Soạn bài Văn bản SBT Ngữ văn 10 tập 1
Giải câu 1, 2, 3, 4, 5, 6 trang 14 Sách bài tập (SBT) Ngữ văn 10 tập 1. Đoạn văn sau đây có thể coi là một văn bản tóm tắt một câu chuyện (một văn bản tự sự). Hãy đọc và xác định : chủ đề của văn bản, sự liên kết giữa các câu. ...
Giải câu 1, 2, 3, 4, 5, 6 trang 14 Sách bài tập (SBT) Ngữ văn 10 tập 1. Đoạn văn sau đây có thể coi là một văn bản tóm tắt một câu chuyện (một văn bản tự sự). Hãy đọc và xác định : chủ đề của văn bản, sự liên kết giữa các câu.
1. Bài tập 1, trang 37, SGK.
Trả lời:
Chú ý đến câu thứ nhất trong đoạn. Từ đó xác định chủ đề của đoạn : ảnh hưởng qua lại giữa cơ thể sinh vật và môi trường. Các câu sau trong đoạn đều cụ thể hoá nội dung của câu mở đầu theo hướng : ảnh hưởng từ môi trường đến cơ thể, cụ thể là lá cây. Ý đã được triển khai khá rõ. Có thể đặt nhan đề cho đoạn văn là : Ảnh hưởng của môi trường sống đến cơ thể sinh vật.
2. Bài tập 2, trang 38, SGK.
Trả lời:
Chú ý sắp xếp các câu văn theo một thứ tự hợp lí để tạo được một văn bản hoàn chỉnh, mạch lạc. Có thể theo thứ tự: câu (1) - câu (3) - câu (5) - câu (2) - câu (4).
3. Bài tập 3, trang 38, SGK.
Trả lời:
Viết tiếp thêm khoảng 3, 4 câu, đảm bảo yêu cầu :
- Phát triển ý: Môi trường sống đang bị huỷ hoại nghiêm trọng.
- Các câu liên kết chặt chẽ và có mạch lạc.
Tham khảo đoạn văn sau :
Môi trường sống của loài người hiện nay đang bị huỷ hoại ngày càng nghiêm trọng. Cả môi trường đất, môi trường nước và môi trường không khí đều bị ô nhiễm. Rõ rệt nhất là sự ô nhiễm do các hoá chất độc hại, các chất thải công nghiệp. Các chất độc hại đó thấm vào đất, vào nước, vào không khí và có thể tồn tại lâu dài. Chúng làm cho cả những vật nuôi và cây trồng đều bị tác hại nghiêm trọng. Khi con người dùng các vật nuôi hay cây trồng làm thực phẩm thì lại tác hại tiếp theo.
4. Đoạn văn sau đây có thể coi là một văn bản tóm tắt một câu chuyện (một văn bản tự sự). Hãy đọc và xác định : chủ đề của văn bản, sự liên kết giữa các câu.
Chàng Trương đi đánh giặc khi vợ mới có mang. Lúc trở về, con đã biết nói. Một hôm đùa với con tự xưng là bố, đứa con không nhận mà nói rằng bố nó tối tối vẫn đến. Trương buồn và ghen, đay nghiến vợ đến nỗi nàng phải tự vẫn. Một tối, ngồi bên đèn đùa với con, thấy nó chỉ lên bóng mình trên tường mà nói : “Bố đã đến kìa". Lúc đó mới biết là mình lầm thì không kịp nữa.
(Theo Nguyễn Đình Thi,
Sức sống của dân Việt Nam trong ca dao, cổ tích)
Trả lời:
Văn bản tóm tắt đã bao gồm những chi tiết quan trọng của truyện. Diễn biến theo trình tự câu chuyện. Các câu tạo nên một văn bản nhỏ vì có liên kết mạch lạc.
Về liên kết, chú ý đến các từ cùng trường nghĩa (bố, con, vợ, chàng, nàng), (lúc, khi, hôm, tối), các từ thay thế (nó, mình, đó)... Về mạch lạc, chú ý đến trình tự thời gian của các sự kiện, quan hệ nguyên nhân - kết quả của chúng,...
5. So sánh hai văn bản sau, xác định sự khác nhau về thể loại, về mục đích giao tiếp, về từ ngữ, về cách thức biểu hiện.
a) Sen : Cây mọc ở nước, lá to tròn, hoa màu hồng hay trắng, nhị vàng, hương thom nhẹ, hạt dùng để ăn. Đầm sen. Mứt sen. Chè ựớp sen.
(Từ điển tiếng Việt, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1988)
b)
Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
(Ca dao)
Trả lời:
Hai văn bản cùng nói về cây sen, nhưng khác nhau về nhiều phương diện :
- Về thể loại : Văn bản (a) là văn xuôi, văn bản (b) là văn vần.
- Về mục đích : Văn bản (a) nhằm cung cấp những hiểu biết về cây sen : nơi sống, hình dáng, cấu tạo và ích lợi của nó. Văn bản (b) lại có mục đích chính là qua hình tượng cây sen để ca ngợi một phẩm chất tốt đẹp của con người : trong môi trường xấu vẫn giữ được sự thanh khiết, trong sạch.
- Về từ ngữ : Ở văn bản (a) dùng nhiều từ ngữ chỉ có một nghĩa nói về đời sống tự nhiên của cây sen. Ở văn bản (b), nhiều từ ngữ được dùng với nghĩa chuyển (đẹp, bùn, hôi tanh, gần, mùi bùn).
- Về cách thức biểu hiện : Văn bản (a) thuộc phong cách khoa học (một mục từ trong từ điển). Văn bản (b) thuộc phong cách nghệ thuật.
6. Đọc đoạn văn sau và phân tích sự liên kết của các câu.
Tấm vâng lời, đi đào các lọ lên. Đào lọ thứ nhất lấy ra được một bộ áo mớ ba, một cái xống lụa, một cái yếm lụa điều và một cái khăn nhiễu. Đào lọ thứ hai lấy ra được một đôi giày thêu, đi vừa như in. Lọ thứ ba, đào lên thì thấy một con ngựa bé tí, nhưng vừa đặt con ngựa xuống đất, bỗng chốc nó đã hí vang lên và biến thành ngựa thật. Đào đến lọ cuối cùng thì lấy ra được một bộ yên cương xinh xắn.
(Tấm Cám)
Trả lời:
Đoạn văn có sự liên kết chặt chẽ. Về nội dung, các câu đều nói về việc Tấm đào các lọ chôn dưới đất và có được những tư trang đẹp. Về hình thức liên kết, cần chú ý các từ ngữ chỉ thứ tự, các từ ngữ cùng trường nghĩa quần áo, tư trang (bộ áo mớ ba, cái xống lụa, cái yếm lụa điều,...), việc lặp từ ngữ (đào, lọ,...)
Sachbaitap.com