06/05/2018, 19:11

Soạn bài: Tiếng hát con tàu

(Chế Lan Viên) Câu 1 : Ý nghĩa biểu tượng của hình tượng con tàu và địa danh Tây Bắc, giải thích nhan đề bài thơ và bốn câu thơ đề từ. Thực tế lúc đó chưa có đường tàu và con tàu lên Tây Bắc. Hình ảnh " con tàu " trong bài thơ chủ yếu mang ý nghĩa biểu tượng cho ...

(Chế Lan Viên)

Câu 1: Ý nghĩa biểu tượng của hình tượng con tàu và địa danh Tây Bắc, giải thích nhan đề bài thơ và bốn câu thơ đề từ.

   Thực tế lúc đó chưa có đường tàu và con tàu lên Tây Bắc. Hình ảnh "con tàu" trong bài thơ chủ yếu mang ý nghĩa biểu tượng cho khát vọng đi xa đến những vùng đất xa xôi hòa vào cuộc sống rộng lớn của nhân dân, đất nước. Đó là con tàu của tâm hồn nhà thơ khao khát về với ngọn nguồn sáng tạo nghệ thuật.

- "Tây Bắc" ngoài ý nghĩa cụ thể chỉ miền đất vùng cao phía Tây Bắc của tổ quốc, nó còn biểu tượng cho mọi miền xa xôi của đất nước, nơi có cuộc sống gian lao mà sâu nặng tình nghĩa, khắc ghi kỉ niệm một thời kháng chiến. Tây Bắc chính là Tổ quốc.

- Tiếng hát con tàu là tiếng hát của tâm hồn nhà thơ, hăm hở, sôi nổi làm cuộc hành trình đến với Tây Bắc, đến với cuộc sống lớn của nhân dân, cũng là đến với chân trời nghệ thuật mới.

- Bốn câu thơ đề từ là những cuộc hóa thân kì diệu trong tâm hồn nhà thơ, nói lên được sự gắn bó máu thịt giữa thi sĩ với Tổ quốc, với cuộc đời – nơi tạo ra nguồn cảm hứng vô tận cho thi ca.

Câu 2: Bố cục bài thơ:

  • 2 khổ đầu: Sự trăn trở, lời mời gọi lên đường.

  • 9 khổ giữa: Khát vọng về với nhân dân, nơi khắc ghi nhiều kỉ niệm nghĩa tình trong kháng chiến.

  • 4 khổ cuối: khúc hát lên đường say mê, tin tưởng.

   Bố cục 3 phần đã thể hiện sự vận động tâm trạng chủ thể trữ tình: phần đầu có sự day dứt, trăn trở. Đoạn giữa là dòng hoài niệm với cảm xúc thiết tha, biết ơn. Đoạn cuối sôi nổi, háo hức.

Câu 3: Niềm hạnh phúc lớn lao khi gặp lại nhân dân được nhà thơ thể hiện trong khổ thơ:

Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng hai chim én gặp mùa
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa.

   Tác giả đã tạo ra những cặp hình ảnh giàu tính tượng trưng, mỗi cặp một sắc thái khác nhau để so sánh làm nổi bật niềm hạnh phúc lớn lao của mình khi từ bỏ thế giới nhỏ hẹp của cá nhân để về với nhân dân. Đối với người con ở đây, nhân dân là nơi chan chứa tình yêu thương, che chở, cưu mang, là nguồn sống, là bầu sinh khí, tiếp sức cho anh.

   Hình ảnh so sánh phong phú chắt lọc từ đời sống thiên nhiên và con người nên rất bình dị, gần gũi. Cách sắp xếp hàng loạt hình ảnh so sánh cùng hướng tới một ý nghĩa tạo sự nồng nàn, tha thiết.

Câu 4:

   Nhân dân Tây Bắc trong hoài niệm của tác giả là những người dân lao động nghèo nhưng giàu lòng yêu nước, gắn bó nghĩa tình với kháng chiến. Đó là "người anh du kích", đã hi sinh trong một trận công đồn, trước lúc ra đi còn nhường lại chiếc áo đang mặc cho người kháng chiến. Chỉ là "chiếc áo nâu suốt một đời vá rách" nhưng nghĩa tình trong cử chỉ nhường áo đó mãi không thể quên. "Nhường cơm sẻ áo" đã trở thành những cử chỉ đẹp trong môi trường kháng chiến thiếu thốn. Trong bài "Việt Bắc", Tố Hữu đã viết:

Thương nhau chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng.

   Đó là hình ảnh "em liên lạc", một em thiếu nhi Tây Bắc sớm có lòng yêu nước, tận tụy, đầy ý thức trách nhiện với công việc "Mười năm tròn chưa mất một phong thư". Tình cảm của em đối với người kháng chiến rất đáng trân trọng, yêu thương, bảo vệ người kháng chiến hết mình (Rừng thưa em băng, rừng rậm em chờ).

   Hình ảnh "mế", người mẹ Tây Bắc ân cần chăm sóc người kháng chiến khi họ bị bệnh không phải một ngày, một tháng mà cả "mùa dài". Tình mẹ đối với người kháng chiến chẳng khác tình ruột thịt. Hình ảnh mẹ càng đẹp hơn trong sự phản chiếu lung linh của "lửa hồng soi tóc bạc".

   Hình ảnh cô gái Tây Bắc đọng lại trong cử chỉ ấm áp "Anh nắm tay em cuối mùa chiến dịch", trong hương thơm của "vắt xôi nuôi quân em giấu giữa rừng". Tình quân dân lâu dần thành tình đôi lứa. Nỗi nhớ được so sánh bằng những hình ảnh gợi bất ngờ, mới lạ, gợi được những tưởng tượng phong phú. (Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét, Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng ...)

- Cách xưng hô thân tình, ruột thịt (anh con, em con, mế ...) hình ảnh chân thực, từ ngữ gợi cảm, so sánh độc đáo … Đoạn thơ thể hiện lòng biết ơn, tình yêu thương sâu nặng đối với Tây Bắc. Nhân dân Tây Bắc như một đại gia đình ruột thịt của người kháng chiến.

- Khổ thơ:

Nhớ bản sương giăng nhớ đèo mây phủ
Nơi nào qua lòng lại chẳng yêu thương
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn

   Thể hiện niềm thương nhớ đằm thắm, sâu nặng với những mạnh đất mình đã đi qua. Những câu thơ triết lí nhưng không khô khan bởi vì nó dựa vào quy luật của tình cảm. Những miền đất lạ theo thời gian và nghĩa tình sẽ âm thầm bồi đắp tình yêu cho con người. Để rồi khi đi xa, những mảnh đất đó vẫn mãi theo người.

   Từ những cảm xúc suy tư về những chuyển hóa kì diệu của tâm hồn của người đúc kết thành triết lí đó chính là nét độc đáo trong phong cách thơ Chế Lan Viên.

Câu 5: Những câu thơ thể hiện rõ nhất chất suy tưởng và triết lí của Chế Lan Viên là:

Nhớ bản sương giăng nhớ đèo mây phủ
 	....
Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương.

Câu 6: Nghệ thuật sáng tạo hình ảnh của Chế Lan Viên trong bài thơ:

   Bài thơ Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên hấp dẫn người đọc một phần là ở nghệ thuật sáng tạo hình ảnh. Biểu hiện ở:

- Sự phong phú, đa dạng các loại hình ảnh:

   + Hình ảnh thực với chi tiết cụ thể (hình ảnh "mế", hình ảnh người du kích, em liên lạc, …)

   + Hình ảnh biểu tượng (con tàu, vầng trăng, mặt hồng em, suối lớn mùa xuân, …)

   + Hình ảnh tượng tưởng (con tàu mộng tưởng, mỗi đêm khuya uống một vầng trăng, …)

- Sử dụng đa dạng các phương thức sáng tạo hình ảnh:

   + Tả thực (khổ 6, 7, 8)

   + So sánh (khổ 5 và 10)

   + Ẩn dụ (con tàu, vầng trăng, …)

- Hình ảnh thường được tổ chức thành từng chuỗi liên kết, tiếp nối, bổ sung nhằm khắc sâu ý tưởng, cảm xúc.

Các bài soạn văn lớp 12

0