27/04/2018, 16:09

Soạn bài Những ngôi sao xa xôi (trích) SBT Ngữ Văn 9 tập 2

Giải câu 1, 2, 3, 4, 5 trang 72 SBT Ngữ Văn 9 tập 2. Truyện được kể từ nhân vật nào, ở ngôi nào ? Việc lựa chọn vai kể như vậy có tác dụng gì đối với sự thể hiện nội dung truyện ? ...

Giải câu 1, 2, 3, 4, 5 trang 72 SBT Ngữ Văn 9 tập 2. Truyện được kể từ nhân vật nào, ở ngôi nào ? Việc lựa chọn vai kể như vậy có tác dụng gì đối với sự thể hiện nội dung truyện ?

1. Truyện được kể từ nhân vật nào, ở ngôi nào ? Việc lựa chọn vai kể như vậy có tác dụng gì đối với sự thể hiện nội dung truyện ?

Trả lời:

   Việc lựa chọn vai kể ở ngôi thứ nhất, đồng thời cũng là nhân vật chính của truyện đã tạo thuận lợi cho tác giả miêu tả thế giới nội tâm nhân vật với những ý nghĩ, cảm xúc, hồi tưởng được hiện lên một cách trực tiếp qua lời nhân vật. Đồng thời, các biến cố, sự kiện, ngoại cảnh cũng được thể hiện qua cái nhìn và tâm trạng của nhân vật kể chuyện, nên có màu sắc chủ quan rõ rệt. Mặt khác, cách kể từ ngôi thứ nhất tạo được mối quan hệ gần gũi, thân mật giữa người kể và người đọc để dễ dàng chuyển tải nội dung tác phẩm đến người tiếp nhận.

2. Nhân vật Phương Định (nhân vật xưng “tôi” trong truyện) là một nữ thanh niên xung phong dũng cảm lại hồn nhiên, nhạy cảm và giàu mơ mộng. Em hãy làm rõ nhận xét trên bằng việc phân tích những chi tiết tiêu biểu của nhân vật này trong truyện.

Trả lời:

   Có thể tập trung phân tích một số đoạn thể hiện rõ những nét tính cách đã nêu của nhân vật Phương Định :

   - Đoạn Phương Định tự giới thiệu về mình ở phần đầu truyện ;

   - Đoạn tả Phương Định phá bom trên cao điểm;

   - Tình cảm và sự chăm sóc của Phương Định với Nho, khi người đồng đội bị thương.

   - Đoạn tả tâm trạng của nhân vật này khi thấy trận mưa đá.

3. Các nhân vật nữ thanh niên xung phong trong truyện có chung những phẩm chất gì và những nét gì là cá tính của mỗi nhân vật ?

Trả lời:

   Ba nhân vật nữ thanh niên xung phong trong truyện cùng sống và chiến đấu ở một vùng trọng điểm ác liệt trên tuyến đường Trường Sơn, cùng đảm nhận trách nhiệm của một tổ trinh sát mặt đường, với những công việc đầy nguy hiểm, luôn giáp mặt với đạn bom và cái chết. Ở họ có nhiều nét phẩm chất chung : tinh thần trách nhiệm cao đối với nhiệm vụ, lòng dũng cảm không sợ hi sinh, tình đồng đội gắn bó, niềm tin tưởng và lạc quan về cuộc chiến đấu. Ở họ còn có những nét chung của các cô gái trẻ : dễ xúc cảm, nhiều mơ ước, hay mơ mộng, dễ vui mà cũng dễ buồn, thích làm đẹp cho cuộc sống của mình, dù trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt. Dù rất gắn bó với nhau trong một tập thể nhỏ nhưng mỗi người vẫn có những nét cá tính riêng. Phương Định vốn là một cô học sinh thành phố, nhạy cảm và hồn nhiên, thích mơ mộng, hay hát và ngắm mình trong gương, hay sống với những kỉ niệm của tuổi thiếu nữ vô tư giữa gia đình và thành phố của mình. Chị Thao ít nhiều từng trải hơn, dự tính về tương lai có vẻ thiết thực, ít mơ mộng, nhưng cũng không thiếu những khát khao của tuổi trẻ. Chị chiến đấu dũng cảm, bình tĩnh nhưng lại rất sợ nhìn thấy máu chảy. Nho thích thêu thùa, có vẻ dịu dàng mà rất gan góc.

4. Điểm nổi bật trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của truyện ngắn này là miêu tả tâm lí nhân vật. Hãy phân tích một số đoạn miêu tả tâm lí nhân vật Phương Định để chứng minh cho nhận xét đó.

Trả lời:

   Tác giả tỏ ra am hiểu và miêu tả sinh động tâm lí của những cô gái thanh niên xung phong, mà tiêu biểu là nhân vật Phương Định. Tâm lí nhân vật này được diễn tả tự nhiên, sinh động qua chính lời bộc lộ của nhân vật, mà tập trung là ở các đoạn tự nói về mình, hồi tưởng về thời thiếu nữ ở thành phố quê hương, đoạn kể về tâm trạng và cảm giác khi phá bom. Dưới đây là sự phân tích tâm lí nhân vật trong cảnh ấy : tâm lí nhân vật Phương Định trong một lần phá bom đã được miêu tả rất cụ thể, tinh tế đến từng cảm giác, ý nghĩ dù chỉ thoáng qua trong giây lát. Từ sự cảm nhận về khung cảnh vả không khí chứa đầy sự căng thẳng đến cảm giác là các anh cao xạ ở trên kia đang dõi theo từng động tác, cử chỉ của mình, để rồi lòng dũng cảm của cô như được kích thích bởi sự tự trọng : “Tôi đến gần quả bom. Cảm thấy có ánh mắt các chiến sĩ dõi theo mình, tôi không sợ nữa. Tôi sẽ không đi khom. Các anh ấy không thích cái kiểu đi khom khi có thể cứ đàng hoàng mà bước tới”. Ở bên quả bom kề sát với cái chết im lìm và bất ngờ, từng cảm giác của con người cũng trở nên sắc nhọn hơn. “Thỉnh thoảng lưỡi xẻng chạm vào quả bom. Một tiếng động sắc đến gai người, cứa vào da thịt tôi. Tôi rùng mình và bỗng thấy tại sao mình làm quá chậm. Nhanh lên một tí ! Vỏ quả bom nóng. Một dấu hiệu chẳng lành”. Tiếp đó là cảm giác căng thẳng chờ đợi tiếng nổ của quả bom.

   Qua đoạn trên có thể thấy Lê Minh Khuê đã miêu tả cụ thể, chân thực tâm lí nhân vật, làm hiện lên một thê giới nội tâm phong phú và trong sáng.

5. Hãy nêu cảm nghĩ của em về các nhân vật nữ thanh niên xung phong trong truyện. Qua truyện ngắn này và những tác phẩm khác đã học cũng viết về cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, em hình dung và hiểu biết được gì về thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kì ấy ?

 Trả lời:

   Cần phân biệt phát biểu cảm nghĩ với phân tích nhân vật. Khi phát biểu cảm nghĩ về nhân vật, cần dựa trên những hiểu biết về nhân vật, nhưng cần nhấn mạnh vào ấn tượng, cảm xúc, suy nghĩ, nhận xét của em về nhân vật ấy. Em dựa vào sự phân tích các nhân vật ở bài tập 2 và 3 để từ đó nêu cảm nghĩ của mình. Có thể tập trung vào một số điểm :

   - Về hoàn cảnh sống và chiến đấu rất gian khổ, hiểm nguy của các nhân vật.

   - Về tinh thần tự nguyện đón nhận trách nhiệm với cuộc chiến đấu của các nhân vật, cũng là tinh thần và ý chí của cả thế hệ trẻ thời ấy.

   - Về những phẩm chất, tính cách cao đẹp và đáng yêu của các nhân vật nữ thanh niên xung phong trong truyện.

   - Về ý nghĩa của sự cống hiến, hi sinh, của cách sống đẹp và hết sức trong sáng, hồn nhiên của các nữ nhân vật trong truyện, cũng là hình ảnh tiêu biểu của thế hệ trẻ thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

   Mở rộng ra các nhân vật trong những tác phẩm khác để làm rõ thêm hình ảnh của thế hệ ấy (Ánh trăng, Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Chiếc lược ngà, Lặng lẽ Sa Pa,..).

Sachbaitap.com

0