trò rất lớn trong công cuộc phát triển kinh tế đất nước, tuy nhiên bên cạnh đó nó cũng bộc lộ những mặt hạn chế. Nhà đầu tư chỉ quan tâm bỏ vốn đầu tư vào những lĩnh vực có khả năng sinh lợi và hiệu quả kinh tế nhanh. Điều này đã gây ra sự phát triển mất cân đối trong nền kinh và không thực hiện được nhiều mục tiêu kinh tế-xã hội khác. Ngoài ra còn có nguy cơ mất ổn định nền kinh tế, cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 vừa qua của các nước khu vực Đông Nam á là một minh chứng cụ thể.
Trước tình hình đó, Chính phủ Việt Nam đã nhận thức rõ tầm quan trọng đặc biệt của nguồn vốn ODA đối với tiến trình phát triển nền kinh tế- xã hội của đất nước. Do đó, phải tăng cường khả năng thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn này. Hiện nay, việc giải ngân chậm đang là một tồn tại rất lớn cần sớm được khắc phục.
Thời gian qua, Việt Nam đã khá thành công trong việc vận động, thu hút nguồn vốn ODA thông qua việc tổ chức Hội nghị các nhà tài trợ (CG). Kết quả của những nỗ lực trên là 15,14 tỷ USD vốn ODA mà cộng đồng các nhà tài trợ đã cam kết dành cho Việt Nam trong giai đoạn 1993-1999. Tuy nhiên, muốn có được số vốn này để đầu tư vào các chương trình, dự án thì còn là một quá trình từ xác định dự án, chuẩn bị dự án, thẩm định dự án, đàm phán vay vốn và phê duyệt khoản vay cho tới thực hiện dự án. Có thể hiểu, để đưa những đồng vốn ODA mà các nhà tài trợ đã cam kết vào thực hiện các chương trình, dự án chính là quá trình giải ngân vốn ODA. Như vậy, muốn tận dụng tốt nguồn vốn ODA, biến những cam kết của các nhà tài trợ thành hiện thực, chúng ta phải giải quyết triệt để những yếu tố gây cản trở quá trình giải ngân nguồn vốn này. Có tăng được tỷ lệ giải ngân thì việc thu hút nguồn vốn ODA mới thực sự có tác dụng. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân mới làm cho đồng vốn ODA thực sự đi vào cuộc sống góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam.
Trong những năm qua, vốn ODA thực hiện đã góp phần quan trọng vào việc phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó có nhiều dự án đã hoàn thành và có tác động tích cực, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Nguồn vốn ODA đã đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển hiện nay của ngành năng lượng. Một loạt các nhà máy sản xuất điện đã được xây dựng bằng vốn ODA như nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ, nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, Thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi... Việc xây dựng những nhà máy này làm giảm bớt sự quá tải của mạng lưới điện Quốc gia, đáp ứng nhu cầu về năng lượng điện ngày càng cao cho hoạt động sản xuất và sinh hoạt. Những công trình giao thông chủ chốt của nền kinh tế Việt Nam đã được thực hiện bằng nguồn vốn ODA như cải tạo, nâng cấp và phát triển các đường quốc lộ huyết mạch (Quốc lộ 1, Quốc lộ 5, Quốc lộ 18, xây dựng cầu Mỹ Thuận...).
Phát triển nông nghiệp, nông thôn và miền núi được sự hỗ trợ của nguồn vốn ODA thông qua một loạt các dự án phát triển cà phê, chè; chồng rừng; xây dựng các cảng cá ; phát triển chăn nuôi; thực hiện chương trình xoá đói giảm nghèo và phát triển cơ sở hạ tầng ở nhiều tỉnh nghèo. Một số hệ thống thủy lợi lớn ở miền Bắc, miền Trung, miền Nam đang được khôi phục và phát triển.
Nguồn vốn ODA cũng được sử dụng để hỗ trợ các lĩnh vực y tế, xã hội, giáo dục và đào tạo như Dự án giáo dục tiểu học, Dự án Hỗ trợ y tế Quốc gia... Ngoài ra, việc cải thiện, cung cấp nước sinh hoạt tại các thành phố, thị xã và các vùng nông thôn, miền núi là lĩnh vực ưu tiên cao trong sử dụng vốn ODA. Đến nay, hầu hết các thành phố, thị xã của các tỉnh đã có các dự án ODA về phát triển hệ thống cung cấp nước sinh hoạt được thực hiện. Nguồn vốn ODA cũng góp phần hỗ trợ đáng kể nhằm thực hiện điều chỉnh cơ cấu kinh tế thông qua các khoản tín dụng điều chỉnh cơ cấu kinh tế, điều chỉnh cơ cấu kinh tế mở rộng, Quỹ Miyazawa...
Một số chương trình, dự án ODA thực hiện xong và hiện đang phát huy tác dụng tích cực trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam như Nhà máy nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên Phú Mỹ 2 - giai đoạn 1 (công suất 400 MW). Một số công trình giao thông quan trọng đã đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả như Quốc lộ 5; Quốc lộ 1A đoạn Hà Nội - Vinh, đoạn TPHCM - Cần Thơ, đoạn TPHCM - Nha Trang. Cảng Hải Phòng; các hệ thống cung cấp nước sinh hoạt ở Hà Nội, Lào Cai, Hoà Bình... Nhiều bệnh viện ở các thành phố và thị xã như Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh), Việt Đức (Hà Nội) và 9 bệnh viện ở Hà Nội... Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, các chương trình y tế khác (chống sốt rét, bướu cổ, AIDS - HIV...) được thực hiện có hiệu quả. Nhiều trường học nhất là các trường tiểu học ở các tỉnh hay bị bão, lũ lụt ở miền Bắc và miền Trung đã được xây dựng.
Như vậy, ODA đã tham gia vào hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội, ODA đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với quá trình phát triển của Việt Nam. Trong Văn kiện Đại Hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 8 đã chỉ rõ: "Tranh thủ thu hút nguồn tài trợ phát triển chính thức (ODA) đa phương và song phương, tập trung chủ yếu cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội, nâng cao trình độ khoa học công nghệ và quản lý đồng thời dành một phần vốn tín dụng đầu tư cho các ngành nông, lâm, ngư nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng. Ưu tiên dành viện trợ không hoàn lại cho những vùng chậm phát triển. Các dự án sử dụng vốn vay phải có phương án trả nợ vững chắc, xác định rõ trách nhiệm trả nợ, không được gây thêm gánh nặng nợ nần không trả được. Phải sử dụng nguồn vốn ODA có hiệu quả và kiểm tra, quản lý chặt chẽ, chống lãng phí, tiêu cực".