27/04/2018, 15:45

Soạn bài Lưu biệt khi xuất dương SBT Ngữ văn 11 tập 2

Giải câu 1, 2, 3 trang 3 SBT Ngữ văn 11 tập 2. Viết một đoạn văn trình bày những cảm nhận của anh (chị) về hình ảnh nghệ thuật ở hai câu thơ cuối bài. ...

Giải câu 1, 2, 3 trang 3 SBT Ngữ văn 11 tập 2. Viết một đoạn văn trình bày những cảm nhận của anh (chị) về hình ảnh nghệ thuật ở hai câu thơ cuối bài.

1. Bài tập trang 5, SGK.

Viết một đoạn văn trình bày những cảm nhận của anh (chị) về hình ảnh nghệ thuật ở hai câu thơ cuối bài.

Trả lời:

Để phân tích hai câu thơ cuối bài, nên căn cứ vào nguyên tác và phần dịch nghĩa mới thấy hết vẻ đẹp của hình ảnh nghệ thuật này. vẻ đẹp lãng mạn hào hùng của nhân vật trữ tình thể hiện qua từng ý thơ trong bài, nhưng tập trung nhất ở hai câu này. Cần làm rõ mấy ý sau:

Hoàn cảnh đất nước ta mấy năm đầu thế kỉ XX và cuộc ra đi tìm đường cứu nước của Phan Bội Châu.

Tầm vóc của khát vọng, ước mơ.

Tư thế của con người trong mối tương quan với vũ trụ bao la, sóng gió biển khơi. (Chú ý hình ảnh “đuổi theo ngọn gió dài” và "ngàn đợt sóng bạc cùng bay lên”)

Đoạn văn sẽ hay hơn nếu như người viết thể hiện được những cảm xúc riêng trước sức lay động sâu xa và mãnh liệt của hai câu thơ này.

2. Theo anh (chị), quan niệm về lẽ sống - chết của Nguyễn Đình Chiểu (qua Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc) và của Phan Bội Châu (qua Lưu biệt khi xuất dương) có gì giống và khác nhau ? Giải thích tại sao?

Trả lời:

Yêu cầu của bài tập là dựa trên bối cảnh lịch sử từng thòi đại để tìm hiểu sâu thêm bài học tư tưởng mà các thế hệ cha ông đã để lại qua những áng thơ văn tiêu biểu. Có thể giải bài tập theo gợi ý sau :

a)  Khẳng định giá trị tư tưởng lớn của bài học về lẽ sống - chết thể hiện qua Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu và Lưu biệt khi xuất dương của Phan Bội Châu. (Giải quyết tương quan giữa sự sống - chết của cá nhân với lẽ nhục - vinh của cả dân tộc là một vấn đề thiết yếu của thời đại, liên quan đến sự tồn vong của đất nước)

b) Giải thích tại sao ở giai đoạn nửa cuối thế kỉ XIX, cha ông ta lại thiên về lựa chọn “Thà chết vinh còn hơn sống nhục”.

Chú ý bối cảnh lịch sử: Cuộc chiến còn đang ở thế giằng co giữa ta và địch, địch đánh và ta chống trả để bảo vệ hoặc giành giật từng tấc đất trong tay kẻ thù. Cuộc chiến đấu đang ở thời kì khốc liệt, một mất một còn.

Con người buộc phải đối mặt với sự lựa chọn như thê nào ? (Đánh Tây hay đầu hàng ? Chấp nhận cuộc sống nô lệ hay chiến đấu, hi sinh để bảo vệ độc lập, tự do cho dân tộc ?) Sự lựa chọn ấy sẽ quyết định vận mệnh của cả dân tộc.

Lẽ sống cao đẹp của thời đại được cô đúc trong lời thề quyết tử “Thà chết vinh còn hơn sống nhục” (tìm và phân tích một số câu tiêu biểu trong bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc).

c) Trong hoàn cảnh đất nước đầu thế kỉ XX, giữa cái sống và cái chết, ông cha ta thiên về khẳng định điều gì ?

Bối cảnh lịch sử: Tại sao Phan Bội Châu lại nói “Non sông đã chết” ?

Con người lúc này bị đẩy vào một hoàn cảnh sống như thế nào ? Cuộc sống đã an bài, con người còn có sự lựa chọn nào khác không ? (Đầu hàng số phận, cam tâm sống - chết trong vòng tủi nhục hay tìm một lẽ sống nào khác để có thể thay đổi số phận ?)

Một thời cơ mới, vận hội mới đang mở ra trước mắt, thôi thúc những người yêu nước bước lên con đường mới.

Phân tích các câu 1, 2, 3 và 7, 8 trong bài thơ để chứng minh, lúc này ông cha ta thiên về khẳng định một lẽ sống mới, sống hào hùng, oanh liệt chứ không chịu chết trong nô lệ, tối tăm.

d) Kết luận chung : Nhận xét về sự giống nhau và khác nhau của hai quan niệm về lẽ sống đó trên cơ sở tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta và bối cảnh lịch sử cụ thể của từng văn bản.

3. Anh (chị) cảm nhận được điều gì về nhà nho Phan Bội Châu khi đọc câu thơ trong bài: “Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si!” (Thánh hiền đã vắng thì có đọc sách cũng ngu thôi!) ?

Trả lời:

Yêu cầu của bài tập nhằm giúp HS hiểu sâu thêm về Phan Bội Châu, một nhà nho tiến bộ đã dám mạnh dạn dứt bỏ những tín điều cũ để vươn tới chân lí mới của thời đại. Có thể làm bài tập này theo gợi ý sau :

Vận dụng những kiến thức đã học về Phan Bội Châu để giải thích ông vốn là một nhà nhỏ (hoàn cảnh xuất thân, con đường học-hành, thi cử,...) nhưng đã sớm tiếp thụ những tư tưởng mới của thời đại (qua đọc các sách, báo nước ngoài đượt dịch ra tiếng Việt) 

Giải thích ý thơ “Hiền thánh liêu nhiên” (Thánh hiền đã vắng). Chú ý bối cảnh lịch sử những năm cuối thế kỉ XIX và bài học xương máu từ thất bại của phong trào Cần vương mà Phan Bội Châu đã nhận thức được bằng tư duy nhạy bén, mới mẻ và khát vọng cứu nước sục sôi của mình.

Thái độ phủ nhận quyết liệt, táo bạo đối với những tín điều xưa cũ của tác giả (có đọc sách cũng ngu thôi). Có thể phân tích thêm đây là một sự phủ định tích cực bởi tiếp theo đó là một sự khẳng định cũng táo bạo và quyết liệt không kém.

Kết luận : Có thể nêu những cảm nghĩ riêng của cá nhân khi đọc câu thơ này. (Sách mà nội dung tư tưởng cổ hủ thì đọc sách chỉ có hại. Đọc sách là cách tu dưỡng con người...)

Sachbaitap.com

0