Soạn bài Thuốc SBT Ngữ Văn 12 tập 2
Giải câu 1, 2, 3, 4 trang 46 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 12 tập 2 1. Truyện ngắn Thuốc được chia thành bốn phần, gắn liền với hai không gian : từ phần I đến phần III gắn liền với không gian cơ bản là quán trà - nơi ở của ...
Giải câu 1, 2, 3, 4 trang 46 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 12 tập 2
1. Truyện ngắn Thuốc được chia thành bốn phần, gắn liền với hai không gian : từ phần I đến phần III gắn liền với không gian cơ bản là quán trà - nơi ở của gia đình lão Hoa và phần IV gắn với không gian nghĩa địa. Anh (chị) hãy trình bày cách miêu tả các không gian ấy theo thứ tự từng phần.
Trả lời:
Truyện ngắn Thuốc, với kết cấu bốn phần, diễn ra tại hai không gian cơ bản, đó là không gian quán trà - nhà ở của lão Hoa và không gian nghĩa địa. Để làm rõ nghệ thuật miêu tả các không gian này, anh (chị) lưu ý các điểm sau :
- Ở phần I, sự kiện chính là mua thuốc, người đi mua là lão Hoa. Cần chú ý các chi tiết về thời gian (“đêm thu gần về sáng”), ánh sáng, số nhân vật (có tên và không tên), nơi bán bánh và sự đối lập giữa tâm trạng của người bán và người mua bánh. Không gian đó có nét gì khác thường ?
Ở phần II, sự kiện chính là việc dùng thuốc sau khi lão Hoa đã mua được bánh mang về. Chú ý số lượng nhân vật, cách thức hành động của các nhân vật, màu sắc, ánh sáng, mùi vị,... Nét bình thường và nét khác thường diễn ra tại thời điểm này là gì ?
Ở phần III, sự kiện chính là bàn về thuốc. Chú ý sự xuất hiện của các nhân vật, vai trò của Cả Khang, thái độ của lão Hoa và vợ, câu chuyện được bàn ở đây,...
Nét đặc biệt của câu chuyện được bàn ở đây là gì ? Câu chuyện được bàn đó có làm thay đổi tính chất của không gian quán trà không ? Giữa việc Hạ Du bị chết chém và việc thằng Thuyên sắp chết có mối quan hệ nào không ? Không khí nổi bật trong phần III của không gian quán trà - nhà ở là gì ?
Phần IV nói về hiệu quả của thứ thuốc mà con trai lão Hoa đã được dùng, cần chú ý: thời gian (tiết Thanh minh), không gian cụ thể là nghĩa địa với con đường mòn nhỏ phân chia nghĩa địa thành hai nửa dành cho hai loại người khác nhau, nổi bật giữa nghĩa địa là hình ảnh hai bà mẹ. Tại sao lại là hai bà mẹ chứ không phải là ai khác ? Ngoài hai bà mẹ ấy, theo anh (chị) có thể còn ai khác nữa không ? Không gian ờ đây có nét khác biệt nào so với không gian quán trà - nhà ở (so sánh các chiều kích, liên tưởng mở rộng khống gian,...) ?
- Theo anh (chị), việc miêu tả từ không gian quán trà - nhà ở (đồng nghĩa với sự sống) đến không gian nghĩa địa (biểu tượng của cái chết) như vậy có hợp lí không ? Có tạo ra cảm giác bi quan không ? Tại sao ?
2. Nêu sự khác biệt trong cách nhìn về người chiến sĩ cách mạng Hạ Du của nhân vật người kể chuyện và các nhân vật khác qua câu chuyện được bàn luận tại quán trà của lão Hoa.
Trả lời:
Giới thiệu qua các nhân vật có mặt ở quán trà của lão Hoa : Cả Khang, cậu Năm Gù, người râu hoa râm,... nhưng chủ yếu là Cả Khang.
- Cách nhìn của các nhân vật trên đối với Hạ Du:
+ Thái độ miệt thị, phụ hoạ : “thằng quỷ sứ”, "cái thằng nhãi con", “cái thằng khốn nạn”.
+ Cách đánh giá hành động của Hạ Du : “Điên ! Hắn điên thật rồi!”, “dám vuốt râu cọp” cả ông đề lao.
- Cách nhìn của người kể chuyện về Hạ Du :
Thái độ kể lạnh lùng, khách quan, không bình luận nhưng trong câu chuyện vẫn có các tình tiết biểu lộ cách nhìn khác hẳn các nhân vật ở quán trà. Tuy nhiên, khi nói về các nhân vật bàn luận ở quán trà, người kể không giấu được thái độ thiếu thiện cảm (Cả Khang thì “những thớ thịt trên mặt nổi từng cục”, tên đề lao thì “mắt đỏ như cá chép ấy”,...).
3. Nêu ý nghĩa của truyện ngắn Thuốc qua cách miêu tả hai không gian quán trà và nghĩa địa.
Trả lời:
a) Ý nghĩa của truyện ngắn Thuốc được nhấn mạnh trước hết qua sự khác biệt của hai không gian :
- Không gian quán trà của lão Hoa : nhận xét qua về những người có mặt ở quán trà (tên họ, hình dáng bên ngoài, cách ăn mặc,…), sự hiểu biết của họ về những vấn đề của đất nước, nhận thức về bệnh tật, về cuộc đời. Từ đó, mở rộng liên hệ tới sự cuồng tín, ngu muội (những cơn ho không dứt của người bị bệnh lao, những cử chỉ cười nói trơ trẽn của Cả Khang,... Chỉ ra cách bàn bạc bàng quan, lạnh lùng qua câu chuyện nơi quán trà).
- Không gian nghĩa địa cho thấy các kiểu nạn nhân của xã hội u trệ đó. Chú ý khai thác hình ảnh "mộ dày khít, lớp này lớp khác, như bánh bao nhà giàu ngày mừng thọ” (tính chất bi thương, tang tóc, cái chết nhiều hơn sự sống,…) ; hình ảnh “con đường mòn nhỏ hẹp, cong queo” ngăn cách giữa hai loại mộ : bên trái là mộ của những người bị chết chém hoặc chết tù, bên phải là mộ của những người nghèo (sự lạc hậu trong nhận thức về lẽ phải, con đường trở thành giới hạn phân cấp của xã hội, là cách thức biểu thị thái độ của xã hội,...). Từ đó dẫn tới sự thay đổi trong nhận thức của nhân vật (bà Hoa bước qua con đường mòn, câu hỏi tự vấn của mẹ Hạ Du : “Thế là thế nào nhỉ ?”,...). Lưu ý hai cái tên Hoa và Hạ. Nếu ghép hai tên này lại với nhau thì Hoa Hạ chính là tên gọi của Trung Hoa cổ xưa, qua đó chỉ ra ý nghĩa của hành động bước qua con đường ranh giới của bà Hoa để từ đó sự khác biệt sẽ thành sự thống nhất. Sự chuyển đổi nhận thức này còn được hé lộ qua khung thời gian : mùa thu và mùa xuân, hai mùa có sự khác biệt, tương phản.
b) Điểm chung giữa không gian quán trà và không gian nghĩa địa là không khí u ám, nặng nề, đầy tử khí. Trong cả hai không gian đó đều tồn tại sự chết chóc : chết về tinh thần (không gian quán trà), chết về thể xác (không gian nghĩa địa). Cả hai không gian đó đều cần “thuốc” để chữa trị. Chỉ ra loại “thuốc” cần cho cả hai không gian. So sánh hai không gian đó để đi đến suy nghĩ về tiêu đề của tác phẩm : Thuốc ở đây là gì ? Căn bệnh ở đây có phải chỉ là bệnh lao không ? Có phải chỉ Thuyên mắc bệnh còn những người khác thì khoẻ mạnh không ?
4. So sánh hai hình ảnh “chiếc bánh bao tẩm máu người chiến sĩ cách mạng” và “vòng hoa trên mộ Hạ Du” để làm sáng tỏ ý nghĩa tượng trưng của tác phẩm Thuốc.
Trả lời:
Hình ảnh tiêu biểu đầy ý nghĩa tượng trưng của tác phẩm là “chiếc bánh bao tẩm máu người chiến sĩ cách mạng” và “vòng hoa trên mộ Hạ Du”, cần chú ý khai thác các hình ảnh này để làm rõ ý nghĩa tượng trưng của tác phẩm Thuốc.
- “Chiếc bánh bao tẩm máu người chiến sĩ cách mạng” gắn với sự thiếu hiểu biết, sự lạc hậu, qua đó là sự u mê, lầm lạc của người dân. Hình ảnh này gắn với ý nghĩa : đây là một phương thuốc chữa bệnh mù quáng mà những người dân mê muội tin theo. Cho dù được coi là “thứ thuốc đặc biệt” thì phương thuốc đó cũng chẳng cứu được tính mạng bé Thuyên mà còn đẩy gia đình lão Hoa vào thực tế bi đát hơn. Do đó, việc chữa trị căn bệnh xã hội, ở đây là căn bệnh u mê, lầm lạc, trở nên cấp bách hơn. Như vậy Thuốc ở đây là để chữa bệnh thể xác hay là để chữa bệnh tinh thần ?
“Vòng hoa trên mộ Hạ Du” tô điểm cho cái chết của Hạ Du, tạo ra một ý nghĩa mói : Cái chết không uổng phí, vẫn còn những người có lí tưởng như Hạ Du. Khi ranh giới con đường mòn ngăn cách hai phần của nghĩa địa không còn thì điều gì sẽ xảy ra ? Đồng thời cũng cần chú ý thêm là con đường mòn này không chỉ tồn tại trong những con người thiếu hiểu biết do lạc hậu, do cuồng tín mà còn có cả trong tư tưởng của những người giác ngộ, biết dũng cảm đấu tranh như Hạ Du. Họ chưa thấy được, chưa liên kết được với nhân dân để tạo thành sức mạnh đấu tranh cần thiết. Vòng hoa trên mộ Hạ Du cũng như hình ảnh con qua từ chỗ “rụt cổ lại, im lìm như đúc bằng sắt” đã “xoè đôi cánh, nhún mình, rồi như một mũi tên, vút bay thẳng về chân tròi xa” gợi mở điều gì ?
Sachbaitap.com