Soạn bài Vợ chồng A Phủ (ngắn gọn) - Tô Hoài
Câu 1 : - Mị là một cô gái trẻ đẹp, giàu tình yêu, khát vọng sống, là biểu tượng đẹp của người phụ nữ miền núi Tây Bắc: chăm chỉ, xinh đẹp, có đời sống nội tâm phong phú. Nhưng người con gái tài sắc ấy lại phải sống một cuộc đời cơ cực, bất hạnh trong những ngày tháng sống ở nhà thống lí Pá Tra ...
Câu 1:
- Mị là một cô gái trẻ đẹp, giàu tình yêu, khát vọng sống, là biểu tượng đẹp của người phụ nữ miền núi Tây Bắc: chăm chỉ, xinh đẹp, có đời sống nội tâm phong phú. Nhưng người con gái tài sắc ấy lại phải sống một cuộc đời cơ cực, bất hạnh trong những ngày tháng sống ở nhà thống lí Pá Tra với tư cách người con dâu gạt nợ. Ở nhà thống lí, chưa bao giờ Mị là một con người, chưa bao giờ được đối xử là người mà chỉ được coi như trâu, như ngựa, như công cụ lao động. Bi kịch hơn, sống lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi. Con người đánh mất ý thức tồn tại của cá nhân, đánh mất cả những khát khao, phản kháng, trở nên vô cảm, trơ lì, chai sạn trước mọi đau khổ.
- Nhưng người con gái ấy đã thay đổi cuộc đời bằng sức sống mạnh mẽ, tiềm tàng của chính mình. Sức sống ấy đã sống dậy mạnh mẽ trong đêm tình mùa xuân và đêm đông cứu A Phủ. Đêm tình mùa xuân đã đưa Mị sống lại trong quá khứ, tạm nguôi quên hiện tại, nhưng lại chưa giải thoát được cuộc đời nô lệ cho cô. Cả một quá trình tự nhận thức được diễn ra trong Mị khi tình thương, sự phản kháng được đánh thức. Đó là hành động bất ngờ nối tiếp bất ngờ nhưng lại là hợp lí, tất yếu.
Câu 2:
- A Phủ là một chàng trai mồ côi khỏe mạnh, cần cù chịu khó, nhưng không thể lấy nổi vợ vì “không có ruộng, không có bạc”. Do đánh ngã A Sử, con quan thống lí khi tên này cùng bọn tay chân đến phá đám hội, nên A Phủ bị thống lí Pá Tra bắt phạt vạ. Cuối cùng, làng xử phạt A Phủ một trăm đồng bạc trắng. Không có tiền nộp, anh phải làm con trâu, con ngựa cho nhà Pá Tra để trừ nợ.
- Từ đó A Phủ trở thành kẻ nô lệ của nhà thống lí. Anh phải lao động nặng nhọc vất vả. Chẳng may một hôm, hổ vồ mất con bò. Thế là A Phủ bị thống lí trói vào cọc.
- Nét khác biệt trong nghệ thuật khắc họa nhân vật ở Mị và A Phủ chính là: A Phủ được tác giả nhìn từ bên ngoài, tạo điểm nhấn về tính cách ở những hành động, giúp ta thấy rõ vẻ đẹp của A Phủ qua tính cách gan góc, táo bạo, mạnh mẽ.
Câu 3: Tô Hoài luôn có được những phát hiện mới mẻ, thú vị về các nét lạ trong tập quán và phong tục của người dân miền núi Tây Bắc: tục cướp vợ, trình ma, đánh nhau, xử kiện, ốp đồng, đêm tình mùa xuân,… Giọng điệu trữ tình, ngọt ngào, hấp dẫn và lôi cuốn người đọc bởi sự từng trải, tinh tế, đậm đà phong vị và màu sắc dân tộc, ngôn ngữ giản dị, phong phú, đầy sáng tạo mang đậm cá tính, bản sắc riêng… tất cả đã tạo nên những trang văn đậm chất thơ.
Luyện tập: Qua số phận hai nhân vật Mị và A Phủ, hãy phát biểu ý kiến của anh (chị) về giá trị nhân đạo của tác phẩm.
Vợ chồng A Phủ là một trong ba tập trong Truyện Tây Bắc (in năm 1954) của nhà văn Tô Hoài. Tác phẩm kể về cuộc đời của đôi vợ chồng trẻ người Mèo là Mị và A Phủ. Mị bị bắt về làm con dâu trừ nợ cho nhà thống lí. A Phủ vì dám đánh A Sử, con trai thống lí nên phải làm đày tớ đế trừ tiền phạt vạ. Cùng cảnh ngộ đau khổ, Mị đã cứu A Phủ. Hai người trốn khỏi nhà Pá Tra, tìm đến tận Phiềng Sa, thành vợ, thành chồng, cùng nhau xây dựng cuộc đời mới. Được cán bộ cách mạng giác ngộ, Mị cùng A Phủ trở thành du kích bảo vệ khu giải phóng. Đây là tác phẩm có giá trị nhân đạo đáng kể. Thông qua số phận Mị và A Phủ, nhà văn đã dựng lại quãng đời đau khổ, tối tăm của người dân miền núi trước cách mạng và phản ánh quá trình đến với cách mạng của họ.
Giá trị nhân đạo xuất phát từ cái nhìn, tấm lòng, tình thương yêu, nỗi xúc động của nhà văn Tô Hoài trước số phận của Mị và A Phủ trong truyện ngắn này. Nhà văn bày tỏ sự thông cảm với nỗi đau khổ của người phụ nữ bị gả bán như một thứ hàng hóa. Chỗ nào nhà văn miêu tả nỗi đau của Mị là ở chỗ đó ngòi bút của ông cũng run lên vì xúc động. Tô Hoài viết: “Đời người đàn bà lấy chồng nhà giàu ở Hồng Ngài thì chỉ biết đi theo đuôi con ngựa của chồng”. Mị chợt nhớ lại câu chuyện người ta vẫn kể: "Đời trước ở nhà thống lí Pá Tra có một người trói vợ trong nhà ba ngày, rồi đi chơi, khi về nhìn đến thì vợ chết rồi. Nhờ thế Mị sợ quá, Mị cựa quậy xem mình còn sống hay chết. Cổ tay, đầu, bắp chân bị dây trói xiết lại, đau đứt từng mảnh thịt”. Đọc đến đây ta nhớ lại câu thơ của Nguyễn Du: “Đau đớn thay phận đàn bà”.
Đó là nỗi đau của thân xác, còn nỗi đau tinh thần? Trong hoàn cảnh bị trói buộc Mị nghĩ rằng minh đành ngồi trong một nhà tù chật hẹp nhìn qua một lỗ vuông mà trông đợi cho đến bao giờ chết mới thôi. Dù vậy, khát vọng làm người hạnh phúc không bao giờ lụi tàn trong lòng Mị. Nghe tiếng sáo thổi trong rừng, Mị tha thiết nhớ lại những ngày xuân tươi đẹp của mình và tràn trề một lòng ham sống. Ngòi bút nhân đạo của Tô Hoài đã không dửng dưng với khát vọng đó của Mị.
Giá trị nhân đạo của Vợ chồng A Phủ còn có thể tìm thấy qua việc nhà văn tái hiện quá trình thức tỉnh cách mạng của những người bị áp bức. Như trên đã nói, trong tác phẩm này, chủ đề giải phóng dân tộc gắn liền với chủ đề giải phóng giai cấp nông dân và giải phóng phụ nữ. Mị và A Phủ gặp nhau trong một hoàn cảnh thật éo le, họ là những số phận đang đứng bên bờ vực thẳm. Hai nhân vật ấy đã kháng cự lại cái chết, kháng cự lại số phận để giữ lại cuộc sống. Trong bước đường cùng quẫn, vẻ đẹp của Mị lại hiện ra không chỉ bằng mặt mà cả trong tâm hồn. Điều đó bộc lộ rõ nhất qua thái độ của Mị đối với A Phủ: một thái độ vị tha, cùng gánh chịu khổ đau. Tình yêu của họ đã đến từ việc chia sẻ số phận chung đó. Chính Tô Hoài cũng nhận xét: “cái biểu hiện cởi trói cho A Phủ chỉ xảy ra trong khoảnh khắc nhưng khoảnh khắc có ý nghĩa quyết định và tồn tại đời đời”. Mị cởi trói cho A Phủ rồi tìm đến khu du kích của làng H’Mông hẻo lánh vùng Phiềng Sa. Được A Châu giác ngộ, họ tham gia đội du kích chống Pháp, trở thành những người tự tin vào sức mạnh của mình. Vợ chồng A Phủ đã từng đấu tranh tự phát vươn đến đấu tranh tự giác, từ những phản ứng có tính chất bản năng đến sự phản kháng có ý thức, nhất là khi nhận ra được nguyên nhân đau khổ của mình và lòng dạ của kẻ thù. Có thể nói, qua hình tượng Mị và A Phủ, Tô Hoài đã xây dựng được những nhân vật có tính cách biến đổi theo quá trình của cách mạng.
Giá trị Vợ chồng A Phủ không tách rời với đường lối cách mạng và chính sách dân tộc Đảng Cộng sản là giải phóng những người lao động bị áp bức bóc lột, giải phóng mọi sức sống và vẻ đẹp bị các thế lực đen tối kìm hãm, trói buộc.
Tác phẩm Vợ chồng A Phủ là một bước tiến trong việc nhận thức, khám phá hiện thực kháng chiến, đồng thời cũng là một bước tiến trong việc thể hiện chủ nghĩa nhân đạo theo nhân sinh quan cách mạng. Với Vợ chồng A Phủ nói riêng, Truyện Tây Bắc nói chung, Tô Hoài đã góp phần đổi mới về đề tài miền núi, thực sự bước vào văn học với những hình ảnh phong phú, tươi đẹp và chân thực.