01/06/2017, 11:19

Soạn bài nội dung và hình thức của văn bản văn học

NỘI DUNG VÀ HÌNH THỨC CỦA VĂN BẢN VĂN HỌC A- GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI, BÀI TẬP I- Hướng dẫn học bài: Bài tập 1. Đề tài của văn bản văn học là gì? Cho ví dụ. Gợi ý: - Đề tài là lĩnh vực đời sống được nhà văn nhận thức, lựa chọn, khái quát, bình giá và thể hiện trong văn bản. Việc lựa chọn đề tài bước ...

NỘI DUNG VÀ HÌNH THỨC CỦA VĂN BẢN VĂN HỌC A- GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI, BÀI TẬP I- Hướng dẫn học bài: Bài tập 1. Đề tài của văn bản văn học là gì? Cho ví dụ. Gợi ý: - Đề tài là lĩnh vực đời sống được nhà văn nhận thức, lựa chọn, khái quát, bình giá và thể hiện trong văn bản. Việc lựa chọn đề tài bước đầu bộc lộ khuynh hướng và ý đồ sáng tác của tác giả. - Một số VD về đề tài: + Đề tài của truyện ngắn Lão Hạc (Nam Cao) là cuộc sống và số phận bi thảm của ...

NỘI DUNG VÀ HÌNH THỨC CỦA VĂN BẢN VĂN HỌC

A- GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI, BÀI TẬP

I-   Hướng dẫn học bài:

Bài tập 1. Đề tài của văn bản văn học là gì? Cho ví dụ.

Gợi ý:

-     Đề tài là lĩnh vực đời sống được nhà văn nhận thức, lựa chọn, khái quát, bình giá và thể hiện trong văn bản. Việc lựa chọn đề tài bước đầu bộc lộ khuynh hướng và ý đồ sáng tác của tác giả.

-     Một số VD về đề tài:

+ Đề tài của truyện ngắn Lão Hạc (Nam Cao) là cuộc sống và số phận bi thảm của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám.

+ Đề tài của Truyện Kiều (Nguyễn Du) là cuộc đời và số phận bất hạnh của người phụ nữ trong bối cảnh xã hội phong kiến thối nát.

+ Đề tài của bài thơ Đồng chí (Chính Hữu) là tình đồng chí, đồng đội của những anh bộ đội Cụ Hồ trong kháng chiến chống Pháp.

+ Bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh lấy đề tài về mùa thu, cụ thể là thời khắc giao mùa.

Bài tập 2. Chủ đề là gì? Cho ví dụ.

Gợi ý:

-     Chủ đề là vấn đề cơ bản được nêu ra trong tác phẩm. Chủ đề thể hiện điều quan tâm cũng như chiều sâu nhận thức của nhà văn đối với cuộc sống.

Một văn bản có thể có nhiều chủ đề. Tầm quan trọng của chủ đề không phụ thuộc và khuôn khổ văn bản, cũng không phụ thuộc vào việc chọn đề tài. Có những văn bản rất ngắn, đề tài lại rất hẹp nhưng chủ đề đặt ra lại hết sức lớn lao (chẳng hạn như bài ca dao Hoa sen; bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương).

-     Một số VD về chủ đề:

+ Chủ đề của truyện ngắn Lão Hạc (Nam Cao) là nhân cách, lòng tự trọng của người nông dân trước cái đói, sự nghèo khổ.

+ Chủ đề của Truyện Kiều (Nguyễn Du) là thực trạng xã hội vô nhân đạo và số phận con người sống trong xã hội ấy. Vấn đề tình yêu, nhân phẩm, công lí,... cũng được Nguyễn Du đặt ra để lí giải.

+ Truyện ngắn Bức tranh của Nguyễn Minh Châu cũng là một trong những văn bản chứa nhiều chủ đề mà chủ đề chính là vấn đề đạo đức của con người. Bên cạnh đó, nhà văn còn đặt ra nhiều vấn đề khác như: vấn đề người lính trong và sau chiến tranh; vấn đề bi kịch chiến tranh; vấn đề thế nào là một tác phẩm nghệ thuật đích thực?...

Bài tập 3. Mối quan hệ giữa cảm hứng và tư tưởng trong văn bản văn học.

Gợi ý:

-     Cảm hứng nghệ thuật là nội dung tình cảm chủ đạo của văn bản. Những trạng thái tâm hồn, những cảm xúc được thể hiện đậm đà, nhuần nhuyễn trong văn bản sẽ truyền cảm và hấp dẫn người đọc. Qua cảm hứng nghệ thuật, người đọc cảm nhận được tư tưởng, tình cảm của tác giả nêu trong văn bản.

-     Tư tưởng của văn bản là sự lí giải đối với chủ đề đã nêu lên, là nhận thức của tác giả muốn trao đổi, nhắn gửi, đối thoại với người đọc. Tư tưởng là linh hồn của văn bản văn học.

-     Cảm hứng nghệ thuật và tư tưởng của văn bản có mối quan hệ mật thiết. Cách nêu lên nhận thức, lí giải chủ đề của tác giả bao giờ cũng chứa đựng trong đó những trạng thái tâm hồn, những cảm xúc cá nhân. Đây là mối quan hệ rất khó tách bạch.

Bài tập 4. Hãy nêu ý nghĩa quan trọng của nội dung và hình thức trong văn bản văn học.

Gợi ý:

-     Một văn bản văn học tốt về nội dung, đẹp về hình thức sẽ đáp ứng được những chức năng chủ yếu của văn học: nhận thức, giáo dục, thẩm mĩ, giao tiếp,... Không quan tâm đến nội dung, chỉ chú ý đến hình thức và, ngược, lại không quan tâm đến hình thức, chỉ chú ý đến nội dung đều không thể đạt yêu cầu của một văn bản văn học, do đó khôn thể thực hiện được các chức năng của văn học.

-     Sự hoà hợp giữa nội dung tư tưởng cao đẹp và hình thức nghệ thuật hoàn mĩ là phẩm chất của các tác phẩm văn học ưu tú.

II- Luyện tập:

Bài tập 1. So sánh đề tài của hai văn bản văn học Tắt đèn của Ngô Tất Tố và Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan.

Gợi ý:

-     Điểm giống nhau của hai văn bản văn học trên là đều viết về cuộc sống bị bóc lột, áp bức dẫn đến tình cảnh cơ cực của người nông dân ở nông thôn trước Cách mạng tháng Tám.

-     Điểm khác nhau:

+ Tắt đèn miêu tả cuộc sống của người nông dân ở nông thôn trong những ngày sưu thuế. Họ bị thúc sưu, bị dồn đến bước đường cùng phải bán con vẫn không xong buộc phải vùng lên phản kháng.

+ Bước đường cùng miêu tả cuộc sống hằng ngày diễn ra quanh năm suốt tháng của người nông dân. Họ bị áp bức, bóc lột, bị bọn địa chủ dùng thủ đoạn cho vay nặng lãi để cướp lúa, cướp đất nên lâm vào bước đường cùng, không lối thoát phải đứng lên chống lại.

-     Cũng viết về người nông dân nhưng Nam Cao lại đi sâu khai thác những bi kịch tinh thần, kết quả của những bi kịch vật chất. Người nông dân bị bóc lột đến bần cùng hoá, tiếp tục bị áp bức dẫn tới bị tha hoá, thành quỷ, thành nửa người, nửa ngợm,... Trong tình cảnh ấy nếu muốn giữ nhân cách chỉ còn một con đường duy nhất: chết.

Các nhà văn lãng mạn cũng viết về đề tài người nông dân nhưng họ chỉ khai thác chất thơ sau luỹ tre làng với những đêm trăng thanh bình, những đôi trai gái hẹn hò bên gốc đa, giếng nước, địa chủ tân tiến thì giúp đỡ nông dân làm ăn...

Cùng là đề tài nông thôn và cuộc sống của người nông dân trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 nhưng mỗi xu hướng văn học có cách nhìn, cách lí giải khác nhau. Ngay trong cùng một xu hướng, mỗi tác giả cũng có cách nhìn khác nhau. Ngay cùng một tác giả, mỗi văn bản văn học khác nhau có những khía cạnh khác nhau được quan tâm. Có như vậy, văn học mới tạo nên được sự đa dạng, phong phú, độc đáo và hấp dẫn.

Bài tập 2. Phân tích tư tưởng bài thơ "Mẹ và quả” của Nguyễn Khoa Điềm (xem bài thơ trong SGK).

Gợi ý:

-     Bài thơ có sự đan cài giữa hai thứ quả được vun trồng, chăm sóc từ bàn tay mẹ. Đó là quả bí, quả bầu,... trong vườn mẹ và những đứa con của mẹ. Chuyện bí, bầu chỉ là cái duyên cớ để men theo đó nhà thơ nói chuyện những đứa con. Tư tưởng của bài thơ cứ sáng dần qua từng khổ thơ.

-     Khổ thứ nhất là những suy ngẫm mang tính khái quát về những mùa quả của mẹ. Khổ thứ hai dựng lên một sự tương phản thú vị và có ý nghĩa sâu sắc giữa "chúng tôi" và "bầu", "bí". Chúng tôi thì "lớn lên", bí bầu thì "lớn xuống". Một liên tưởng thú vị xâu chuỗi hai hình ảnh lại trong một ý nghĩa vô cùng sâu sắc: những quả bí, quả bầu giống hình thù những giọt mồ hôi của mẹ. Như vậy, dù "lớn lên" như chúng tôi, hay "lớn xuống" như bầu bí cũng từ bàn tay mẹ, từ mồ hôi và nước mắt của đời một người mẹ nghèo cơ cực, chắt chiu.

-     Hai khổ thơ trước là bước đệm để kết lại bằng một khổ thơ làm sáng bừng tư tưởng cả bài:

Và chúng tôi một thứ quả trên đời

Bảy mươi tuổi mẹ mong chờ được hái

Tôi hoảng sợ, ngày bàn tay mẹ mỏi

Mình vẫn còn một thứ quả non xanh.

Cái giật mình "hoảng sợ" của người con đã nói lên tất cả. Người con "hoảng sợ" nghĩ đến "ngày bàn tay mẹ mỏi", ngày giàn bầu bí thì vẫn cao mà lưng mẹ còng xuống, ngày mẹ gần đất xa trời mà bầu bí chúng tôi "vẫn còn một thứ quả non xanh”. Người con thương mẹ, khắc ghi công lao sinh thành, dưỡng dục của mẹ và mong được sớm đáp đền. Đó là ý nghĩa tư tưởng sâu sắc của bài thơ. Tư tưởng này cũng có thể được hiểu rộng ra trong sự liên tưởng: "mẹ" chính là Tổ quốc còn "chúng tôi" là những công dân.

0