27/04/2018, 16:15

Soạn bài Ông đồ SBT Ngữ Văn 8 tập 2

Giải câu 1, 2, 3 trang 6 SBT Ngữ Văn 8 tập 2. Theo em, hai khổ thơ đầu và ba khổ thơ sau của bài thơ Ông đồ có những điểm gì giống và khác nhau ? Hãy làm rõ ý kiến của mình qua việc phân tích các khổ thơ. ...

Giải câu 1, 2, 3 trang 6 SBT Ngữ Văn 8 tập 2. Theo em, hai khổ thơ đầu và ba khổ thơ sau của bài thơ Ông đồ có những điểm gì giống và khác nhau ? Hãy làm rõ ý kiến của mình qua việc phân tích các khổ thơ.

1. Em hãy trình bày những hiểu biết của mình về "ông đồ" và việc "thuê viết" chữ thời xưa.

Trả lời:

Để cảm nhận được bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên, các em cần phải có một số hiểu biết nhất định về "ông đồ" và nghệ thuật thư pháp thời xưa. Trả lời đúng câu hỏi này là đã có được cơ sở cần thiết để hiểu bài thơ.

Ông đồ là người dạy chữ nho ngày xưa. Khi nền Hán học còn thịnh thì ông đồ dù không đỗ đạt, không làm quan, chỉ sống bằng nghề dạy học, ông vẫn luôn được xã hội trọng vọng.

Chữ nho là thứ chữ tượng hình, viết bằng bút lông mềm mại, có một vẻ đẹp riêng. Cá tính và nhân cách của người viết nhiều khi thể hiện ngay trên nét chữ. Viết chữ đẹp từ xưa đã trở thành một môn nghệ thuật

Dán chữ, treo câu đối chữ nho - nhất là trong những ngày Tết - là một nét sinh hoạt văn hoá của người Việt Nam từ xưa. Tết đến, người ta thường mua chữ hoặc xin chữ. Người bán chữ hoặc cho chữ thường viết lên tờ giấy, mảnh lụa hay phiến gỗ,... để chủ nhân mang về làm vật trang trí trong nhà. Chữ viết phải đẹp và ý nghĩa của chữ phải sâu sắc, hợp tình, hợp cảnh. Cách viết chữ nho đẹp trở thành một bộ môn nghệ thuật gọi là thư pháp. Và người có tài viết chữ đẹp rất được kính trọng. Cao Bá Quát (thế kỉ XIX) là một trong những người nổi tiếng về nghệ thuật thư pháp.

2. Theo em, hai khổ thơ đầu và ba khổ thơ sau của bài thơ Ông đồ có những điểm gì giống và khác nhau ? Hãy làm rõ ý kiến của mình qua việc phân tích các khổ thơ.

Trả lời:

Giữa hai khổ đầu và ba khổ sau của bài thơ có những điểm giống và khác nhau :

Tất cả đều tập trung miêu tả ông đồ ngồi bán chữ trong ngày giáp Tết. Nhưng hai khổ thơ đầu và ba khổ thơ cuối thể hiện những nội dung cảm xúc khác nhau, bởi miêu tả ông đồ ở hai giai đoạn khác nhau.

Hai khổ đầu miêu tả hình ảnh ông đồ khi Hán học đang thịnh vượng, ông được xã hội trọng vọng. Mồi khi Tết đến, ông trở thành nhân vật quan trọng của chốn phố phường. Cái "cửa hàng văn hoá lưu động" (theo cách nói của Vũ Quần Phương) mới đông vui làm sao ! Ông đồ xuất hiện trong những màu sắc rực rỡ của hoa đào, của giấy đỏ ; trong âm thanh tươi vui và trong không khí nhộn nhịp của phố phường. Chữ ông viết ra rất đẹp nên những người thuê viết cứ “tâm tắc ngợi khen tài”. Ở hai khổ thơ đầu, những câu thơ có nhịp điệu nhanh, liền mạch, âm hưởng vui tươi.

Ba khổ cuối miêu tả ông đồ khi Hán học đã suy tàn, ông bị gạt ra ngoài lề xã hội. Người ta bỏ chữ nho để học chữ Pháp, chữ quốc ngữ. Trong bối cảnh ấy, tình cảnh ông đồ trở nên đáng buồn. Người thuê viết giảm đi theo thời gian, "mỗi năm mỗi vắng". Người buồn, nên những vật dụng đã từng gắn bó thân thiết với cuộc đời ông đồ cũng sầu thảm theo : Giấy đỏ chảng thắm tươi như ngày xưa, mực đọng trong nghiên cũng sầu não theo (Giấy đỏ buồn không thắm - Mực đọng trong nghiên sầu). Thế là, cho dù vẫn hiện diện, "vẫn ngồi đấy", nhưng ông đồ chẳng còn được ai để ý; ông đã bị người đời lãng quên rồi. Ồng chỉ còn là "cái di tích tiều tuỵ đáng thương của một thời tàn" (lời tác giả).

Rồi Tết lại đến, hoa đào lại nở, nhưng không ai còn thấy “ông đồ xưa”. Vậy là ông đã đi hẳn vào quá khứ, vĩnh viễn vắng bóng trong cuộc sống náo nhiệt đương thời. Hai câu cuối bài thơ là một câu hỏi day dứt, ngậm ngùi : “Những người muôn năm cũ - Hồn ở đâu bây giờ ?”. Câu hỏi không lời đáp ấy cứ vương vấn không dứt trong lòng người đọc khi đọc xong bài thơ.

3. Theo em, bài thơ Ông đồ có những đặc sắc nghệ thuật gì ?

Trả lời:

Ông đồ là một bài thơ hay. Lời thơ trong sáng, giản dị, nhưng rất hàm súc, "ý tại ngôn ngoại". Hình ảnh thơ bình dị nhưng đầy gợi cảm, có sức khái quát cao, ví dụ như câu : "Lá vàng rơi trên giấy - Ngoài giời mưa bụi bay". Bài thơ có kết cấu chặt chẽ theo lối đầu cuối tương ứng (mở đầu là "Mỗi năm hoa đào nở - Lại thấy ông đồ già" và kết thúc là "Năm nay đào lại nở - Không thấy ông đồ xưa") tập trung làm nổi bật chủ đề mang tinh thần hoải cổ cảnh đó người đâu. Thể thơ ngũ ngôn đã được sử dụng, khai thác có hiệu quả nghệ thuật cao để diễn tả những tâm tình sâu lắng.

Sachbaitap.com

0