Soạn bài lớp 10: Tổng kết phương pháp đọc - hiểu văn bản văn học
Soạn bài lớp 10: Tổng kết phương pháp đọc - hiểu văn bản văn học Soạn bài môn Ngữ văn lớp 10 học kì II Soạn bài: Tổng kết phương pháp đọc - hiểu văn bản văn học là tài liệu tham khảo hay được ...
Soạn bài lớp 10: Tổng kết phương pháp đọc - hiểu văn bản văn học
Soạn bài: Tổng kết phương pháp đọc - hiểu văn bản văn học
là tài liệu tham khảo hay được Vndoc.com sưu tầm. Bài soạn sẽ giúp bạn củng cố lại kiến thức về phương pháp đọc hiểu văn bản văn học thông qua việc giải các bài tập trong SGK. Mời các bạn tham khảo.
Soạn bài lớp 10: Luyện tập đọc - hiểu văn bản văn học
Soạn bài lớp 10: Đọc – hiểu văn bản văn học trung đại Việt Nam
Tổng kết phương pháp đọc - hiểu văn bản văn học
1. Kiến thức cơ bản
- Đọc - hiểu văn bản văn học, phải biết dựa vào ngữ cảnh văn bản, ngữ cảnh tình huống và ngữ cảnh văn học để xác định ý nghĩa của văn bản. Ngữ cảnh văn bản là tổ chức văn bản quy định ý nghĩa và giá trị của các thành phần tạo nên văn bản. Ngữ cảnh tình huống là tình huống cụ thể khi văn bản và ngôn từ xuất hiện. Ngữ cảnh văn hoá là bối cảnh kinh tế, xã hội, văn hoá mà người phát ngôn sống và sáng tác.
- Đọc - hiểu văn bản văn học, phải biết lấy tư tưởng chính của văn bản mà soi sáng mọi chi tiết của văn bản. Trong quá trình đọc, qua các chi tiết người đọc có thể dự đoán trước tư tưởng chính của văn bản và sau đó qua các chi tiết khác lại điều chỉnh dự đoán ban đầu, khi nào thấy có sự phù hợp giữa khái quát và tư tưởng chính với tất cả các chi tiết thì mới có thể coi là hiểu được tư tưởng của văn bản.
- Đọc - hiểu văn bản văn học, phải biết lấy kinh nghiệm sống của bản thân và những người xung quanh mà thể nghiệm ý nghĩa của văn bản. Muốn thể nghiệm, người đọc phải tưởng tượng, liên tưởng để "cụ thể hoá", "hiện thực hoá" các chi tiết trong văn bản.
- Đọc - hiểu văn bản văn học, cần tránh cắt xén văn bản, tránh suy diễn tuỳ tiện.
2. Rèn luyện kỹ năng
Câu 1. Hãy cho biết ngữ cảnh văn bản, ngữ cảnh tình huống và ngữ cảnh văn hoá của các tác phẩm: Phú sông Bạch Đằng (Trương Hán Siêu), Đại cáo bình Ngô (Nguyễn Trãi), các đoạn trích Truyện Kiều (Nguyễn Du).
Gợi ý trả lời:
- Ngữ cảnh tình huống của các bài Phú sông Bạch Đằng (Trương Hán Siêu), Đại cáo bình Ngô (Nguyễn Trãi) được thể hiện trong phần tiểu dẫn; ngữ cảnh tình huống của các đoạn trích Truyện Kiều (Nguyễn Du) được nói đến trong bài Truyện Kiều.
- Đọc lại toàn bộ các văn bản để tìm hiểu ngữ cảnh văn bản:
- Bố cục của các văn bản: Ý nghĩa của mỗi phần được thể hiện trong mối liên hệ ý nghĩa với các phần khác.
- Từ ngữ, hình ảnh,... trong văn bản đều chứa đựng liên hệ ý nghĩa với các từ ngữ, hình ảnh trong câu, đoạn và toàn văn bản.
- Ngữ cảnh văn hoá: Các điển cố, điển tích, động thái hoài cổ, hình ảnh ước lệ,... thể hiện đặc thù của văn hoá thời trung đại. Riêng các đoạn trích Truyện Kiều, việc xác định ngữ cảnh tình huống còn là xác định vị trí đoạn trích trong toàn bộ tác phẩm, trong mạch diễn biến cốt truyện.
Câu 2. Nêu mối liên hệ giữa tư tưởng chính và chi tiết trong các văn bản, đoạn trích: Cảnh ngày hè (Nguyễn Trãi), Trao duyên (Nguyễn Du), Thái sư Trần Thủ Độ (Ngô Sĩ Liên).
Gợi ý trả lời:
- Cảnh ngày hè: Cảm xúc về sức sống thiên nhiên và tấm lòng yêu cuộc sống được thể hiện ở các chi tiết miêu tả: Hoè lục đùn đùn, hoa lựu phun thức đỏ, hương sen ngát, lao xao chợ cá,...
- Trao duyên: Mối giằng xé đau đớn giữa ý thức về nghĩa vụ với ý thức, khát vọng sống của cá nhân thể hiện ra ở ngôn ngữ nhân vật, độc thoại nội tâm, các hình ảnh,...
- Thái sư Trần Thủ Độ: Các sự kiện, chi tiết đều nhằm khẳng định nhân cách trung trực, cứng cỏi, bản lĩnh của nhân vật Trần Thủ Độ trong việc giữ gìn kỉ cương, phép nước.
Câu 3. Cho biết các nhận định dưới đây đã thoả đáng hay chưa và giải thích lí do:
(1) Bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão thể hiện lí tưởng của người muốn lập công danh.
(2) Ở bài thơ Đọc "Tiểu Thanh kí" (Nguyễn Du), nhà thơ chỉ mượn hình ảnh Tiểu Thanh để biểu hiện chính mình.
(3) Đoạn trích Nỗi thương mình trong Truyện Kiều của Nguyễn Du chỉ thể hiện cảnh sống không đẹp chốn lầu xanh.
Gợi ý trả lời: Đối chiếu các luận điểm với nội dung đọc – hiểu đã học.
- Nhận định (1) đúng, nếu hiểu công danh là lập công trạng trong sự nghiệp giữ nước.
- Nhận định (2) không đầy đủ, Nguyễn Du trong Đọc "Tiểu Thanh kí" không "chỉ mượn chuyện Tiểu Thanh để biểu hiện chính mình" mà còn bộc lộ niềm thương cảm chung cho những kiếp tài hoa mệnh bạc.
- Nhận định (3) sai hoàn toàn, đoạn trích Nỗi thương mình diễn tả thân phận đau đớn, tủi nhục của Kiều ở chốn lầu xanh và ý thức về nhân phẩm của nàng chứ không phải "chỉ thể hiện cảnh sống không đẹp chốn lầu xanh"