Soạn bài Nội dung và hình thức của văn bản văn học SBT Ngữ văn 10 tập 2
Giải câu 1, 2, 3, 4, 5 trang 102 SBT Ngữ văn 10 tập 2. Anh (chị) hiểu đề tài của văn bản văn học là gì ? Hãy xác định đề tài của Tắt đèn (Ngô Tất Tố) và nêu ý nghĩa của đề tài này đối với xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. ...
Giải câu 1, 2, 3, 4, 5 trang 102 SBT Ngữ văn 10 tập 2. Anh (chị) hiểu đề tài của văn bản văn học là gì ? Hãy xác định đề tài của Tắt đèn (Ngô Tất Tố) và nêu ý nghĩa của đề tài này đối với xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.
1. Anh (chị) hiểu đề tài của văn bản văn học là gì ? Hãy xác định đề tài của Tắt đèn (Ngô Tất Tố) và nêu ý nghĩa của đề tài này đối với xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Trả lời:
Đề tài là lĩnh vực đời sống được nhà văn nhận thức, lựa chọn, khái quát, bình giá và thể hiện trong văn bản. Việc lựa chọn đề tài đã bước đầu bộc lộ khuynh hướng và ý đồ sáng tác của tác giả.
Tắt đèn viết về đời sống của lớp người nào trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 ? Đề tài ấy có ý nghĩa như thế nào ?
Có thể so sánh đề tài của Tắt đèn với đề tài của một số tác phẩm khác cùng thời để làm nổi bật ý nghĩa. Ví dụ đề tài viết về tình yêu trong các tác phẩm văn học lãng mạn.
2. Hãy nêu chủ đề và ý nghĩa của truyện sau :
ĐẼO CÀY GIỮA ĐƯỜNG
Xưa có một người thợ mộc dốc hết vốn trong nhà ra mua gỗ để làm nghề đẽo cày. Cửa hàng anh ta ở ngay bên vệ đường. Người qua, kẻ lại thường ghé vào xem anh ta đẽo bắp cày.
Một hôm, một ông cụ nói:
- Phải đẽo cho cao, cho to thì cày mới dễ.
Anh ta cho là phải, đẽo cái nào cũng vừa to, vừa cao.
Mấy hôm sau, một bác nông dân rẽ vào, nhìn đống cày, lắc đầu nói:
- Đẽo thế này thì cày sao được ! Phải đẽo nhỏ hơn, thấp hơn mới dễ cày.
Nghe cũng có lí, anh ta liền đẽo cày vừa nhỏ, vừa thấp. Nhưng hàng đầy ra ở cửa, chẳng ai mua. Chợt có người đến bảo :
- Ở miền núi, người ta vỡ hoang, toàn cày bằng voi cả. Anh mau đẽo cày to gấp đôi, gấp ba như thế này thì bao nhiêu bán cũng hết, tha hồ mà lãi.
Nghe nói được nhiều lãi, anh ta đem tất cả số gỗ của nhà còn lại đẽo toàn loại cày để cho voi cày. Nhưng ngày qua, tháng lại, chẳng thấy ai đến mua cày voi của anh ta cả. Thế là bao nhiêu gỗ anh ta đẽo hỏng hết, cái thì bé quá, cái thì to quá. vốn liếng đi đời nhà ma. Khi anh ta biết cả tin là dại thì đã quá muộn !
(Theo Trương Chính)
Trả lời:
Chủ đề là vấn đề cơ bản được nêu ra trong văn bản. Chủ đề thể hiện điều quan tâm cũng như chiều sâu nhận thức của nhà văn đối với cuộc sống.
Để tìm hiểu chủ đề và ý nghĩa của truyện Đẽo cày giữa đường, anh (chị) hãy trả lòi các câu hỏi :
a) Có nên để mọi người góp ý kiến vào công việc của mình đang làm không ?
b) Có thể theo tất cả các ý kiến khác nhau của mọi người không ?
c) Thế nào là một người có chủ kiến, có bản lĩnh khi tiếp thu ý kiến của người khác ?
Từ kết quả trả lời các câu hỏi trên, anh (chị) sẽ rút ra được chủ đề và ý nghĩa của truyện này là gì.
3. Tìm hiểu chủ đề của bài thơ sau :
Ở làng tôi đã lâu lắm - từ xưa,
Ở làng tôi có một dòng suối nhỏ.
Và bầy trẻ tắm hôm nào ở đó
Đã lớn lên thành những ông già.
Những dòng sông, dù năm tháng đi qua,
Trước cặp mắt con người, vẫn trẻ.
Vẫn róc rách nói cười như đứa bé,
Chảy qua rừng, qua đá vẫn như xưa.
(Ra-xun Gam-za-tốp)
Trả lời:
Bài thơ không mang tên này trích trong tập thơ Con người - Những ngôi sao xa của E-đu-ác-đát Mê-gie-lai-tít và Ra-xun Gam-za-tốp do Thái Bá Tân dịch, NXB Lao động, Hà Nội, 1983. Lời dịch rõ ràng, giữ lại được sự hồn nhiên của tâm hồn người miền núi Đa-ghét-xtan.
Bài thơ có hai khổ, như đối sánh nhau, nói về hai hiện tượng khác hẳn nhau. Tìm ra được sự khác nhau đó, anh (chị) sẽ nhận ra chủ đề của bài thơ.
Anh (chị) có suy nghĩ gì sau khi đọc bài thơ này ?
Có thể tìm hiểu thêm : Chủ đề này có xa lạ với thơ Việt Nam không ?
4. Bài tập 2, trang 130, SGK.
Phân tích tư tưởng bài thơ sau của Nguyễn Khoa Điềm.
Những mùa quả mẹ tôi hái được
Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng
Những mùa quả lặn rồi lại mọc
Như mặt trời, khi như mặt trăng.
Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên
Còn những bí và bầu thì lớn xuống
Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn
Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi.
Và chúng tôi, một thứ quả trên đời
Bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được hái
Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi
Mình vẫn còn một thứ quả non xanh.
(Thơ Việt Nam 1945 - 1985, NXB Văn học, Hà Nội, 1985)
Trả lời:
- Hai khổ thơ đầu nói đến lòng mong mỏi đợi chờ cũng như công phu khó nhọc của người mẹ khi chăm sóc cây trái trong vườn. Những quả bí, quả bầu đúng là có "dáng giọt mồ hôi mặn" như tượng trưng cho công sức (đổ mồ hôi) của người chăm sóc, vun trồng.
- Từ chuyện trồng cây, khổ ba chuyển sang chuyện "trồng người". Tác giả ví mình như một thứ quả mà người mẹ đã gieo trồng, chăm sóc. Ở đây có hai nhã ngữ : "bàn tay mẹ mỏi" tức là không còn đủ sức lực nữa, cũng có thể là chết ; "quả non xanh" tức là quả chưa chín - ở đây ý muốn nói là người chưa trưởng thành, chưa hoàn thiện, còn nhiều khuyết điểm.
Từ sự lo lắng sâu sắc ("tôi hoảng sợ"), tác giả thấy phải tự hoàn thiện bản thân để đền đáp công ơn người đã nuôi nấng, dạy dỗ và đặt hi vọng vào mình.
Từ mẹ ở đây còn có thể hiểu rộng ra là Tổ quốc. Đó là tư tưởng của bài thơ.
5. Tìm hiểu cảm hứng nghệ thuật của bài thơ sau :
TỪ ẤY
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim...
Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời
Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ...
Tháng 7 - 1938
(Thơ Tố Hữu, NXB Giáo dục, 1994)
Trả lời:
Cảm hứng nghệ thuật là nội dung tình cảm chủ đạo của tác phẩm. Ví dụ cảm hứng nghệ thuật của Vũ Trọng Phụng trong Số đỏ là lòng căm ghét những cái lố lăng, kệch cỡm, phản văn hoá của một số người tư sản thành thị trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Để tìm hiểu cảm hứng nghệ thuật trong bài thơ Từ ấy, anh (chị) cần trả lời các câu hỏi sau đây :
a) "Mặt trời chân lí" trong bài này là gì ?
b) Những từ, cụm từ nào nói lên sự đổi khác rõ rệt trong tình cảm của tác giả khi có "mặt trời chân lí" chiếu sáng ?
c) Tình cảm của tác giả gắn bó với lớp người nào trong xã hội ? Nêu các phép tu từ đã được sử dụng để nhấn mạnh sự gắn bó đó.
d) Vì sao có thể nói qua cảm hứng nghệ thuật, ta thấy rõ tư tưởng của tác phẩm ? Hãy nêu tư tưởng của bài thơ này.
Sachbaitap.com