04/06/2017, 22:46

Soạn bài Ngữ văn lớp 12: Đất nước (Đọc thêm)

Soạn bài Ngữ văn lớp 12: Đất nước (Đọc thêm) của tác giả Nguyễn Đình Thi. Tác giả: - Nguyễn Đình Thi là một nghệ sĩ đa tài: làm thơ, soạn nhạc, viết tiểu thuyết, kịch và tiểu luận phê bình; ở thể loại nào cũng có đóng góp. Tuy nhiên, thơ vẫn là thể loại có những thành công nổi bật. - ...

Soạn bài Ngữ văn lớp 12: Đất nước (Đọc thêm) của tác giả Nguyễn Đình Thi.

Tác giả:
- Nguyễn Đình Thi là một nghệ sĩ đa tài: làm thơ, soạn nhạc, viết tiểu thuyết, kịch và tiểu luận phê bình; ở thể loại nào cũng có đóng góp. Tuy nhiên, thơ vẫn là thể loại có những thành công nổi bật.
 
- Thơ Nguyễn Đình Thi có phong cách nghệ thuật độc đáo: như lời nói thường mà dào dạt cảm xúc, vừa tự do phóng khoáng vừa hàm súc sâu lắng suy tư, có những tìm tòi theo xu hướng hiện đại về hình ảnh, nhạc điệu,... về chủ đề “đất nước”, Nguyễn Đình Thi có nhiều bài thơ được bạn đọc ghi nhận, yêu thích như Đất nước, Quê hương Việt Bắc, Quê hương Việt Nam (trong Bài thơ Hắc Hải).
 
- Có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của văn học Việt Nam hiện đại. Năm 1996, Nguyễn Đình Thi được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
 
• Tác phẩm: Đất nước (gợi ý tìm hiểu bài thơ)
 
Như thời gian ghi dưới tác phẩm (1948 - 1955), bài thơ Đất nước được tác giả ấp ủ, thai nghén trong 8 năm, gần như suốt chiều dài của cuộc kháng chiến chống Pháp, để đến những ngày chiến thắng kẻ thù, hòa bình lập lại trên miền Bắc nước ta, thì đứa con tinh thần ấy mới ra đời năm 1955. Cảm hứng về “Đất nước” đã được nhà thơ tích lũy, trải nghiệm sâu sắc trong cuộc kháng chiến của dân tộc để tạo ra một tượng đài Đất nước bằng thơ vừa đằm thắm, thiết tha vừa bất khuất, anh hùng và Đất nước ấy đã trưởng thành, tỏa sáng:
 
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa.
 
Cảm hứng thơ về “Đất nước” được bắt đầu từ một hoài niệm đẹp về mùa thu Hà Nội:
 
Sáng mát trong như sáng năm xưa
.........................
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.
 
Mùa thu đẹp và trong sáng nhưng có đượm chút buồn dịu nhẹ của “người ra đi” khi phải xa Hà Nội. Mạch thơ chuyển sang một mùa thu khác, mùa thu ở chiến khu Việt Bắc lộng gió với niềm vui phơi phới, rộn rã của những người kháng chiến:
 
Mùa thu nay khác rồi
..........................
Trong biếc nói cười thiết tha.
 
Chính ở thời điểm lịch sử này, nhà thơ đã có những cảm nhận thật thiết tha và sâu sắc về Đất nước:
 
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về.
 
Từ những cảm nhận này mà có những suy tư thật sâu lắng về gương mặt của Đất nước. Đó là một Đất nước đau thương trong chiến tranh hủy diệt của quân thù (“Ôi những cánh đồng quê chảy máu - Dây thép gai đâm nát trời chiều”) nhưng cũng là một Đất nước bất khuất, kiên cường trong chiến đấu chống xâm lăng. Nhà thơ đã phát hiện ra, đã nhìn thấy những phẩm chất cao đẹp của Đất nước mình: một Đất nước hiền hòa mà bất khuất, tình nghĩa mà anh hùng. Gương mặt Đất nước ấy được tượng hình trong hình ảnh người lính đánh giặc:
 
Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu
 
Và trong- một biểu trưng giàu ý nghĩa của quê hương Việt Nam:
 
Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu
Đã bật lên những tiếng căm hờn.
 
Đó là Đất nước của “những người áo vải, đã đứng lên thành những anh hùng” để làm nên một chiến thắng lừng lẫy giữa thế kỉ XX, đưa Đất nước ta lên một tầm cao mới:
 
Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa.
 
Chưa bao giờ gương mặt Đất nước lại tỏa sáng rạng rỡ như vậy trong thơ Nguyễn Đình Thi.

0