Soạn bài Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu SBT Ngữ Văn 7 tập 2
Giải câu 1, 2, 3, 4 trang 73 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 7 tập 2. “Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu” đã được in trong một tập sách có tên là “Truyện và kí” của Nguyễn Ái Quốc. Vậy theo em, về thể loại, nó thuộc thể kí hay thể truyện ? ...
Giải câu 1, 2, 3, 4 trang 73 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 7 tập 2. “Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu” đã được in trong một tập sách có tên là “Truyện và kí” của Nguyễn Ái Quốc. Vậy theo em, về thể loại, nó thuộc thể kí hay thể truyện ?
Bài tập
1. “Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu” đã được in trong một tập sách có tên là “Truyện và kí” của Nguyễn Ái Quốc. Vậy theo em, về thể loại, nó thuộc thể kí hay thể truyện ?
2. Ví thử truyện “Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu” dừng lại ở câu : "Nhưng cứ xét binh tình, thì đó chỉ là vì (Phan) Bội Châu không hiểu Va-ren cũng như Va-ren không hiểu (Phan) Bội Châu" thì có được không ? Nhưng ở đây lại có thêm đoạn kết trong đó có chi tiết về lời quả quyết của anh lính dõng An Nam và chi tiết về lời suy đoán thêm của tác giả. Thêm như thế có giá trị hay không ? Nếu có thì đó là giá trị gì ?
3*. Câu 5, trang 95, SGK.
4. Hãy nêu các chi tiết nghệ thuật mà em thích nhất khi học bài “Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu”.
Gợi ý làm bài
1. a) Bài tập nhằm rèn luyện kĩ năng nhận diện thể loại văn học trong khi học bất cứ một tác phẩm văn học nào, điều mà SGK Ngữ văn THCS mới (tích hợp) rất quan tâm. Cần nhớ : Bất cứ một tác phẩm văn học nào cũng phải tồn tại dưới dạng một thể loại cụ thể. Hiểu tác phẩm là phải hiểu từ thể loại của nó để rồi hiểu tới các vấn đề khác.
b) Riêng với tác phẩm “Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu”, việc hiểu đúng thể loại là rất cần thiết, bởi lẽ :
- Tác phẩm được in trong một tập “Truyện và kí” chứ không phải kí hoặc truyện. Vậy nó là kí hay truyện ?
- Việc xác định tác phẩm thuộc thể loại kí hay truyện là có ý nghĩa đối với việc nhận thức tính chất ghi chép sự thật hay sáng tạo từ sự thật để có nội dung của tác phẩm.
c) Làm thế nào để xác định đúng tác phẩm thuộc thể loại kí hay thể loại truyện ?
Trước hết hãy tìm hiểu hoàn cảnh ra đời của tác phẩm để sơ bộ tìm kết luận nó thuộc thể loại nào. Sau đó đọc kĩ lại tác phẩm để kiểm chứng thêm xem dự kiến kết luận đó đã đúng chưa.
Trong việc tìm hiểu hoàn cảnh ra đời tác phẩm, có ba điều cần xem xét:
- Khi viết tác phẩm, tác giả sống ở đâu ?
- Tác phẩm được viết trước hay sau khi Va-ren sang Đông Dương nhận chức Toàn quyền ?
- Va-ren sau khi sang Đông Dương, đến Hà Nội có vào Hoả Lò gặp Phan Bội Châu không ?
Sau đây là những điều cần biết:
- Tác phẩm được đăng trên báo Người cùng khổ số 36 và 37 tháng 9 và 10 năm 1925. Nhưng đầu năm 1925, Nguyễn Ái Quốc đã ở Trung Quốc (cũng có nghĩa là không ở Đông Dương) để chứng kiến chuyện Va-ren đến Đông Dương.
- Tác phẩm được đăng vào tháng 9 và 10 năm 1925, trong khi phiên toà xử Phan Bội Châu tại Hà Nội lại diễn ra sau đó vào ngày 23 tháng 11 năm 1925.
- Va-ren đến Đông Dương sau ngày Phan Bội Châu bị xử án và đang có phong trào của nhân dân đòi thả cụ Phan.
- Va-ren vừa đến Hà Nội đã phải đương đầu với phong trào đó. Hiện chưa có tài liệu nào nói rằng y có vào Hoả Lò gặp cụ Phan.
Em hãy phân biệt sự khác nhau giữa kí và truyện và từ những tư liệu được cung cấp trên đây, suy luận và sơ bộ nêu kết luận về thể loại của tác phẩm. Sau đó, đọc kĩ lại tác phẩm để đối chiếu với dự kiến kết luận.
d) Nếu kết luận tác phẩm thuộc thể loại truyện thì cần nghĩ tiếp về tính chất truyện của tác phẩm mà trong đó sự hư cấu nghệ thuật (tức là sự sáng tạo nghệ thuật bằng khả năng tưởng tượng) vốn là phương thức nghệ thuật đặc trưng, để từ đó nhận rõ hơn tài năng viết truyện của tác giả.
2. a) Bài tập này nhằm rèn luyện một phương diện trong kĩ năng phân tích tác phẩm văn học là việc phân tích chi tiết của tác phẩm, đặc biệt là loại chi tiết có hàm lượng tư tưởng nghệ thuật cao, để hiểu thêm về sự sáng tạo trong văn chương.
b) Để tiến hành bài tập này, em đọc kĩ lại toàn bộ tác phẩm và suy nghĩ để trả lời các câu hỏi sau :
- Nếu truyện dừng lại ở câu : "Nhưng cứ xét binh tình, thì đó chỉ là vì (Phan) Bội Châu không hiểu Va-ren cũng như Va-ren không hiểu (Phan) Bội Châu" thì chủ đề câu chuyện, những ý cơ bản nhất mà tác giả muốn nói với người đọc đã rõ chưa ? (phê phán trò bịp bợm, trò lố của Va-ren ; đề cao khí phách anh hùng của Phan Bội Châu trước kẻ thù).
- Ví thử truyện dừng ở câu đó, nhưng ở đây lại có thêm đoạn kết, trong đó có lời quả quyết của anh lính dõng An Nam và lời suy đoán của tác giả, thì đó có phải là sự độc đáo làm phong phú, sâu sắc thêm nội dung của tác phẩm không ? Để có kết luận, em trả lời tiếp các câu hỏi sau :
+ Anh lính dõng An Nam nói quả quyết đã thấy cử chỉ gì ở người tù lừng tiếng (tức Phan Bội Châu) ? Cử chỉ đó nói lên thái độ như thế nào của Phan Bội Châu đối với kẻ thù ?
+ Nội dung lời suy đoán thêm của tác giả về Phan Bội Châu là gì ? Qua nội dung đó, em thầy gì về thái độ của Phan Bội Châu trước kẻ thù ?
- Từ kết quả trả lời trên, hãy kết luận về tính độc đáo của đoạn kết và nêu ý nghĩa của đoạn kết đó trong toàn bộ tác phẩm bằng cách trả lời thêm các câu hỏi sau :
+ Đoạn kết đã nâng giá trị nội dung tư tưởng của tác phẩm như thế nào ?
+ Nâng thêm như thế sẽ tạo thêm hứng thú gì cho người đọc ?
3*. a) Bài tập này nhằm rèn luyện thêm kĩ năng phân tích nghệ thuật trong một tác phẩm văn học. Ở đây với lời T.B (tái bút), điều cần nhận thức là tính độc đáo, hấp dẫn, ý nghĩa nâng cấp nội dung tư tưởng tác phẩm của nó.
b) Để làm rõ những điều đó, hãy thực hiện các hoạt động bằng cách trả lời các câu hỏi sau đây :
- Trong phạm vi hiểu biết của mình, em đã thấy có ai viết truyện mà lại thêm lời T.B như ở đây không ? Nếu chỉ ở đây mới có thì nên đánh giá như thế nào ?
- Thêm lời T.B như thế đã tạo thêm được điều gì lí thú ?
- Việc phân tích đoạn kết đã cho thấy lời quả quyết của anh lính dõng An Nam và lời suy đoán thêm của tác giả có ý nghĩa như thế nào ? Ở nội dung T.B nàylại có thêm lời quả quyết của nhân chứng thứ hai và lời suy đoán thêm của tác giả. Vậy đó là sự trùng lặp hay là sự bổ sung, nâng cấp, bộc lộ rõ thêm thái độ của Phan Bội Châu trước Va-ren ?
c) Từ kết quả phân tích, lí giải trên, em hãy suy nghĩ, phát biểu về vai trò của phần cuối trong một tác phẩm truyện. Để rõ hơn giá trị của lời T.B cũng như đoạn kết đã được phân tích, em hãy đặt ngược vấn đề để suy nghĩ : Giả sử truyện không có đoạn kết và lời T.B như thế thì giá trị của tác phẩm sẽ dừng lại ở mức nào ? Hứng thú của người đọc truyện dừng lại ở đâu ?
4. - Cần thấy mục đích của bài tập này là nhằm rèn luyện năng lực đọc văn trong đó có yêu cầu biết chọn đúng những chi tiết nghệ thuật có hàm lượng tư tưởng - nghệ thuật lớn, hấp dẫn nhất.
- Cách làm : Phải đọc đi đọc lại nhiều lần để có cách chọn đúng. Chọn xong, phải suy nghĩ để giải thích làm rõ giá trị của chi tiết đó.
Cụ thể ở “Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu”, em có thể chọn hai chi tiết sau :
a) Cái im lặng dửng dưng của Phan Bội Châu suốt buổi gặp gỡ.
Tại sao chọn chi tiết này ? Chi tiết này hay ở chỗ : im lặng là không nói gì nhưng thực ra lại nói được rất nhiều và rất cơ bản về nhân cách và thái độ của nhà đại ái quốc Phan Bội Châu trước kẻ thù : Đó là sự khinh miệt, sự bất hợp tác, sự kiên định lập trường yêu nước của Phan Bội Châu.
b) Đôi ngọn râu mép người tù nhếch lên một chút rồi lại hạ xuống ngay, và cái đó chỉ diễn ra có một lần thôi.
Tại sao chọn chi tiết này ? Chi tiết này hay ở chỗ chỉ với một cử chỉ rất nhỏ - ở đây là cử chỉ nhếch một chút đôi ngọn râu mép mà nói được Tất nhiều thái độ của Phan Bội Châu trước kẻ thù. Đó là sự khinh bỉ chúng một cách thậm tệ.
Từ hai chi tiết trên, em cần ghi nhận : trong văn chương, vai trò của chi tiết, đặc biệt là chi tiết quan trọng là rất lớn. Trong văn chương, yêu cầu lời ít ý nhiều còn là thế.
Sachbaitap.com