27/04/2018, 22:58

Soạn bài Nhân vật giao tiếp - Ngắn gọn nhất

Soạn Văn lớp 12 ngắn gọn nhất tập 2 bài Nhân vật giao tiếp. Câu 1. Đọc đoạn trích (SGK-tr.18) và trả lời câu hỏi: ...

Soạn Văn lớp 12 ngắn gọn nhất tập 2 bài Nhân vật giao tiếp. Câu 1. Đọc đoạn trích (SGK-tr.18) và trả lời câu hỏi:

Câu 1. Đọc đoạn trích (SGK-tr.18) và trả lời câu hỏi:

a. Đặc điểm của các nhân vật giao tiếp trong hoạt động giao tiếp đã cho là:

- Về lứa tuổi: cùng độ tuổi với nhau (thanh niên).

- Về giới tính: khác nhau.

- Về tầng lớp xã hội: cùng tầng lớp, đều là những người nông dân.

b.

- Các nhân vật giao tiếp chuyển đổi vai người nói – người nghe rất nhịp nhàng trong khi người này nói thì người khác nghe. Sự luân phiên lượt lời là: mấy cô gái chờ việc – “thị” – Tràng – “thị”.

- Lượt lời đầu tiên của nhân vật “thị” hướng đến hai đối tượng. Lượt lời này gồm hai câu.

+ Câu thứ nhất “Có khối cơm trắng mấy giò đấy” hướng đến mấy cô bạn ngồi chờ việc với mình.

+ Câu thứ hai: “Này, nhà tôi ơi, nói thật hay nói khoác đấy?” hướng đến nhân vật Tràng.

c. Các nhân vật giao tiếp trên đều bình đẳng về vị thế xã hội kể cả lứa tuổi và tầng lớp xã hội.

d. Đầu tiên, họ có quan hệ xa lạ chưa hề quen biết nhau.

e. Những đặc điểm về vị thế xã hội, quan hệ thân sơ, lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp chi phối lời nói của các nhân vật:

- Có vị thế xã hội bình đẳng, gần nhau về độ tuổi và nghề nghiệp nên các nhân vật nói năng suồng sã, không câu nệ cách thức.

- Do sự khác nhau về giới tính nên các cô gái gọi Tràng là “anh”.

- Do xa lạ với nhau nên các nhân vật giao tiếp ít dùng các đại từ nhân xưng. 

2. Đọc đoạn trích (SGK, tr.19) và phân tích theo các câu hỏi nêu bên dưới.

a. Trong đoạn trích đã cho, có các nhân vật giao tiếp: bá Kiến, Chí Phèo.

    Đối tượng người nghe của những trường hợp bá Kiến nói:

- Lượt lời 1 và 2, bá Kiến nói với nhiều người nghe (các bà vợ của hắn; dân làng).

- Lượt lời 3 đến lượt lời 8, hắn nói với một người nghe (Chí Phèo).

- Lượt lời 9, hắn nói với hai người nghe (Chí Phèo và lí Cường).

b. Vị thế của bá Kiến đối với từng người nghe và sự chi phối của vị thế đó đối với cách nói và lời nói của hắn:

- Với các bà vợ, hắn là chồng, là người trên nên hắn “quát” các bà, ra lệnh cho họ “đi vào nhà” và mắng “đàn bà chỉ lôi thôi, biết gì?”.

- Với dân làng, hắn vẫn là một người có uy hơn, hắn nói “dịu giọng hơn một chút” nhưng ý tứ của câu nói là yêu cầu bọn họ giải tán, thậm chí trách: “Có gì mà xúm lại như thế này?”.

- Với Chí Phèo, bá Kiến hơn hẳn về vị thế xã hội, tuổi tác,… Nhưng trong trường hợp này, bá Kiến là kẻ bị kết tội. Bởi vậy, với Chí Phéo, bá Kiến hết sức nhỏ nhẹ, ân cần “khẽ lay mà gọi”, “thân mật hỏi”, “xốc Chí Phèo”… gọi Chí là “anh”

- Với lí Cường, bá Kiến là cha nên hắn có thể “quát” con. Mặt khác, hai cha con hắn là những kẻ “cùng hội cùng thuyền”, vì vậy, khi mắng con, hắn còn “đưa mắt nháy con một cái” hàm ý nhắc nhở con trong việc xử lí tình huống.

c. Đối với Chí Phèo, bá Kiến đã thực hiện chiến lược giao tiếp như nhau:

- Bá Kiến đuổi hết mọi người đi để dễ đối phó, lừa gạt Chí. - Bá Kiến “hạ nhiệt” cơn tức của Chí Phèo bằng cả hành động và lời nói. Hắn nói với Chí Phèo hết sức nhỏ nhẹ, ân cần.

- Bá Kiến nâng vị thế của Chí Phèo lên ngang hàng với mình: gọi Chí là “anh” – tỏ ý coi trọng Chí, coi Chí như bạn bè. Đặc biệt là chi tiết bá Kiến nhận là có họ với Chí Phèo.

- Bá Kiến kết tội lí Cường và yêu cầu lí Cường phải tiếp đón Chí Phèo”. Việc làm ấy thực chất là để lừa Chí Phèo.

d. Với chiến lược giao tiếp như trên, bá Kiến đã đạt được mục đích giao tiếp, hiệu quả giao tiếp rất tốt: Chí Phèo sau khi nghe bá Kiến nói mấy câu đã “càng thấy lòng nguôi nguôi”, “ngồi lên”. Những người nghe trong cuộc hội thoại với bá Kiến chỉ còn biết lặng lẽ làm theo tất cả những gì hắn nói. 

Luyện tập

Câu 1: Trong đoạn trích có hai nhân vật giao tiếp, đó là anh Mịch và ông Lí. Họ ở chung một làng nghĩa là có quen biết với nhau nhưng ông Lí có vị thế cao là chức sắc trong làng. Còn anh Mịch ở vị thế thấp, là hạng nghèo khổ, cùng đinh trong làng. Vị thế xã hội đã chi phối sâu sắc đến việc giao tiếp của các nhân vật trong đoạn trích trên.

- Anh Mịch có những điệu bộ hết sức đáng thương, tội nghiệp “nhăn nhó”; từ xưng hô “ông – con” tỏ ý hạ mình thật thấp mà nâng vị thế lí trưởng lên; cách dùng từ cũng tỏ ý hạ mình: “Lạy” (được dùng đến 4 lần), “Cắn cỏ con lạy ông trăm nghìn mớ lạy”,… liên tục sử dụng câu cầu khiến tỏ ý van xin thống thiết: “ông làm phúc tha cho con”,…

- Ông lí trưởng điệu bộ hách dịch, lạnh lùng, tàn nhẫn: “cau mặt, lắc đầu, giơ roi… dậm dọa”; xưng hô bỗ bã “tao - mày”; câu nói cộc lốc, cụt ngủn, vô tình: “Kệ mày”, “không được à?”, “Mặc kệ chúng bay”. 

Câu 2: Đoạn trích nằm trong truyện ngắn “Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu” của Nguyễn Ái Quốc. Va-ren là tên quan Toàn quyền mới nhậm chức ở Đông Dương, bản tính hắn vốn xảo trá, vô liêm sỉ. Đoạn trích là phần văn bản tưởng tượng kể về cảnh đường phố khi Va-ren đi qua: những tên đội Tây ra sức dọn đường, xung quanh người dân tha hồ bình luận, bàn tán về vị quan Toàn quyền mới.

- Viên đội xếp Tây là người Pháp, trong con mắt bọn thực dân Pháp khi ấy, người Việt Nam ta là kẻ “man di rọi mợ” cần được khai hóa văn minh.

- “Quan có cái mũ hai sừng trên chóp sọ! – Một chú bé con thầm thì”. Trong mắt một thằng bé con, vô tình, quan giống như một loài vật hai sừng không hơn.

-“Ồ! Cái áo dài đẹp chửa! – Một chị con gái thốt ra”.Qua câu nói đó, ta hiểu rằng, trong mắt người con gái ấy, quan hiện lên giống như một kẻ chải chuốt, lẳng lơn.

- “Ngài sắp diễn thuyết đấy! – Một anh sinh viên kêu lên”. Nhìn thấy quan Toàn quyền, anh sinh viên nọ nghĩ ngay đến việc quan sắp diễn thuyết. Chi tiết này hé lộ một đặc điểm khác của Va-ren: hắn chỉ là một tên ba hoa, khoác lác.

- “Đôi bắp chân ngài bọc ủng! – Một bác cu-li xe thở dài”. Câu nói của người cu-li xe thể hiện một góc cạnh khác của con người Va-ren: hắn là một kẻ dã man.

- “Rậm râu, sâu mắt! – Một nhà nho lẩm bẩm”. Những bậc túc học thường rất thâm thúy. “Rậm râu, sâu mắt!” là một thành ngữ chỉ kẻ thâm độc, xảo trá.

Câu 3:

a. Bà lão hàng xóm và chị Dậu tuy có sự khác nhau về tuổi tác (bà lão hàng xóm là người nhiều tuổi hơn) nhưng họ cùng tầng lớp trong xã hội. Mặt khác, họ lại là hàng xóm thân tình, yêu quý và thường xót lẫn nhau. Điều đó đã chi phối đến lời nói và cách nói của hai người.

- Bà lão “lật đật chạy sang”, khi về thì “vẻ mặt băn khoăn”, đó là dáng điệu của một người thật sự quan tâm, thương xót cho hoàn cảnh người khác.

- Cả hai đề cập đến hoàn cảnh khốn cùng của nhà chị Dậu, bà lão hỏi han chị Dậu rất chân tình, khuyên bảo đầy thiện ý. Ngược lại, chị Dậu nói với bà lão với vẻ đầy biết ơn và thật thà kể lại toàn bộ nỗi bất hạnh của gia đình.

- Cách xưng hô, lời gọi đáp của họ rất thân mật nhưng vẫn tỏ ý tôn trọng nhau. Bà lão gọi anh Dậu là “bác trai”, nói trống với chị Dậu, gọi chị Dậu “Này…”. Chị Dậu gọi bà lão là “cụ” tỏ ý tôn kính, đáp lời bà lão “Cảm ơn cụ”, “Vâng”…

b. Trong đoạn trích trên, sự tương tác về hành động giữa các lượt lời nói của hai nhân vật giao tiếp là: hỏi thăm – cảm ơn; hỏi thăm về sức khỏe – trả lời chi tiết; mách bảo – nghe theo; dự định – giục giã.

c. Lời nói và cách nói của bà lão hàng xóm và chị Dậu cho thấy đây là những người láng giềng tốt, tuy nghèo khó nhưng họ luôn luôn tối lửa tắt đèn có nhau, quan tâm nhau, đồng cảm nhau và lúc nào cũng sẵn lòng giúp đỡ nhau. Trong giao tiếp, ngôn ngữ sử dụng của họ thể hiện sự tôn trọng qua lại à ứng xử lịch sự với nhau: có thăm hỏi, khuyên nhủ, cảm ơn, nghe lời…

Click vào Bài tiếp theo > để xem bài soạn đầy đủ

soanbailop6.com

0