Soạn bài Viết bài văn số 1: Cảm nghĩ về một hiện tượng đời sống (hoặc một tác phẩm văn học) SBT Ngữ văn 10 tập 1
Giải câu 1, 2, 3, 4 trang 17, 18 Sách bài tập (SBT) Ngữ văn 10 tập 1. Trong hai đoạn trích dưới đây, đoạn nào được tác giả viết ra để giãi bày cảm nghĩ của mình ? ...
Giải câu 1, 2, 3, 4 trang 17, 18 Sách bài tập (SBT) Ngữ văn 10 tập 1. Trong hai đoạn trích dưới đây, đoạn nào được tác giả viết ra để giãi bày cảm nghĩ của mình ?
1. Đề bài 1, trang 27, SGK.
Trả lời:
Trước khi làm bài, anh (chị) hãy :
a) Tìm những ý thích hợp để làm bài. Ví dụ : Nếu viết một bài văn phát biểu cảm xúc của mình trước cơn gió se lạnh đầu tiên báo hiệu mùa đông về, có thể tìm ý cho bài làm theo các hướng sau :
- Những cảm nghĩ về thiên nhiên trước cơn gió lạnh đầu mùa.
- Những cảm nghĩ khi nhìn thấy những người xung quanh lao động, học tập,... vào lúc mùa đông mới tới.
- Những cảm nghĩ về chính bản thân mình trong thời khắc giao mùa.
b) Sắp xếp các ý tìm được thành một dàn bài.
c) Kiểm tra xem dàn bài ấy đã phù hợp với đề tài của bài viết chưa, đã đúng với yêu cầu phát biểu cảm xúc của bản thân chưa, đã hợp lí và chặt chẽ chưa.
2. Từ một vài ý của dàn bài ở bài tập 1, hãy viết thành một (hoặc hai, ba) đoạn văn hoàn chỉnh.
Trả lời:
Tham khảo đoạn văn sau :
Khi mùa thu bắt đầu hết, khi nắng vàng hanh dần mất vẻ rực rỡ trên các là cây, ngọn gió heo may sẽ từng cơn nhẹ lướt trên cánh đồng rộng, đem lại cho ta những cái rùng mình mới mẻ, như đã lẫn cái buồn ảm đạm của ngày mùa đông.
Trước ngọn gió đầu mùa, tôi không khỏi ngăn được những cảm giác sâu xa và mới lạ. Tôi đem tâm nghĩ ngợi đến những cơn gió đột khởi ở lòng người, báo trước những sự thay đổi trong cái bí mật của tâm hồn. Tôi lại nghĩ đến những người nghèo khổ đang lầm than trong cái đói rét cả một đời. Gió heo may sẽ làm cho họ buồn rầu lo sợ, vì mùa đông sắp tới, mùa đông giá lạnh và lầy lội phủ trên lưng họ cái màn lặng lẽ của sương mù. Và lòng tôi se lại khi nghĩ rằng chỉ một chút âu yếm, một chút tình thương cũng đủ nâng đỡ, an ủi những người cùng khốn ấy.
Đó là những ý nghĩ mà gió đầu mùa đã gây nên trong trí tôi [...].
(Thạch Lam, Lời nói đầu tập truyện ngắn Gió đầu mùa,
trong Văn và đời, NXB Hà Nội, 1999)
3. Trong hai đoạn trích dưới đây, đoạn nào được tác giả viết ra để giãi bày cảm nghĩ của mình ?
a) Hoa bưởi trong ca dao :
Hoa thơm thơm lạ thơm lùng
Thơm cây thơm lá, người trồng cũng thơm.
Không hiểu sao, khi đọc câu ca dao bâng quơ ấy, tôi lại nghĩ đến hoa bưởi. Nhưng nếu không phải là hoa bưởi, thì còn thứ hoa nào mà đến lá cũng thơm ?
Và nếu có ai băn khoăn không biết loại hoa nào là đáng yêu nhất trong số các loại hoa gần gũi với đời sống của nhân dân ta, thì câu ca dưới đây chính là một lời giải đáp vô tư :
Hoa nhài, hoa sói, hoa ngâu
Không bằng hoa bưởi thơm lâu dịu dàng.
Tôi vẫn nghĩ, tâm hồn Việt Nam hẳn cũng trong sạch, thơm tho như hoa bưởi thì mói có thể đem thứ hoa ấy vào rất nhiều câu ca dao tình tứ và dịu dàng như hoa.
(Theo Phan Thị Thanh Nhàn, Hoa bưởi trong ca dao,
trong Ca dao Việt Nam - những lời bình,
NXB Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, 2000)
b) Trò chơi đu thời trước :
Ngày Tết, bước ra khỏi Hà Nội một hai cây số, ta có thể thấy ở bất cứ làng nào cũng có trồng một vài cây đu để cho trai gái trong làng hay những vùng quanh đấy đến dún dẩy với nhau. Thường thường các cụ trong làng cứ khoảng hai mươi nhăm, hai mươi sáu tháng chạp đã cho tuần tráng đi đẵn tre để trồng đu [...].
Cây đu làm bằng tám cọc tre trồng rất chắc dưới đất vì trồng càng chắc thì dún càng khoẻ. Cái ngáng đu vận bằng rơm, giữa hai hàng cột gioãng ra hai bên. Trên đỉnh, phất phới một hai lá cờ đuôi nheo. Thường thường, đu trồng không đủ để trai gái dún, thành ra đúng như lời thơ của nhà nữ thi sĩ :
Người thời lên đánh, kẻ ngồi trông.
Trông cho thích mắt đã đành, nhưng nhiều khi là đợi đến phiên mình dún. Đu càng cao, các cô các cậu càng đưa mạnh. [...]
Đu lên bổng, chiếc áo nâu non của cô gái dan díu với chiếc áo the thâm của chàng trai, đôi dải yếm lụa quấn quýt lấy chiếc quần hồ trắng bốp...
(Vũ Bằng, Thương nhớ mười hai,
NXB Văn học, Hà Nội, 1993)
Trả lời:
- Đoạn trích (a) được viết nhằm mục đích chủ yếu là nêu ý nghĩ và cảm xúc của nhà thơ về hoa bưởi trong những khúc hát dân gian.
- Đoạn trích (b) không giống như thế. Những dòng viết của nhà văn rất sinh động, nhiều chi tiết gợi cảm, nhưng mục đích chủ yếu không phải để bộc lộ cảm nghĩ của bản thân mà để giới thiệu cụ thể một trò chơi ngày Tết của những người dân quê thời trước.
4. Ngoài những đề tài được gợi ý trong SGK, anh (chị) còn có cảm nghĩ về những tác phẩm văn học, con người, sự việc hoặc hiện tượng nào khác nữa ? Hãy viết một bài (hoặc một đoạn) văn để nêu cảm nghĩ của mình về các chủ đề trên.
Trả lời:
Tham khảo hai đoạn trích sau :
a)
BẠN ĐẾN CHƠI NHÀ, HÓM HỈNH MÀ VẪN THÂM TRẦM
Ai cũng thấy Bạn đến chơi nhà trước hết là một bài thơ rất vui, rất hóm. Bởi lẽ, chỉ trừ câu đầu và câu cuối, sáu câu còn lại của bài thơ tám câu ấy chỉ toàn là một giọng nói đùa. Gọi là nói đùa, vì không ai ngây thơ tới mức tin rằng Nguyễn Khuyến (hoặc một ai đó giống như Nguyễn Khuyến) lại tuyệt đối không có cách gì đãi bạn, nhất là khi đã lâu bạn mới lại chơi. Nhưng đây là một sự nói đùa rất có duyên. Vì trong cách diễn đạt thật hóm hỉnh của nhà thơ thì thức gì cũng dường như có để rồi cuối cùng té ra lại thành không thể có : có trẻ, nhưng trẻ đi vắng ; có chợ, nhưng chợ lại xa ; không phải không có cá, có gà, nhưng chết nỗi ao sâu vườn rộng ; rau cỏ đầy nhà đấy nhưng khổ là chưa một thứ nào đến độ có thể ăn. Và cái sự chập chờn có rồi lại không ấy cứ hiện ra thật biến hoá, đa dạng, không một lần nào giống với lần nào.
Song nghĩ lại thì bài thơ không chỉ có vui, có hóm, không chỉ là sự nói đùa. Đằng sau vẻ bề ngoài nhẹ nhàng, giản dị, xuề xoà nữa, cụ Tam nguyên luôn là bậc thầy thâm trầm, sâu sắc. Trường hợp Bạn đến chơi nhà cũng thế. Thoạt đọc, dễ ngỡ bài thơ chỉ là sự phân trần về sự không có gì để đãi mời. Các câu thơ nối tiếp nhau giống như một đường đồ thị liên tục chuyển về độ không, theo hướng từ cao xuống thấp : không có đồ chợ rồi không có đồ nhà, không có thịt cá rồi không có rau dưa, và kịp đến khi không có cả miếng trầu thì cái sự không có gì quả đã là tuyệt đối. Nhưng dường như Nguyễn Khuyến chỉ chờ đến lúc ấy để làm bật lên cái có : có “ta với ta”, có tấm tình tri âm tri kỉ. Và khi sự giao hoà, giao kết “ta với ta” đã có rồi thì cái sự không có miếng uống miếng ăn kia còn ý nghĩa gì đâu ! Quan hệ vật chất là không, và phải là không, thì mối quan hệ tình cảm, tinh thần kia mới thực có điều kiện để trở nên là tất cả. Nguyễn Khuyến đã tìm được cách thật thú vị để nói rằng : cái quý giá duy nhất trong tình bạn là sự hiểu nhau, sự có nhau, chứ không phải là bất kì điều gì khác nữa. Và thế là ẩn dưới giọng thơ đùa vui, hóm hỉnh, Bạn đến chơi nhà còn muốn bày tỏ với muôn đời một chân lí sống thâm thuý, vĩnh hằng.
( Theo Đỗ Kim Hồi, trong : Đỗ Việt Hùng - Hà Bình Trị - Đỗ Kim Hồi,
Kiến thức ôn luyện Văn - Tiếng Việt Trung học cơ sở,
NXB Hà Nội, 2002, tr. 35-36. Tên đoạn trích do NBS đặt)
b)
LỜI HẸN CỦA CẬU BÉ HỒNG
Bà cụ mẹ anh Nguyên Hồng đã cao tuổi nhưng còn rất nhanh nhẹn, xởi lởi, bà coi chúng tôi như con cháu trong nhà. Những ngày ấy, tôi mới gặp bà cụ, nhưng thật ra từ trước tôi đã biết bà, qua những trang tự truyện của anh Nguyên Hồng trong cuốn Những ngày thơ ấu, cuốn sách mà tôi nghĩ là ở vào hàng những áng văn hay của các thời. Từ những trang viết như những chiếc lá non rung động nắng, hiện lên hình ảnh người mẹ trẻ của cậu bé Hồng, giữa cảnh nghèo khó ác độc, ngày ngày chống đỡ, chạy vạy, lăn xả ra ôm ấp nuôi con.
Kháng chiến kết thúc, cùng với nhiều bạn, gia đình anh Nguyên Hồng về Hà Nội, trong phố xá chen chúc. Nhưng anh chị vẫn giữ căn nhà tranh trên Nhã Nam. Và đến khoảng năm 1958, anh chị lại dọn tất cả về trên đó. [...] Theo tôi nghĩ thì anh đã bắt rễ vào mảnh đất đá sỏi và tre gai ấy, giữa vùng đồng rừng núi non oai linh của Hoàng Hoa Thám. Nguyên Hồng đã trở lại mỏm đồi cháy của anh, dồn hết ngày tháng và sức lực viết những tác phẩm lớn hằng ấp ủ bao năm.
[...] Và một buổi tối, anh Nguyên Hồng đã ngồi uống rượu với tôi, nhấm nháp mấy hạt lạc rang, trong một căn phòng nhỏ của nhà sáng tác Quảng Bá, bên ven Hồ Tây. Anh cười ha hả và cho tôi biết, có món tiền viết quyển Sóng gầm, anh sẽ cho lợp ngói căn nhà của anh trên đồi cháy, vẫn để vách đất thôi, nhưng sẽ lợp ngói. Anh im lặng nhắp tiếp chén rượu, đôi mắt như thoáng xa đi, rồi nói: “Ngày nhỏ, nhiều lần thấy mẹ khóc, mình đã hẹn: mẹ cứ yên tâm, lớn lên con sẽ làm nhà ngói cho mẹ ở...”. Anh lại im lặng, tôi cũng không nói gì, chạm chén với anh, mừng nhà văn lớn bây giờ thực hiện được lời hứa với mẹ của cậu bé Hồng mấy mươi năm trước.
(Nguyễn Đình Thi, Tiểu luận - Bút kí,
NXB Văn học, 2000, tr. 183 - 184)