Soạn bài Viết bài tập làm văn số 1 - Văn thuyết minh SBT Ngữ Văn 9 tập 1
Giải câu 1, 2, 3 trang 26 SBT Ngữ Văn 9 tập 1. Lập dàn ý cho bài thuyết minh về một loài cây mà em yêu thích ở quê hương mình. ...
Giải câu 1, 2, 3 trang 26 SBT Ngữ Văn 9 tập 1. Lập dàn ý cho bài thuyết minh về một loài cây mà em yêu thích ở quê hương mình.
1. Nếu phải chuẩn bị tư liệu để viết bài văn thuyết minh về cây lúa Việt Nam, thì em sẽ chuẩn bị những tư liệu gì ?
Trả lời:
Văn thuyết minh rất cần những số liệu, những chi tiết chính xác, khách quan, vì thế khi thuyết minh bất kì một sự vật, một hiện tượng gì cũng đòi hỏi người viết có những hiểu biết cụ thể về đối tượng được thuyết minh. Đối với học sinh ở thành phố, để thuyết minh về cây lúa càng cần chuẩn bị kĩ hơn. Để bài văn thuyết minh sinh động và hấp dẫn, người viết có thể sử dụng một số biện pháp nghệ thuật như tưởng tượng cây lúa tự thuật. Sau đây là một số nội dung cần được lưu ý:
- Sự thân thuộc, tầm quan trọng và gắn bó của cây lúa đối với người Việt Nam trong đời sống hằng ngày.
- Môi trường và hình dáng cây lúa theo quá trình sinh trưởng, từ lúc mới cấy đến khi trổ bông và lúa chín (kết hợp với miêu tả).
- Sự phong phú đa dạng của các giống lúa và các sản phẩm phong phú được chế biến từ lúa gạo.
2. Lập dàn ý cho bài thuyết minh về một loài cây mà em yêu thích ở quê hương mình.
Trả lời:
Em tự chọn một loài cây mà mình yêu thích để thuyết minh. Nhưng dù là loài cây nào, bài viết cũng có thể nêu một số ý theo trình tự sau :
a) Mở bài : Giới thiệu khái quát về loài cây mà em yêu thích. Có thể mở đầu bằng miêu tả.
b) Thân bài : Giới thiệu chi tiết về loài cây ấy (trong khi giới thiệu kết hợp với miêu tả) về các phương diện như :
- Nguồn gốc, vai trò và ý nghĩa của loài cây này đối với con người.
- Đặc điểm (chú ý miêu tả hình dáng, gốc, thân, lá, cành, hoa, quả).
- Giá trị và lợi ích (kinh tế, môi trường, thẩm mĩ,...).
c) Kết bài : Phát biểu những cảm nghĩ của người viết về loài cây ấy.
3. Chuẩn bị tư liệu cho bài thuyết minh về một di tích lịch sử hoặc một danh lam thắng cảnh ở quê em.
Trả lời:
Cần phân biệt di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh. Di tích lịch sử là những công trình xây dựng, những hiện vật, đồ vật,... có liên quan đến những sự kiện lịch sử trong quá trình dựng nước, giữ nước và phát triển văn hoá xã hội của một địa phương, một dân tộc, một đất nước. Ví dụ : Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền thờ Trần Hưng Đạo, chùa Thiên Mụ hoặc lăng Tự Đức của cố đô Huế. Còn danh lam thắng cảnh là những cảnh đẹp nổi tiếng như vịnh Hạ Long, động Phong Nha, sông Hương, núi Ngự Bình (Huế),...
Từ cách hiểu trên, người viết lựa chọn đối tượng thuyết minh là di tích hay danh thắng cho phù hợp với bản thân và địa phương nơi mình sinh sống. Có thể nêu theo trình tự sau :
a) Đó là di tích hay danh thắng gì, nằm ở vị trí địa lí nào (xã, huyện, tỉnh, thành phố,...) ?
b) Giới thiệu cụ thể, chi tiết về di tích hay danh thắng đó trên các phương diện như : nguồn gốc lịch sử, đặc điểm về cấu trúc, diện mạo, hình thể, vẻ đẹp,... ý nghĩa và giá trị văn hoá, lịch sử, kinh tế, du lịch,... kết hợp với các yếu tố miêu tả.
c) Phát biểu cảm nghĩ của người viết về di tích hay danh thắng vừa giới thiệu.
Sachbaitap.com