Spim và splog tăng cao, virus nhân đôi trong hai năm tới

Những kẻ chuyên phát tán thư rác đang dần từ bỏ phương tiện e-mail và chuyển sang những kênh hiệu quả hơn như spam qua blog (splog), tin nhắn di động, tin nhắn trên web (spim) và qua cộng đồng mạng xã hội như MySpace... Công ty chuyên về dịch vụ e-mail MessageLabs của Mỹ cho biết biện pháp ...

Những kẻ chuyên phát tán thư rác đang dần từ bỏ phương tiện e-mail và chuyển sang những kênh hiệu quả hơn như spam qua blog (splog), tin nhắn di động, tin nhắn trên web (spim) và qua cộng đồng mạng xã hội như MySpace...

Công ty chuyên về dịch vụ e-mail MessageLabs của Mỹ cho biết biện pháp mới này sẽ giúp spammer hướng đến những đối tượng cụ thể dựa trên độ tuổi, vị trí địa lý, tính cách và sở thích. Theo Mark Sunner, Giám đốc kỹ thuật của MessageLabs, các mạng xã hội vô tình đã "dâng" cho spammer những hồ sơ đầy đủ về người sử dụng.

MessageLabs cũng nhấn mạnh rằng IM spam, còn gọi là spim đang tăng lên. "Số kết nối gửi qua tin nhắn nhanh ngày một nhiều. Những đường link này sẽ dẫn mọi người đến site tải mã nguy hiểm hoặc lừa đảo trực tuyến", Sunner khẳng định. "Chúng tôi lo ngại tình trạng sẽ còn nghiêm trọng hơn khi Yahoo, MSN và Google được liên thông với nhau".

Sunner cho biết MessageLabs đang tìm cách đối phó với tình trạng spam trên web cá nhân.

Cũng liên quan đến các nguy cơ trên Internet, hãng bảo mật Mỹ McAfee hôm qua đã ghi nhận chương trình nguy hiểm thứ 200.000 và khẳng định con số này sẽ nhân đôi vào năm 2008.

Từ năm 1999 đến 2002, cơ sở dữ liệu của McAfee tương đối ổn định với khoảng 50.000 định nghĩa virus. Nhưng kể từ sau đó, số phần mềm được dùng để tấn công hệ thống thiết bị của người sử dụng đã tăng lên không ngừng.

Ngược lại, những vụ phát tán virus với quy mô lớn dường như đã trở thành chuyện của quá khứ. Năm 2004, McAfee thống kê được 48 virus tấn công trên diện rộng. Đến năm 2005, người ta chỉ chứng kiến vỏn vẹn 12 vụ và không hề có một trường hợp nào suốt 7 tháng của năm 2006.

Virus tăng, tấn công quy mô giảm chỉ càng thể hiện rõ tính "chuyên nghiệp hóa" của giới hacker bởi họ không còn muốn nổi danh nữa mà giờ đây chỉ muốn khai thác lỗ hổng hoặc sự sơ hở của người dùng để kiếm tiền.

0