Soạn bài Mạch lạc trong văn bản SBT Ngữ Văn 7 tập 1
Giải câu 1, 2, 3, 4, 5 trang 20 SBT Ngữ Văn 7 tập 1. Tìm hiểu tính mạch lạc trong văn bản viết về phong cảnh làng mạc ngày mùa của nhà văn Tô Hoài (in ở trang 33-34, SGK). ...
Giải câu 1, 2, 3, 4, 5 trang 20 SBT Ngữ Văn 7 tập 1. Tìm hiểu tính mạch lạc trong văn bản viết về phong cảnh làng mạc ngày mùa của nhà văn Tô Hoài (in ở trang 33-34, SGK).
1. Hãy theo dõi một câu chuyện cổ được kể tóm tắt như sau :
Ngày xưa, trên hòn đảo Crét của Hi Lạp, nảy sinh một con quái vật đầu người mình bò vô cùng hung ác. Vua của hòn đảo đó đã phải cho xây một mê cung để nhốt nó vào trong. Tuy nhiên, hàng năm, vẫn có những nam nữ thanh niên thành A-ten bị cống nạp cho con quái vật kia ăn thịt. Để diệt trừ tận gốc tai hoạ, một người anh hùng tên là Tê-dê quyết đi vào mê cung...
Chắc em đoán ra ngay : chàng Tê-dê sẽ chiến thắng con quỷ dữ. Nhưng vẫn còn vấn đề : Tê-đê làm sao thoát khỏi mê cung, nơi đã vào thì không thể nào biết được lối ra ?
Chuyện kể rằng : Tê-dê may mắn được công chúa A-ri-an của hòn đảo đó đem lòng yêu dấu. Nàng công chúa ấy dã trao cho Tê-dê một cuộn chỉ, để khi vào mê cung, Tê-dê đi đến đâu thì sẽ gỡ dần cuộn chỉ ra đến đó. Và cuộn chỉ của A-ri-an đã giúp chàng nhận ra được con đường thoát khỏi mê cung sau khi giết xong quái vật.
Câu chuyện về cuộn chỉ A-ri-an trên đây có thể gợi cho em ý nghĩ gì về tác dụng của mạch lạc trong văn bản ?
Trả lời:
Hãy chú ý rằng, hình ảnh cuộn chỉ A-ri-an cũng có những tính chất phần nào giống với tính chất của mạch lạc được nêu trong SGK (cuộn chỉ ấy cũng được kéo ra thành dòng, theo Tê-dê tuần tự đi qua các nẻo của mê cung, tuần tự, thông suốt, không bị đứt đoạn).
Do đó, câu chuyện về cuộn chỉ A-ri-an có thể gợi ra ý nghĩ : Văn bản không mạch lạc thì cũng chẳng khác nào Tê-dê không có cuộn chỉ kia. Tê-dê sẽ không thể ra khỏi mê cung nếu không có cuộn chỉ của nàng công chúa đó. Tương tự thế, một văn bản sẽ có nguy cơ trở thành mê cung, nếu thiếu sợi chỉ đỏ xuyên suốt có tên là mạch lạc mà người đọc (người nghe) có thể nắm lấy và lần theo, để dần hiểu ra điều cốt lõi đã được người viết (người nói) gửi gắm trong văn bản.
2. Tìm hiểu tính mạch lạc trong văn bản viết về phong cảnh làng mạc ngày mùa của nhà văn Tô Hoài (in ở trang 33-34, SGK).
Trả lời:
Để làm được bài tập này, em cần phải :
a) Đọc kĩ văn bản để nhận ra ý tứ chủ đạo, xuyên suốt toàn bộ đoạn văn (sắc vàng trù phú, đầm ấm của làng quê vào lúc chớm đông, giữa ngày mùa).
b) Cách dẫn dắt ý tứ ấy theo một “dòng chảy” hợp lí : đầu tiên, giới thiệu bao quát về màu vàng trong thời gian và trong không gian ; tiếp đó, tả lại những sắc độ khác nhau trong từng sự vật, hiện tượng cụ thể trong thời gian và không gian đó ; cuôì cùng là nhận xét, cảm xúc chung. Nhờ có cái dòng chảy hợp lí, thông suốt ấy mà đoạn văn trở nên mạch lạc.
3. Bài tâp 1, trang 34, SGK.
Trả lời:
Cần xem xét kĩ : Tác giả muốn kể về chuyện gì là chính ? Cuộc chia tay giữa người bố với người mẹ, cuộc chia tay giữa bố mẹ và con cái, hay là cuộc chia tay của hai đứa trẻ và của hai con búp bê ? Chỉ khi nắm chắc điều đó, em mới có thể trả lời chính xác câu hỏi được nêu trong bài tập.
4. Hùng khoe với Tuấn rằng mình đã xem trước và có thể đọc thuộc lòng bài thơ Bạn đến chơi nhà của Nguyễn Khuyến trong SGK :
Đã bấy lâu nay, bác tới nhà,
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.
Cải chửa ra cây, cà mới nụ,
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
Ao sâu nước cả, khôn chài cá,
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
Đầu trò tiếp khách, trầu không có,
Bác đến chơi đây, ta với ta.
Tuấn cười bảo : Chỉ xét về mặt mạch lạc trong văn bản thôi thì cũng có thể chắc chắn rằng Hùng đã đọc sai. Dứt khoát nhà thơ phải nói không có cá thịt trước, rồi mới nói không có rau dưa sau ; do đó, hai câu “Cải chửa ra cây... mướp đương hoa" không thể nào đặt trước hai câu “Ao sâu nước cả... khó đuổi gà” như Hùng đọc được.
Em thấy ý kiến của Tuấn có lí hay vô lí ? Vì sao ?
Trả lời:
Dễ thấy rằng, trong bài thơ, sự thiếu thốn về vật chất được kể theo một trình tự tăng dần : Chợ ở xa, người có thể đi chợ lại vắng. Nhìn quanh trong nhà thì đã không có cá thịt, lại không có rau dưa, đến miếng trầu đãi khách cũng không có nốt. Nếu đã nói không có rau ăn rồi lại còn phân trần là mình cũng chẳng có thịt cá đâu thì thật vô lí và cũng … vô duyên. Một thi hào như Nguyễn Khuyến chắc chắn không thể để mình rơi vào tình trạng đó. (Đấy là chưa kể rằng, như sau này các em sẽ học, cách đọc của Hùng còn làm cho bài thơ trở nên sai luật.)
5. Một bạn nhỏ người Tuy-ni-di đã viết cho người mẹ của mình những lời thiết tha, đau đớn như sau :
Ôi mẹ, mẹ là nguồn gốc gây ra nỗi đau khổ của con, mẹ là nguyên nhân đẩy con đến cùng đường. Mẹ đã đẩy con thành đứa trẻ mồ côi, thật vậy, vì đứa trẻ mồ côi không phải là bố mẹ chúng đã qua đời... ; không, trẻ mồ côi là đứa con mà mẹ nó đã từ bỏ chức năng làm mẹ hay là đứa con mà bố nó bị ai đó chiếm đoạt. Mẹ, khi mà mẹ đã không có hạnh phúc trong cuộc sống với bố con và không chịu được sự chuyên chế của ông, mẹ đã hủy hoại đời con. Có phải con đã không đáng được mẹ hi sinh đời mình ?
Mẹ là người có lỗi với con, nhưng bỗng nhiên con lại quỳ gối trước mẹ để nói lên điều đó. Ôi mẹ, con đã đi lang thang, đã trở thành đứa trẻ lầm lỗi, nhưng con đã không chịu đựng được khi phải xa mẹ... Mẹ, con đã không chịu đựng nổi sự xa vắng mẹ... Con đang hướng tới mẹ như một người khát nước. Sao mà cuộc sống lang thang thật khắc khổ và sự cô quạnh thật cay đắng. Con sợ hãi sự xa cách này, mẹ thân yêu ạ, mẹ hãy viết thư cho con, viết cho con mẹ nhé, viết những dòng chữ chứa đầy niềm tin và tình thương... Mẹ hãy đợi cho đến ngày con có một địa chỉ...
(Theo Những bức thư đoạt giải UPU)
Có bạn cho đây là một bức thư không thật mạch lạc, vì hai ý trong bức thư này rời rạc, mâu thuẫn với nhau. Nhận xét như thế có đúng không ? Vì sao ?
Trả lời:
Đoạn thư nói đến hai tình cảm khác nhau, nhưng đều thể hiện một tình yêu chung, tình yêu đớn đau của đứa con bất hạnh đối với người mẹ đã bỏ rơi mình. Hai ý ấy gắn bó chặt chẽ với nhau trong một mối liên hệ ý nghĩa tương phản (đã được nói đến trong SGK).
Sachbaitap.com